NHÃ CA

 

 

 

Sinh tại Huế, 1939. Từ 1960 tới 1975, sống tại Saigon, đã xuất bản 36 tác phẩm, gồm nhiều tiểu thuyết, bút ký "Giải Khăn Sô Cho Huế" và tập thơ "Nhã Ca Mới."

Sau khi Saigon sụp đổ năm 1975,  Nhã Ca là nhà văn nữ duy nhất có tên trong sách "10 Biệt Kích Văn Hoá" do nhiều tác giả, học giả Cộng Sản cùng viết. Bà cũng là nhà văn nữ duy nhất bị cầm tù, trong cuộc hành quân lớn của công an cộng sản bắt giam các nhà văn, nhà báo miền Nam Việt Nam. Sau đó,  được mô tả  thành "nhân vật phản diện" trong tiểu thuyết điệp báo đăng nhiều kỳ trên báo Công An, rồi được in thành sách, dựng thành phim "Vụ Án Hồ Con Rùa".

Từ tháng 9-1988, cùng chồng là Trần Dạ Từ và các con rời Việt Nam sang Thụy Điển, nhờ sự can thiệp của P.E.N International và sự bảo lãnh trực tiếp của Thủ Tướng Thụy Điển Ingvar Karlsson.

Từ 1992, định cư tại California, tiếp tục viết văn làm báo, chủ nhiệm sáng lập hệ thống Việt Báo Daily News tại Hoa Kỳ.

 

Sách Đã In:

 

* Việt Nam, 1962 – 1975:

Thơ: Nhã Ca Mới. Thơ Nhã Ca. Văn: Đêm Nghe Tiếng Đại Bác. Đêm Dậy Thì. Bóng Tối Thời Con Gái. Khi Bước Xuống. Xuân Thì. Người Tình Ngoài Mặt Trận. Sống Một Ngày. Mưa Trên Cây Sầu Đông. Một Mai Khi Hòa Bình. Tình Ca Cho Huế Đổ Mát. Đoàn Nữ Binh Mùa Thu. Phượng Hoàng. Giải Khăn Sô Cho Huế. Tình Ca Trong Lửa Đỏ. Chiến Tranh Trong Thành Phố. Mùa Hè Rực Rỡ. Lăn Về Phía Mặt Trời. Đời Ca Hát. Cổng Trường Vôi Tím. Tòa Bin Đinh Bỏ Không. Dạ Khúc Bên Kia Phố. Đám Tang Cá Voi. Cô Hịp Py Lạc Loài. Tuổi Hồng Vỗ Cánh. Mộng Ngoài Cửa Lớp. Trưa Áo Trắng. Trăng Mười Sáu. Yêu Một Người Viết Văn. Hiền Như Mực Tím. Bầy Phượng Vỹ Khác Thường. Ngày Đôi Ta Mới Lớn. Bé Yêu. Bước Khẽ Tới Người Thương. Chuyện Đôi Ta. Ngày Thơ Tình Thơ. Đừng Khinh Tuổi Mười Lăm.

 

* Hải ngoại, từ 1989:

Thơ: Nhã Ca Thơ. Văn: Hoa Phượng, Đừng Đỏ Nữa.  Saigon Cười Một Mình. Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng.  Chớp Mắt Một Thời. Đường Tự Do Saigon.

 

* Sách tái bản tại hải ngoại:

Giải Khăn Sô Cho Huế. Mưa Trên Cây Sầu Đông. Cổng Trường Vôi Tím. Ngày Thơ Tình Thơ. Trăng Mười Sáu.

"Les Canon tonnent la Nuit", Éditions Philippe Picquier, Paris (Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, bản Pháp ngữ của Liêu Trương)

 

 

a

 

 

 

Tiếng Chuông Thiên Mụ

 

Tôi lớn lên bên này sông Hương

Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ

Cây trái Kim Long, sắt thép cầu  Bạch Hổ

Cửa từ bi vồn vã bước chân sông

Mặt nước xanh trong suốt tuổi thơ hồng

Tháp cổ chuông xưa sông hiền sóng mọn

Những đêm tối bao la những ngày tháng lớn

Những sáng chim chiều dế canh gà

Tiếng chuông buồn vui dợn thấu trong da

Người với chuông như chiều với tối

 

Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi

Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông

Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn

Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy

Tiếng chuông đến và đi chỉ mình tôi thấy

Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan

Tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em

Tiếng chuông tan rời như lệ mẹ hiền

Tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố

Tiếng chuông tan dài như đêm không ngủ

Tiếng chuông tan tành như tiếng vỡ trong tôi

 

Từ dạo xa chuông khôn lớn giữa đời

Đổi họ thay tên viết văn làm báo

Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo

Cửa từ bi xưa mất dấu đứa con hư

Tháp cổ chuông xưa, sông nhỏ sương mù

Giòng nước cũ trong mắt nhìn ẩm đục

Con đường cũ trong hồn nghe cỏ mọc

Chuông cũ giờ đây bằn bặt trong da

Tuổi hồng sa chân chết đuối bao giờ

Ngày tháng cũ cầm bằng như nước lũ

 

Nhưng sao chiều nay bỗng bàng hoàng nhớ

Tiếng chuông xưa bừng sống lại trong tôi

Tiếng chuông xưa kìa tuổi dại ta ơi

Chuông oà vỡ trong tôi nghìn tiếng nói

Những mảnh đồng đen như da đêm tối

Những mảnh đồng đen như tiếng cựa mình

Những mảnh đồng đen như máu phục sinh

Những mảnh đồng đen kề nhau bước tới

 

Tôi thức dậy rồi đây chuông ơi chuông hỡi

Tôi thức dậy đây tôi thức dậy rồi

Thức dậy thực sự rồi

Thức dậy cùng giông bão

Thức dậy cùng tan vỡ

Thức dậy cùng lịch sử

 

Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay

Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay

Trên mặt nước trên mặt người mặt lộ

Cho con trở về đứng mê sảng ngó.

 

Saigon, 1963

 

 

oOo

  

 NHỚ ÔN .  LẠY PHẬT

 

(Trích Nhã Ca Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng, Thương Yêu 1991, Hoa Kỳ)

 

 

Nhà tù lớn còn mênh mông.  Hồi ký Một người Mất Ngày Tháng tạm dừng ở mùa xuân 1979.  Con đường phải đi của từng người, của tất cả, còn dài.

Tháng 5 – 1985, công an Cộng sản tấn công chùa Già Lam, bức tử các Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Thích Thanh Trí, bắt giam các tu sĩ học giả danh tiếng Đức Nhuận, Trí Siêu, Tuệ Sỹ cùng nhiều Tăng Ni Phật tử khác.

Còn nhớ, trước những tròng tréo oan nghiệt của thời thế, Hòa Thượng Thích Trí Thủ có lần bảo tôi:

“Thầy chỉ là một ông thầy tu bình thường, đâu đã dứt bỏ được hết Nghiệp.  Cứ để Thầy trả nghiệp.”

Một lần khác, cùng quẫn trước thiên la địa võng của số phận bủa vây, tôi tìm tới, Hòa Thượng lại dạy:

“Lạy Phật đi, con.”

Thưa Ôn.  Lời Ôn dạy con hằng ghi nhớ.  Mà lòng sao thật chưa thanh thản khi nhớ Ôn, lạy Phật.

 

1.  Giấc mơ

… Cảnh quen quá.  Chùa Báo Quốc đây mà.  Mấy chục bậc cấp, leo muốn hụt hơi.  Ông cụ ăn mày cao lêu đêu, mặt dài, miệng méo, thường chỉ ngồi trước chùa vào những ngày lễ lớn, hôm nay cũng còn ngồi đó.  Rõ ràng, tôi nhìn thấy ông cụ lúc đứng ở dưới bậc cấp thấp.  Vậy mà leo tới nơi, ông cụ biến đâu mất.

Tam quan, cửa giữa đóng chặt.  Lách vào cánh cổng nhỏ bên phải.  Gió reo bài gì mà cây cối trong dân chùa dào dạt.  Từng chùm nhãn vẫy gọi rối rít.  Thoáng bóng thầy Giám Đốc, áo cà sa xám, chắp tay sau lưng.

Hòa Thượng Thích Trí Thủ, hồi còn làm Giám Đốc chùa Báo Quốc, mảnh khảnh, gầy, nụ cười, ánh mắt còn sắc quá.  Thời ấy, trái tim thầy Giám Đốc chắc chưa đủ chỗ cho Phật ngồi đâu.

Khúc nhạc cỏ tranh vẫn vi vu. Ở mô rứa? Bên góc trái, khu đất mênh mông, tháp các vị sư già, mới cũ, chìm khuất trong cây cối, cỏ tranh, cỏ lùng.  Mùi trầm hương thoang thoảng. Còn trái mít hái trộm, bỏ quên trong lùm cỏ sau một ngọn tháp từ năm xưa mô rồi?  Sao không thấy mùi mít chín?  À, trái mít còn non, chắc chẳng chín nổi.

Đứt mất một đoạn. Không nhớ. Cảnh đổi. Bây giờ lại là chùa Già Lam. Đúng Già Lam mà.  Kìa tượng Đức Quán Thế Âm đứng giữa hồ nước.  Bên hồ cây liễu rũ thướt tha. Ủa, sao trên mỗi cành liễu lại nở từng chùm bông phượng. Đi tìm Ôn thôi.

Đẩy cánh cửa nhỏ, leo mấy bậc thang hẹp.  Vắng tanh. 

Không ai nằm mà cái võng đung đưa.  Bình trà không có tay ai cầm, mà tự động nhấc lên, rót nước xuống tràn hai miệng chén hột mít.  Đôi dép rơm nằm ngay ngắn dưới chân tấm đi văng gỗ.  Gối vải ngũ sắc, tấm vải vàng lót lưng nằm độn bông gòn mỏng.  Phương trượng, tràng hát treo ở góc cột.  Ôn ở đâu quanh đây.  Đi tìm. Kìa, Thầy Trí Quang ngồi bên bàn đá, đánh cờ tướng một mình.  Lạ.  Sao tới nơi lại không thấy đâu nữa?

Chuông mõ. Nghe rồi. Chạy vù lên điện Phật. Vắng ngắt.  Ai đã tụng Kinh, gõ mõ? Không. Chỉ có một cỗ quan tài nằm ngay ngắn, phủ Đạo Kỳ. Hàng trăm ngọn nến, trên các bàn thờ Phật, trên trần nhà, bay lơ lửng. Thầy Thiện Minh đã được đưa về đây à?  Ôn mô?

