LỜI TỰA
(cho tập truyện Thiên Thần Quét Lá)
Có lần trong lúc vui miệng tôi đã kể cho một người bạn nghe về cuộc sống của những chú tiểu ở chùa. Có lẽ tôi kể không khéo, hoặc do vì tôi chỉ nhắm vào những sinh hoạt chứ không chú trọng về tâm tư và đức hạnh của các chú, cho nên sau khi nghe xong, người bạn tôi chắc lưỡi, lắc đầu, buộc miệng than rằng: “Tội nghiệp cho các chú tiểu. Khổ quá!” Rồi anh ấy giục tôi hãy viết một loạt bài, hoặc một cuốn sách, lên án phương cách giáo dục truyền thống ở chùa đối với tuổi thơ—tức là đối với các chú tiểu cũng như tiểu ni. Theo anh, tuổi thơ rất cần tình cảm gia đình, cần ăn no ngủ kỹ để cơ thể được phát triển tự nhiên, cần vui chơi giải trí tối đa để tâm hồn thoải mái tươi trẻ. Anh còn đề nghị nếu cho trẻ nhỏ đi tu thì phải cho chúng được hưởng tất cả những gì một đứa trẻ ngoài thế tục đang hưởng; hoặc tốt hơn hết là đừng cho trẻ nhỏ đi tu. Nghe anh đả phá kịch liệt, tôi thật chưng hửng.
Người bạn nói trên của tôi là người có thiện cảm với Phật giáo, đọc nhiều sách về Thiền, mà còn cho rằng sự xuất gia của các chú tiểu là điều vô ích, huống chi những người khác ít có cơ hội tìm hiểu về sinh hoạt bên trong cánh cửa chùa! Người ta đã nghĩ gì, hiểu gì về các chú tiểu? Nền văn học Phật giáo Việt Nam và có thể nói là ngay cả văn học Phật giáo thế giới nữa, đều không hề lấy các chú tiểu làm chủ đề. Các tác phẩm như Truyền Đăng Lục, Cao Tăng Truyện hay Thiền Uyển Tập Anh thì chỉ đề cập đến cuộc đời các vị tổ sư, thiền sư đắc đạo hoặc có công truyền bá, dịch thuật. Một số sách viết về các giai thoại Thiền đôi khi cũng nhắc qua vài chú tiểu vô danh, nhưng cũng chỉ là các câu chuyện Thiền ngắn gọn, chuyên chở các công án hoặc những ẩn dụ có tính giáo dục.
Nhìn lại, chúng ta thấy con số các chú tiểu đúng nghĩa là “tiểu” từ hơn hai ngàn năm trăm năm ở nhiều quốc gia trên thế giới không phải là ít. Vậy mà hiếm thấy sách nào viết về các chú tiểu. Đâu phải là không có gì đáng để nói về các chú. Không phải rằng các vị cao tăng đức độ uy tín trong Phật giáo đã từng là những chú tiểu để chỏm quét lá đa nhiều năm ở chùa đó sao! Người ta chỉ biết đến các vị danh tăng, không ai hơi đâu mà để ý đến các chú tiểu. Nếu có dịp phải nghĩ đến, hoặc đề cập đến thì người ta liền có ngay trong đầu câu: “Con sãi ở chùa thì quét lá đa” để hình dung một chú tiểu ở chùa. Mà thực ra câu ấy không dính nhập gì đến đời sống của các chú tiểu cả. Chỉ đơn giản là một câu luân lý với ý rằng đâu lại hoàn đấy. Khi nào đuổi theo danh lợi mệt quá mà rốt cuộc chẳng nắm được gì, hoặc phải trở về lại với hoàn cảnh eo xèo buồn tẻ như xưa thì cứ việc tự an ủi “con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Vô hình trung, các chú tiểu chỉ được hiểu như là những người chỉ biết cầm cây chổi mà quét lá, và sẽ chẳng tiến được tới đâu khá hơn—nghề: con sãi; nghiệp: quét lá đa. Hiểu như vậy thì oan cho các chú tiểu quá; đánh giá các chú tiểu thấp quá.
Hơn hai ngàn năm trăm năm, các chú tiểu có mặt trên nhiều quốc gia đã sống lặng lẽ như vậy mà chẳng cần ai nhìn tới, nói tới. Nhiều chú đã rơi rụng đi sau những hoàn cảnh khắc nghiệt của thời thế hay của tâm tình riêng; nhiều chú đã thành đạt sau bao nỗ lực phấn đấu cam go trong cửa thiền. Thất bại trong im lặng, thành công cũng trong im lặng. Chẳng cần bút mực nào ca tụng hay thương tiếc mà dòng tiếp nối đẹp đẽ của nhiều thế hệ quét lá đó vẫn chảy mãi, trôi mãi.
Cho nên, tập truyện này không có cao vọng gì nhiều ngoài sự giới thiệu đôi nét về các chú tiểu. Và dù đã có đôi lý do được nêu trước, người viết cũng không nghĩ rằng tập truyện này chỉ dành cho những ai muốn tìm hiểu thêm chút gì về Phật giáo hay Thiền học. Thiên Thần Quét Lá viết tặng tất cả những ai đã từng trải qua, hay đang sống với lứa tuổi thiên thần thơ mộng của mình. Và đặc biệt, dù chỉ nói được rất ít, cũng hy vọng hé mở phần nào công hạnh đẹp đẽ dễ thương của các chú tiểu ở chùa: những em bé ngây thơ chân còn chập chững mà đã biết chối bỏ trần gian phiền lụy để chọn cho mình một lối đi thênh thang trên ngàn mây xanh thẳm.
California, 02/2/1993
Vĩnh Hảo