Lý Thừa Nghiệp

 

 

 

Tiếng vang lục tự

Vườn tôi xanh quá sáng nay

Nắng lung linh nắng, chim dài tiếng ca

Ai ngồi như bóng xuân qua

Tóc râu cùng với xương da một màu

Buồn vui như một câu chào

Tiếng vang Lục tự trôi vào chơn tâm.

 

Thuyền ai

Thuyền ai trôi với sương mù

Núi ngàn năm lạnh, đợi giờ hóa sinh

Biển nằm đợi nắng bình minh

Xương tan còn đợi lời kinh vọng về

Ngoái đầu mình với u mê

Lênh đênh đâu biết cận kề diệt vong.

 

Tàn thu

Chi về rừng buổi tàn thu

Đứng trên cành cũ, gió lùa xốn xang

Lá khô còn mộng giấc vàng

Sương rơi hay tiếng lệ tràn tâm thân

Thuyền ai trong biển phong trần

Có trôi về kịp mùa xuân ban đầu.

 

Con đường mùa đông

Con đường hun hút mùa đông

Ta một cành cây cong

Đứng rung niềm tuyệt vọng.

 

Gã họa sĩ trong căn phòng lạnh cóng

Vẽ mùa bão giông

Con đường cây lá trống không

Vẽ về phương - hoa cùng nguyệt tận

Bình nguyên nào lúa có đơm bông

Trên cánh đồng thơ dại

Tuổi thơ còn thơm ngát

Chuông còn vang và nắng dòn tan.

 

Con đường mùa đông

Tiếng ngựa hí trầm vang đồi cỏ

Rừng núi xưa rào rạt tiếng Kinh đêm

Mùa hoa lài sẽ nở

Trong mưa gió nhơn gian.

 

Mê say

Mai lên núi chết một mình

Thịt da quyện lấy chút tình cỏ sương

Tan theo cái bóng vô thường

Mộng ta như lá trong vườn thu bay

Chỉ còn lại chút mê say

Là khi trăng rót đêm đầy thi ca.

 

Con sông vẫn chảy

Người còn chầm lá bên sông

Nắng rơi ủ dột trên đồng ruộng xa

Đâu hay khi tuổi về già

Bao nhiêu hiu hắt thổi qua đời mình

Bây giờ trong nỗi lặng thinh

Con sông vẫn chảy vô tình làm sao.

 

Chiều mưa ở chợ Victoria

Ngó quanh thấy chợ tan dần

Ta còn ngồi nhớ một lần em qua

Cơn mưa trắng cả thịt da

Giọt bia vàng đắng khúc ca ban chiều

Lâu rồi lạ với tình yêu

Lòng ta dăm mảnh bay vèo đó đây.

 

Bỗng thèm giốc cạn cơn say

Rồi nghe người hát dăm bài thơ xưa

Có con bướm chết trong mưa

Hồn thơ năm cũ bên bờ sắc không

Hậu sinh ta trải tấm lòng

Nhớ người thiên cổ giữa dòng mưa sa.

 

 

---oOo---

 

 

Mời đọc: Lời giới thiệu thi tập "Lung Linh Hoa Tạng" của TK Thiện Hữu và Lý Thừa Nghiệp (Vĩnh Hảo) ở mục Tạp Ghi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trở về mục Đọc Thơ