Phải tìm cho được. Ôn ơi. Ôn ơi. Bàn tay vô hình nào kéo tôi lại sát áo quan. Thay đổi quần áo bao giờ vậy? Áo cà sa, khăn mầu khói hương, miếng vải tang mầu vàng ghim trước ngực.  Quan tài lơ lửng trên mặt đất, giòng nến lơ lửng bay theo. Mưa.  Không phải mưa. Nước mắt đầm đìa khi thức dậy.

Chỉ là một giấc mơ thôi.

Sáng, kể lại cho các con nghe, Sớm Mai cười:

“Phải rồi, Tết, Ôn cho thầy Hải xuống nhắn mà Mẹ chưa lên Chùa. Giấc mơ nhắc Mẹ đó.”

Nhớ buổi trưa mùng Hai, thầy Hải xuống nhà, lôi bị lát ra bốn cái bánh chưng, hai hộp mứt sen, một hộp mè xửng Huế.

“Ôn gửi cho chị đó. Ôn nhắc sao mùng Một không lên Chùa lạy Phật. Đây nữa nì. Tiền Ôn lì xì. Hên chưa. Năm ni hên nghe.  Mùng bốn Ôn đi Huế.  Lên thăm Ôn đi.”

Mùng bốn, rồi hết tháng Giêng, tháng Hai.

Đến hôm nay, vẫn chưa lên thăm Ôn được. Ôn đi Huế chắc đã vô rồi.

Cháu Milou, bạn của Sớm Mai, nói chen:

“Mơ mặc tang phục là điềm lành. Sinh dữ tử lành đó nghe dì. Chắc sắp có tin vui…”

Con bé nói lấp lửng. Điềm lành. Có hy vọng à? Rồi một ngày nữa bắt đầu đây. Mở cửa hàng, mấy đứa nhỏ nấu nước đường, nhặt rau má. Từ ngày mấy mẹ con liều mạng trở về giành lại căn phố cũ, đối với phường khóm, Sớm Mai đứng tên bán rau má, trái cây xay. Tôi chỉ thủ vai phụ với lũ nhỏ.

Lúc đi chợ, vừa ra khỏi nhà, đã thấy bà Tư bán thuốc lá lề đường đưa mắt, nháy nháy. Ghé vào mua thuốc. Bà Tư vừa thối tiền vừa nhỏ giọng:

“Cô coi chừng. Có người theo dõi. Mấy ngày nay rồi. Đi chợ hả cô Hai, mua dùm tui mấy miếng tàu hủ, cô Hai.”

Người đàn ông đứng dựa lưng vào cánh cửa nhà hàng Continental, đeo kính đen, nhìn sang phía nhà sách ngoại văn và tiệm thuốc tây quốc doanh số 10, làm như không hề thấy tôi đi qua, cười cười nói nói với một anh Cheng bảo vệ nhà hàng, chia nhau thuốc lá.

Bước tới một bước. Bước lùi một bước. Mọi khoảng cách đều được đo đếm. Biết vậy, nhiều hôm bực mình, tôi đi lui đi tới, thả bộ suốt đường Đồng Khởi, đụng bến Bạch Đằng, đi ngược trở lên. Thả bộ ra tới chợ Bến Thành, đi ngược về nhà. Cho con mắt rình mò kia phải căng ra. Vậy thôi. Chắc chẳng có gì đâu. Lâu lâu vẫn vậy.

Ba tháng trước, một vụ xét nhà, ván sàn bị cậy lên, khoảng tường vôi nào cũng được gõ tới.  Giấy vụn được đổ vào thùng giấy đem về sở công an. Cái thùng rác giấy vệ sinh bên cạnh cầu tiêu, có được đổ đem theo không nhỉ?  Không nhớ.

Trong ngày, vài lần tôi nhớ lại giấc mơ.

Năm ngoái, những tháng cuối năm, mới cằn nhằn Ôn đó.  Vẫn là vụ tranh chấp cái nhà.  Hết phường, quận, sở nhà đất, lại tới dân mánh mung làm ăn với cán bộ.  Muốn yên phải dọn lên lầu, nhường nhà dưới để làm “vệ tinh kinh doanh.”  Chữ với nghĩa là gớm.  Dùng áp lực phường, không xong, dân làm ăn quen biết nhờ đến sự thu xếp của Hòa Thượng.

“Mần răng chừ con, tụi này dữ đó, muốn hất con ra khỏi nhà.  Nghe nói họ có thế lực ông Lê Quang Chánh, phó chủ tịch thành phố.”

Tôi nói:

“Chánh tà gì con cũng chẳng sợ. Ôn cứ nói với họ Ôn chỉ dạy con về chuyện Đạo, còn chuyện đời Ôn không biết. Ôn cứ để con. Con biết cách thu xếp…”

Cứ nhớ lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia… Lâu quá không thấy thầy Hải ghé… Cũng lâu rồi, mải lo đối phó với những bất trắc trong cuộc sống, quên lễ Chùa, thăm Thầy.  Phải chỉnh đốn lại mới được.  Cuối tuần, nhất định lên Ôn.

Buổi chiều, ế hàng tới độ muốn xây xẩm. Rồi cũng có quý nhân. Cô bạn thân còn đi dạy học, lương ba cọc ba đồng, nhưng tới ngày lĩnh lương đều phải ghé quán ủng hộ.

“Chưa mất dạy thì còn tới đây ăn ly kem, uống ly rau má.  Còn mời mi nữa.  Oai chứ răng không oai.”  Cô bạn thường vui vẻ đùa vậy.  Hôm nay, sao nụ cười đâu mất?

“Không uống. Tao phải đi liền chừ. Me đang khóc ở nhà.”

“Hả? Me làm sao?”

Bà mẹ của bạn, được cả bọn bạn bè yêu quý. Tôi cũng gọi như bạn, là me nữa.

“Ôn Trí Thủ chết rồi.”

“Tầm bậy.”  Tôi la lên.

“Chết rồi. Khỉ. Mi chẳng biết chi hết. Chuyện cả Saigon đồn ầm lên mà mi răng ngơ ngơ chẳng biết ất giáp chi? Coi cái mặt tề. Thì chết đêm qua, mười giờ đêm.”

“…?”

“Dũng thư viện… nhiều lắm.  Lúc họ đưa Ôn về, thấy cảnh chùa tan hoang, nghe nói Ôn hộc ra từng bụm máu. Xe công an đưa Ôn vô bệnh viện Thống Nhất, Ôn chết tại đó lúc 10 giờ đêm.  Xác đưa về Già Lam rồi. Nghe nói sau giờ chiều nay liệm. Thầy Thanh Trí ngoài chùa Bảo Quốc ở Huế được phép vô chủ trì tang lễ.  Vân. Nghe tao dặn ni, mi đừng có lên Chùa lúc này. Công an gác đầy ngõ, không cho ai ra vô… Ê, Vân. Mi bình tĩnh chút coi…” Chuyện dài lắm, để tóm tắt.  Hôm qua, công an tới mời Ôn đi họp, rồi vây Chùa, bắt các thầy Tuệ Sỹ, thầy...

Tôi có làm gì đâu.  Tôi chỉ ngó Túy.

2.  Đường phố, nhớ.

Xe qua Cầu Bông, qua Lăng Ông. Quẹo trái. Bên phải, số 4 Phan Đăng Lưu. Hai cánh cổng hiền lành như cổng trường học kia. Đừng tin. Trại tù đấy. Góc ngã tư, nối đường Nơ Trang Long, miếng đất um tùm cây cối, lơ thơ mấy ngôi mộ cổ, nghe nói vừa mới bị quật lên. Mộ mấy ông tướng quân. Nhà nước tịch thu được khá của cải, quạt bằng vàng, nghe nói có cả mấy bộ bài tứ sắc làm bằng vàng nữa.

Đường Lê Quang Định đây rồi. Tới ngã tư kia, quẹo trở xuống, nhìn thấy hai cái château d’eau cao nghều. Xuống nữa, cũng ngã tư, là bến xe lam, chợ Cây Quéo, đường Hoàng Hoa Thám, Ngô Tùng Châu.

Kìa, khu vườn nhà cũ đã mở cửa ra phía Ngô Tùng Châu, số 61A.  Ngoài cổng, treo cái bảng vàng, giòng chữ đỏ:  Hợp Tác Xã Mây Tre Phú Vinh.  Phường 2.  Quận Bình Thạnh.  Cha mẹ bị bắt bỏ tù, trẻ con bị cướp nhà, xô ra đường. Những năm đầu, tương chao nhà chùa có góp phần nuôi sống lũ trẻ. Thỉnh thoảng thầy Hải đạp xe đi tìm lũ nhỏ, giúi cho ít tiền, hũ chao, chai tương.  Của Ôn tiếp cho đó.

Đâu có hoa mắt mà căn nhà quay vòng, cả khu vườn cũng quay nữa.  Sân cỏ,  cây khế, cái chòi tranh xây bên cạnh hồ nước.  Nước chảy róc rách từ khe đá xuống. Ôn thích ngồi bên khúc cây cưa ngang dùng làm ghế, bên trong nhà chòi, uống trà. Ôn thích cây liễu rũ bên hồ. Đã chiết ra mang xuống Chùa trồng ngay bên hồ cá, ở sân trước Điện Phật. 

Cổng vô khu vườn nhà ngày nào, còn rõ hình ảnh Ôn, lững thững đi bộ từ Già Lam xuống, tay cầm túi cam.

“Thằng bệnh phải không?”

Nhớ bữa nào, Hòa Thượng ôm thằng cháu bé trên hiên nhà, giảng giải, sau khi cháu bị Bố phạt nhốt trong phòng.

“Con đã thấy mất tự do, bị giam hãm là khổ chưa?”

Con chim két nuôi trong lồng mấy tháng được thằng bé thả ra, không chịu bay xa, cứ quanh quẩn trên cây khế, cây vú sữa.

Xích lô qua ngã ba Ngô Tùng Châu. Nhớ nữa. Lên Chùa, tụi nhỏ về kể, Ôn nuôi một con chó què một chân, một con gà què một chân. Lúc Ôn tụng kinh, đi vòng quanh điện Phật, Ôn bước một bước, con chó bước theo cà nhắc một bước, con gà nhảy cà nhắc một bước ở đằng sau. Mấy chú trong Chùa nói, có con chuột phá quá, mấy chú bắt, đem lên thả ở xa lộ, rồi nó cũng tìm đường mò về để nghe Kinh. Mấy chú làm dấu, bắt thả nhiều lần, nó vẫn tìm về được. Bây giờ sợ bị bắt, nó vào trốn trong phòng Ôn, Ôn không cho bắt đem đi nữa.

