CỞI TRÓI I
tức Phương Trời Cao Rộng 4
truyện dài của Vĩnh Hảo
Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1997
oOo
CHƯƠNG BA
Nàng châm thêm nước sôi vào bình trà đã cạn. Tôi nói nếu nàng buồn ngủ thì nàng có thể đi ngủ trước. Nàng cười, lắc đầu, nói rằng nàng có thể thức mấy đêm cũng được, để nghe chuyện tù của tôi. Nếu anh cần nghỉ thì anh đi nghỉ, nàng nói. Tôi cũng lắc đầu, nói rằng có lẽ sẽ không ngủ được đêm nay. Thôi thì ngồi nói chuyện. Nàng vui vẻ lấy thêm một cái tách để uống trà với tôi. Nhìn sau lưng nàng, tôi bỗng thấy nhớ Mộng Huyền. Dáng cao, thon thả, tóc dài ngang lưng, bồng bềnh. Tôi nhắm mắt lại một lúc. Tự dưng thấy cần một điếu thuốc. Tự trưa đến giờ, tôi đã không đốt một điếu thuốc nào dù rằng trong túi tôi hãy còn nửa gói. Tôi hỏi nàng tôi có thể hút thuốc được không. Nàng gật đầu nói để nàng đi mua. Tôi nói không cần, rồi đứng dậy bước lên lầu, quay trở vào căn phòng mà nàng chỉ định như là phòng ngủ của tôi đêm nay, lấy gói thuốc và cái hộp quẹt ga. Tôi lại hỏi nàng có ghét những người hút thuốc không. Nàng nói, nếu ghét thì phải ghét nhiều người quá. Mỗi sáu tháng, khi đi thăm nuôi ba nàng ở trại cải tạo, nàng gởi vào cho ông khoảng mười cây thuốc điếu và mấy kí thuốc rê. Nàng hiểu những người ở tù cần thức ăn cho bao tử và cần thuốc lá để an ủi tinh thần. Nàng loay hoay tìm cái gạt tàn đâu đó trong tủ chén bát, đem ra đặt trước mặt tôi, nhoẻn miệng cười rồi chống cằm nhìn tôi đốt thuốc. Nhìn khuôn mặt vừa ngây thơ vừa lãng mạn của nàng ẩn hiện qua làn khói thuốc mỏng, tôi tự hỏi: có cần phải thoát ly một cái đẹp không thực trong một thế giới không thực? Nếu thế giới này thực thì cái đẹp kia cũng thực, vậy thì đâu cần phải từ bỏ cái thực! Nếu thế giới này là giả thì cái đẹp kia cũng là giả, vậy thì cần gì phải từ bỏ một cái giả! Nó đã giả rồi thì tự nó trình hiện rồi tự nó tan biến, đâu cần phải phí công vượt thoát nó! Anh đang nghĩ gì mà ngó em trân trân vậy? Anh kể tiếp đi, nàng nói. Tôi giật mình, rảy thuốc vào gạt tàn. Tới đâu rồi nhỉ? À, thời gian khai cung ở trại B5…
Ó
Những ngày kế tiếp, dù tôi đã một mực nói rằng tôi không biết gì về chỗ ẩn náu của ông Lương, ông Văn cứ cho “lấy” tôi ra làm việc. Hỏi tới hỏi lui, cũng chừng nấy câu hỏi. Cuối cùng, ông lập một biên bản khá chi tiết, đưa tôi đọc lại trước khi ký. Tưởng vậy là xong, không ngờ vài ngày sau, ông lại gọi tôi, bắt viết bản tự khai về các hoạt động của tôi trong lực lượng Phục quốc. Có lẽ vì chỉ dựa theo biên bản kết cung của công an Sài Gòn, ông Văn không biết gì đến các hoạt động khác của tôi trong Đoàn Phật Tử Phụng Đạo, Hội Lạc Long… Điều này có nghĩa rằng: công an Sài Gòn muốn xóa hết vết tích của Hân, hoặc là các hoạt động ấy của tôi không có gì quan trọng, không bị kể như là những hành vi phạm tội rõ ràng đối với nhà nước. Và vì ông ấy không đá động gì đến Đoàn Phật Tử Phụng Đạo hay Hội Lạc Long, tôi cũng không tội gì mà thành thật nhắc đến. Tôi chỉ viết về chuyện