DUYÊN HÀ LÊ PHỤC THỦY

 

 

Sinh năm 1941 tại Thanh hóa, đậu Thủ Khoa Tú tài ban Văn chương năm 1960, Thủ khoa Dược sĩ Quốc gia, Đại Học Dược Khoa Saigon năm 1965 và Tiến sĩ Sinh hóa học (Ph.D.) năm 1972, Đại học Nebraska, Hoa Kỳ.

Từ 1966 đến 1975, đã giảng dạy tại trường Đại Học Y khoa Saigon, Đại Học Y khoa Minh Đức, Đại học Dược Khoa Saigon và Đại Học Canh nông Minh Đức. Cũng làm việc khảo cứu y khoa tại viện Pasteur Saigon.

Sau khi tỵ nạn tại Hoa Kỳ năm 1975, làm việc khảo cứu  tại Oklahoma Medical Research Foundation từ 1975-1978.  Sau đó, là khoa học gia tại Department of Pediatrics  và Department of Neurosciences, University of California, San Diego Medical School từ năm 1978 đến khi về hưu năm 2003.

Từ 1975 tham gia nhiều sinh hoạt cộng đồng và đã giữ chức Chủ Tịch Hiệp Hội Người Việt San Diego 1986-1988.

Tham gia nhiều sinh hoạt văn hóa, là Chủ nhiệm báo Đất Lành, tạp chí nghiên cứu và hoằng dương Phật Pháp (2000-2005). Viết và thuyết trình về nhiều đề tài thuộc phạm vi khoa học, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng, triết học và nghệ thuật.  Là một họa sĩ, với bút hiệu Duyên Hà, đã tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh từ nhiều năm nay.

 

 

a

 

 

VÀI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO  VIỆT NAM

 

 

Đặc san LÊ HOA , Lê Tộc Hội Hải Ngoại  xuất bản, 135-142 (2003)

Thuyết trình tại Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam do TT. Thích Nguyên Siêu, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn Hóa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại - Hoa Kỳ tổ chức tại San Diego California ngày 4-1-2003

 

 

Trong ngày Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam  do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại - Hoa Kỳ tổ chức tại San Diego California ngày 4-1-2003, chúng tôi được Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu mời thuyết trình về phần nghệ thuật. Vì đề tài quá rộng lớn, lại thêm tài liệu hiếm hoi nên tôi đành tịnh tâm suy nghĩ tổng quát về vai trò của nghệ thuật với đời người, vì sao lại có nghệ thuật trong Phật giáo, và sơ lược vài nét về nghệ thuật Phật Giáo Việt Nam.  Sau đó tôi mới tìm một vài tài liệu, rất ít, để làm sáng tỏ vài quan điểm nêu lên. Trong bài này vì phương tiện giới hạn của việc ấn loát, nên phần tài liệu càng ít đi. Xin quý độc giả thông cảm và xem sách tham khảo nếu muốn tìm hiểu thêm.

 

1. Nghệ thuật và con người

Sáng tác và thưởng thức nghệ thuật là một khát vọng tự nhiên của con người.  Ngoài hai nhu cầu căn bản chung với sinh vật là nhu cầu sinh tồn và nhu cầu truyền giống, con người còn có những nhu cầu tinh thần hướng thượng, trong đó thích sự thật (Hiếu Chân), thích điều lành (Hiếu Thiện) và thích vẻ đẹp (Hiếu Mỹ) là ba nhu cầu chính.  Hiếu Chân là nguồn gốc của khoa học, Hiếu Thiện là nguồn gốc của triết lý và tôn giáo, và Hiếu Mỹ là nguồn gốc của nghệ thuật. Chân, Thiện, Mỹ tuy là phân làm ba phạm vi của sinh hoạt tinh thần,  nhưng có những tương quan chặt chẽ, nhiều khi không phân biệt nổi. Nhìn đóa hoa hồng mới nở trong ánh bình minh, ta có thể chỉ cảm thấy đẹp. Chiêm ngưỡng tượng Phật, chúng ta có thể cảm thấy vẻ đẹp trang nghiêm, hiền từ của Đức Phật, đồng thời muốn làm điều lành và muốn nương theo lời Phật dạy để tìm ra sự thực, nhận được bộ mặt đích thực (bản lai diện mục) của chúng ta.  Có khi một bức tranh tuy phần nghệ thuật rất kém, nhưng lại có sức truyền cảm mạnh, thí dụ như trong “mười bức tranh chăn trâu” (thập mục ngưu đồ, Hình 1) (1).

