NGÔI CHÙA TRÊN SÔNG

 

Vĩnh Hảo

 

 

 

Không có con sông nào chảy ngang chùa. Cũng không phải là ngôi chùa gỗ được thiết kế như một chiếc thuyền trên sông. Nhưng chính nơi tên chùa, và tên của thôn xã địa phương, đã diễn tả một cảnh sông nước thơ mộng, mênh mông trong trí người đọc: Chùa Huệ Hà, thôn Ngân Hà, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa ( là sông lớn. Thủy là nước, trong một số trường hợp, chữ này cũng được dùng để nói về sông sâu, biển rộng).

Huệ Hà. Tên chùa nghe lạ và đẹp. Thực tế thì chùa tọa lạc trên một vùng đất cát, cằn khô ở gần biển. Nhờ gần biển nên có khí hậu thoáng mát quanh năm, nhưng cũng không quá gần để trở thành khu du lịch nhộn nhịp xô bồ. Gần chùa không có con sông nào cả. Thế mà vẫn mang cái tên của sông. Tôi nghĩ có lẽ nửa thế kỷ trước, ai đó đã dựa nơi tên của thôn (Ngân Hà) mà đặt tên chùa (Huệ Hà). Tên chùa đọc nghe có vẻ nhẹ nhàng, khiêm hạ. Theo cách đặt pháp danh thì tên này dành cho phái nữ, cho Ni giới. Nhưng không, chùa này do dân làng lập nên, chẳng có tăng ni nào trụ trì cả. Trải qua nửa thế kỷ, mỗi khi chùa có lễ lớn thì phật-tử địa phương mới cung thỉnh một vị tăng hay ni đến chứng minh, hướng dẫn.

Cho đến năm 2001, do sự giới thiệu của một bạn đạo tại Sài-gòn, phật-tử địa phương đã cung thỉnh được một sư cô về chùa. Sư cô lưu lại đây để hoằng pháp đến nay đã gần 10 năm. Chùa Huệ Hà, như chính tên gọi nhẹ nhàng ấy, mặc nhiên trở thành chùa Ni kể từ đó.

 

 

Sư cô trụ trì đạo hiệu là Thích nữ Minh Lạc, tốt nghiệp cử nhân Phật học và Hán học tại Học Viện Phật Giáo TP. HCM (Đại học Vạn Hạnh cũ). Sư cô hành điệu từ nhỏ ở cố đô Huế, tu học và tốt nghiệp từ phố thị (Sài-gòn), nay về hoằng pháp ở thôn xã nghèo ít học, hẳn nhiên là phải gặp nhiều khó khăn, chướng ngại. Khó khăn ở đây không phải là sự gian khổ, đạm bạc và thiếu tiện nghi (mà người xuất gia nào cũng quen nếp), mà chính là ở chỗ phải chịu khó giáo hóa cư dân của một địa phương ít người hiểu đạo. Nghề nghiệp chính của dân cư nơi đây là làm ruộng muối, một số ít làm nghề chài lưới. Trường học ở xa, học sơ cấp phải lên xã, trung cấp phải ra huyện, cho nên cũng ít người được học đến nơi đến chốn. Vì là chùa không có tăng ni trụ trì từ thuở khai sơn, địa phương này chỉ có một số người biết đến chùa lễ Phật, đơn giản là lễ Phật cầu phước, cầu bình an và thuận lợi cuộc sống.

Thời gian đầu Sư cô gặp nhiều trở ngại về việc thỉnh chuông và tụng niệm. Một số người ngoại đạo, hoặc không có đạo, chống báng, phản đối, có khi chửi rủa. Lại có chuyện giành đất, lấn đất chùa, đưa đến kiện tụng. Sư cô phải hết sức ẩn nhẫn để vượt qua. Cũng chính vì gặp nhiều chướng ngại ban đầu, sư cô phát tâm xây dựng điện Quán Thế Âm phía bên trái của ngôi chánh điện. Sư cô tâm niệm rằng, Phật ngự trong chánh điện, người qua kẻ lại không nhìn thấy; cho nên cần phải an vị các tượng Bồ-tát ở sân chùa, sao cho khách vãng lai trên trục lộ chính ngang chùa, đều nhìn thấy buổi sáng khi họ đi làm, buổi chiều khi họ đi làm về. Nhìn thấy Phật, tâm họ sẽ lắng bớt phiền não, hoặc ít nhất cũng gieo được vào tâm họ hạt giống Phật. Từ tâm niệm này, Sư cô an vị tượng Bố Đại hòa thượng (mà phật-tử bình dân quen gọi là Phật Di Lặc) ở sân trước chánh điện, và tiếp theo là điện Quán Thế Âm vô cùng trang nghiêm, cạnh vệ đường.