Mới đây thôi, tụi nhỏ lại vừa kể, có con nhồng bị ai bẻ què cả hai chân, cắt trụi cánh, vất ngoài đường. Ôn mang về nuôi, dạy và chăm sóc kỹ lắm. Nó biết đọc Kinh, niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Để nó sống gần thiên nhiên, Ôn treo lồng chim vào cành mận trước sân Chùa. Tụi nhỏ trong xóm vô chơi, dạy bậy bạ. Con nhồng hễ thấy người là kêu: ĐM bác Hồ.  Ôn phải đem nó ra tuốt góc vườn sau bếp giao cho mụ Cửu giữ.

Lại nhớ Vũ Hoàng Chương.

“Con còn nhớ không, buổi Thầy gọi vợ chồng con lên gặp cụ Vũ.”  Tôi nhớ.  Bữa cơm chay đạm bạc có cả cụ Vũ Văn Mẫu.  “Con có gặp cụ bà Vũ Hoàng Chương không? Từ ngày ông cụ đi tù rồi mất, không biết cụ bà sống ra sao?”

Lâu rồi, Ôn sai hỏi thăm tin tức về bà Vũ. Vẫn chưa hỏi được.

Mấy giờ rồi? Sáu giờ hôm nay làm lễ nhập quan. Coi đường phố, vẫn cái vẻ bình thường hằng ngày. Xe qua Chùa Dược Sư, tới đằng kia nữa. Chùa chiền nào cũng vắng như chùa Bà Đanh. Có phải tin đồn nhảm, chuyện buồn cười không? Có gì đâu nào. Trời chiều. Gió. Bầu trời vẫn mênh mang. Nhịp sống vẫn đều đặn. Lát nữa, xe đi vào cái ngõ sau. Ôn nhìn ra, Ôn đang ngắm một cụm hoa. Ngồi bày cờ tướng, một mình hai phe, phá, gỡ. Hay nằm trên võng, đu đưa, đọc sách. Xô cửa chạy ùa vào như luồng gió. Gì vậy con? Mắt Phật. Nụ cười Phật. Chắc cười chết mất. Cười à?  Không có đâu?  Mắt đang cay xè, muốn khóc.

“Công an. Đừng vô.”

Giọng của một Phật Tử quen, cúi nói vội, khi đi xe đạp ngang qua.

Nhìn tới ngã ba, bảng số 498/11.  Quảng Hương Già Lam.  Dàn ngang, lố nhố một số công an chìm. Nhìn biết thôi, mặt mày lấc cấc quan trọng.  Hai bà già tay ôm hoa, tay cầm hương, xăm xăm đi vào, bị chặn, đuổi lui.  Bên kia đường, đi bộ, một số bà mặt áo lam, vẻ nóng nảy, bồn chồn. Một cô nữ Phật tử vừa rút những bông hoa rải bên đường, và đưa tà áo quệt nước mắt.

Tới nữa, có nhiều khuôn mặt lạ, đi bộ, đi xe Honda trờ lui trờ tới. Trong mấy cái quán, toàn đàn ông, áo sơ mi bỏ ngoài quần, họ ngồi, họ đứng, mắt tai làm việc. Chẳng còn gì để tưởng tượng, hy vọng nữa. Trên những chiếc xích lô ngược đường về, những bà cụ ăn mặc trịnh trọng, trên tay bà nào cũng có nhang, có hoa và mặt mày đầm đìa nước mắt. Bà cụ già, lưng còng, mắt chạm đất, trước một ngôi nhà tranh tồi tàn, tay cầm cả bó nhang lớn, quay lạy bốn hướng.

Xe đi qua, mấy bà nữa, đi lên, đi xuống, đụng nhau, to nhỏ.  Hai bà trên hai xe, chạy gần song song, nói với qua:

“Mai tang, nhà nước đưa linh cữu Hòa Thượng xuống chùa Xá Lợi.”

Gió quá, họ còn nói gì nữa mà tôi không nghe được. Tôi ra dấu cho xe chạy trở lại. Ngang qua ngã ba, đụng lại con hẻm lớn vào Chùa, cố nghểnh cổ nhìn qua những cái đầu lố nhố canh chừng. Chẳng thấy gì ngoài một phần bờ rào quen thuộc ăn thẳng vào ngôi chùa của Ni Sư Huỳnh Liên, bà sư xuống đường nổi tiếng một thời.

Khúc hẻm quẹo vào Chùa bị che khuất. Vậy mà đêm qua, giấc mơ đã kéo tôi tới Chùa, đứng giữa điện Phật. Lúc đó đã có quan tài chưa? Ôn mất lúc mười giờ tối. Giấc mơ tới vào khoảng giữa đêm. Ôn ơi, chính Ôn đã kêu con tới mà.

“Về nhà hả cô Hai?”

Chú xích lô quen, hỏi. Tôi nói không, cứ đi. Cứ đạp. Mặc kệ tới đâu thì tới. Như nhiều lần khác, tôi đã lên xe ngồi, rồi trở về lại chỗ cũ. Có những lúc phải ra ngoài để tan nát một mình.

Khuôn mặt, nụ cười, ánh mắt của Ôn, của đấng từ phụ, của sư phụ, lại an ủi, vỗ về tôi. Có chi đáng sợ. Chết là một điều mới mẻ của kiếp người. Một buổi nào đó, Ôn nói:

“Thầy phải về chùa Bảo Quốc để tìm coi một miếng đất.”

“Chi vậy, Ôn?”

“Thất thập cổ lai hy rồi. Thầy muốn khi chết, được về nghỉ ngơi ở Chùa xưa.”

“Còn sớm quá, Ôn ơi.”

Coi, đường xá quanh chùa có vẻ căng thẳng. Thầy Thanh Trí đã từ Huế vô. Ước mong của Ôn về lại ngôi chùa cũ, hẳn sắp được thực hiện.

Vậy mà, mới đó thôi, nghe Hòa Thượng lo chuyện hậu sự, tôi đã cười ngất.

 

3.  Ôn.  Ôn biết mà!

Một đêm, khóc. Sáng, khóc. Không còn giấc mơ nào đến nữa. Giấc ngủ vụn ra vì mộng mị. Đóng cửa. Còn buôn bán gì nữa.  Mấy đứa con âm thầm, nghiêm trang trước nỗi đau chung.

Mới ngày nào, lũ con thơ, được Hòa Thượng làm lễ Quy y Tam Bảo. Quy y Phật. Quy y Pháp. Quy y Tăng. Buổi lễ đơn giản, nhẹ nhàng. Lời Ôn giảng, ôn hòa, dễ hiểu.

Ngày mấy, tháng mấy. Trước khi cho mấy đứa nhỏ vượt biên, mấy mẹ con dẫn nhau lên Chùa, lạy Phật. Vây quanh Ôn.  Ôn ôm từng đứa.

“Con nì. Tự nhiên lòng Thầy bứt rứt. E có chi không ổn.”

Mọi chuyện đã không thể đổi thay được nữa. Trình với Ôn.  E không được. Bảo đi sang Thầy Pháp Hoa coi quẻ, nghe nói Thầy bên Pháp Hoa coi nhiều khi đúng. Quẻ xấu quá. Ôn nghe, lắc đầu.

“Buồn cười quá, Ôn, không lẽ lại mê tín?” Vẫn bứt rứt.  Không được. Ôn nói, mấy đứa đi thì đi. Còn con… nhớ không?”

Buổi nào đó, Thầy Trí Quang cùng Ôn, bày sách ra coi tuổi, đoán dịch. Thầy Trí Quang kêu:

“Nì Ôn, cái con ni nghiệp nặng quá, thiên la địa võng vây nó tứ phía.”

Thầy Trí Quang, vẫn là hình ảnh sáng rực trong tuổi thơ của tôi, con bé Đồng Nữ Đoàn Phật Tử Hương Đàm, trong khuôn viên Chùa Từ Đàm. Từ hồi còn bé ti, con bé đồng nữ phá phách đã được Thầy thương. Cam, bánh, kẹo mứt, tha hồ. Nhưng con bé lại chỉ thích những pha hồi hộp, táo bạo.  Dám cầm sào thọc những quả đu đủ chín sau vườn, dám trèo cây ổi, cây đào sai trái. Có bữa, Thầy Trí Quang vào thất, không ăn, con bé sợ Thầy chết, khóc quá là khóc.

Khi lớn lên rồi, mọi chuyện biến hẳn. Hẳn Thầy phiền lòng với con bé đồng nữ ngày xưa, càng ngày càng xa Chùa xa Đạo.  Thầy thương là phải, cuộc đời cứ kéo nó xuống. Bởi vậy, trong sự thương yêu, vẫn chứa chan bực bội:

“Mi thiên la địa võng vây là phải rồi. Việt cộng chỉ chờ cơ hội, cắt cái đầu mi. Cái con nhỏ ngày nào hiền lành, đụng chút là chảy nước mắt, ai dè mi chừ quá quắt… Mi thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp…”

Giọng của Ôn bao la tình thương:

“Lạy Phật đi con…”

Lũ nhỏ, mỗi đứa được Ôn phát cho sợi chỉ ngũ sắc. Ba đêm liền, Ôn thức suốt tụng Kinh, cầu nguyện… Lũ nhỏ lênh đênh trên biển, trong cơn bão số tám ác nghiệt, tưởng đã làm mồi cho cá ăn… Sóng, gió trôi dạt trở vào được bờ, bị bắt. Lại khóc vùi bên vị Thầy kính mến. Lại tương chao thăm nuôi.

Hai bộ quần áo vàng của Ôn đã bạc mầu. Màn, sáo ngăn phòng gỡ đâu hết. Nhà nước Liên Xô mời một lãnh đạo Phật Giáo, Ôn được cử đi. Tôi soạn đồ đạc vào va ly, chưng hửng. Ngoài y áo, đồ mặc chẳng có gì đáng. Sang xứ lạnh, tìm ra được mấy đôi vớ, chiếc thủng gót, chiếc thòi được ngón chân.

Mấy Phật Tử kỉnh áo len, Ôn trầm ngâm:

“Mầy Thầy ở ngoài Huế cần lắm. Răng mà mấy mùa đông ni lạnh dữ.”

Ai đó, biếu Ôn cái áo gối thêu hai con chim Loan Phượng.  Tôi phải may vội thêm cái áo gối ghép nhiều mẫu vải để bao phủ phía ngoài. Bức tranh, mấy cái độc bình gốm xưa, mới đó đã biến mất:

“Ờ, Ôn cho rồi. Cái treo trên nớ há? Ôn cho thằng Trụ, tội nghiệp, nó đông con. Ui cha, thằng nó càng đói càng làm thơ hay chi lạ.”

