LỜI GIỚI THIỆU
thi phẩm "Cát bụi đường bay"
của HÀN LONG ẨN
Cuối năm,
lật xấp bản thảo của các thi hữu gửi đến từ đầu năm, còn sót một thi phẩm
chưa đọc. Châm một bình trà khuya, trong không gian tĩnh lặng, tự thưởng
mình bằng những vần lục bát của một thi nhân áo nâu chưa bao giờ gặp mặt.
Đọc một
hơi 89 đoản khúc, mỗi đoản khúc bốn câu, tưởng chừng mình như hạt bụi bay
theo gió cuốn.
Nói cách
khác, thi phẩm trên tay bạn là cuộc hành trình của một hạt bụi, đi qua chiều
dài gập ghềnh của tâm cảnh và thời gian, đi qua cái mênh mông bát ngát của
cõi thiền. Hạt bụi, có khi hóa thân thành cánh chim, cánh nhạn, chiếc lá,
hay khói sương, đã lịch nghiệm những cảnh giới ấy theo đường bay của gió.
Gió xuân, gió hạ, gió thu, gió đông. Gió được, gió mất, gió vinh, gió nhục,
gió khen, gió chê, gió vui, gió buồn… Nhưng đậm nét nhất, có thể nói là gió
tình và gió thiền. Nếu được-mất, vinh-nhục, khen-chê, vui-buồn là những cặp
vừa tương khắc vừa tương sinh, thì tình và thiền ở đây cũng là một cặp song
hành. Nói thế không có nghĩa trong tình tất có thiền, hay trong thiền tất có
tình. Chỉ là nói theo thể cách thiền-tình đề huề của Hàn Long Ẩn qua thi
phẩm này. Tình yêu thi hóa tâm thiền. Tâm thiền tịnh hóa tình yêu. Hai ngọn
gió này, lúc quyện lấy và nâng đỡ nhau, lúc lại lấn lướt loại trừ nhau, trên
cuộc đăng trình về chốn miên viễn.
Khởi đầu
cho cuộc đăng trình là chuyển động của gió:
Tàn thu
buốt lạnh gió lay
Lên non còn
nhớ mộng ngày ta xưa
Cánh chim phiêu bạt bao mùa
Chợt nghe
vọng tiếng gió lùa sang sông
(đoản khúc 1)
Và gió
khởi đi từ buổi tàn thu, dấy lên cả một trời ảm đạm, làm nền cho một phiến
tình lãng đãng khói sương.
Xưa em cột
mái tóc thề
Sương khuya
đọng ướt đề huề gió đưa
Sáng nay
quét lá sân chùa
Chuyện ngày
xưa đã theo mùa thu đi
(đoản khúc 3)
Mượn ý
giai thoại phướn và gió của Lục Tổ Huệ Năng, ở đây có thể nói theo ngôn ngữ
nhà thiền rằng, trong cơn gió bụi ấy, chẳng phải gió hay bụi chuyển động, mà
chính là tâm động. Tâm ấy động chuyển từ một khoảnh khắc của tình, và hành
giả đang trong nỗ lực chuyển hóa tình yêu nhỏ bé thành năng lượng vô hạn của
từ bi tâm. Cuộc chuyển hóa này được vẽ lại bằng những câu lục bát óng ánh
sắc màu và âm thanh diễm lệ, trữ tình…
Giọng thơ
của Hàn Long Ẩn đã mấp mé chạm tới đỉnh cao của thể lục-bát với lối ngắt
câu, phân chữ thật điêu luyện, tài tình. Chỉ có một đôi chỗ, nếu biết chăm
chút thì bức tranh cảm xúc đa diện đó sẽ hoàn mỹ hơn. Nhưng tâm điểm của thi
phẩm vẫn mạnh mẽ thu hút người đọc “cuốn theo chiều gió.”
Đây, hãy
thử đặt tâm trạng của mình vào tình cảnh này:
Lạc loài
vết nhạn trời mây
Rã đôi cánh
mỏng thêm dài thu phong
Tưởng đâu
con nước xuôi dòng
Ngờ đâu
nước cũng lên ghềnh xuống ao
(đoản khúc 15)
Dĩ vãng
tưởng chừng đã phai nhạt theo lá thu, nhưng trong một góc mơ hồ nào đó của
con tim chay tịnh, nỗi ân cần quan tâm hãy còn dùng dằng níu kéo.
Nước ra
biển cả mù khơi
Hỏi thăm
gió bấc bên trời buồn chăng?
(đoản khúc 5)
Có những
tháng ngày tiếng chuông chùa không đánh thức được tuệ giác viễn ly, mà khơi
động cả một khung trời kỷ niệm, buồn đau.