tôi tham gia lực lượng Phục quốc. Tôi viết rất thành thật như tôi đã khai với Long, với Sơn ở T20. Tôi có làm điều gì, tôi khai điều nấy, miễn không khai gì liên lụy đến những kẻ khác trong cuộc là được rồi. Vậy mà sự viết tự khai này cũng không đơn giản chút nào. Ông Văn đọc xong, bắt tôi viết lại, rồi viết lại, viết lại… chẳng biết bao nhiêu lần mà cứ bắt viết lại. Nhiều khi cầm bút lên tôi thấy ớn trong cổ như thể bị buộc phải ăn món gì có chất béo trong khi bụng đang no đầy. Nhưng cuối cùng cũng có ngày tôi được yên thân, không có cán bộ nào xuống gọi tên đi “làm việc” nữa. Bấy giờ tôi mới rảnh rang cả thể xác lẫn tâm trí để sống theo sinh hoạt của trại giam tập thể. Trại giam tập thể được chia làm ba khu, mỗi khu có ba phòng giam lớn với tường bao bọc và một sân chơi riêng. Phòng giam tôi ở là phòng 7, cùng với phòng 8 và 9 nhập thành một khu. Mỗi khu có chung một giếng nước đục ngầu vì đất có phèn. Giếng nước có lẽ do tù nhân đào lấy bằng tay, chẳng có thành giếng đàng hoàng như những cái giếng ngoài xã hội, vì vậy, mỗi lúc có mưa lớn, nước ngập lênh láng chung quanh, ngập luôn cả giếng, và người ta sẽ chẳng thấy miệng giếng ở đâu. Dù sao, trong suốt những ngày bị giam, cái giếng ấy cũng là nguồn sống chính của tù nhân chúng tôi. Ba phòng giam với khoảng hai trăm người, mỗi ngày được túa ra sân một giờ đồng hồ, xúm xít vắt kiệt đến xô nước cuối cùng. Chúng tôi lấy nước dội cầu, rửa nền nhà và để rửa chén bát đều từ cái giếng nhỏ xíu ấy. Từ mặt đất đến đáy giếng, chưa tới hai thước. Nước giếng để yên một đêm chưa ai động đến thì nước cũng khá trong và mực nước dâng lên gần đến miệng giếng. Mỗi phòng do một cán bộ quản giáo trực tiếp quản lý. Quản giáo phòng 7 chúng tôi tên là Khoa. Anh này mập mạp, người miền Nam, trông có vẻ hiền lành, dễ chịu. Mỗi ngày anh xuống mở cửa phòng giam, cho chúng tôi ra sân chơi một tiếng đồng hồ. Trong khi phòng chúng tôi ra chơi, hai phòng 8 và 9 phải ở trong. Chúng tôi vào phòng rồi, một trong hai phòng đó mới được cho ra. Như vậy, phòng nào ra trước thì được hưởng nước trong. Hai phòng ra sau chịu nước đục ngầu mà có khi nước mạch ra không kịp, chẳng lấy được miếng nước nào. Cho nên, ba quản giáo quản lý ba phòng cũng phải hội ý với nhau, chia thời khóa biểu thế nào để ba phòng chúng tôi thay phiên nhau mà được ra sân chơi trước. Sân của khu chúng tôi hình chữ nhật, hai cạnh phía trong chạy dọc theo mặt trước của ba phòng giam tạo thành chữ L, hai cạnh còn lại là tường thành cao có rào thép gai phía trên. Chiều dài khoảng bốn chục thước, chiều ngang khoảng hai chục thước. Giữa sân, có lưới để đánh bóng chuyền. Lưới do tù nhân thích chơi bóng của ba phòng góp tiền nhờ quản giáo mua giúp. Banh thì mỗi phòng mua riêng, cũng do những thành viên chơi bóng góp tiền. Mỗi lúc mở cửa cho chúng tôi ra sân chơi, quản giáo mang trái banh theo. Chơi xong, rửa sạch, trả banh lại cho quản giáo cất giùm. Bóng chuyền là trò chơi duy nhất của tù nhân ở