Hồ Dzếnh
Ông là một trong những văn thi nhân hàng đầu, nổi tiếng từ thời tiền chiến. Ở lại miền Bắc sau năm 1954, ông cơ hồ chìm khuất trong đời khổ lụy. Không thấy thơ ông nữa; hoặc thơ ông đã được cất lên thật nhỏ, thật kín đáo thế nào ấy mà chúng ta chẳng nghe được âm hao. Ðùng một cái, vào năm 1993, thi phẩm Quê Ngoại II - Tiếng Hát Thiên Nga, được Thanh Văn xuất bản tại Hoa Kỳ. Từ Quê Ngoại I, xuất bản tại Hà-nội năm 1943 đến Quê Ngoại II, cách nhau đến 50 năm. 50 năm ấy, biết bao là dâu bể, vô thường; những tưởng khi được nói, sẽ nói thật nhiều, nhưng không. Thi phẩm Quê Ngoại II không gì mới lạ hoặc đặc sắc hơn. Tập thơ có vẻ như được gia đình và thân hữu quý mến ông mà in ra để kỷ niệm mà thôi. Ðọc lại ông qua thi phẩm mới này như thể đọc lại những bài thơ của 50 năm trước: thơ tiền chiến. Vẫn hay. Nhưng không hay như ta mong đợi.
Cuộc sống nhọc nhằn đau thương của ông trong 50 năm ấy, tưởng sẽ làm cho thơ ông cất cánh bay bổng lên thì ngược lại, làm cho cằn thêm. Cũng may là thay vào đó, ông có một tác phẩm văn xuôi: Quyển Truyện Không Tên. Lối viết truyện và giọng văn cũng nhọc nhằn, khô khốc, tựa như nó đã trung thực phản ảnh cuộc đời khổ đau của ông. Tác phẩm ấy, tôi thấy giá trị hơn tập thơ sau này của ông. Khi đọc, tôi rơi nước mắt mà còn có cảm tưởng là máu cũng tuôn theo. Có lẽ chưa thi nhân nào trên thế giới này, đã kinh qua đời sống khổ đau cùng tận như ông. Tôi cố gắng tìm một bài thơ, một đoạn thơ nào trong Quê Ngoại II có thể nói được nhiều như truyện của ông, nhưng không thấy. Thật đáng tiếc!
Trong khổ lụy, thơ ông bị nén lại thành máu: máu thơ (chữ của Hồ Dzếnh). Máu ấy trong hơn nửa thế kỷ bị dập vùi dưới bão táp phong ba, đã cô đặc lại, không lưu nhuận được. Và tài hoa thi phú của ông đành mai một đi. Nhưng dù gì thì cũng không thể bỏ qua những bài thơ lác đác sót lại của ông. Hãy đọc để tưởng nhớ một thời; và tưởng nhớ một đời: con người tài hoa nhiều khổ lụy.
Ðây là một vài bài trong Quê Ngoại I:
Trưa Vắng
hồn tôi đấy: căn trường nho nhỏ
nước vôi xanh bờ cỏ tươi non
lâu rồi còn thoảng mùi thơm
chân đi nghe động tới hồn ngây thơ
sâu rộng quá những giờ vui trước
nhịp cười say trên nước chưa trôi
trưa hè thường thấy hai tôi
ném đầu chim chích bắt đuôi chuồn chuồn
đời đẹp quá tôi buồn sao kịp
trang sách đầu chép hết giây mơ
ngả mình trên bóng nhung tơ
tôi nguyền: sau lớn làm thơ suốt đời
cỏ mấy bận xanh rồi lại tạ
gió lùa thu trong lá bao lần
bạn trường những bóng phù vân
xót thương mái tóc nay dần hết xanh
hồn xưa dậy chim cành động nắng
lá reo trên hồ lặng lờ trong
trưa im im đến não nùng
tôi ngờ trống học trong lòng trưa vang
Cảm Xúc
cô gái Việt Nam ơi!
từ thuở sơ sinh lận đận rồi
tôi biết tình cô u uất lắm
xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi
cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
khi cô vui thú là khi đã
bồng bế con thơ đón tuổi già
cô gái Việt Nam ơi!
ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
thế hệ huy hoàng không đủ xóa
nghìn năm vằng vặc ánh trắng soi
tôi đến đây tìm lại bóng cô
trở về đường cũ hái mơ xưa
rau sam vẫn mọc chân rào trước
son sắc lòng cô vẫn đợi chờ
dãi lúa cô trồng nay đã tươi
gió xuân ý nhị vít bông cười
ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
trong một làng con đã héo rồi
cô gái Việt Nam ơi!
nếu chữ "hy sinh" có ở đời
tôi muốn nạm vàng muôn cực khổ
cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Đợi Thơ
phút linh cầu mãi không về
phân vân giấy trắng chưa nề mực đen
khói trầm bén giấc mơ tiên
bâng khuâng trăng giãi qua miền quạnh hiu
Tô Châu lớp lớp phù kiều
trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam
rạc rời vó ngựa quá quan
cờ treo ý cũ mây giàn mộng xưa
biển chiều vang tiếng nhân ngư
non xanh tha thiết trời thu rượi sầu
nhớ thương bạc nửa mái đầu
lòng nương quán khách nghe màu tà huân
buồn Tư Mã nhớ Chiêu Quân
nét hoa thấp thoáng ý thần đê mê
phút linh cầu mãi không về
phân vân giấy trắng chưa nề mực đen
Giản Dị
Em ăn, em nói, em cười,
Kiếp này không có hai người như em.