 

 

Mầu nhiệm thay, theo lời Sư cô kể lại, từ khi điện Quán Thế Âm được xây dựng, các việc chống đối phá hoại lắng xuống nhiều, phật-tử đến chùa lễ Phật tụng niệm đông và thuần thục hơn. Những thuận duyên lần lượt đến với chùa, điển hình là việc người ta lấn đất chùa, đã chịu trả lại; và giấy phép xin trùng tu chùa đã bị bác bỏ nhiều năm, cũng đã được cấp vào tháng 9 năm 2010.

Chùa như thế nào mà cần trùng tu?

Chùa Huệ Hà được xây năm 1961, 50 năm qua chưa một lần tu bổ, nay đã bị hư dột nặng nề, mái và vách mục nát, chắp vá loang lổ từ ngoài vào trong. Chánh điện bị dột ngay nơi bàn Phật và rải rác vài nơi khác, khi trời mưa thì nước ngập lai láng.

 

Bên hông phải chánh điện

 

Bàn thờ Phật

 

Lối vào bên hông trái chánh điện

 

 

Bên phải chánh điện

 

Chùa có quả chuông nhỏ chừng 100 kí-lô đã bị rè, khi gióng chỉ kêu lên một tiếng "beng", không còn ngân. Sư cô Minh Lạc nói, "khi thỉnh chuông lòng không an, cứ sợ chuông bể. Mà ở thôn xóm này, rất là cần tiếng chuông. Phần là để đánh thức dân trong thôn dậy làm việc, phần khác cũng là đánh thức tánh Phật của họ." Tôi thầm nghĩ, "trong khi các chùa ở hải ngoại có chuông lớn, tiếng ngân hay, mà không dám gióng (vì sợ phiền hàng xóm) thì ở nơi thôn nghèo này, được quyền gióng chuông sớm hôm mà lại không có chuông."

 

Quả chuông nhỏ như báo chúng, cái dùi cũng nhỏ vừa một tay cầm, gác nơi cửa sổ

 

Cổng tam quan của chùa cũng bị rạn nứt, có thể gây nguy hiểm cho người qua lại, phải tô gạch áp sát cạnh bên để giữ cho cột khỏi sập, khiến mất thẩm mỹ.

 

 

 

Xin được giấy phép đại trùng tu rồi, Sư cô Minh Lạc bắt đầu vận động tài chánh để chuẩn bị công trình, và cuộc vận động này khởi đi từ những người quen biết nơi thành phố (Nha Trang, Sài-gòn). Giấy phép xây cất này lại giới hạn trong vòng một năm, cho nên dù thế nào cũng phải khởi công, vì nếu để hết hạn một năm (chưa khởi công xây dựng) thì phải nộp đơn xin phép lại từ đầu với nhiều thủ tục rắc rối, mà chưa chắc xin lần thứ hai lại được chấp thuận. Thế nên, Sư cô Minh Lạc phải khẩn cấp tìm người bảo trợ.

Duyên lành đến với Sư cô vào tháng 5 năm 2011 với sự phát tâm của một phật-tử tại Hoa Kỳ, tài trợ 10 nghìn Mỹ kim để khởi công xây móng. Đến tháng 6 thì ngôi chùa hư dột từ thế kỷ trước để lại, đã được san bằng. Sau đó, Sư cô Thích nữ Minh Lạc đã cung thỉnh chư Tăng đến chứng minh lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây cất, lễ khai móng, đặt móng.

 

Chư Tăng các vùng phụ cận đến chứng minh lễ khai móng

 

 

Móng cũng được đặt sau đó

 

 

 

 

Nhìn những tấm ảnh với ngôi chùa cũ biến mất để lại một khu đất trống lởm chởm xà-bần và cát biển, tôi có cảm giác ngậm ngùi thế nào ấy. Cảm giác tợ như khi nghe tin chùa Hải Đức Nha Trang bị san thành bình địa rồi cất lên một ngôi chánh điện hoàn toàn mới, kiến trúc mới, không lưu lại chút gì của ngôi chùa cổ trăm năm trước đó. Nhưng Sư cô Minh Lạc nói với tôi qua điện thoại: "Chùa Huệ Hà này không phải chùa cổ trăm năm như chùa Hải Đức, kiến trúc của nó cũng đơn giản là một chùa quê, không có nét đặc thù gì của một di tích lịch sử cần bảo quản. Chùa đã quá hư nát, rất nguy hiểm để sinh hoạt tụng niệm trong đó, không thể chắp vá, tu bổ hoài được; cần phải xây mới lại hoàn toàn, nhưng kiến trúc mới sẽ là kiến trúc truyền thống theo chùa Huế xưa. Hơn nữa, dù ngôi chùa cũ bị san bằng nhưng cái hồn của nó, tôi đã giữ lại."