Ngày em
khoác áo thêu hoa
Câu thơ rớt
giữa hằng sa giọt buồn
Đêm về nghe
vẳng tiếng chuông
Thềm khuya
bóng nguyệt gió luồn khóm tre
(đoản khúc 6)
Người đi,
kẻ ở với nỗi biệt ly đoạn trường của thế gian, đôi lúc cũng không miễn trừ
những tâm hồn chân chất đơn sơ trong cửa thiền. Một lần say đắm xa xưa trong
cõi bụi hồng, hay chỉ một thoáng bâng khuâng hiện tại nơi chốn tịch liêu,
cũng đủ xô lệch thảo tòa của thiền sư chân thành tìm cầu giải thoát giác
ngộ. Trong tình huống ấy, không có sức gì ngăn được sự tràn vỡ của những cơn
đau nhói, hoặc những gặm nhấm trường kỳ rỉ rả… ngoại trừ sự quán tưởng và
cảm nhận thâm sâu về tính cách vô thường huyễn mộng của vạn hữu, của bóng
sắc và âm thanh, của tình yêu và những giấc mộng bình thường.
Tình chung
cát bụi đường bay
Tình chung
hoa nắng vàng lay giấc hồ
(đoản khúc 19)
Thú thật,
nhập vai làm hạt bụi bay theo cõi thơ Hàn Long Ẩn, lòng tôi cũng mệt lắm.
Mệt mà lại vừa lo lắng hồi hộp cho mình (hay cho nhà sư?), không biết “phiến
tình sầu” này có làm cho mình khổ lụy không! Cả một đoạn đường dài cố quên
rồi lại nhớ, đã nhạt rồi lại đậm, đã chết rồi lại sống, khiến lòng chẳng an.
Cõi tình e đã lấn cõi thiền chăng? Bởi vì “cửa tùng đôi cánh gài” chưa hẳn
là giải pháp hữu hiệu để ngăn chận một tâm hồn lãng mạn đa cảm. Có khi tình
đã nguội nhưng lòng trắc ẩn không dễ vượt qua. Nếu đã vượt qua rồi thì ngại
chi bóng nguyệt che mờ buổi bình minh!
Thiền sư
khép cửa am thiền
Vẫn nghe
đầu gió một miền u linh
Hàn long ẩn
bóng thu mình
Nguyệt kia
chẳng chịu để bình minh lên
(đoản khúc 31)
Mãi đến
hai phần ba đoạn đường, tâm kia mới sáng dần lên và sự quyết liệt, dũng mãnh
để giữ mình mới lộ hẳn.
Thôi em hãy
cứ phiêu bồng
Để ta kiết
giới tu đông một mình
Soi gương
đối diện bóng hình
Đập gương
chợt thấy mông mênh đất trời
(đoản khúc 61)
Tự chiếu
soi rồi vượt qua phương tiện nội quán, vượt qua cả chính mình. Vẻ an nhàn tự
tại bắt đầu hiển lộ. Từ đây, dù vẫn nhắc về một bóng sắc giai nhân, vẫn còn
những môi mọng tóc huyền, nhưng cảm quan đã vượt khỏi cái lụy của tình
trường.
Nằm đây ta
ngắm mây trôi
Gửi thiên
thu cả nụ cười hư vô
Môi em chín
mọng bao giờ
Sáng nay
rụng giữa hai bờ chân như
(đoản khúc 62)
Cái nhìn
của nhà đạo đã khác. Tình yêu và giai nhân, trở thành đề mục quán tưởng
thường trực để chứng nghiệm lẽ vô thường, huyễn mộng của trần gian.
Lặng thầm
một cõi đời nghiêng
Xô theo
suối tóc tơ huyền lênh đênh
Lên non
mình đối diện mình
Xuống sông
soi bóng cũng tình ảo mơ.
(đoản khúc 78)
Như kẻ
chăn trâu ở giai đoạn thứ 6, cưỡi trâu về nhà (kỵ ngưu qui gia), thi nhân ở
đây không còn là một lãng tử sầu tình, mà là một hành giả đã khéo điều phục
tâm (tình) mình, đã an tâm, không còn sợ hãi lo âu, không sợ mất trâu, cũng
không bị phiền lụy bởi trâu. Có thể để trâu bên cạnh hay cho nó đi lang
thang vẫn không hề chi.
Từ nay ta ở
bên người
Khép dư
hương cũ mộng đời ngủ yên
Gối kinh
đệm cỏ ngồi thiền
Đầu sương
ẩn hiện một miền Lạc Bang.
(đoản khúc 88)
Lời kinh
hiện bóng trăng ngàn
Vườn tâm hé
nụ đá vàng trổ bông
Người đi
trong cõi sắc không
Hành trang
chỉ chút nắng hồng trên vai.
(đoản khúc 89)
Một chút
nắng hồng trên vai, cũng chẳng nặng nề chi. Nắng hồng ấy, có thể là tình, có
thể là huyễn sắc, đã được gió mang đến, phả nhẹ trên vai, sẽ tan biến bất cứ
lúc nào, dù có gió hay không có gió. Bởi vì, tâm đã an.
Đọc xong
một thi phẩm đẹp ngày cuối năm để đón chào năm mới. Hạnh phúc đến thế, còn
gì để mà nói.
Nam Calif. gửi người Bắc Calif.
31.12.2008
Vĩnh Hảo
|