 

 

Hình 1.- Thiền sư Khuếch Am.  Mười Bức Tranh Chăn Trâu  (1. Tìm trâu   2. Thấy dấu    3. Thấy trâu 4. Bắt trâu    5. Chăn trâu   6. Cỡi trâu về nhà   7. Quên trâu còn người   8. Người, trâu đều quên  9. Trở về nguồn cội   10. Thõng tay vào chợ.)

 

Mục tiêu của nghệ thuật là gợi nên một cảm giác về vẻ đẹp, tức là mỹ cảm. Xưa kia, Phạm Quỳnh cho rằng trong ngũ quan chỉ có 2 giác quan cảm được cái đẹp là mắt thấy, tai nghe (2). Đúng.  Ăn một bữa cơm chay thật ngon, vị giác thích thú ấy không thể gọi là mỹ cảm. Phạm Quỳnh cũng chia mỹ thuật ra làm hai loại: loại thứ nhất thuộc về hình sắc như hội họa, điêu khắc…  Loại này sẽ được đề cập trong bài này. Loại thứ hai thuộc âm thanh như âm nhạc và ca hát. Ngày nay, ta có thể thêm loại thứ ba bao gồm những hình thức hỗn hợp (multimedia) như các chương trình điện ảnh, truyền hình, video, khiêu vũ… vì các loại này đồng thời gây được mỹ cảm cho cả mắt và tai.

 

2.  Nghệ thuật và tôn giáo

Nghệ thuật phải được biểu diễn ra hình sắc, âm thanh, tức là các hình thức cụ thể, mới có thể gây được mỹ cảm. Giáo lý vốn có tính cách trừu tượng nên có thể dùng đến nghệ thuật để truyền bá sâu rộng. Vì sao? Giáo lý được thể hiện dưới hình thức nghệ thuật  sẽ gây ra mỹ cảm hướng thượng, dễ cảm được lòng người. Tôn giáo nào cũng nhờ đến nghệ thuật để quảng bá và sử dụng nghệ thuật trong nhiều lãnh vực khác.  Trong suốt 15 thế kỷ cho tới thời kỳ Phục Sinh, nghệ thuật Tây phương lấy Thiên Chúa giáo làm đề tài và mục tiêu tối hậu để phụng sự Chúa.  Nghệ thuật vị tôn giáo có mục tiêu duy nhất: dùng nghệ thuật như một phương tiện truyền bá tư tưởng, diễn đạt giáo lý trừu tượng qua hình ảnh, âm thanh và để diễn đạt tình cảm của con người với thần linh. Trong phạm vi này, ta phải kể cả những tác phẩm điêu khắc của các sắc dân theo tục lệ sùng bái sinh thực khí, thí dụ các tượng tàng trữ tại cổ viện Chàm tại Đà Nẵng. Những cây gỗ, khối đá trình bày vật tổ (totem) của các thổ dân ở Mỹ châu v.v… cũng là một hình thức nghệ thuật phụng sự tín ngưỡng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Text Box: Hình 2.- Cột Totem

 

 

 

 

 

 

3. Nghệ thuật và Phật Giáo

Khi nói tới nghệ thuật Phật giáo ai cũng liên tưởng đến các tượng Phật trong các chùa chiền.  Quả thật tượng Phật là hình thức mỹ thuật Phật giáo phổ biến nhất tại nước ta.  Nhưng  nghệ thuật Phật giáo còn bao gồm mọi lãnh vực khác. Nhất là kiến trúc, từ những Niệm Phật Đường bé nhỏ cho đến những tự viện quy mô cho cả ngàn tăng sĩ tu tập. Phật giáo truyền đến nước nào sẽ hòa nhập vào nền văn hóa nước ấy, do đó chùa đã mang sắc thái riêng biệt của từng dân tộc. Chùa Thái Lan trông khác hẳn chùa Việt nam. Như vậy, Nghệ thuật Phật giáo bao gồm kiến trúc chùa chiền và trang trí bằng đồ thờ, tượng, chuông cùng tranh vẽ.  Riêng tranh vẽ rất nhiều, tạm chia làm 4 loại:

1. Tranh vẽ về cuộc đời đức Phật Thích Ca. Phần nhiều các tranh này chỉ có tính cách tượng trưng thiếu vẻ hiện thực. Tuy nhiên, vừa qua tôi cũng thấy một bức tranh truyền thần Đức Phật Thích Ca lúc khoảng 40 tuổi do Phú Lâu Na vẽ (hình 3) (3). Hy vọng tôn giả Phú lâu Na đã vẽ được bức phác họa giống Phật Thích Ca. Thật lạ lùng và thích thú khi có hình ảnh Phật như người thật. Nhìn bức họa hiện thực này hiện đang tàng trữ tại Bảo tàng viện Luân Đôn, Anh quốc, tôi có cảm tưởng được thân cận với Đức Phật hơn xưa.