ngoài trời. Những người không chơi bóng thì đi qua đi lại, phơi nắng, trồng rau, tán gẫu… Phòng được chia làm bốn đội (dựa theo bốn bục xi măng làm chỗ nằm trong phòng: ai được trưởng phòng sắp xếp nằm trên bục nào thì thuộc về đội đó). Mỗi đội lại chia làm nhiều tổ, mỗi tổ có ba hoặc bốn người. Các tổ thay phiên nhau chịu trách nhiệm lau chùi sạch sẽ cái bục nằm của đội. Riêng đội trực lo vệ sinh của phòng (trong tù gọi là đội trực sinh) thì vừa lo vấn đề chia cơm, còn chịu trách nhiệm chuyền nước từ giếng đổ đầy bồn cầu của phòng, và dĩ nhiên là làm vệ sinh nhà cầu cùng phi đạo (tức là con đường hình chữ thập ở giữa bốn bục nằm; chữ thập này có một cạnh dài, một cạnh ngắn: cạnh dài chạy dọc theo chiều dài của bốn bục nằm, cạnh ngắn dọc theo chiều ngang của bốn bục và nối liền nhà cầu với cửa sắt ra vào). Mỗi phòng có trên sáu chục con người mà chỉ lo có mỗi cái việc chung trong ngày là làm vệ sinh, thì dĩ nhiên kết quả mong đợi phải là kết quả tốt. Thực vậy, vấn đề vệ sinh của phòng giam cũng khá so với những trại khác mà tôi nghe bạn tù kể lại. Mỗi ngày trong giờ ra chơi, đội trực sinh của phòng và các tổ trực sinh của đội lau chùi sạch sẽ từ trong phòng ra đến thềm hiên. Lau chùi bằng nước cho đến khi nền xi măng bóng loáng lên. Nền phòng vừa khô thì cũng vừa lúc quản giáo đến điểm danh để cho tù nhân trở vào phòng. Từ sân chơi bước vào mọi người đều phải rửa chân. Trong phòng giam không được mang dép, không được rảy tàn thuốc xuống đất, khạc nhổ hay xả rác bừa bãi. Vậy là đủ sạch cho đến giờ chơi của ngày kế tiếp. Sinh hoạt trại giam nơi đây khá giống với sinh hoạt của chùa. Tiếng kẻng trại khiến tôi cảm thấy sự tương đồng ấy. Từ tiếng kẻng, tôi lại xét nghiệm, so sánh các sinh hoạt thường nhật khác giữa nhà tù với nhà chùa nữa. Ôi, nếu ở tù mà biết tu, hẳn là dễ đắc đạo biết bao! Hoàn cảnh ở tù so với ở chùa, e còn thích hợp hơn nhiều cho một nhà tu, nhất là nhà tu khổ hạnh. Này nhé, trước tiên là tiếng kẻng: ăn cơm, làm việc, ngủ trưa, báo thức ngủ trưa, báo nghiêm… rất giống tiếng kẻng của một Phật học viện. Còn nữa, học thuộc lòng và đọc nội qui điều lệ hàng tuần hoặc hàng nửa tháng: giống như ở chùa học thuộc lòng các giới luật, các oai nghi phép tắc (nên làm điều này, không được làm điều kia…) và tụng giới nửa tháng một lần. Y phục đơn giản: tù nhân ở trần mặc quần đùi quanh năm suốt tháng, chỉ mặc áo quần đàng hoàng khi đi ra ngoài khai cung với cán bộ thôi–còn đơn giản hơn thầy tu. Hớt tóc nửa tháng một lần, hớt xưng xửng hay hớt trọc: y hệt thầy tu ở chùa! Và những anh nuôi của trại được phát bộ đồ tù màu lam, đầu hớt cao, nhìn chẳng khác mấy ông thầy tu ở chùa. Nằm ngủ dưới đất: có thể tù nhân nằm đất trường kỳ hơn các nhà tu. Ăn uống đạm bạc: tù nhân mỗi ngày được phát hai lần cơm, mỗi lần một chén rưỡi, ăn với nước muối, lâu lâu được chút nước luộc rau muống làm canh; uống thì uống nước giếng: đạm bạc hơn thầy tu thời nay! Hoặc những chuyện chỉ giống ở bề