Có hôm Ôn than cái ví để trong ngăn kéo, mất tiêu rồi. Có ít tiền, có thẻ chứng minh nhân dân. Không có giấy tờ mệt thiệt. Hỏi có nghi ai lấy không? Ngày rằm, Phật Tử tới thăm tấp nập, chịu.

Ít bữa sau, vừa vô Chùa, gặp Tuệ Sỹ cười cười kể:

“Rồi. Ôn khoe tìm thấy cái giấy chứng minh nhân dân rồi, đặt dưới cuốn Kinh, nơi bàn Phật. Chị coi, cả mấy hôm nay, Ôn cứ tha thít thương cho kẻ trộm:  Răng có đứa thiệt thà quá, tội, trả lại giấy tờ cho Ôn.”

Ôn đi vắng. Hai chị em đứng cạnh cặp voi đất đặt cạnh hồ nước. Tuệ Sỹ bảo tôi ngồi trên lưng voi, kể nữa:

“Bữa mấy đứa nhỏ lên phá quá, chạy rầm rầm, leo lên cả trên lầu thượng, gác riêng của Ôn ngồi thiền. Buổi trưa nữa chớ.  Ôn kêu. Hải, coi con nít ở đâu phá ồn rứa. Thầy Hải nói dạ mấy đứa con của Nhã Ca, lên thăm Ôn đó. Vậy là Ôn dịu giọng. Chạy vừa vừa, khéo kẻo té. Ừ, chạy chơi đi con. Tội nghiệp chưa, Bố đi tù, Mẹ đi tù…”

Tuệ Sỹ cười nữa, đùa:

“Coi chị cỡi lưng voi, giống bà Triệu, mà một triệu cái ẩu lận… Chị hỏi chi? Tui há. Về đây đã chịu yên chưa há? Không biết.  Bữa kêu tôi về, Ôn nói, ở đây yên một chỗ, mi đi lung tung, rồi ba xàm ba láp răng cũng bị đi tù nữa. Làm chi? Thì tui ngồi một chỗ dịch Kinh, đọc sách. Thư viện sách của Thầy Trí Quang bỏ không đó tề.”

Lầu kinh của Thầy Trí Quang lâu nay vẫn bỏ không. Hỏi thăm, Hòa Thượng cười:

“Thầy Trí Quang há? Thầy làm lớn lắm, làm vua, đi đâu cũng có sư quốc doanh theo sau, quạt hầu, che dù. Oai không? Ôn há, Ôn rảnh là làm vườn. Đám lá sân ni nì, Ôn trồng đó… Nhớ rồi, bữa chị chọc Ôn, chị thiệt… đúng là một triệu cái ẩu.”

Một lần tôi lên thăm, xin phép về, Ôn bảo Thầy Hải hái cho một túi trái vả, ngắt cho một mớ rau sâm.

“Đám lá sâm này này Thầy trồng. Nấu canh ăn mát lắm.  Nghe mấy mụ nói nấu với thịt bò ngon lắm.”

Tôi cười:

“Làm sao Ôn biết thịt bò ngon?”

Lúc đó thầy trò đang đứng trong sân Chùa. Tuệ Sỹ cười thành tiếng, và Ôn cười xuề xòa. Thầy Trí Quang nói tôi một triệu cái nghiệp đeo đẳng. Còn Tuệ Sỹ nói tôi là triệu ẩu, một triệu cái ẩu.

Hòa Thượng hiền hòa, độ lượng vậy, mà cũng có lúc buồn điếng. Nằm trên võng, có lần Ôn đưa cho tôi một lá thư, bảo đọc.  Tôi liếc qua, đưa trả lại Ôn. Thư từ ngoại quốc gửi về, có ý trách Ôn, đã xây Chùa Già Lam bằng tiền nhà nước. Thư còn hàm ý chê Ôn, đã an phận, để cơ đồ của Giáo Hội dưới sự lãnh đạo của Nhà Nước.

Gì chớ nhà nước Cộng Sản còn lâu mới bỏ tiền xây Chùa.  Chuyện tu sửa Chùa, tôi biết khá rõ. Một Phật tử, trước khi đi vượt biên cả gia đình, có gửi Ôn một cặp độc bình cổ đời Thanh, mấy chục lạng vàng, với lời nguyện nếu đi thoát, xin được cúng dường sửa sang điện Phật. Gần một năm, gia đình người Phật tử thoát, tin về, xin Hòa Thượng thực hiện dùm lời nguyện.

Việc sửa sang điện Phật được khởi công. Vào những năm đó, mua xi măng, mua gạch xây cất số nhiều phải có giấy giới thiệu. Ôn làm đơn bình thường, được phê chuẩn. Có lời đồn, rỉ tai:  “Hòa Thượng mà không chịu đi gác quan tài cho bác Tôn, Nhà Chùa làm sao có được xi măng xây lại điện Phật?”

Lời đồn xa thật. Tới mức từ nước ngoài có thư về thắc mắc.  Còn nhớ khi nhận lại lá thư, nghe tôi đùa “Ôn mà còn biết buồn, lạ hí.”  Hòa Thượng thật thà:

“Ừ, Thầy có buồn, nhưng con đừng cải chính làm gì. Thầy cũng đang trên con đường tu hành, chưa đạt tới đâu. Thầy cũng phải trả nghiệp như mọi người. Cứ để cho Thầy trả hết nghiệp trong kiếp…”

Tôi thấm thía hiểu, tại sao trong các sư huynh sư đệ cùng thời, Ôn là người được nể nang, kính mến. Chế độ trước, trong mọi tranh chấp phe phái, Ôn vẫn là người chủ trương ôn hòa, chừng mực. Chế độ mới, nhìn thấy bạo tàn, dã man, Ôn vẫn chừng mực, hỷ xả.

Hai vị sư đệ của Hòa Thượng, thầy Trí Quang sâu sắc, thầy Thiện Minh mưu lược, qua Ôn, vẫn ngồi lại được với nhau. Bên mâm cơm chay đạm bạc, những người bất đồng nhau, dù sâu sắc tới đâu, nhờ có Ôn, vẫn ngồi được bên nhau. Được vậy, vì Ôn tới với mọi người, trước tiên, bằng một tấm lòng.

Chú Ha, Đạt Đạo, lái xe hầu Hòa Thượng không rời một bước. Trước ngày Ôn lên đường đi Liên Xô, Ha nói với tôi:

“Chị xin Ôn dùm cho tui, đem tui theo để tui hầu Ôn, Ôn đi một mình, lỡ có chi…”

Tui nói, Ôn cười:

“Đem nó theo, lỡ có chi nó bảo vệ Thầy được răng. Nó còn nhỏ, chưa hiểu được Cộng Sản. Họ không để yên cho những ai không thích họ, hay tọc mạch về họ. Nhà tù, tại nạn, thủ tiêu…  Nó ở nhà, có chi Thầy chịu một mình.”

Đạt Đạo không được theo Hòa Thượng đi Liên Xô, chắc có hậm hực. Giờ đây, hẳn chú ấy đã hiểu được tấm lòng của Ôn. 

Không thể chỉ ngồi nhỏ những giọt nước mắt. Tôi phải tới đó. Phải đứng trước quan tài, phải có mặt trong giây phút vĩnh biệt.

Tôi đến cổng chùa Xá Lợi với hai bó hoa lớn. Loài hoa lay-dơn màu vàng, chắc hợp với Ôn. Loại hoa Ôn thích, là hồng bạch, là tỷ muội trắng, chiết từ chùa Bảo Quốc Huế, nở từng chùm, nơi chậu kiểng bên ngoài phòng Ôn ở.

Cổng chùa Xá Lợi đông chen không nổi. Cuối cùng cũng lách vào gần được. Tôi bị chận lại. Chưa cho thường dân vào.  Sáng nay mới là lễ viếng của chính quyền, các đoàn thể. Tôi bị xô giạt sang một bên. Công an chìm, mặc thường phục cũng đông như kiến, khó đoán. Mấy bà cụ ôm hoa, đứng tụm năm tụm ba, sụt sịt khóc. Xe nhà nước đậu dọc hông chùa. Vòng hoa, đại diện chính quyền, đại biểu đang biểu diễn màn nghi lễ hài hước, ra vô.  Máy ảnh, máy quay phim kêu rè rè, bấm lia lịa.

“Các cụ, các bà về đi. Chiều tới. Chiều mới được. Cụ đừng năn nỉ vô ích. Không được. Lệnh là lệnh. Hoa hả? Để hỏi cấp trên.  Chờ chút… Được. Cho mấy người gửi hoa vào.”

Hai bó hoa trên tay tôi cũng được chuyền vào bên trong.  Phía sân, hai dẫy bé gái, tay cầm giỏ hoa, sắp hàng dọc, đứng nghiêm chỉnh chào quan khách đại diện chính quyền. Phía hông Chùa, dọc theo con đường dài, hàng rào kẽm gai được vội vã giăng kín. Những biển giữ xe dựng lên vội vàng, nổi bật. Cán bộ phường khóm được hưởng ân huệ coi bãi, chạy lui, chạy tới, tíu tít.

Bên trong chùa Xá Lợi. Chuyện gì đang diễn ra? Chuyện phá chùa, giết Hòa Thượng, bắt bớ tăng ni, đang được lấp liếm bằng đại lễ, diễn văn, viếng thăm, chia buồn.

“Ôn.  Ôn biết mà.”

Phải rồi. Khi không cho chú Ha theo hầu, Ôn đã biết điều ấy. Khi nói tới chuyện về Bảo Quốc chọn khoảnh đất nghỉ ngơi, Ôn cũng đã cảm thấy điều ấy.”

 

4.  Cây Bồ Đề vươn bóng

Sau khi bỏ lối tu ép xác, nhận bình sữa cừu của một người nữ kính dâng, Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới gốc Bồ Đề, và đạt Đạo.

Trước sân chùa Từ Đàm, cũng có một cây Bồ Đề, cổ thụ, nghe nói được đem từ Ân Độ sang, cành lá xòe bóng mát, che rợp cả sân chùa, và một phần mái ngòi dãy nhà giảng.

Hàng cây sứ già, nằm xa tít tận bờ rào, tiếp miếng đất bỏ hoang, mở ra ngã ba đường, đối diện nhà thờ cụ Phan Bội Châu, cành xù xì, cong queo, già cỗi như cây kiểng. Tới mùa hoa, cây trổ bông trắng, cây trổ bông tím hồng, từng chùm chi chit, tỏa hương, lá trụi lũi.

