Do tính cách đọc thơ hoàn toàn chủ quan như đã nói ở trên, xin bạn đừng xem đây như một thiên khảo cứu hay một bộ sưu tập về thi ca Việt-nam. Tôi đọc bằng cảm xúc, không đọc bằng kiến thức. Nếu những lời bàn nào đó của tôi đối với một bài thơ mà không đúng ý tác giả thì chẳng có nghĩa rằng tôi hiểu sai đâu, mà chỉ vì tôi đọc thơ tác giả đó bằng cái hồn, cái giọng, cái cảm xúc của tôi đấy thôi. Xin đừng càm ràm, phiền trách. (Vả chăng, này các thi nhân, các bạn có thể nào chỉ tôi làm thơ cách sao mà không bị người khác hiểu sai ý không?) (trích LỜI THƯA của Vĩnh Hảo viết cho các trang "Đọc thơ")

 

 

 

Trần Yên Hòa

 

 

 

Thơ ông đọc nghe buồn thấm thía thế nào ấy. Tràn ngập những hoài niệm, dĩ vãng, cảnh xưa, bóng cũ, cố nhân. Có nỗi gì thật tha thiết trong lời. Và một niềm đau tiếc cứ rấm ra rấm rức, không dứt đi được. Nó bám vào tim, nó dìm mình xuống. Ðau. Mà thương. Thương. Mà đau.

 

 

Ngõ Tình Phai

 

lời tình nào em cho ngày nọ

cũng tàn phai theo tháng năm rồi

như con nước tràn qua cát nóng

tan nhòa trên vị đắng bờ môi

 

thấp thoáng đó một bờ vai cũ

màu tóc xưa hong đậm tình nhau

ta chen chúc nhục nhằn đủ thứ

bỗng hốt nhiên em nhạt phai màu

 

con sông nước vỗ tràn thơ dại

gợi lòng ta nỗi nhớ thương xưa

cơn mộng dữ mười năm lưu lạc

đất khách hoài ngóng một chiều mưa

 

tình đã cạn mà ta lú lẩn

tưởng như ta trẻ mãi không già

ngõ phai nhạt làm ta lấn cấn

cuộc tình xưa pha vị điêu ngoa

 

ta vẫn mãi một lòng hoài vọng

như lưu vong vọng tưởng quê nhà.

 

Thơ thất ngôn đã hay thế, mà lục bát của ông cũng không kém phần điệu nghệ, tài tình. Có thể nói lục bát là sở trường của ông. Chẳng hạn trong bài Tục Lụy Em, tiết điệu của mấy câu đầu rõ ràng là diễn theo cái bước tần ngần của một kẻ lãng du trở về bên cảnh cũ.

 

Tục Lụy Em

 

tần ngần trở lại hiên xưa

nắng vàng rưng, nhớ ngày mưa thuở nào

dạt xa từ độ chiêm bao

lãng du quên, lãng du nào, hở em

trở về, mưa vẫn muộn phiền

một bờ cát lở, hai miền phù vân

cũng là mưa tạt đá băng

cách ly đòi đoạn còn ngăn nỗi mình

lãng du quên một chuyện tình

tục lụy em, lại một mình ta say.

 

Những bài kế tiếp cũng không chê vào đâu được.

 

 

Rừng Trú Ngụ Em

 

rừng xa, có gọi em về

nhắn câu phù ảo dầm dề sương mai

xa ta, hồn vọng đêm dài

nhắn mây gọi tóc phủ tai ách trời

em đi phố cũng ngậm ngùi

rừng kêu, núi gọi, sóng vùi dập sông

mờ nhân ảnh, kiếp lao lung

rừng em trú ngụ, nửa chừng khơi xa

ta về ngọng nghịu lời ca

vỗ tay, tạc đá, lìa xa phận người.

 

 

Lá Trăm Năm

 

em đi qua phố ngậm ngùi

mưa giăng bóng nhỏ dập vùi dấu chân

một mai có biết căn phần

trong thân thể nọ có lần cho anh

nhớ xôn xao nụ hôn gần

bờ môi mọng nụ tầm xuân đêm nào

lá trăm năm em xin trao

những môi hôn những câu chào thiết tha

bây giờ ta vẫn là ta

đi trên phố không biết là về đâu.

 

Và đây, hãy đọc bài ưng ý (?) của thi nhân Trần Yên Hòa. Tựa bài thơ cũng là tựa chung của thi tập của ông. Lời thơ quê quê, với những chữ ít được dùng đến trong thơ của những thi nhân gọt giũa kỹ lưỡng. Giọng thơ nghe như một bài ca dao buồn. Một nỗi buồn da diết, tội nghiệp. Một nỗi đợi, một nỗi chờ, triền miên như thể không bao giờ tái hợp. Có thể nói, cũng chính nỗi ấy, lại là cái đẹp ở lại lâu dài trong thơ Trần Yên Hòa.

 

 

Khan Cổ Gọi Tình, Về 3

 

từ em, bỏ cội bỏ nguồn

bỏ con sông nước đứng buồn nhìn theo

nhánh sông chảy miết qua đèo

anh heo hút đợi, chèo queo một mình

cũng đành thôi một cánh chim

bay xa, bay mãi, hút chìm nơi đâu

bớ em, sương rớt thấm đầu

bớ em, vô lượng ngàn sau có về

bớ em, rời cõi u mê

anh khan cổ gọi, em về cùng anh

có con chim nhỏ trên cành

líu lo hót đợi mùa xanh hoa vàng

 

đợi em, bên vườn địa đàng

xin em hãy ghé cài tràng hạt xưa.

 

 

 

 

Trở về mục Đọc Thơ