ngoài như không dâm dục: cả hai giới tu và tù đều bị cấm, nhưng đạo nhân bị cấm bằng giới luật và lý tưởng, còn tù nhân thì bị cấm tuyệt một cách tức tưởi!... Bịch đường mà Thiện Đắc cho tôi đã hết nhẵn từ nhiều ngày trước. Những ngày đầu tiên mới vào phòng giam, anh trưởng phòng cứ rà tới chỗ tôi, hỏi xin đường để khuấy bột. Tôi nhập trại với tài sản duy nhất là bịch đường cát trắng quí giá đối với người tù, làm sao anh ấy quên được. Mà tánh tôi cũng chẳng biết từ chối ai khi họ xin mình, cho nên, chỉ vài ngày là đã hết bịch đường. Vậy là tôi không còn tí thức ăn nào để ăn với cơm. Tôi muốn nhận phần nước mắm mà trại giam có chia cho mỗi người mấy muỗng vào mỗi bữa ăn, nhưng một anh bạn tù la lớn: “Ấy chết, ông thầy à, nước mắm này có bỏ tép ở trong đó, không ăn chay được đâu!” Vậy là tôi ngượng nghịu tay không quay trở về chỗ của mình, ăn cơm không. Tôi không biết giải thích như thế nào để sáu mươi mấy người bạn tù hiểu rằng thực ra chuyện ăn cơm với chút nước mắm này chẳng có hao tổn hay trở ngại chi cho tiến trình giải thoát giác ngộ cả. Nhưng thôi, người ta nói vậy là muốn nhắc mình phải giữ gìn chiếc áo tu sĩ đó mà. Tu sĩ Phật giáo đâu có được ăn nước mắm, dù rằng đó chỉ là nồi nước muối đun sôi, chỉ có lèo tèo mấy con tép khô cho có chút mùi. Vậy là tôi cứ xúc cơm không mà ăn. Cơm trại được nấu bằng thứ gạo mốc, nhiều thóc, ăn không năm sáu lần còn chịu được, đến lần thứ bảy thì thấy ngán thật ngán. Lúc đó, tôi thèm được tí muối bọt để ăn mà chẳng biết xin ai. Thầy tu mà, không lý ngửa tay đi xin mấy anh tù nghèo kiết mà anh nào anh nấy đều cố gắng tiết kiệm từng tí từng chút, đâu muốn chia sẻ cho ai! Nếu tôi xin, họ không cho mà còn chửi thì xấu hổ mình, còn nếu họ nể mình mà phải cho thì hóa ra mình ép họ! Thôi thì đành ngồi tại chỗ, ăn cơm không. Ôi, ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa chứng đạo còn mang bình bát đi xin ăn khắp phố phường, khắp các quốc gia, vậy mà nay, một đệ tử tầm thường chưa đắc đạo của ngài lại xấu hổ không dám đi xin ăn! Hạnh khất thực là hạnh cao quý của sa môn ngày xưa. Khất thực để có cơ hội tiếp xúc với chúng sinh mà hóa độ họ. Khất thực để tạo cơ hội cho chúng sinh làm phước. Khất thực để dẹp trừ cái tâm kiêu ngạo. Cao quí vậy đó, mà nay tôi chẳng thực hành được. Tôi cứ ngồi đây, ngồi một chỗ, xúc cơm mà ăn không. Nói thật, đã có lúc tôi cầm ca cơm mà không muốn ăn, dù bụng khá đói. Đừng tưởng tôi không quen ăn uống đạm bạc nhé! Lúc còn tu học ở chùa Long Tuyền, Hội An, tôi cũng ăn cơm với tương hột vừa mặn chát vừa chua loét hết ngày này qua ngày nọ, đâu có sao. Ngoài những bữa cơm đó, có khi đâu có chất ngọt hay chua nào được đưa thêm vào cơ thế, mà vẫn thấy bình thường. Nhưng bây giờ thì quá khác, vì suốt nhiều ngày không có chất ngọt, chất chua và cả chất mặn, thử hỏi phải làm sao? Những anh bạn tù có hoặc không có thân nhân thăm nuôi chỉ thèm ngọt, còn tôi thì thèm luôn cả chất mặn, muốn có được tí muối để ăn