Ngôi chùa cổ kính, mái cong dựa sát một dãy nhà sau, sát tường. Phía tay mặt nhà tăng, tiếp bếp, nối với dãy nhà sau, gồm nhiều phòng cho Tăng Ni ở.

Cạnh nhà Tăng, mở ra miếng đất hẹp, một cái lăng xưa cổ của vị sư già chiếm trọn, đất vôi lỗ đỗ. Mấy cây đu đủ mọc thẳng tắp, khỏng kheo.  Đến mùa, những trái còm cõi đeo nhau.  Vậy mà chẳng có trái nào kịp chín đâu.  Sào tre, cành trúc, lũ trẻ đã chọc cho rụng xuống lúc trái còn xanh ngắt.

Chiều chủ nhật.  Họp gia đình Phật tử Hương Đàm, gồm có thiếu niên, thiếu nữ, đồng nữ Phật Tử. Thiếu niên, áo lam, quần soọc xanh.  Đồng niên, áo sơ-mi lam, cũng quần xoọc xanh, nhưng có dây đeo. Thiếu nữ, áo dài lam, quần trắng.  Đồng nữ, áo sơ mi lam, váy xanh, dây đeo. Huy hiệu hoa sen năm cánh cài trên ngực.

Cũng có ngày đông đến nghẹt người là gặp lúc Khuôn Hội của các cụ ông, cụ bà tới phiên họp, đôi khi cử hành lễ cầu an, cầu siêu. Thế là ở góc sân Chùa, dưới tàng cây me mà cái gốc bự tới năm đứa ôm chưa hết vòng, lại dựng một cái xe bán nước ngọt, mía chặt khúc, róc vỏ.

Có mấy đứa nhỏ con nhà nghèo bên Xóm Chùa Vạn Phước, cắp rổ bán me chua, trái đào, trái ổi. Mấy con bé đứng nhìn đoàn Đồng Nữ chơi trò chơi bịt mắt, bỏ khăn, hay cầm tay chạy vòng hát, bằng ánh mắt thèm thuồng, thán phục. Có đứa há cả mồm, lệch rổ, trái cây rơi xuống đất. Có đứa ngồi bệch xuống đất, ham cười theo, kẹo bánh để cho ruồi bâu kiến đậu.

Chị Lương Trinh, trưởng đoàn thiếu nữ, bám riết theo các đồng nữ dặn dò:

“Ruồi đồng kêu vo vo, nghe không? Bụi bậm, vi trùng.  Đừng ăn, đau bụng đi tả, chết đó.”

Kệ, con bé nắm tay các bạn chạy vòng vòng, hát, vỗ tay, ngồi xổm, đứng dậy, nhưng kẹo trứng chim lổn ngổn trong túi áo…

Đoàn em là những mầm non.

Đang lớn đang khôn, nhưng mềm.

Nhờ bao hàng trúc che chở quanh mình.

Đoàn em được sống yên lành…

Măng mọc đều, đều.

Măng mọc thẳng, thẳng…

Măng lớn lên, trở nên trúc bền…

 

Cây Bồ Đề vươn bóng che. Gió thổi mát mùi hương sứ.  Mùi trầm hương từ trong điện Phật. Vỡ òa lòng Đạo. Hai đoàn, một bên nam, một bên nữ, đi lên bậc cấp, vào điện Phật.  Bài hát mở đầu buổi lễ Phật hàng tuần. Có hôm, anh Cao Chánh Hựu, một trong những trưởng Ban Hướng Dẫn tới, cô Kim Cúc, người mà trong thơ Hàn Mặc Tử đã tả: Lá trúc che ngang mặt chữ điền.  Mắt to trên khuôn mặt chữ điền hiền hậu, cô mặc áo tràng, đứng trước đoàn Phật Tử, xướng Kinh.

Đó là những lần đoàn làm lễ nghiêm trang, bài hát âm vang Trầm hương đốt, xông ngát mười phương… Con bé hướng về một phương cầu nguyện.  Đức Phật, có vòng hào quang mỉm cười nhìn xuống. Trái tim con bé thành khẩn đỏ tươi. Lạy Phật, cho ba con khỏe. Lạy Phật, cho má con khỏe. Cho con học hành tấn tới… Cho gì nữa… Kìa, nhãn trong sân Chùa sẽ mau chín… Cho con biết trước khi lũ chim quỷ sứ tới xơi… Cho đừng mưa buổi chiều, con còn phải đạp xe đạp xa lắm.

Chùa Thuyền Tôn, chùa Trà Am, sau núi. Chùa Từ Hiếu, đến mùa thu, sen còn nở trong hồ. Chùa Tường Vân, cả một vườn mai, đào. Góc vườn, có cái giếng bỏ không. Thích giở hòn đá đậy cái miệng giếng đã xây bít, nhìn xuống. Tối om, không thấy. Thả một hòn đá, áp tai nghe, chờ lâu ơi là lâu, mới nghe một tiếng sàn sạt, thật nhỏ. Người lớn nói cái giếng đó từ hồi xưa, sâu xuống tới âm phủ. Thích phá hai con rùa bò ra bò vô trong mấy tảng đá.  Túm được, lật ngược bắt anh nằm ngửa chịu trận, phơi nắng nữa.

Còn cây đào bên hông chùa, Ôn Tịnh Khiết mắc cái võng nằm đọc sách. Rình lâu lắm mới có dịp vắng Ôn. Bữa kia kìa, xui chưa, mới leo lên, đã thấy Ôn đứng dưới gốc. Đu một tay, thả hai chân xuống, định nhảy. Sợ quá, mặt hết máu rồi. Ôn năn nỉ:  “Con ơi, đừng nhảy. Từ từ mà xuống. Té gãy chân nghe con. Ừ, thì thôi.  Hái tiếp đi. Hái ăn đi con. Đừng sợ.” Bước chân Ôn vội vã đi, khuất sau khóm cây.

Bữa khác nữa. Nhãn ở Chùa Bảo Quốc chín tới. Phải trước mấy con chim. Leo lên. Chưa hái xong chùm nhãn đã thấy chùm đào sai quá. 

Bỏ một buổi họp hàng tuần. Bỏ trò chơi, bỏ hát, bỏ lễ Phật.  Thầy Trí Quang phạt. Mới mười phút trong phòng kín đã khóc như mưa. Thầy đứng ở ngoài chớ đi đâu. Mở cửa. Cuống quít dỗ. Có chén chè để phần, mang ra. Thầy vừa cười vừa dí trán con bé:  “Mi dữ.  Răng mà mi dữ rứa.” Ôm một bên tay áo lam thụng của Thầy, áp mặt vào tay Thầy. Một cái cốt nhẹ vào đầu. Nhớ mãi.

Thầy đưa cho cuốn Ánh Đạo Vàng của anh Võ Đình Cường, anh trưởng trong Gia Đình Phật Tử miền Trung. Đọc thuộc rồi nói cho Thầy nghe.

Buổi chiều, ngồi thòng chân trên một cành sứ Pháp. Thầy Trí Quang tới. Nói:

“Bữa qua con bị mụ Xếp đuổi chạy, chút nữa té chết ở bậc cấp Chùa Bảo Quốc rồi.”

“Con phá quá. Ai biểu con chọc mụ làm chi.  Đọc cuốn Ánh Đạo Vàng chưa.  Đọc đến mô rồi?”

“Con có chọc mụ đâu. Tại mụ ngâm cục thịt luộc trong hũ tương. Con rình mụ ngủ trưa, lấy trộm. Té mụ giả đò, mụ rượt con chạy chết luôn. Mụ đó chết là xuống địa ngục, quỷ đầu trâu mặt ngựa lấy đinh ba đâm mụ lòi ruột, còn cho lăn vạc dầu, cưa ra ba khúc…”

Một cái cốc nhẹ lên đầu nữa.

Thầy giận?  Không, Thầy cười, lắc đầu.

“Mi…”

Thầy cười nữa. Con bé quên hết những gì đã đọc trong cuốn Ánh đạo vàng, chỉ thấy cảnh địa ngục lúc mụ Xếp xuống đó. Lu tương, cả chùa ăn, mụ Xếp ngâm thịt luộc vô, không tội lút đầu hay sao. Mà Thầy còn cốc đầu nữa.

“Xuống Chùa Bảo Quốc, không được trèo cây, không được phá. Thầy Giám Đốc có cái roi. Thầy Sự có sợi dây để trói.”

Phật Tử ở con đường Nam Giao, lên cái dốc, gần nhiều chùa. Đêm đi ngủ theo tiếng chuông đổ. Trước khi nhắm mắt niệm Phật, nghĩ điều lành. Sáng sớm, nghe tiếng chuông, dậy sớm, học bài, một ngày phải làm một điều thiện.

Chùa Bảo Quốc, còn gần nhà hơn, con bé cùng lớp bạn, chiều mát, lên đó học bài. Thầy Giám Đốc Trí Thủ coi việc tu học của các tu sĩ. Một số lớn, gọi là chú, số còn nhỏ, đầu cạo chừa chõm đào, gọi là mấy Điệu. Ngoài giờ học Kinh, nghe giảng, các Điệu phải nhổ cỏ ngoài sân, lau bụi điện Phật, tưới cây, quét lá.  Thầy Giám Đốc đi ngang qua, cái roi đưa lên nhịp nhịp, nhắc nhở.  Thầy Sự còn bận rộn hơn nữa, quản lý việc chi tiêu, mua sắm gạo, tương chao. Chẳng thấy Thầy Sự có sợi dây, nhưng con bé đã bị cái roi của Thầy Giám đốc quét nhẹ nơi mắt cá chân. Con gái mà leo cây, có ngày té gãy cổ. Khẽ hai cái chân cho chừa.

Không đau. Con bé vẫn sụ mặt. Giận. Trèo cây hạnh đào, cành dòn dễ gãy trái xa với không tới, suýt té thiệt, còn bị khẽ chân nữa.

Chủ nhật tới, họp đoàn ở Từ Đàm, Thầy Giám đốc lên thăm Thầy Trí Quang. Lúc hô: Úm ba la. Bùm. Hô ba lần để ngồi xuống, đứng dậy, con bé rống thật lớn chữ Ba La, muốn chọc tức Thầy Giám Đốc. Trước khi tới Bảo Quốc, Thầy tu ở chùa Ba La, thiệt là xa thành phố. Đi ngang, Thầy cười cười. Con bé ngó lơ.

Lễ Phật Đản, chùa nào cũng đông chen chân không lọt. Dọc hai bên đường Nam Giao, từ cầu trở lên, bày bán nước ngọt, cơm chay.  Kẻ làm công quả, nấu từng phuy nước sôi để nguội, sẵn ly, gáo, để đãi kẻ hành hương nhẹ túi tiền. Phật tử trực ở các chùa suốt ngày đêm. Quý Thầy, quý Chú, trang nghiêm thay phiên tụng kinh liên tiếp trước điện Phật.

