TRÊN SÔNG

 

Thu Nguyệt

 

  

“Tí ...ti ...tí ...tì, tí ti ti ti, tí tì tị tì, ti tị tí ti...”

Chú Ðôi bao giờ cũng hát chỉ mỗi giai điệu ấy! Ðó là bài hát “Ánh trăng sáng ngời, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ...” Chú không hát thành lời mà chỉ đờn miệng. Chưa bao giờ tôi nghe chú hát bài nào khác, cũng chưa bao giờ tôi thấy chú lên cơn phá phách hoặc làm điều gì quá đáng dù trong làng ai cũng bảo là chú bị khùng. Chú khùng với ai chẳng biết, chớ với bọn trẻ con thì chú hết sức tốt bụng và cưng chìu, thậm chí chú còn bày trò cùng lũ trẻ chúng tôi chơi vui hết biết!

Chú ở một mình trong cái chòi dơ đến thất kinh! Hình như chẳng bao giờ chú giặt đồ, quét nhà hay rửa chén. Quần áo thì chú chẳng có gì, quanh năm chỉ độc cái quần cụt. Mùa lạnh, lạnh dữ lắm thì mới thấy chú lôi đâu đó ra một cái áo mốc meo, lổ chổ dấu gián cắn, chuột gặm. Nhà có rác rến gì thì chú chỉ có lấy chân mà đá, hất ra ngoài, chén bát  ăn xong thì chú le lưỡi liếm bằng sạch, chẳng cần rửa, bữa sau lôi ra ăn tiếp. Vậy mà chú khỏe, khỏe dữ lắm! Quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ thấy chú bệnh hoạn gì. Ai sai mướn việc chi chú cũng làm, nhưng muốn làm là làm, muốn nghỉ là nghỉ, bất kể trời đất. Có khi đang làm công cho người ta, nhưng hễ bọn con nít chúng tôi đi ngang, rủ trèo cây hay tát vũng gì là chú bỏ ngang, vọt  liền, không thèm đếm xỉa đến việc ai mắng la chưởi rủa hay hủy bỏ ngày công. Có lần, bọn tôi bị vạ lây nhưng cũng được một trận cười đã đời!. Ðó là lần chú đang giúp ông Bảy xóm trên kê lại nhà. Nhà ông Bảy là một cái nhà sàn nhỏ, kê trên mấy gốc tre già cho cao tránh mùa nước lụt. Lâu ngày, gốc tre mục, ông nhờ chú Ðôi và mấy anh trai tráng trong xóm ra sức đở nhà lên, để thay mấy gốc tre mới. Ðang hè hụi hết sức nâng góc nhà, nhè giữa lúc cao điểm, bọn trẻ chúng tôi lại chạy ù qua chơi trò bắt cướp. Thế là chú quên bẵng, chạy té theo chúng tôi. Ðã vậy trong lúc vội vàng chạy, chú còn vấp khoèo vào chân anh con trai chú Bảy, làm cả bọn đang ì ạch bỗng ngã lăn chiêng, thương thay cái nhà nhỏ xinh của ông Bảy, nó sụm bà chè thảm hại! Lần đó bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng bị má đập cho mấy roi vì tội...vô ý gây ra thiệt hại!!!

Hồn nhiên vô tư là thế, nhưng thật ra chú rất hay buồn. Nhất là vào những đêm trăng tròn sáng. Chú đem diều ra đồng thả, rồi ngồi bệt xuống bờ ranh, gát cằm lên đầu gối, im thin thít, bọn trẻ chúng tôi chọc phá thế nào chú cũng chẳng cười. Chú thả diều siêu đẳng! Chỉ cần đi vài bước là con diều bay rất ngoan. Chú chỉ làm duy nhất một kiểu diều, đó là hình cái mặt trăng khuyết. Ðiều này thì cả làng ai cũng biết nguyên do, bởi đó cũng là căn nguyên cơn bệnh khùng của chú.

Ngày trước, chú và cô Mơ – vợ chú – sống rất hạnh phúc. Hai người thương nhau lắm, vì chơi thân với nhau từ lúc nhỏ. Ðó là mối tình đẹp nhất trong lịch sử làng tôi. Cô Mơ rất thích thả diều. Ở quê tôi, trẻ con chỉ biết làm  diều hình vuông và có hai cái đuôi dài phía sau (giống như con đá đuối). Thương cô mơ, chú Ðôi làm đủ kiểu diều, nhưng rốt lại, cô thích nhất là cánh diều có hình trăng khuyết. Vào những đêm trăng tròn, mang diều ra thả, cô bảo rằng khi ấy nhìn lên bầu trời có cả hai cái mặt trăng, một tròn một khuyết...  coi hay lắm!