cơm. Mà cũng lạ, hồi tôi còn bịch đường cát với gói thuốc Đà Lạt mà Thiện Đắc biếu, nhiều người đến hỏi han, bắt chuyện với tôi lắm. Bây giờ, họ tản xa hết. Chỉ cần một tuần lễ trôi qua kể từ ngày nhập trại, nếu không có gia đình gởi quà thăm nuôi vào thì coi như không ai thèm nhìn ngó tới mình nữa. Mình trở thành đứa bé mồ côi–trong trại gọi đích xác danh từ “mồ côi” cho những ai không có thân nhân thăm nuôi. (Mà muốn có thăm nuôi, đâu phải dễ! Phải khai cung xong xuôi, phải xóa hết những nghi vấn trong đầu các cán bộ thụ lý hồ sơ của mình. Tôi đã làm việc suốt hơn một tuần với ông Văn phó trại mà vẫn chưa kết thúc. Nửa tháng nay ông không gọi tôi ra ngoài nữa nhưng tôi biết ông đang còn điều tra xem những gì tôi khai có đúng sự thật không. Khi nào ông xếp hồ sơ của tôi lại, không còn điều tra nữa, lúc ấy tôi được phép viết thư liên lạc với gia đình hay bạn bè bên ngoài!). Thậm chí anh Vận là người mà trong tù gọi là đồng lõa, đồng phạm với tôi, cũng quên mất là gần một tháng trời tôi ăn uống như thế nào. Cho đến một hôm, thấy tôi có vẻ không muốn ăn cơm, anh mới hỏi: “Sao không ăn?” “À… chưa đói,” tôi đáp nhưng liền lúc ấy tôi biết rằng câu nói ấy không thực chút nào, vì ở tù cộng sản thì phải đói liên tục, làm gì có chuyện chưa đói. Anh cầm ca cơm của tôi lên nhìn vào, nói: “Không có thức ăn phải không? Anh ăn tương hột không, để tôi lấy cho.” Nói rồi anh lôi trong giỏ lát ra một bình tương hột nhỏ, múc cho tôi một muỗng. Tội nghiệp anh, gia đình nghèo sống ở kinh tế mới, có tiền bạc đâu mà thăm nuôi đầy đủ. Anh cho tôi một muỗng tương là quá quí rồi. Tôi cám ơn anh cho tôi được một bữa ăn ngon. Kể từ đó, cứ đến bữa ăn, anh xúc cho tôi một muỗng tương hột, nhưng chừng vài ngày thì anh không đủ khả năng để chia sẻ với tôi nữa. Và tôi, vì tư cách nhà tu, hay vì tư cách cá nhân, đã không bước qua bước lại xin xỏ hay nhờ vả bất kỳ ai trong phòng giam để được tí muối hay tương. Có khi tôi thầm trách là mình quá hèn yếu, không dám đạp trên dư luận để nhận một chén nước mắm trại mà ăn. Nhưng tôi liền nghĩ lại rằng, có một chút trở ngại đó mà không ráng vượt qua, lại dày mặt dày mày đi nhận nước mắm trại để rồi mang tiếng cho giới tăng sĩ là phạm trai! Tăng sĩ Phật giáo Bắc tông phải ăn chay, ai cũng biết vậy, và người ta còn nghĩ rằng khi tu sĩ không ăn chay nữa thì đã là người chẳng ra gì rồi. Trong khi đó, nếu theo Phật giáo Nam tông thì ăn thịt cá tự nhiên, chẳng ai thắc mắc, mà tăng sĩ phái này vẫn cứ đạo hạnh như thường. Tôi là tăng sĩ Bắc tông, tôi phải giữ gìn chuyện ăn chay, dù có lúc chẳng cần thiết phải giữ gìn, chẳng hạn như lúc này! Vậy là tôi cứ tiếp tục đóng vai người đạo hạnh, cố gắng gìn giữ trai giới. Bưng ca cơm mốc không có thức ăn, tôi quán tưởng đó là bát cam lồ. Cam lồ thì ngọt, thơm, béo bổ… Nhưng pháp quán tưởng nào cũng không đủ sức xoay chuyển được cái thực tế là tôi thiếu dinh dưỡng, thiếu thức ăn, thiếu đủ thứ… Tôi đói. Tôi kiệt sức, và tôi đổ bệnh.