Chùa Bảo Quốc vườn rộng, cỏ tranh cỏ lùng xơ xác tang thương vì những lều trại của các đoàn Phật Tử. Vòng tay nối lửa trại rộng lắm. Lửa bập bùng. Bập bùng. Bài hát lửa trại làm đêm muốn sáng. Các em đồng nữ sung sướng với những lẵng hoa sen, cúng dường Tam Bảo. Ngày các đoàn Phật Tử các nơi tụ lại ở một sân chùa. Văn nghệ, múa, hát. Đầy đủ mặt Ban Hướng Dẫn. Các anh Võ Đình Cường, Cao Chánh Hựu, anh Phan, chị Kim Cúc, cũng tham dự trò chơi lớn. Văn nghệ, anh Lê Gia Phàm hát hay đàn giỏi, các em Đồng Nữ năm nào cũng hợp ca bản Giòng A-Nô-Ma.  Giòng A-nô-ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh…

Rằm tháng Bảy. Ngày rằm xá tội vong nhân. Lễ Vu Lan Bồn. Ngày báo hiếu. Năm nào cũng vậy, gia đình Phật Tử Hương Đàm được tới chùa Bảo Quốc nghe giảng về Đức Mục Kiền Liên.  Thầy Minh Châu, thầy Trí Không, thay nhau phụ trách lớp giảng.  Ngài Mục Kiền Liên xuống tới âm phủ, qua bao cửa ngục đầy quỷ sứ, đang tra tấn người có tội, mới tìm ra được mẹ. Đưa bát cơm cho mẹ ăn, cơm lên gần miệng biến thành lửa…

Rằm tháng Bảy, đăng đàn chẩn tế. Đàn dựng trước sân, sát bậc cấp lên điện Phật. Đồng bào Phật Tử đặc kín. Trẻ con ở đâu túa ra như kiến.

Năm nào cũng Ôn Viên Thông đăng đàn, đóng vai Điạ Tạng. Ôn mập quá, mà mặt mày thiếu vẻ hiền hậu. Lũ trẻ con reo hò, giành giựt nhau, tranh lượm những vắt cơm bọc đồng tiền vứt cho âm binh. Con bé cũng rủng rỉnh những đồng tiền lượm được trong túi áo. Lúc xuống đàn chẩn tế, trong bộ cà sa xám, Ôn Viên Thông đi bên Ôn Trà Am như con số 10. Ôn Trà Am gầy nhom, tiếng đồn là giỏi võ Thiếu Lâm.

Tháng Bảy, Lễ Vu Lan, mấy chú dọa ma quỷ về chùa nhiều lắm, về để nghe kinh. Con bé sợ níu áo chú Đức Phương, chú Đức Tâm, chú Chánh Lạc. Chú Đức Phương còn dọa thêm.  Chú Chánh Lạc dạy đọc câu chú:  Án ma ni bát nhi hồng… Rồi ấn ngón tay bắt chú. Ma quỷ sợ lắm. Con bé đọc chú, tối, dám ra vườn sau cùng đám bạn nhỏ, bấm coi trái mít đã mềm chưa.

Mấy năm, con bé vẫn chưa thay được bộ áo Đồng Nữ.  Nhưng đi học đã mặc áo dài. Năm đó, thầy Trí Không và thầy Minh Châu được Giáo Hội gửi sang ngoại quốc học. Chú Trí Không đi Anh, chú Minh Châu đi Tích Lan, Ấn Độ. Ngày đưa chú Trí Không, đối với con bé thiệt là vui. Phật Tử được tiễn tận hãng Hàng Không Việt Nam ở đường Lê Lợi, rồi được xuống tới sân bay Phú Bài. Lên xe, hát, vỗ tay. Vậy mà không hiểu sao, chị Hồng, ở đoàn thiếu nữ gia đình Phật Tử Gia Hội, lăn ra khóc thảm thiết. Có một bức ảnh, Thầy Trí Không cầm tay con bé, với con bạn nữa. Hôm đó hai đứa lần đầu tiên được mặc áo dài đi học, lên chùa khoe, chụp ảnh với Thầy. Mấy Điệu mới thành Chú, núp sau dãy nhà ngang, dòm trộm cười khúc khích.

Tết, Mụ Xếp lo bếp núc để sửa soạn những bữa cơm chay đãi Phật Tử thập phương. Con bé rình mò mấy lần, không tìm được sợi dậy buộc miếng thịt luộc, ngâm trong lu tương nữa.  Có miếng nào mất miếng đó mà.  Mụ Xếp háy đứt đuôi con mắt, khi gặp mấy nhỏ.  Chuyện chẳng thể dám mách Thầy Sự.

Con bé lớn lên một ti, đã bớt phá tán, trèo cây, bẻ trộm trái.  Có một thời mê chết chùa Sư Nữ. Ni cô Diệu Tấn, ni cô Diệu Hạnh, thường để dành trái cây, xôi chè. Ngày rằm, con bé được ăn chung cỗ chay với các sư cô. Thích nhất là chiều, ngồi nghe các sư cô kể chuyện tiền thân Đức Phật, nơi cái hồ nhỏ trước con đường vô chùa. Có cây si cổ thụ tàng sà xuống mặt nước, và cái ghế đá chênh vênh.

Có lần, ngày Tết theo các sư cô lên Tường Vân, chúc thọ Hòa Thượng Tịnh Khiết, con bé đứng mở mắt nhìn các ni cô phục lạy và Ôn Tịnh Khiết thì ngồi trên cái sập gụ, lắc lắc đầu:  Miễn lễ.  Miễn lễ.

Lúc về, con bé đã trộm được một cánh đào, chưng trong ly nước để trên bàn học.  Chú Thiên Không đem ổi xuống cho, thấy, dọa:

“Mét Ôn.  Dám hái trộm nhánh đào trên Tường Vân? Biết Ôn quý lắm không?  Còn cười nữa.  Sợ không?”

“Không.”

Lúc lắc cái đầu, tóc muốn chấm vai rồi. Cắn môi. Làm gì ngó dữ vậy?

Chú Thiên Không:

“Lớn rồi đó nghe.”

Ông sư con này, coi bộ đặt tên lại thôi. Gọi là Thích Thiên Lôi mới đúng.

Cười gập người lại, đến phát ho.

Sư đệ sát chú Đức Phương là Đức Lượng, cùng một cậu em ruột, mới được gọt chùm đuôi ngựa thắt bím, thả phía sau lưng, một hôm xuống nhà gặp con bé. Đâu phải vì nghe có bà con mà con bé nhảy vô việc đâu. Có họ hàng xa lắc lơ với bà thím. Đức Lượng và chú Thanh muốn trốn khỏi chùa. Đi xa lắm, vào trong Nam. Sài Gòn. Chẳng biết. Chẳng hề nghe ai nói.

Chú Đức Lượng gửi hai cái túi, dồn cứng đồ đạc. Bốn giờ sáng, cánh cửa sổ sau nhà được mở vội, hai cái túi được chuồi ra.  Từ đó lên Chùa không còn thấy chú Đức Lượng và điệu Thanh nữa.

Chú Đức Tâm, trắng trẻo như con gái, mắt sáng, môi hồng tự nhiên.  Hay đọc sách, ngồi trên ghế đá dưới cây nhãn, vào mùa hè. Đám thiếu nữ lượn qua lượn lại, õng ẹo. Thầy Sự nhìn thấy, lắc đầu. Thầy Giám Đốc xua tay. Có lần con bé lượm được một lá thư tình dưới kẹt ghế đá. Ai đó gửi cho chú Đức Tâm. Con bé đưa cho Thầy Giám Đốc, Thầy xé vụn.

Thầy Đức Tâm đẹp trai, chắc không tu lâu được. Đó là chuyện về sau.

Con bé bắt đầu nghe tới tiếng Sài gòn nhiều lần. Chùa Thiên Minh, có mấy thầy ở trong Nam ra ở. Con bé nhận được một lá thư của chú Đức Lượng, từ Sài Gòn gửi về, dặn dò đừng cho trên Chùa biết. Hứa sẽ gửi quà, chờ mãi không thấy quà cáp chi. Quên dần.

Trong sân Chùa, mấy mùa sứ vẫn nở, vẫn tỏa hương thơm sực nức.  Nhưng trong một năm tới mấy đám tang.

Đầu tiên, con bé đi dự đám tang Thầy trụ trì chùa Từ Quang, nằm trên cùng con đường, khoảng giữa chùa Sư Nữ và chùa Tường Vân. Nghe Thầy trụ trì chùa còn trẻ lắm. Đám tang lớn, lễ nhập tháp, hai đồng nữ xách lồng đèn đi trước quan tài. Con bé là một trong hai đồng nữ. 

Qua tháng sau, một Thầy mới ở trong Nam đổi ra ở chùa Thiên Minh, được cử làm trụ trì chùa Từ Quang, chưa được ba ngày bị xe đụng chết.  Đám tang nữa.  Con bé lại xách lồng đèn.  Nam Mô A Di Đà Phật.  Phải niệm một câu kinh từ chùa Thiên Ân lên tới chùa Từ Quang để làm lễ nhập tháp. Nắng, mỏi, con bé gần ngất xỉu.

Hai tháng sau, lại một Thầy trụ trì nữa, chỉ đau bụng trong một đêm, chết. Lại đám tang. Con bé, lại soi lồng đèn đi trước quan tài.

Trong năm tháng tiếp theo, lại thêm hai đám tang. Năm vị trụ trì của cùng một ngôi chùa, đều chết bất đắc kỳ tử liên tiếp.

Không ai còn dám lên giữ chức trụ trì chùa nữa.

Một hôm, Thầy Sự chùa Từ Quang nằm mơ, thấy có một vị Bồ Tát bảo phải lợp lại mái nhà.

Mấy hôm sau, có cơn mưa thật lớn, chính giữa điện Phật bị nước giọt. Thầy Sự Từ Quang nhớ tới giấc mơ, tự mình cùng mấy thầy khác leo lên, dỡ mái ngói lợp lại. Rồi cũng chính Thầy Sự tìm ra lá bùa dấu ngay dưới đòn dông lớn.