Hình 3.- Tranh Phật do Phú Lâu Na vẽ.

 

2.            Tranh vẽ chư Phật và chư Bồ tát  và một số thần linh khác.

3.            Tranh vẽ về những cảnh giới mô tả trong kinh, như cảnh địa ngục.

4.            Tranh vẽ dùng trong việc hành đạo.  Loại tranh này kỳ lạ nhất so với sinh hoạt hội họa khác. Trong số này đáng chú ý nhất là các thăng-ka trong Mật Tông Tây tạng (4, 5). Thăng ka thường được vẽ trên lụa bằng màu lấy trong thiên nhiên, rất quan hệ trong việc hình dung linh ảnh (visualization) khi tu luyện (hình 4). Thăngka là một trong những hình thức của mandala dùng để tập trung thiền định. Gần đây, tôi có dịp xem các mandala tại Bower Museum ở Santa Ana, California, trong đó có nhiều hình ảnh về cơ quan sinh dục đã được nghệ thuật hóa để tạo ra một giá trị nghệ thuật rất cao về bố cục, màu sắc, đường nét… dĩ nhiên các tranh này tạo ra với mục đích duy nhất là giúp hành giả Mật tông tu luyện, và không phải là tranh kích dục. Người thường nhìn vào mandala này cũng không nhận ra hình ảnh thô tục.

 

Hình 4.- Thangka

 

Trong Thiền tông, Thập Mục Ngưu đồ rất nổi tiếng, nhằm diễn tả 10 giai đoạn tu tập, từ lúc là phàm nhân cho đến lúc đắc đạo qua tiến trình nhận ra chính mình (hình 1).  Tranh này do các thiền sư Trung Quốc sáng tác, tôi cảm thấy 2 bức chót, “trở về nguồn cội” và “thõng tay vào chợ” phản ảnh sâu xa ảnh hưởng của Lão-Trang. Có lẽ bộ 5 bức của thiền sư Thanh Cư hay bộ 6 bức của thiền sư Tự Đắc đã mang nhiều ý nghĩa thiền thuần túy (5).  Có khi thiền sư dùng một vạch ngang hay vẽ một vòng tròn để tiếp khách hay dạy môn đệ. Các hình này chỉ có giá trị tượng trưng như các vạch âm (­), dương (+) trong kinh Dịch  được các thiền sư dùng làm phương tiện phá chấp như hét và đánh đập đệ tử bằng gậy hay phất trần.

 

4.  Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam 

Phần lớn những nét chính trong đoạn này được trích dẫn từ các sách tham khảo (6, 7, 8).  Phật giáo truyền sang ta có lẽ từ thế kỷ I, nhưng thời kỳ rực rỡ nhất là đời Lý (1010-1225) và đời Trần (1225-1400). Nghệ thuật Phật giáo vì thế cũng đã phát triển mạnh mẽ nhất trong các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần. Từ thời Hậu Lê, nho giáo thịnh hành. Sinh hoạt Phật giáo có phần bị giới hạn và nghệ thuật Phật giáo cũng kém phần linh hoạt. Thời nhà Nguyễn, Phật giáo đã thấm nhuần vào văn hóa Việt Nam nên mỹ thuật Phật giáo càng pha lẫn tín ngưỡng cổ truyền.  Nước ta ở gần Trung hoa nên kiến trúc chùa chiền mang nặng sắc thái Trung Hoa ở Bắc Việt và bắc Trung Việt (hình 5). Sau cuộc Nam tiến, tiếp xúc với văn minh Ấn Độ, các chùa miền Nam có nhiều sắc thái Ấn Độ (hình 6).