Ó
Cái bệnh thông thường mà khủng khiếp nhất của tù nhân là bệnh kiết lỵ. Đám tù hãi sợ nhất là bệnh này, vì thấy nó chẳng gì trầm trọng nhưng có thể chết người được. Nhiều tù nhân đã chết bởi cái bệnh hiểm nghèo quái ác đó. Nghe rằng chỉ cần mười ngày kiết lỵ mà không chữa khỏi là biết chắc hắn sẽ thành người thiên cổ trong một phút rất gần. Nhưng lúc đó, tôi chưa được nghe kể và cũng chưa có kinh nghiệm về cái bệnh kiết lỵ kéo dài ấy. Tôi nhớ lúc còn ở ngoài, mỗi lần bị bệnh này, hình như trong vòng ba ngày là hết, có khi chỉ cần uống một ly cà phê đen không đường là cầm ngay. Vả lại, cũng có khá nhiều loại thuốc để chữa trị. Còn ở tù, tôi chẳng biết phải trị thế nào. Mỗi ngày hai chén cơm không, cứ thế mà đưa vào bụng, lại uống nước phông-tên, hay nước giếng đục ngầu dơ bẩn… thử hỏi bụng dạ nào chịu nổi. Mấy ngày đầu bị kiết lỵ, tôi phân vân chẳng biết có nên ăn cơm, hay cứ nhịn đói. Có thể nhịn đói sẽ trị được bệnh. Nhưng cơ thể tôi lúc ấy hình như không còn tuân theo ý chí tôi nữa: nó đòi ăn, nó không muốn nhịn chút nào. Tôi đói cào ruột, tôi phải ăn. Ăn vào, tôi đau thêm. Bộ phận tiêu hóa của tôi hình như đã mất đi chức năng của nó. Thức ăn tôi đưa vào, nó chẳng tiêu, cũng chẳng hóa. Cứ năm mười phút, tôi lại phải lê thân vào nhà xí. Có khi suốt cả đêm nó hành tôi đi ra đi vào nhà xí năm mười bận. Trong vòng năm ngày, tôi xọp người xuống. Mặt mày xanh lét. Tay chân lỏng khỏng, nổi cả gân xanh. Lúc đó chẳng hiểu sao tôi cũng chẳng biết được là tôi có quyền báo với anh trưởng phòng rằng tôi bệnh nặng, cần được chữa trị. Tôi bệnh và tôi cứ nằm đó. Khi nào bị bắt buộc phải vào nhà xí thì tôi lụm khụm lết vào. Tôi chẳng nói với ai. Anh Vận nằm kế tôi dĩ nhiên cũng có biết đó, nhưng anh thuộc loại thụ động, suốt ngày lầm lì ngồi một chỗ. Thấy tôi bệnh anh chỉ thương hại, vậy thôi. Cả phòng ồn ào náo nhiệt, sáu mươi mấy người đi qua đi lại trước mặt tôi suốt ngày, vẫn không ai thấy cần thiết là hỏi han, đề nghị uống thuốc, chữa trị thế nào. Cũng có lẽ một phần lỗi tại tôi. Tôi bệnh mà không chịu nhăn nhó, kêu than, làm mặt sầu não ủ dột… Tôi bệnh mà tôi cứ im lặng, bình thản nhìn người qua lại, mỉm cười. Mỉm cười tươi tắn thì đâu phải bệnh nặng! Không cất tiếng kêu than thì đâu phải bệnh nặng! Không chịu nằm liệt bỏ ăn thì đâu phải bệnh nặng! Bộ không thấy anh chàng công nhân ăn cắp nhiên liệu nhà nước bị cảm gió mà nằm ì mấy ngày không chịu làm công tác hay sao? Bộ không thấy anh chàng ăn trộm bị sốt rét mà rên hừ hừ cả đêm chẳng ai ngủ được hay sao? Bộ không thấy anh chàng vượt biên bị răng sâu la rống như bị thọc huyết đó sao? Bệnh nặng thì phải biểu lộ sức đau đớn khổ sở vô cùng của mình! Tôi không chịu biểu lộ thì ai mà biết! Không ai biết. Thực sự là không ai biết cho đến ngày thứ chín, thứ mười, khi từ bệnh kiết lỵ, bụng dạ tôi chuyển sang thứ bệnh tôi chưa từng gặp trên đời và cũng chưa từng thấy ai mắc phải bao giờ: bệnh trống tràng! Phải, bệnh trống tràng, đó là cái tên mà ông cụ Vương cho tôi biết. Ông Vương đã ngoài sáu mươi, là một