Lá bùa nhỏ bằng ngón tay, hình nhân màu vàng, vẽ nguệch ngoạc chẳng hiểu ý nghĩa gì.  Một thầy khác, kể lại giấc mơ, cũng gặp vị Bồ Tát, dạy rằng, phải kiếm ngay một trụ trì mới, từ nay yên ổn. Thầy Sự lên làm trụ trì chùa Từ Quang.  Mấy năm, không xây thêm một cái tháp nào nữa trong khuôn viên chùa. Người ta nói, lá bùa đó là của thợ xây nhà, thợ mộc thợ nề, mỗi khi làm nhà nào cũng phải ếm, vì tổ truyền vậy. Khi người thợ xây nhà mà bất bình, họ có thể ếm chết người.

Cả một Xóm Nam Giao, hầu hết là Phật Tử, sống vây bọc giữa chùa chiền. Linh Mụ tuy xa, những khuya yên tĩnh, tiếng chuông trôi dài trên mặt nước sông Hương, vẫn vọng tới.

Rồi những thay đổi, cả thay đổi trong tâm hồn cô bé nữa.  Không phải vì lớn lên đâu. Hình như vì tình cảm của mọi người cũng thay đổi. Chú Thiên Không, một hôm hiện ra bên ngoài cảnh cửa sổ phòng học của cô bé. Trời chiều chạng vạng, chú đứng núp bên khóm cây. Một tiếng gọi nhỏ. Cô bé nhìn, muốn reo. Suỵt.  Một gói trái cây. Một bông hồng. Một lá thư nữa. Mắt chú long lanh, đôi má chú đỏ rực, và chú quay mình chạy.

Con bé thưa đi chùa. Chú Chánh Lạc, chú Đức Phương, chú Đức Tâm, ít vồn vã với con bé. Thầy Thiên Ân, Thầy Mãn Giác, đáp lời chào hỏi bằng cái gật đầu nghiêm trang. Duy chỉ có Thầy Trí Quang, Thầy Giám Đốc, Thầy Thiện Siêu, gặp, vẫn la, vẫn dạy dỗ, và thỉnh thoảng, cốc thật mạnh vào đầu. Không cốc nhẹ như hồi còn nhỏ. Chú Thiên Không đổi chùa, nghe đâu xa lắm. Chẳng hề gặp nữa.

Lâu lắm, bỏ chùa, bỏ đoàn Phật Tử. Tiếng chuông tối, chuông sáng hối thúc ngày đêm. Bứt rứt, ân hận. Tuổi cứ lớn, cứ kéo ra.

Một buổi, đi học, vấp té, ngồi thoa chân bên lề đường. Ôn Tịnh Khiết, Thầy Giám Đốc đi ngang qua, dừng lại hỏi han. Thầy Giám Đốc gọi xe xích lô. Cả Ôn, cả Thầy đỡ con bé lên xe, bảo chở tới trường học. Đêm, con bé khóc, muốn trở lại Chùa, lại Đoàn. 

Chú Đức Phương nhắn. Mít trên Chùa chín tề. Nhãn đã thơm. Con bé cùng đám bạn học, ham thích những nơi chốn khác.  Những chiều núi Ngự, những sáng tắm sông, bơi thuyền.

Thỉnh thoảng con bé trở lại chùa Từ Quang, với cô bạn nhỏ Ma Cẩm Tuyền. Hai đứa không trèo cây bẻ trái nữa mà đi lang thang giữa nghĩa địa, tìm hai ngôi mộ của ba má Tuyền.

Anh em Ma Cẩm Vân, Ma Cẩm Tuyền mồ côi sớm, được các Thầy thương yêu, chăm sóc. Lâu rồi, dù chỉ làm công chức bưu điện nuôi gia đình, ba Tuyền bị Việt Minh chặt đầu ghim bản án Việt gian. Bà mẹ ở vậy nuôi con, làm thơ khóc chồng. Trên mộ bia của ba Tuyền có khắc bốn câu thơ.

Rồi bà mẹ cũng chẳng sống bao lâu. Hai ngôi mộ chôn song song với nhau, hai tấm mộ bia, mà tấm bia của người vợ trơ trọi, không còn ai đề thơ trên bia.

“Mai mốt lớn lên, học giỏi, biết làm thơ. Tuyền sẽ làm thơ khóc mẹ.”

Cẩm Tuyền nói vậy. Nghe mà thương quá.

Ngôi chùa nhỏ. Năm đời trụ trì liên tiếp bị sát hại chỉ vì lá bùa sát nhân giấu trên mái. Khu nghĩa địa đìu hiu với hai ngôi mộ lạnh lẽo của ba má Cẩm Tuyền. Hình ảnh ngôi chùa Từ Quang thời thơ ấu, ngủ yên bao năm trong ký ức, bỗng rùng mình thức dậy.

 

5.  Tang lễ

Không có hàng rào kẽm gai. Cũng không có công an đứng vòng ngoài, vòng trong như người ta tưởng.

Buổi chiều, tôi đã phải đi bộ từ ngã tư Phan Thanh Giản, Bà Huyện Thanh Quan, để vào chùa Xá Lợi. Cổng chùa rộng mở.  Mấy dọc đường quanh chùa, bãi giữ xe nào cũng trưng bảng hết chỗ. Xe nước mía, xe bò bía, bột chiên, nước ngọt, bày các góc đường, như được mùa hội lớn. Phật tử kéo tới đông lắm. Những người tò mò, vây chặt, tràn đầy cả lòng đường, lề đường Bà Huyện Thanh Quan. Có kẻ giữ cho nhau, thay phiên trèo đứng trên xe gắn máy, cố tìm mọi cách tìm vào chùa.

Sân chùa rộn ràng. Đoàn thiếu nhi Phật Tử đứng sắp thành hai hàng dài đồng phục, tay cầm lẵng hoa. Ban trật tự vui vẻ, vồn vã hướng dẫn các Phật Tử lên chính điện, nơi quàn Pháp Thân Hòa Thượng Thích Trí Thủ.

Bên hông chùa, nhà vãng sanh thường ngày, dành cho các gia đình có tang ma, đóng cửa. Hôm nay, tất cả tập trung vào cho tang lễ lớn của một trong các vị lãnh đạo tôn giáo vừa viên tịch, được Nhà Nước đứng ra trân trọng lãnh phần tổ chức.

Đẹp quá. Hoa sắp từng hàng dọc, đầy những lối đi trong sân.  Vòng hoa lớn, vòng hoa nhỏ. Đảng và lãnh đạo vô cùng thương tiếc… Ủy Ban Thành phố thành kính phân ưu…Vô cùng tiếc thương… của Mặt Trận Tổ Quốc. Phái đoàn thành ủy, Sở công an thành phố, tiếp nữa là các tôn giáo, vòng hoa báo Giác Ngộ của Phật Giáo Yêu Nước… Các vòng hoa được bày biện có thứ lớp, theo trật tự giai cấp trên dưới vô cùng trang nghiêm. Những bó hoa nhỏ của Phật Tử, được chuyền mang vào bên trong. Không cần đèn, hương hoa. Ở điện Phật, mọi thứ đã được tổ chức sẵn.  Nghe nói, còn có cả đại diện Phật Giáo Yêu Nước từ hải ngoại được đặc biệt cho về dự tang lễ.

Lần lượt, mọi người được đi vào chính điện để viếng Pháp Thân Hòa Thượng. Quan tài phủ Đạo Kỳ, đèn bông sen bốn phía.  Đèn nến sáng trưng, trầm hương sực nức. Một lư hương lớn đặt giữa điện, ngăn một khoảng cách xa quan tài. Một bàn vuông trải khăn trắng, đặt cái khay, những miếng vải vàng đã cắt sẵn. Tôi chờ đợi tới lượt mình.

Cài miếng vải tang, thắp nén nhang, tôi phủ phục xuống.  Mặc kệ xung quanh, mặc kệ ai nhìn ngó, xoi mói, tôi úp mặt thật lâu xuống nền đá lạnh. Những hàng nến lung linh trong mắt, quan tài lung linh trong mắt. Những hàng nến không bay quanh điện như trong giấc mơ. Cũng không có sức mạnh nào kéo tôi lại bên quan tài. Tôi cũng không khóc. Chỉ có hình ảnh con bé thời thơ ấu gào thét khản cả cổ. Rồi ánh nến nhập vào một cây lồng đèn hoa sen gợi lại cảnh mùa đông năm nào, cả thành phố Huế nhớn nhác, kinh hoàng với những đám tang liên tiếp của năm vị trụ trì cùng một ngôi chùa. Con bé, hết đám tang này tới đám tang kia, cầm cây đèn lồng, đi bên cạnh quan tài, giữa những tiếng Kinh, tiếng mõ trôi nổi trong bầu trời u ám.

Ngọn đèn lồng lung linh trong tuổi thơ đã cháy. Ánh lửa mỏng xanh lè bay lên, nhập vào đốm đèn lớn giữa điện khi tôi đứng dậy. Cái hình nhân lá bùa giết người trên mái chùa cũ hình như đang lớn lên. Nó như vừa cười rộ bên tai tôi. 

Phải rồi, mái nhà của Giáo Hội, mái nhà của Đất Nước, chắc cũng đang bị ếm một lá bùa. Đất nước thành nhà tù, trùng điệp trại cải tạo. Chùa chiền sư sãi tan nát. Cái chết đầy bí ẩn của Thầy Thiện Minh ở trại tù Hàm Tân. Vị Hòa Thượng chủ tịch Phật Giáo Việt Nam thời đất nước thống nhất bị bức tử… Mái nhà lớn của đất nước, của Giáo Hội, đã dột nát chưa? Bao giờ mới có điềm báo, như ngôi chùa Từ Quang, để được tháo lá bùa ếm đi, lợp lại một mái nhà yên lành. Mà để làm gì nữa. Ôn đã nằm đó.

Đông người vậy mà sao không khí bỗng lạnh tanh lạnh ngắt. Đèn nến chấp chới, khói hương tỏa một vẻ dửng dưng. Phật tử quỳ dẫy dài, ghim tang, lạy một cách máy móc. Lúc vào điện, lòng dào dạt cảm xúc, tưởng được quỳ bên quan tài, được khóc. Nhưng chỉ sau mấy lạy, ngay khi ngẩng đầu lên, dợm mấy bước, định tới gần quan tài, tôi đã bắt buộc phải nhận ra cái không khí lạnh tanh, đe dọa đang trùm lên những vòng hoa nghi lễ.