Tôi nghe nói vậy thì giật mình hỏi:

"Cái hồn như thế nào? Sư cô đã giữ được gì?"

Sư cô bình thản trả lời:

"Dạ, thì những câu đối của chùa, tôi giữ lại để treo cho ngôi chùa mới sau này."

"À, thì ra vậy, tôi không nghĩ ra. Sư cô có thể nào chép lại cho tôi đọc thử mấy câu đối của chùa không?"

Sư cô chép đủ bốn cặp câu đối từ ngoài vào trong chánh điện, vừa chữ Hán, vừa phiên âm và dịch nghĩa, rồi gửi qua cho tôi bằng điện thư. Đúng là một cử nhân Hán học. Cô thật giỏi. Nhưng điều làm tôi an tâm và vui mừng là Sư cô một mình dấn thân nơi thôn ruộng muối này với tâm chí thật vững chãi, bền gan và kham nhẫn, để vượt qua những khó khăn, chướng ngại. Và điều đơn giản mà tôi học được từ Sư cô là những câu đối của chùa có thể được xem như là tâm chí, đường hướng, là cái hồn của ngôi chùa đó.

Đây, cái hồn của chùa Huệ Hà mà Sư cô Minh Lạc giữ lại làm vốn liếng, hành trang cho ngày mai:

Huệ nhật triệu Kỳ-viên thuyết pháp lợi sanh khai giác lộ

dục thí bảo phiệt hưng từ tế chúng độ quần mê.

 

Sư cô dịch thoát như vầy:

Mặt trời trí tuệ tại Kỳ-viên, thuyết pháp lợi sanh khai mở đạo giác ngộ

Tắm gội trong dòng sông chánh pháp, khởi lòng từ bi cứu khổ độ quần mê.

 

Mặt trời ở câu trên là chỉ Đức Phật. Con sông ở vế dưới là sông Pháp.

Chùa Huệ Hà, không có sông nào chung quanh, nhưng có con sông Pháp đêm ngày được khơi nguồn và lưu dẫn từ một ni cô nhỏ nhắn, tay yếu chân mềm mà chí nguyện bền vững, vượt lên những chân trời cao viễn.

Nhưng chí nguyện cao vời thế nào thì thực tế vẫn cần sự trợ giúp của chư tôn đức Tăng Ni và thập phương bá tánh. Công trình xây dựng chùa Huệ Hà chỉ mới khởi sự với việc đúc móng đổ nền. Sư cô nói số kinh phí còn lại sẽ tiếp tục vận động từng ngày, từng tháng; có tiền thì tiếp tục, không tiền thì tạm ngưng, cho đến khi nào hoàn tất. Hiện tại, chùa Huệ Hà đã dùng phòng khách làm chánh điện tạm để tụng niệm hàng ngày.

 

Sư cô Minh Lạc và phật-tử địa phương tụng niệm nơi chánh điện tạm

 

Tôi chắp tay cầu nguyện cho việc xây cất ngôi chánh điện chùa Huệ Hà gặp được thuận duyên để Sư cô và phật-tử sớm được tụng niệm lễ bái nơi một Phật điện trang nghiêm, và dân thôn xóm mỗi ngày có thể nghe được tiếng chuông ngân khi bình minh lên và hoàng hôn xuống.

Kính cẩn viết đôi lời giới thiệu đến chư tôn đức và quí bạn đạo khắp nơi.

 

California, ngày 19.6.2011

(ngày Vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm)

Vĩnh Hảo

 

 

---oOo---

 

Cúng dường xây chùa, đúc chuông chùa Huệ Hà, xin liên lạc:

 

Sư cô Thích Nữ Minh Lạc

(Nguyễn Nguyễn Linh Chi)
CHÙA HUỆ HÀ

Thôn Ngân Hà, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

Việt Nam

Điện thoại chùa: (84) 583 849 859
Điện thoại di động:
(84) 122940.9409

 

Số tài khoản ngân hàng Sacombank: 050014224383

Người chủ tài khoản: Nguyễn Nguyễn Linh Chi

 

 

---oOo---

 

 

 

Mời xem:

 

PHƯƠNG DANH CÚNG DƯỜNG XÂY CẤT CHÙA HUỆ HÀ

 

 

SƠ ĐỒ NGÔI CHÁNH ĐIỆN CHÙA HUỆ HÀ TƯƠNG LAI

 

 

 

VÀI HÌNH ẢNH ĐỔ MÁI HẠ CHÙA HUỆ HÀ (CUỐI THÁNG 10.2011)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CÔNG TRÌNH XÂY CẤT CHÙA HUỆ HÀ

 

(CẬP NHẬT THÁNG 7/2013)