 

Hình 5.- Chùa Bút Tháp (Hà Bắc - Bắc Việt)

Hình 6.- Chùa Ông Mẹk (Trà Vinh – Nam Việt)

 

Tuy Phật giáo truyền vào Việt Nam từ thế kỷ I, nhưng chỉ có ảnh hưởng mạnh đến nghệ thuật từ đời nhà Đinh. Nam Việt Vương Đinh Liễn đã dựng 100 cột đá khắc kinh Phật gọi là kinh tràng để cúng vào các chùa (hình 7).  Tại kinh đô Hoa Lư cũng có những viên gạch khắc hình chim phượng hay hoa sen rất mỹ thuật (hình 8).

Hình 7.- Kinh tràng

 

Hình 8.- Chim phượng và hoa sen (Nhà Đinh)

 

Đến đời nhà Lý, Phật giáo cực thịnh và mỹ thuật Phật giáo cũng phát triển. Năm 1031, Lý Thái Tổ đã cho xây 950 ngôi chùa.  Thái hậu Linh nhân, vợ vua Lý Thánh Tông,  cũng dựng 100 ngôi chùa. Nổi tiếng nhất là Chùa Diên Hựu tức chùa Một Cột (hình 9) xây vào thời Lý Thái Tông (1049). Vô số các tượng cũng được tạo nên. Rồng, phượng, hoa sen, lá bối là những hình ảnh thường được xử dụng trong việc trang trí. Đặc biệt có các bảng khắc với hai con rồng đang bay cùng chiều (hình 10), khác hẳn bên Trung Hoa thường trình bày hai con rồng  quay mặt vào nhau, chầu mặt trăng (lưỡng long chầu nguyệt). Trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành, ta bắt được nhiều tù binh, trong đó có sư Thảo Đường, về sau được phong làm Quốc sư và sáng lập ra phái Thảo Đường (9). Vì vậy mỹ thuật Phật giáo đời Lý có pha màu sắc Chiêm thành (hình 11).

 

Hình 9.- Chùa Một Cột (Hà Nội - Bắc Việt)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

Hình 10.- Rồng bay song song (đời Lý)                                                                   Hình 11.- Trang trí hình chim

 

Đời nhà Trần, Phật giáo tiếp tục phát triển, nhiều chùa lớn được trùng tu và xây dựng.  Trần Nhân Tông (1279-1293) là người đã lãnh đạo toàn dân cả thắng quân xâm lăng Mông cổ, đồng thời cũng là Tổ khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.  Từ chân núi Yên Tử đi lên, có tới 20 chùa, am. Ảnh hưởng của Chiêm Thành vẫn tiếp tục.  Hình chạm rồng rất được ưa chuộng. Đặc biệt tại các chùa vẫn có những tác phẩm chạm nổi hình các thiếu nữ đang múa (chùa Hang, Hoàng Liên sơn), thổi kèn hay kéo nhị (chùa Thái Lạc, Hưng Yên).

Đến đời Hậu Lê, ảnh hưởng Phật giáo bớt đi, Nho giáo thịnh hành. Tuy vậy, các chùa vẫn  được trùng tu, và một số chùa mới vẫn được xây thêm. Các ngôi chùa này rất đẹp. Chùa Tây Phương ở Sơn Tây rất lớn, và nổi tiếng về những pho tượng gỗ rất linh hoạt (hình 12). Mái chùa lợp ngói ngũ sắc.  Các đầu kèo trạm trổ tinh vi.  Chùa Trầm được khoét trong  một hang đá lớn, lấy đá tạc thành những bức tượng Phật bằng đá tuyệt mỹ (hình 13).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 12.- Tượng gỗ ở chùa Tây Phương                                                            Hình 13.- Tượng đá ở chùa Trầm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

Hình 14.- Chùa Thiên Mụ (Huế - Trung Việt)                            Hình 15.- Chùa Từ Đàm (Huế - Trung Việt)

 

Đời nhà Nguyễn, chùa đã được xây cất bằng vật liệu mới như xi-măng. Ở Huế có chùa Thiên Mụ với tháp hình bát giác, 6 tầng rất nổi tiếng trên bờ sông Hương (hình 14) và chùa Từ Đàm (hình 15). Thời này, hội họa dân gian đã phát triển mạnh. Các chùa thường có treo tranh Phật hay bồ tát. Những tranh vẽ cảnh địa ngục cũng phổ thông trên vách chùa, để khuyến thiện răn ác.  Những tác phẩm này chứng tỏ Phật giáo đã đồng hóa với tín ngưỡng trong dân gian có tự ngàn xưa ở nước ta.