Kinh thành: quần nhiễu, hàng len,
Em tôi: áo trắng, quần đen sơ sàị
Ai mà để ý vào ai,
Quần đen lẫn bóng, áo gai lẫn mầu.
Trên đời hai đứa yêu nhau
Quần đen hóa đẹp, áo sầu hóa vui.
Tình là hạnh phúc chia đôi,
Hương lan kẽ đá, trăng soi dậm trường...
Đừng mong ước cả Thiên Đường,
Hãy xin lấy nửa tấc vườn vắng hoa.
Tình người bướm lại, ong qua,
Tình tôi con nước, canh gà hắt hiu.
Sầu tôi bờ bến bao nhiêu,
Nếu đời em để sắc điều gây nên...
Giữ Gìn
Một câu ấy nói lên là lá rụng,
Là mây chìm, là gió sẽ thay xanh,
Là cây tươi sẽ mở nụ trên cành
Và chim chóc sẽ bồi hồi nghe ngóng.
Anh thấy gió một chiều thu xao động,
Nghe mơ màng vin nặng mái mây cao,
Trời trở buồn -- ai hiểu nghĩa làm sao ? --
Mây lạc nẻo, tim nghe chừng thất vọng.
Một câu ấy nói lên là rợn sóng
Cả một màu mây kín bốn phương xa;
Trên bao lơn của năm tháng sầu qua,
Anh ngậm miệng để chết dần theo Mộng!
Một câu ấy nói lên là tuyệt vọng,
Cây chính mùa, nhưng lá đã quên xanh
Bướm đương vui, nhưng bướm sẽ xa cành,
Một câu ấy nói lên là... hết sống !
Non
Lửa Thơ bừng cháy giữa đời,
Tình Thơ thắm thiết cho người bán mua.
Ý thiêng người thiếu, ta thừa,
Nghìn kho ân lộc, trăm mùa mạnh xuân.
Khinh nẻo hẹp, ghét nơi gần,
Mắt xa thăm hỏi muôn lần dặm băng.
Dẫu tàn trên đỉnh Kiêu căng,
Còn hơn muôn thuở cao bằng ngọn cây.
Thơ về: nắng sáng lừng bay,
Gấp đi cánh phượng cho ngày rạng ra.
Cõi trần vẳng tiếng Thiên-nga,
Thơ không tuổi, ý không già: muôn năm!
Gối lên Bắc-đẩu ta nằm,
Nghe rung chân lạ, thơ thần mười phương.
Non cao nên dáng non buồn,
Tuyết sương thắm mãi linh hồn quạnh hiu.
Non tuy run rét bao chiều,
Vẫn đem Cao cả, Tiêu điều gởi Mây...
Thờ Ơ
rừng ở trưa hè ngủ giấc mơ
bên rừng suối chảy chậm như giờ
trong "hươn" cô gái Lào quay chỉ
liếc mắt nhìn người khách lạ qua
bên cô ông lão ngồi đan giỏ
cậu bé đang mài lại lưỡi dao
"quéo" rụng ngoài sân từng quả một
buồn theo liếp cửa nhẹ len vào
thấy khách vào nhà cô đứng lên
mời bình nước lạnh rồi điềm nhiên
quay tơ, ông lão ngồi đan giỏ
cậu bé mài dao, quả rụng thềm
uể oải lên đường khách lại đi
lòng bùi ngùi tiếc phút chia ly
nhưng cô Lào vẫn ngồi nơi cũ
không muốn và không bận nghĩ gì
óc khách suy tìm cảnh lặng yên
lạnh lùng quá đổi của người bên
mà sao đời khách, tâm tư khách
không chút thờ ơ giống cảnh trên ?
Bài này đã được phổ nhạc:
Mầu Cây Trong Khói
Trên đường về nhớ đầy...
Chiều chậm đưa chân ngày,
Tiếng buồn vang trong mây...
Tiếng buồn vang trong mây...
Chim rừng quên cất cánh,
Gió say tình ngây ngây,
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?
Tôi là người lữ khách,
Mầu chiều khó làm khuây,
Ngỡ lòng mình là Rừng,
Ngỡ hồn mình là Mây,
Nhớ nhà châm điếu thuốc,
Khói huyền bay lên cây...
Lũy Tre Xanh
Làng tôi thắt đáy lưng... tre
Sông dài, cỏ mượt đường đê bốn mùa.
Nhịp đời định sẵn từ xưa:
Ươm tơ tháng sáu, lên chùa tháng giêng.
