Sư cô Minh Tịnh và 18 đứa trẻ mồ côi
 

(Dân trí) - Một ngày giữa tháng 10/2008, sư cô Minh Tịnh, trụ trì chùa Quan Châu (Đà Nẵng) tiếp một cô gái trên tay bồng một bé sơ sinh. Vào chùa, cô gái chỉ biết khóc và xin sư cô cho gửi đứa con mới 6 ngày tuổi, rốn vẫn còn chưa rụng...

Trao xong đứa bé cho chùa, cô gái bỏ đi mà không một lời từ biệt. Bé được sư cô Minh Tịnh đặt tên là Nguyễn Thị Phước Thảo. Đây là đứa trẻ thứ 18 mà sư cô Minh Tịnh đã nhận nuôi dưỡng từ trước đến nay.

Sau khi nhận đứa trẻ, sư cô Minh Tịnh đã đem cháu đến bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) để các bác sĩ xem lại sức khỏe vì lúc này cháu rất yếu, đồng thời sư mướn hẳn một người vú nuôi để chăm sóc bé.

 co Minh Tinh

Sư cô Minh Tịnh và bé Nguyễn Thị Phước Thảo

mới hơn 1 tháng tuổi. Ảnh: C.B.


Giữa tháng 11 vừa qua, cả chùa vui mừng tổ chức đầy tháng cho bé vì nhờ trời sau thời gian nuôi dưỡng, sức khỏe của bé Thảo tiến triển rất tốt. Nhìn khuôn mặt phúc hậu của bé với hai má phúng phính, đôi mắt đen tròn cười đùa cùng mọi người chắc không ai nỡ bỏ rơi con mình như thế nếu không vì một lý do bất khả kháng nào đó.

Năm nay sư cô Minh Tịnh vừa tròn 50 tuổi, ngôi chùa Quan Châu này đã được lập cách đây gần 70 năm với căn nhà cấp 4 hoang sơ xuống cấp trầm trọng. Năm 1996, sau khi học xong ở chùa Phổ Đà, sư cô Minh Tịnh về chùa Quan Châu này và trụ trì cho đến ngày nay.

Năm 1997 với sự đóng góp của đông đảo phật tử và người dân, chùa bắt đầu xây chánh điện, đến năm 2000 thì chùa hoàn thành. Cũng trong thời gian đó, sư cô tiếp nhận hai đệ tử vào chùa và một gia đình ở xã Đại Lãnh (Đại Lộc, Quảng Nam) nhờ cô nuôi hai đứa con của mình vì gia đình quá khó khăn không thể nuôi nổi, đến nay hai bé này đã học đến lớp 9.

 co Minh Tinh

Sư cô Minh Tịnh cùng các ni cô, đạo hữu và các bé ở chùa. (Ảnh: C.B)


Sau cơn bão Chanchu năm 2006 cướp đi sinh mạng của hàng chục ngư dân ở các vùng biển của Đà Nẵng và Quảng Nam, chùa tổ chức đợt cứu trợ từ thiện ở xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) cho những gia đình không may mắn, người dân trong vùng dẫn đến gửi cho sư cô Minh Tịnh hai cháu (bé Tư và bé Na) nhờ nuôi dưỡng giùm vì bố của hai bé này đã bị cơn bão nhấn chìm ngoài biển khơi, người mẹ mất sức lao động không thể nuôi hai bé ăn học. Thế là chùa có thêm hai nhân khẩu mới.

Nhiều mảnh đời khi được các sư nhận vào đây thật bi đát. Bé Thúy Ngân năm nay đã hơn 1 tuổi được sư cô nhận về từ lúc 5 tháng tuổi ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam) không biết cha là ai, mẹ bị bệnh nặng không có khả năng nuôi nên sư cô xin về. Bé Ngân hiện bị bệnh còi xương, thiếu máu và chưa biết đi.

Hoặc như bé Nguyễn Thị Xuân Quỳnh (xã Hòa Liên, Hòa Vang) cha bỏ nhà đi nơi khác, mẹ bị bệnh tâm thần nên phải về ở với ông ngoại nhưng tuổi cao sức yếu không đủ khả năng nuôi nên ông gửi bé vào chùa Quan Châu nhờ các sư nuôi dạy.