Đèn chớp lia lịa theo mỗi khuôn mặt, mỗi ánh mắt. Máy quay phim rè rè theo bên gót. Quay nhanh, những khuôn mặt của tuổi ấu thơ. Kìa. Anh Võ Đình Cường. Tác giả cuốn Ánh Đạo Vàng, mà mỗi Phật tử đã thuộc làu từng chương, đứng đó, vòng tay. Khẽ gật, gần như không thấy tôi. Phước Trí ở chùa Vạn Phước sao cố cúi mặt xuống? Mới đây, trong buổi lễ cầu an cho mấy đứa nhỏ ở tù, Phước Trí đã tự tay khắc tên tụi nhỏ vào chuông để cầu. Lâu lâu ghé ngang nhà, đưa xôi, đưa trái cây cho lũ nhỏ. Nay, sao ánh mắt Phước Trí như không nhìn thấy tôi? Thầy Thiện Siêu, đã từ Huế vào tới rồi à? Áo nâu  sòng, gầy nhom, mặt xanh vì thiếu máu. Thầy có nhìn tôi bằng ánh mắt sâu hóp, môi mím lại và gật gật đầu. Mắt Thầy nghìn cân buồn nặng sụp. Thầy Trí Quang đâu, sao không nhìn thấy? Mà thôi, cũng chẳng nên nhìn thấy cảnh này làm gì nữa.

Ôn đã kéo tôi tới trong giấc mơ. Pháp thân Ôn nằm kia, nhưng Ôn không ở đây đâu. Ôn đang ở chùa Báo Quốc, ngắm miếng đất đã chọn để xây tháp. Ở chùa Từ Hiếu, thảnh thơi bên hồ sen. Cũng có thể, Ôn đang đi quanh sân chùa Già Lam, bên các chậu hoa. Mùa này, mấy chậu hoa tỉ muội chưng bên cửa sổ phòng Ôn, chắc đã nhiều búp, sắp nở.

 Thầy Hải ở  đâu hiện ra. Thấy tôi cũng quay đi, tay áo rộng đưa lên quệt nước mắt. Đạt Đạo lật đật đi xuống cầu thang. Ai đó gọi. Đạt Đạo cũng không nhìn thấy tôi nữa sao?

Tôi quay lại, chào Thầy Thiện Siêu một lần nữa. Mắt tôi hoa lên. Thầy Thiện Siêu mờ đi, rồi một biến thành hai. Một áo nâu, một áo vàng. Kỳ chưa, hình ảnh như Ôn đang đứng bên cạnh thầy. Thầy Thiện Siêu sao thần sắc ngơ ngác như không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy. Chớp mắt, qua màn lệ mờ đó thôi. Thầy Thiện Siêu lại gật gật, ánh mắt càng u uẩn hơn, nhìn tôi. Và Thầy Hải, không tránh mắt tôi nữa. Thầy lắc đầu, òa khóc: “Ôn còn mô nữa mà Ôn… Ôn mô ở đây…” Thầy Hải muốn nói đủ cho tôi nghe đấy thôi. Máy quay phim rè rè, máy ảnh bấm nữa.

Ôn mô ở đây. Phải. Nếu thần thức chưa đến lúc rời Pháp Thân, chắc Ôn cũng quay mặt. Chừng đó người đến viếng, ai nấy nghiêm trang. Tất cả đều cố nhanh chóng chu toàn mọi nghi lễ thủ tục, để sớm ra khỏi cái không khí bằn bặt, nghi ngờ này.

Đâu cần gì nữa, Ôn ở trong lòng mọi người. Ôn ơi, mỗi người đi ra, đều đã mang theo hình ảnh Ôn trong trái tim. Chúng nói giết Hòa Thượng. Rồi cũng chính chúng giành độc quyền dàn cảnh tang lễ. Trong mắt bà cụ già, trong mắt ông cụ già, trong mắt hàng ngàn Phật Tử nói với nhau. Cả trong mắt trẻ thơ, hai hàng thiếu nhi Phật Tử, cầm lẵng hoa đứng đón chào quan khách, tất cả đều đang nói điều ấy.

Hòa Thượng bị đầu độc. Hòa Thượng chắc bị tra vấn? Hằng trăm câu hỏi thắc mắc trong lòng mọi người. Chị Phượng khóc, kể: Lúc năm giờ chiều, chị tới bệnh viện Thống Nhất, nài nỉ, được phép vào thăm. Hòa Thượng đã khỏe khắn như bình thường. Dặn dò:

“Con về thu xếp công việc, chuẩn bị khóa an cư. Nhắn mấy thầy yên tâm, Ôn khỏe lắm rồi. Chắc sáng mai Ôn về thôi.”

Hòa Thượng còn nói thêm:

“Phải về Chùa. Ở đây, Ôn cảm thấy không yên ổn.”

Chín giờ rưỡi đêm, lửa đốt trong lòng, chị Phượng một mình leo lên xích lô xuống bệnh viện. Không có Hòa Thượng nữa. Người ta cho biết đã đưa Ôn vào phòng cấp cứu. Chị Phượng không được vào, chỉ đứng bên ngoài nhìn vô. Chẳng thấy gì rõ ràng bên trong. Mười giờ đêm, chùa được tin Ôn mất. Tin báo giản dị: Hòa Thượng bị lên cơn tim, cứu chữa không kịp.

Có bao giờ ai nghe Hòa Thượng bị bịnh tim nặng chưa nhỉ? Hòa Thượng khỏe mạnh, hồng hào, mắt sáng, mặt hiền hòa. Chỉ lâu lâu than: “Chà, từ ngày giải phóng tới giờ, không biết người ta trộn đậu chi vô, mà Thầy ăn chao hay bị ngứa.” Chút bệnh ngoài da, không ai biết, vậy mà chạy vào tim phổi, chết bất đắc kỳ tử.

Phút lâm chung của Hòa Thượng không ai có mặt. Đã chết trước hay sau khi đưa vào phòng cấp cứu? Không rõ. Chỉ biết một điều, Hòa Thượng viên tịch lúc 10 giờ đêm. Giấc mơ khoảng một hai giờ sáng, đã kéo tôi đứng bên quan tài, trong Chùa Già Lam. Đứa con hư hỏng nhất, vẫn được Ôn nhớ tới, lúc vĩnh biệt.

Chỉ có Thầy Sự Chùa Bảo Quốc ngày nào, nay là Hòa Thượng Thanh Trí, được một vé máy bay khẩn, vào kịp chiều hôm trước để lo vụ nhập quan Hòa Thượng. Lễ nhập quan âm thầm, vội vã, lúc sáu giờ chiều. Ôn một mình nằm trong áo quan, trong khi bên ngoài, cả thành phố nhớn nhác. Phật Tử túa ra đường, ngang qua các chùa, gặp nhau, các chi tiết bàn thêm, tán rộng, chỉ làm cái chết của Hòa Thượng thêm phần bí ẩn.

Lúc đầu, có tin cho hay Pháp Thân Hòa Thượng sẽ được đưa ra Huế, làm lễ nhập tháp ở Chùa Bảo Quốc. Miếng đất cất tháp chính Hòa Thượng đã chọn, trong dịp đầu năm về giỗ Tổ ở Chùa Bảo Quốc. Thành phố Huế giờ này ra sao nhỉ? Ngập nước mắt, thương tiếc và trông chờ. Lại có tin, đơn xin phép đã bị bác. Tang lễ phải cử hành ngay sáng hôm sau, vội vã, gấp rút. Pháp Thân Ôn sẽ được an táng ngay trong khuôn viên Già Lam. Thêm một ngày, tin tức truyền nhanh, người ở ngoại ô, ở các tỉnh sẽ ùn ùn kéo về. Nhà nước Cộng Sản vốn thừa hiểu điều này.

Bên trong chùa Xá Lợi, vẫn tấp nập người. Đèn hương, nhang khói. Ban nghi lễ thường trực tụng Kinh, chuông mõ kêu inh ỏi. Tôi bỏ đi xa dần ngôi chùa quốc doanh, đám đông phía sau lưng vẫn nhốn nháo.

Liệu còn có con mắt nào rình mò theo dõi nữa không? Bao nhiêu hình ảnh tôi đã được ghi lại? Giọng nói của Ôn, mới ngày nào, như còn đều đều bên tai. “Thảm quá đi. Bữa Thầy Thiện Minh chết, Ôn được xe công an chở ra Hàm Tân. Tới  nơi, Thầy Thiện Minh đã chết mô lâu lắm rồi. Đắp mặt kín mít. Ôn xin nhìn mặt, không cho. Không cho tới gần. Ôn đứng xa, đọc cho Thầy một bài Kinh. Xin thay tăng bào cho Thầy, cũng không được phép… Lạ thiệt, lúc đang đọc Kinh, trong mắt Ôn thấy chỉ một cái mặt Thầy Thiện Minh, sưng chù vù, bầm tím, hai mắt lòi hẳn ra ngoài, nhìn Ôn mà ứa máu ở khóe môi… Ảo ảnh thôi, nhưng Ôn đứt ruột con ơi…”

Ôn ơi, Ôn không chịu nói thật chuyện Thầy Thiện Minh nhưng con biết. Nhiều người đã biết. Còn chuyện Ôn, đến bao giờ sự thật mới được nói ra?

Trở về Chùa. Ôn có như người ta đã kể. Lặng người. Không nói một lời nào, và máu tươi trào ở miệng. Thầy Thiện Minh, miệng ứa máu khi đã chết. Còn Ôn, sao Ôn phải ứa máu ngay khi còn sống? Mặt Ôn có sưng lên, có bầm tím không? Đâu có người nào được nhìn thấy Ôn, rõ ràng, sau khi Ôn tắt thở? Có cuộn băng ghi âm, người ta đã ép buộc Ôn phải nghe, phải nói? Cuộn băng gì mà đã biến thành một lệnh bức tử?

Lá bùa sát nhân ếm trên mái chùa vẫn tiếp tục tác oai tác quái. Nhưng ngọn đèn lồng của tuổi thơ đã mất. Tôi không còn được đi bên cạnh quan tài vị sư phụ nữa. Có phải vì tôi đã lớn. Không đâu. Mái Đất Nước, mái Giáo Hội, cũng đã lớn vậy, nhưng ngọn bùa vẫn ếm.

Lên xe thôi. Tôi đã hết sức để đi bộ. Vẫn còn trong vòng bao tỏa của khu vực Xá Lợi. Chú xích lô mặt đăm đăm, khó khăn hà tiện từng tiếng nói. Liệu chú có chở tôi, băng băng thẳng tới cánh cổng của một ngôi nhà, trụ sở công an mật bất cứ trên con đường nào cũng có. Chẳng thể như thế đâu. Tôi tự an ủi… Nhưng lòng vẫn nặng nề ám ảnh.

Lá bùa sát nhân ếm sẵn trên mái nhà Giáo Hội, mái nhà của Đất Nước, còn đó. Nó sẽ còn tiếp tục tác yêu tác quái.

Rồi ai sẽ tới phiên nữa đây?

….

 

Nhã Ca