VỀ MỘT VỊ THIỀN SƯ

Vĩnh Hảo

 

Tôi không có duyên may thân cận Sư. Chỉ qua những phật sự chung của giáo hội, được diện kiến Sư trong các buổi họp, hoặc đại hội. Cảm nhận sự hiện diện của Sư nơi đám đông, là người lặng lẽ nhất trong những người lặng lẽ. Ngồi nơi ghế cao mà thu mình lại như chưa hề ngồi đó. Đôi lần phát biểu thì ngôn ngữ cô đọng, kiệm lời, như chưa hề lên tiếng.

Một đôi lần ở bưu điện tại thành phố North Hills, thấy Sư ăn mặc đơn sơ, bộ vạt khách màu lam, lùi xùi, nhăn nhúm, quần ống cao ống thấp, như một thầy tu chùa làng. Người Sư nhỏ nhắn, nước da đen đủi, thấp thoáng hình ảnh của Thánh Cam-địa. Chắp tay chào thì được đáp lại bằng đôi mắt tinh anh và nụ cười chân tình rạng rỡ. Ở đó, tôi mở hộp thư của tôi, Sư mở hộp thư của Sư. Thư từ mới nhận, bỏ vào đãy; rồi lôi ra một túi ni-lông đầy những phong bì lớn gửi sách. Sư đứng xếp hàng chờ tới phiên. Thấp người nhất trong số những người xếp hàng. Nét mặt an nhẫn, hiền hòa. Gửi sách đi đâu nhiều thế, mà tuần nào cũng thấy có mặt tại bưu điện! Sau đó mới biết Sư gửi kinh sách cho những ngôi chùa, hoặc tư gia phật-tử ở các tiểu bang xa. Công việc cũng âm thầm lặng lẽ như việc dịch thuật, trước tác nơi thư phòng nhỏ của Sư tại Phật học viện. Công việc ấy, không khác việc kết kén nhả tơ, không ồn ào phô trương, của một nhà văn hóa. Một nhà văn hóa trong nhân dáng của một thầy tu; một thầy tu đơn giản, đạm bạc nhất trong số các nhà sư hành đạo lâu năm tại hải ngoại.

Con người văn hóa ấy, âm thầm lui tới mấy mươi tiểu bang bằng phương tiện xe buýt, thành lập trên năm mươi tự viện, đạo tràng, tổ chức Phật giáo. Không một người nào trước Sư và sau Sư có thể làm được việc này. Đây quả là một kỳ tích. Không chỉ là kỳ tích của văn hóa, mà còn là kỳ tích của hoằng pháp giáo dục.

Những năm gần đây, biết tôi đơn độc chủ trương một tờ báo Phật giáo, Sư tận tình chia sẻ, khích lệ, đóng góp từ bài vở đến tài chánh. Khi báo bị đình bản, Sư gọi điện an ủi và thảo luận tìm cách tục bản. Tình cảm và sự ân cần ấy, Sư không nói hết bằng lời nhưng tôi có thể cảm nhận được bằng tâm ý. Tôi cũng chưa hề bày tỏ được với Sư niềm tri ân của tôi. Thầy-trò chỉ âm thầm hiệp ý, cùng nhìn về hướng tương lai dài lâu…

Đến khi có biến động, lủng củng trong giáo hội, Sư tuyên bố với các đồng đạo là muốn qui ẩn, chỉ lo việc văn hóa, dịch thuật, giảng dạy. Cũng phải. Con người khiêm nhã, lặng lẽ ấy, làm sao mà thích hợp với những chấp tranh, thị phi, mâu thuẫn và thủ thuật xảy ra nơi những đồng đạo mà Sư từng tin tưởng, cộng sự… Những ngày ấy thật là buồn. Tôi biết Sư cũng buồn. Buồn cho sự suy vi của Phật giáo. Sư gọi điện thoại trao đổi, chia sẻ với tôi nhiều lần. Vẫn luôn nhắc nhở con đường văn hóa, giáo dục mà người con Phật phải làm, bất kể là xuất gia hay tại gia. Thế rồi, cái thế và cái duyên bảo vệ ngôi nhà của thầy-tổ đương kỳ mục rữa, đã đẩy đưa Sư trở thành đầu tàu của tổ chức giáo hội dù Sư đã năm lần bảy lượt từ chối. Trong cung cách mà Sư từ chối địa vị lãnh đạo hàng đầu của tổ chức giáo hội, ai cũng nhìn ra đạo hạnh cao vời của một bậc chân tu thời đại.

Rồi một tờ báo khác của Phật giáo lại được khai sinh trong thời buổi nhiễu loạn nhất của nền Phật giáo hải ngoại. Sư tận tình góp sức, thường xuyên khích lệ tôi và nhắc nhở mọi người yểm trợ, xem như đây là tiếng nói của tổ chức, cũng là biểu hiện tối thiểu mà người con Phật có thể làm để góp phần hoằng dương Chánh Pháp qua con đường của văn hóa, nghệ thuật. Báo ra được hơn hai  năm thì Sư ngã bệnh. Tôi được thăm Sư nơi giường bệnh tại chùa lúc Sư đã rời bệnh viện. Những lời cuối cùng mà Sư nói với tôi lúc đó cũng chỉ tập trung vào tờ báo. Sư bảo tôi yên tâm, tờ báo rồi cũng sẽ được tiến hành thuận lợi, sẽ có nhiều người hiểu được công việc của chúng ta, và họ sẽ ủng hộ.

Một tuần sau ngày đến thăm Sư nơi giường bệnh, tôi nghe tin Sư viên tịch. Sự viên tịch của Sư lại cũng là một kỳ tích. Khổ bệnh không lay động thân tâm. Điềm nhiên sắp xếp dặn dò các thứ. Đưa tay vẫy chào với đồng đạo lần cuối trong tiếng niệm Phật hộ niệm của đại chúng. Thở hơi cuối cùng thật nhẹ, rồi đi. Phong thái tự tại này, nếu không phải bậc thiền sư đạt đạo, không dễ gì có được.

Tang lễ Sư diễn ra trọng thể. Tăng Ni và phật tử kính viếng rất đông đảo. Tôi đến đảnh lễ Sư mà bỗng thấy đời mình sao trống rỗng, hụt hẫng chi lạ. Tôi muốn nói, muốn viết chi đó về Sư mà không viết được. Suốt gần một năm trời, bây giờ đã giáp năm, sắp đến lễ tiểu tường, tôi mới viết được những giòng này.

Có lẽ không cần phải tán thán ca tụng đường bay của hạc trắng ngang qua từng không. Có lẽ cũng không cần ghi lại dấu tích của một thiền sư, vì tất cả dấu tích đều huyễn mộng. Tôi chỉ muốn nói một điều thật chân tình: đã lâu rồi từ khi rời nước hơn hai mươi năm trước, tôi không còn cơ hội đảnh lễ một vị tăng mà lòng dấy lên sự tôn kính như đảnh lễ Phật. Nhưng trong tang lễ năm rồi, tôi đã được đảnh lễ kim quan của Sư trong sự tôn kính đó.

 

Kính dâng Thiền Sư Thích Trí Chơn nhân Lễ Tiểu Tường,

 những ngày cuối năm Tân Mão.

 

 

 

 

 

 


 

 

Trở về trang chính

Trở về trang Văn Học Phật Giáo