Vậy rồi cô chết khi về làm vợ chú Ðôi vừa được hai lần trăng tròn, bởi một cái bệnh mà bây giờ nghe ra rất khó giải thích: trúng gió! Làng tôi xa tỉnh lỵ, ngày ấy phương tiện đi lại chủ yếu là bơi xuồng, trình độ dân trí thấp, trẻ con trong làng thì đứa nào đứa nấy như củ ấu củ co, quanh năm chẳng biết gì đến bệnh hoạn, ốm đau lặt vặt chỉ có cạo gió xông hơi là qua khỏi, nhà nào cưng con lắm thì vái hết bệnh cúng đất đai một mâm cơm canh là sang. Chẳng có trạm xá, phòng mạch gì cả. Kỹ sư, bác sĩ là niềm mơ ước của người xứ nào, chớ dân làng tôi chẳng ai mơ đến hai cái nghề ấy. sự giàu sang chỉ căn cứ  vào cái bồ lúa trong nhà bao lớn mà thôi. Cô Mơ bệnh, sau khi làm đủ cách cạo gió giác hơi mà vẫn không bớt, chú Ðôi bơi xuồng chở cô đi nhà thương, giữa đường thì cô chết. Cô chết im ru nằm ở giữa xuồng, mắt vẫn mở hé nhìn lên vầng trăng tròn đêm mười sáu!!!

Từ  ngày cô Mơ mất, chú Ðôi đâm ra ngớ ngẩn, suốt ngày lang thang với lũ trẻ con, bày đủ mọi trò nghịch ngợm. Nhưng cứ hễ đến đêm trăng tròn là chú lại ra ruộng thả diều một mình. Mùa nước nổi, chú chống xuồng ra đồng, treo con diều lên ngọn cây sào rồi nằm lắc lư trên sóng nước. Thỉnh thoảng lại hát “tí ti tí tì...” như  thế!

                                                     

***

 

Làng xóm mỗi ngày mỗi khác. Cầu bắc, đường thông, xe honda đã chạy đầy trên lộ, phả bụi lấp mù lên mấy lá đậu, đám cà trồng dọc hai bên. Trẻ con có những món đồ chơi bằng nhựa, điện tử... hấp dẫn hơn mấy cái tu hú, ngựa tàu chuối, súng cây lùn ... của chú Ðôi. Chú cũng có tuổi rồi, không còn chạy nhanh như trước nữa, khó có thể làm thủ lĩnh cho những trận giặc giả. Ba tôi nói đùa: bây giờ bọn trẻ chơi trò đánh trận, chú Ðôi chỉ có thể làm Tôn Tẩn mà thôi! Tuy nhiên, việc thả diều vào những đêm trăng tròn là không bao giờ chú bỏ. Cứ mỗi lần thấy trong xóm có nhiều nhà đi chợ mua tương (ăn chay ngày rằm) là chú Ðôi về chòi chăm sóc lại con diều, để tối hôm sau đem ra thả. Ðã thành lệ, hình như bầu trời làng tôi không thể nào thiếu con diều của chú Ðôi vào những đêm trăng mười sáu.

Vậy rồi có một sự kiện thay đổi cuộc đời chú Ðôi: Làng tôi vừa xây xong một ngôi chùa mới. Khánh thành vào lễ Phật đản ngày rằm tháng tư. Lễ hội rất vui, người ta thả đèn sáng cả một khúc sông. Những ngọn đèn trôi trên nước, tự soi bóng mình một hoá thành hai, lấp lánh như sao. Chú Ðôi cũng hí hững chạy theo lũ trẻ hò reo thích chí. Trong khi chạy nhảy, chú bất ngờ vấp xô vào người thầy trụ trì đang đứng bên bờ sông, một nhánh cây gần đó đâm vào làm trầy trán chú.  Lũ trẻ sợ lấm lét, người lớn thì mắng chú hậu đậu vô ý, thất lễ. Riêng thầy trụ trì nhẹ nhàng đỡ chú đứng lên, hỏi chú có sao không? rồi dẫn chú vô chùa, tự tay xức dầu vào vết thương cho chú... Không biết thầy từ tâm vỗ về chú những gì, nhưng lát sau trở ra, chú bỗng dưng trở nên đàng hoàng hẳn. Chú đi theo bên thầy như một đứa bé ngoan. Chú đứng lẳng lặng ngắm những hoa đèn trôi trên sông,  giống như lúc chú ngồi ngó cánh diều bay trên đồng vậy.

Những ngọn đèn đã tắt, mọi người về hết, chú vẫn ngồi một mình bên bờ sông. Hình như trong mắt chú đang lấp lánh một ngọn đèn mới thắp....

Chú Ðôi không còn thả diều như trước nữa.  Hằng ngày, chú lên làm công quả trên chùa. Làng tôi vắng cánh diều của chú. Ðám thanh niên trai gái trong làng  bảo rằng buồn, vì đã rất thích và quen với hình ảnh đẹp đẽ, thơ mộng ấy. Người già bảo rằng mừng, vì trong làng không còn có người bị bệnh điên. Bọn trẻ con không quan tâm, mặc chú Ðôi điên hay tỉnh, chúng vẫn còn đủ thứ trò chơi khác.  

 

 

 

 


 

Trở về trang chính

Trở về trang Văn Học Phật Giáo