 

Hình 16.- Chùa Nam Thiên Nhất Trụ (Thủ Đức – Nam Việt)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 17.- Hồ Thành Đức. Sương trắng, Sen Hồng 1987                                                  Hình 18.- Van Moch. Sen trắng

 

 

Trong những năm gần đây, có nhiều biến chuyển liên quan đến Phật giáo Việt Nam nói chung và nghệ thuật Phật giáo Việt Nam nói riêng. Trước kia chùa chiền miền Nam chịu ảnh hưởng kiến trúc Ấn Độ (qua Chiêm Thành và Cam-bốt) (hình 4). Một triệu người bắc di cư vào nam năm 1954 cũng mang theo nhiều sắc thái kiến trúc Bắc Việt vào Nam (hình 16).  Cuộc vượt biên vĩ đại, lớn nhất trong lịch sử Việt Nam năm 1975 đã mang theo lòng người Phật tử, để gây dựng bao nhiêu chùa chiền, tự viện, để ấn tống biết bao kinh sách, góp công góp của cho Phật học và Phật giáo trên thế giới.  Ngay ở California, trước 1975 ai có thể đoán, chưa được 30 năm sau đã có hằng trăm ngôi chùa đồ sộ… Tuy nhiên tôi vẫn chưa thấy có một sinh khí mới nào trong việc phát triển mỹ thuật Phật giáo đặc thù cho Việt Nam… vẫn tượng đó, hình ảnh đó, bàn thờ kiểu đó… có thay đổi chăng là đã mất đi vẻ tĩnh mặc với hàng xe hơi bóng lộn trước cổng chùa… Việc xây dựng những tự viện trên miền đồi núi rất đáng ca ngợi, như tu viện Kim sơn, Lộc Uyển… Việc đó không có nghĩa là những chùa nhỏ không có giá trị trong việc phụng sự Phật pháp… các chùa này đã tạo cơ duyên cho nhiều người hành trì Phật pháp. Nói cho cùng hình thức ngôi chùa chẳng có dính dáng mảy may gì tới việc giác ngộ. Hiểu được thanh sắc chỉ là KHÔNG thì cần gì đến nghệ thuật. Khổ nỗi như lúc đầu tôi đã trình bày, nghệ thuật phải được thể hiện ra bằng thanh sắc, vì vậy nếu muốn thành công trong việc dùng sự khơi dậy mỹ cảm để truyền giáo lý Phật giáo, các nghệ sĩ không thể cạn nguồn cảm hứng như hiện nay… quanh đây chỉ mới thấy ít họa sĩ như Hồ thành Đức (hình 17), Văn Moch (hình 18)... và cặp ca nhạc sĩ  Trọng Nghĩa / Mộng Lan là đang có những cố gắng đáng kể trong việc tìm nguồn hứng khởi mới để phát huy nghệ thuật Phật giáo… còn nói đến tìm được hướng đi cho nghệ thuật Phật giáo đặc thù cho người Việt thì quá xa vời. Có thể vì tôi hiểu biết nông cạn nên nghĩ thế, xin quý vị lượng thứ. Dù sao tôi cũng xin thành thật nêu lên điều này trong buổi Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam.

 

Sách Tham Khảo

             

1.   Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách. Tự Điển Phật Học. (tr. 397-400). NXB Thuận Hóa. Huế 1999.

2.   Phạm Quỳnh. Tuyển Tập và Di Cảo (tr. 226-244) NXB An Tiêm  Paris 1992.

3.   Nguyễn Tường Bách.  Mùi Hương Trầm. (tr.100) NXB Trẻ  TPHCM 2001.

4.   Dalai Lama.  The Spirit of Peace (p.150). Thorsons Publishers. London 2002

5.   Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách.  Sđd.  Tr. 392.

6.   Nguyễn Khắc Ngữ . Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam.  Tủ Sách Nghiên Cứu Sử Địa. Montréal 1981.

7.   Josef Hejzlar, El Arte Vietnamita.  Artia Praga 1972

8.   Võ Văn Tường. Việt Nam Danh Lam Cổ Tự.  NXB Khoa Học Xã hội.  Hà Nội 1992.

9.   Nguyễn Lang. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận. (tr.187) NXB Lá Bối. 1973.

10.   Hồ Thành Đức. Ấn tượng trong đời tôi. Bé Ký & Hồ Thành Đức 2002.