Trang chính | Thơ | Văn | Sách VH | Ðọc thơ | Nhạc chọn lọc | Trang Phật giáo
LỜI GIỚI THIỆU
tập truyện Những Mảnh Đời Luân Lạc
của Thủy Lâm Synh
Chưa một lần gặp mặt, tôi vẫn có cảm giác thật gần gũi đối với tác giả, như thể anh là một người bạn, một người anh, một đồng nghiệp. Chúng tôi ít có cơ hội để bàn nói về văn chương nghệ thuật. Những lần điện đàm chỉ là thăm hỏi sức khỏe và trao đổi kinh nghiệm về cách thức trình bày sách báo. Nhưng khi bắt đầu đọc truyện ngắn của anh, ngay ở truyện đầu tiên, tôi đã vừa ngạc nhiên vừa thích thú, rồi say sưa đọc cho đến truyện cuối cùng.
Anh dùng chữ rất đơn giản, không cầu kỳ chải chuốt, với lối hành văn của một người kể chuyện khéo, lôi cuốn, dẫn người đọc đi một mạch, không phải bức đầu bức tóc suy nghĩ nhiều. Giới cầm bút các nước cũng như nước ta, không hiếm những nhà văn như vậy. Họ là những nhà văn của đại chúng: viết thật nhanh, thật dễ, và vì vậy, người đọc truyện của họ cũng thấy thoải mái, giống như được một hướng dẫn viên du lịch trình bày rành mạch về những thắng tích qua các câu chuyện ngắn gọn của truyền thuyết, lịch sử, con người và xã hội... của một thời đã qua. Họ là những nhà văn có số lượng độc giả đông đảo nhất, và dĩ nhiên là số lượng tác phẩm bán ra cũng nhiều nhất.
Tôi không dám nghĩ rằng tác phẩm đầu tay của nhà văn Thủy Lâm Synh sẽ nhanh chóng trở thành một trong những sách bán chạy nhất của thị trường sách báo Việt Nam. Tôi chỉ có niềm tin rằng, với tinh thần hài hước sẵn có, kinh nghiệm sống dồi dào, óc tưởng tượng và vốn từ vựng phong phú, sự đam mê nhiệt thành đối với việc sáng tác, đặc biệt là một nhân sinh quan rất cởi mở, bao dung, anh sẽ bước những bước thật xa, có được một tầm vóc vững vàng nào đó trong văn đàn của người Việt hải ngoại. Nhưng thực ra thì qua trao đổi với anh, tôi chỉ cảm nhận nơi anh một ước vọng rất đơn giản: cống hiến. Anh không mong đợi một tầm vóc hay chỗ đứng nào cả. Tất cả những gì anh làm, là sự cống hiến.
Hãy đi sâu hơn một chút về cách nhìn cuộc đời của Thủy Lâm Synh (TLS). Thế giới "chuyện kể" của anh không đơn giản là những câu chuyện kể về tâm tình và cảnh ngộ của những người tị nạn, lưu vong. Anh không cố ý dùng triết lý hay những bài học luân lý để lồng vào truyện. Anh chỉ rọi chiếu vào những mảnh đời, và những mảnh đời ấy tự phơi bày bản chất của chúng. Anh rất khách quan khi kể chuyện; dù vậy, ít nhiều người đọc vẫn cảm nhận được cái nhìn đầy cảm thông và rộng lượng của anh, quét qua mọi sự, mọi vật, mọi tâm trạng, mọi cảnh huống... Những xấu xa, gian dối được vạch ra không phải để chê trách mà để tha thứ; những điều cao đẹp, chân chất được nêu ra không phải để răn dạy mà để ca tụng. Suy nghiệm thật kỹ những truyện của TLS sẽ thấy tâm tình của con người trong mọi thời đại, mọi quốc gia. Thế giới "chuyện" của anh soi vào những mảnh đời tị nạn nhưng không nhỏ hẹp trong giới hạn của những người tị nạn: nó đồng thời cho thấy sự liên đới bất phân của người lưu vong và người bản xứ, người đến trước và người đến sau, thế hệ già và thế hệ trẻ... Thế giới của TLS mở rộng: biên giới giữa người và người, đi từ những lằn ranh đậm nét trở nên mờ nhạt dần; biên giới giữa người và ma cũng thế, có khi không còn chỗ ngăn cách nào. Bằng cái nhìn như thế, truyện ngắn của TLS đối với tôi, không còn đơn giản là những câu chuyện kể. Đó là sự thành tựu ban đầu của một nhà văn trong kỳ vọng phá vỡ mọi biên cương giữa con người với con người, giữa thế giới hiện thực và thế giới siêu linh.
Trong kỳ vọng như thế, tác phẩm của TLS thực sự đã cống hiến thật nhiều cho người đọc mà trước tiên là đối với bản thân tôi. Tôi đã chắt lọc được vài bài học quý giá về nhân sinh quan và thế giới quan qua những truyện ngắn của anh. Thiển nghĩ, ngần ấy cũng quá đủ cho sự có mặt của một tác phẩm đầu tay.
Xin cám ơn tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc khắp nơi.
California, ngày 12 tháng 9 năm 2003Vĩnh Hảo