Trang chính | Thơ | Văn | Tác phẩm | Ðọc thơ | Nhạc chọn lọc | Trang Phật giáo | Liên lạc
CON NGƯỜI LỊCH SỬ
Thư tòa soạn số 9, tháng 8.2012
Trong những giai đoạn suy vong, nguy biến cùng cực của Phật giáo, vẫn thường xuất hiện những bậc bồ-tát hóa thân, lấy lòng từ bi mà cảm hóa nhân tâm, tỏa trí sáng mà khai mở cho kẻ lầm mê, đem đức uy dũng mà đương cự ác đảng, tà đạo. Đón nhận tất cả khổ nhục mà không lời oán thán. Chịu đựng tất cả gian nguy mà lòng vẫn an nhiên. Nhìn chúng sanh bằng con mắt thương yêu của cha mẹ đối với con cái. Con ngoan, con hư, đều một lòng ân cần chăm sóc. Có khi phải đem cả sinh mệnh của mình để trang trải cho sự sống còn của đạo pháp.
Phật giáo cận đại và hiện đại, nói riêng về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trải qua bốn đời Tăng thống, thì Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang, là vị cao tăng trực tiếp đương đầu với thế lực ác, đứng trên đầu ngọn sóng mà lèo lái và bảo vệ con thuyền đạo pháp lúc nguy nan.
Năm 1992, khi Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu nằm xuống, Giáo hội dường như phải bị chôn theo, thì chính Hòa thượng Thích Huyền Quang, một mình giữa trùng vây của bạo lực, ứng khẩu thuyết minh về thực thể của Phật giáo trong lòng dân tộc, tuyên bố lập trường nhất quán của Giáo hội, để rồi từ đó, mở đầu con đường đấu tranh bất bạo động cho sự phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thời điểm ấy, con người ấy, chỉ có một trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Đến năm 2003 thì Giáo hội, qua Hội đồng Lưỡng viện trong nước và các hội đồng giáo phẩm tại hải ngoại suy tôn ngài lên ngôi vị Tăng thống. Ngôi vị cao tột ấy, không phải do công lao hay thành tích đấu tranh, hoặc do thời gian dài lâu phục vụ Giáo hội, mà chính là do nơi đạo hạnh sáng ngời của một bậc long tượng kỳ vĩ: trong thì hòa hợp lân mẫn với đồng đạo khắp nơi bằng giới đức và lòng khiêm ái; ngoài thì cảm hóa, chinh phục quần sinh bằng hạnh lợi tha và lòng bi mẫn; khi cần cứng cỏi thì sừng sững như núi, không gì lay đổ; khi cần uyển chuyển thì nhu thuận hiền hòa như nước chảy mây bay. Đối với người hiền hay kẻ ác, tiếp xử như nhau: chỉ bằng một lòng từ bi, trang trải cho muôn loài.
Đó là một con người lịch sử. Con người ấy, giai đoạn đầu, giai đoạn giữa, giai đoạn sau, có thể có những đổi thay theo thời gian và tâm lý xã hội, nhưng đạo hạnh thì không thay đổi. Đạo hạnh ấy vượt thời gian, vượt khỏi những ngôi vị, vượt khỏi những cơ cấu tổ chức. Đó là con người khi cất bước chân đi, là vươn đến phương trời cao rộng…
Vĩnh Hảo
TRỞ VỀ TRANG THƯ TÒA SOẠN CHÁNH PHÁP