Chợ làng mỗi quý mươi phiên,
Đong ngô đổi gạo, trang tiền bằng khoai.
Trong làng lắm gái, thưa trai,
Nên thường có luật, chồng hai vợ liền !
Làng gần đô thị, tuy nhiên
Mắt trong vẫn giữ được niềm sắt son
Lâu rồi, truyền tử, lưu tôn
Mầu duyên ân ái mây còn thoảng bay.
Tôi yêu, nhưng chính là say
Tình quê Nam Việt, bàn tay dịu dàng.
Thơ tôi: đê thắm, bướm vàng,
Con sông be bé, cái làng xa xa...
Mái Lều Tranh
Mẹ tôi sống lặng trong làng nhỏ,
Đâu biết thời gian đổi mới rồi;
Lòng vẫn đau buồn thiên vạn cổ,
Nào hay Non nước đã reo vui.
Bồ hôi cứ thấm từng thân áo,
Lưng mãi còng trên lớp bụi đời;
Mẹ vẫn điềm nhiên trong dáng lão,
Vun trồng mấy luống bắp, khoai tươi.
Ngoài kia Niên thiếu ca Xuân mới,
Trong lũy tre xanh, đời vẫn buồn.
Ai biết để lòng yêu một buổi,
Bay về thăm viếng mái cô thôn?
Bao giờ cho sáng lều tranh nhỏ,
Mẹ Việt-nam mừng nước Việt-nam?
Hay vẫn đau buồn thiên vạn cổ,
Những người không biết ánh Vinh quang?
Và đây là một số bài trích từ Quê Ngoại II:
Tặng Vợ Tôi Khi Còn Sống
Tặng em vì biết yêu em,
Em còn tin tưởng ít nhiều ở anh
Mùa đời rụng hết vàng xanh
Nỗi đau thương cũ nay thành máu thơ.
Em ơi, giữa tiệc sông hồ,
Lại đây, sống lại mấy giờ bên nhau!
Mất, còn có nghĩa gì đâu
Trong vui cao cả, trong sầu mênh mông...
1950
Vô Ðề
(nhân đêm trừ tịch, thân tặng Hồng Phúc, Phương Hương)
Tỉnh dậy - mặt trời chưa thức giấc
Năm canh còn lại một canh năm
Trà sen trừ tịch hương còn ngát
Thoảng Pháp-hoa-kinh giọng rất trầm
Có phải lời em tự chốn xa
Vọng về trong bóng khói, sương hoa
Cùng nhau tuy chẳng bào thai mẹ
Nhưng khác gì chung một mái nhà?
"Hoa lưu động khẩu ưng trường tại
Thủy đáo nhân gian định bất hồi"
Hoa thơm cửa động còn thơm mãi
Nước chảy vòng trần luống chảy xuôi...
1980
Bài Thơ Tặng Vợ
Gửi Nguyễn Thị Hồng Nhật
Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?
Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi!
1986
Có Một Bài Thơ
Phúc ơi! có một bài thơ,
Mà anh viết đến bây giờ chưa xong
Ðèn nhòa, giấy trắng mênh mông
Mười năm tâm sự một dòng chửa thôi.
1947
Chuyến Tàu Ðời
(Bài thơ bỏ quên)
Nhiều lần tôi nghĩ bao la:
Ðời là quán khách, tôi là giấc mơ
Trao duyên rất đỗi tình cờ
Không mong ước hẹn, không ngờ gặp nhau.
Tôi sinh cách mấy ngàn sau,
Vẫn bền thiên luật: lên tàu xuống ga
Ðường đời bóng núi sông qua
Nay đang nắng mới, mai là cảnh xưa
Có tôi, tàu vẫn đông thừa
Không tôi, tàu vẫn chẳng thưa vẫn người
Mất còn có nghĩa gì đâu
Tôi là chút ít của đời chút không
Dặm trần bụi cuốn, may dong
Tôi đem số phận gửi trong má đào
Từng phen gió lạnh bay vào:
Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em?
1937
(không nhớ nơi viết và tờ báo nào)
Tu Là Cội Phúc
Gửi một lòng em gái phương xa
Ðược biết em vừa thí phát
Thời trang đổi lấy cà sa
Một sớm đi vào cõi Phật
Bụi trần một sớm lìa xa...
Ôi nếu đúng vì Chân lý
Xin mừng em bước sang sông
Phơi phới cánh buồm thoát tục
Xuôi dòng thuận gió lâng lâng.
Nhưng nếu tâm cơ định khác
Dây oan muốn dứt duyên tình
Chim tự lao vào gai sắc
Tiếng ca mình đẫm máu mình!
Em ạ, đời thơ cũng vậy
Ðau thương - sự nghiệp vinh quanh
Gạn chất bùn đen tự đáy
Trăm năm luyện được chút vàng!
Chỉ tiếc đầu xanh một mái
Từng thơm trang sách năm xưa
Nay bỗng vắng niềm ưu ái
Hồn thơ chợt thấy hoang vu!
8-1990