Đó là những trường hợp có nguồn gốc rõ ràng. Nhiều trường hợp bé bị cha mẹ bỏ rơi được người dân đem vào chùa nhờ sư Minh Tịnh nuôi dạy giùm khi còn đỏ hỏn. Đó là trường hợp của bé Nguyễn Phước Hiền khi vào đây còn chưa rụng rốn và cân nặng chỉ hơn 2kg. Đầu năm 2007, khi đi cúng ở chùa Sư Bà (quận Liên Chiểu), sư cô Minh Tịnh thấy một phụ nữ bịt kín mặt lẳng lặng để đưa bé còn đỏ hỏn dưới gốc cây rồi bỏ đi, sư đem về nuôi dưỡng chăm sóc đến nay đã được hơn 2 tuổi và khỏe mạnh chạy nhảy tung tăng trong sân chùa.

 Co Minh Tinh

  Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng ấm cúng tình người.

 

Khi nhận những trường hợp này, sư Minh Tịnh đã báo cáo với chính quyền địa phương và làm giấy khai sinh cho các bé. Đặc biệt, tất cả những đứa trẻ không biết nguồn gốc, quê quán hay cha mẹ đều được sư Minh Tịnh đặt cho một họ chung. Đó là họ Nguyễn, họ của sư Minh Tịnh. Sư Minh Tịnh cho biết: “Đi tu là phụng sự chúng sanh là phụng sự Phật, Phật dạy lo cho bá tánh, lo cho bá tánh là lo cho Phật”.

Mục đích của sư cô là tạo cho các cháu có tổ ấm, có ăn có học, nhận thức đúng đắn và đỡ gánh nặng cho xã hội. Vì thế với tâm nguyện của người đi tu, sư Minh Tịnh nhận nuôi những đứa trẻ này với tấm lòng “từ bi hỉ xả”. Sư cho biết những đứa trẻ này dù bị cha mẹ chúng bỏ rơi nhưng chúng đã có cái duyên được vào ở trong chùa, được nương nhờ nơi cửa phật. Đó là sự may mắn, nếu không những đứa trẻ này có thể không còn được lớn lên, không còn được vui đùa như những người khác.

Sư cô cho biết nguồn kinh phí nuôi các bé ở đây từ hai sào ruộng của chùa, rồi các sư trong chùa đi nấu đám tiệc thuê cho các chùa, đạo hữu gần xa cúng hoặc khách thập phương giúp đỡ, không có nhiều nhưng cũng đủ cho các bé có cuộc sống tạm ổn.

Trong 18 trẻ lớn lên đang ở chùa hiện có 5 bé dưới 2 tuổi, 2 bé đang học lớp 1; 2 bé đang học lớp 2; 1 bé không được bình thường. Ngoài ra còn có 2 cô đang học CĐ phật học tại SaiGon, 1 cô đang học Trung cấp phật học và học cấp 2, ấp 3 ở huyện Hòa Vang.

Khi nhận nuôi những đứa trẻ này, tâm nguyện của sư cô Minh Tịnh là lo cho chúng ăn học đến nơi đến chốn để sau này chúng có thể tự lo cho bản thân và có ích cho xã hội. Đặc biệt theo sư Minh Tịnh, khi có điều kiện sư cô sẽ đi tìm nguồn gốc, lai lịch của những đứa trẻ này dù không dễ dàng gì, vì “cây có cội, người có tông”. Khi lớn lên những đứa trẻ này có quyền được biết cha mẹ chúng là ai, quê quán ở đâu… “Có thể lớn lên chúng sẽ hận cha mẹ chúng”? Tôi hỏi sư Minh Tịnh nhưng sư bảo: “Vào chùa rồi thì khi lớn lên chúng sẽ từ bi hỉ xả”.

18 đứa trẻ với những hoàn cảnh đặc biệt khác nhau quy tụ về trong chùa với các sư như một đại gia đình cùng sinh hoạt, học hành cùng lớn lên giữa tình thương yêu bao la vô bờ bến của các sư.

Chào từ biệt những đứa trẻ và sư cô chùa Quan Châu. Ngoài trời mưa lạnh rét buốt. Tôi hy vọng với sự chở che bao bọc từ tấm lòng từ bi nhân ái của các sư cô trong chùa và cộng đồng, chắc chắn những đứa trẻ ở đây sẽ có một tổ ấm để chúng lớn lên và bước vào đời như những người bình thường khác.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 Sư cô Minh Tịnh, trụ trì chùa Quan Châu (xã Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng).

 

 

horizontal rule