tay “địa chủ” có vườn cam lớn ở Hố Nai. Ông mới bị bắt vào đâu chừng vài tháng trước tôi vì bị tố cáo là có liên quan tới vụ án Vinh Sơn do linh mục Vàng lãnh đạo (vụ này bị đổ vỡ từ khoảng 1976-1978). Ông Vương là người được thăm nuôi đầy đủ nhất trong phòng giam, nhưng bạn tù nói rằng ông “kẹo” lắm, chưa bao giờ ông biết chia sẻ thức ăn hay bất cứ thứ gì với ai. Thấy tôi bị bạn tù chửi vì làm hôi thối phòng giam suốt ngày, ông Vương lân la đến chỗ tôi. “Ông thầy bệnh nặng như thế đã uống thuốc gì chưa nhỉ?” “Thưa chưa, có thuốc đâu mà uống,” tôi cười đáp. “Có phải ông bị trống tràng không?” “Trống tràng là sao thưa bác?” “Trống tràng là ăn vào thứ gì nó cho ra thứ nấy.” “Chắc là vậy,” tôi đáp. Ông ngưng một lúc rồi ngần ngại nói: “Không chữa thì vài ngày nữa là chết. Gia đình có biết tin chưa? Chưa có thăm nuôi phải không?” “Thưa chưa,” tôi đáp, và thật xấu hổ, ngay lúc đó, tôi có chút hy vọng rằng ông ấy thấy tội nghiệp sẽ cho tôi xin vài viên thuốc hay chút muối hay chút nước tương gì đó. Nhưng không. Ông ấy chẳng bao giờ có ý làm chuyện đó cả. Ông chỉ hỏi thăm bệnh tình và thông báo cái nguy hiểm sắp đến với tôi mà thôi. Dù sao, tôi cũng đón nhận được cái tình người tối thiểu qua sự thăm hỏi mà chỉ có ông là người bạn tù dành cho tôi lúc ấy. Ông nói nhỏ: “Cái đám thằng Đương với thằng trưởng phòng là bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn cán bộ cộng sản hủ lậu vô thần, chúng nó chửi ông, ông đừng bận tâm để ý làm gì! Mình đau cầu thì đi cầu, không ai có quyền cấm! Thằng Đương là đảng viên đấy, là bộ đội phục viên, về làm công nhân nông trường, ăn cắp vật liệu bán ra ngoài. Thứ quỉ đó nó ghét bọn tù chính trị như mình lắm. Còn thằng trưởng phòng đấy à, cũng một nòi như thằng Đương thôi, nó tên gì nhỉ, à tên Cang, cũng là bộ đội phục viên, làm ăn cướp trên tàu hỏa. Thằng Lý thì là thằng đánh cá, có đạo mà bị ma đưa lối quỉ đưa đường, bỏ Chúa mà theo mấy thằng cán bộ, suốt ngày lo đan lưới cho chúng nó, báo cáo chuyện trong phòng cho chúng nó nghe để được về sớm! Tụi này có chửi ông cũng chẳng đáng gì, phải không! Đừng thèm nói lại tiếng nào với tụi nó. Cứ im lặng như lâu nay ông làm là được rồi. Cũng đừng bao giờ tâm sự trao đổi gì với tụi nó. Tụi nó báo cáo đấy!” Ông Vương còn nói là sở dĩ ông không dám đến gần tôi, không dám thân thiện với tôi vì tôi là một tù nhân chính trị mới vào phòng, lại là một tu sĩ Phật giáo nữa, ông đến gần sẽ bị bọn tù ăng-ten báo cáo cho cán bộ quản giáo. Vào những ngày kế tiếp, tôi cứ lãnh phần cơm nhưng thực tình là không còn sức để ăn nữa. Phần cơm không có thức ăn, không có chút mắm hay muối, đến thời gian này, đã trở thành một thứ hình phạt, một thứ gì thật kinh khủng đối với vị giác của tôi. Suốt một tháng trời ăn những bữa ăn lạt lẽo không đường, không muối, không tương, không chao… như vậy, miệng tôi đã quá lạt lẽo, và trong cơn bệnh, dường như nó tiết ra trong lưỡi một chất gì đó đắng chát, khó chịu. Tôi không muốn ăn cơm nữa, trừ khi có ai cho một chút đường, hay một chút muối. Nhưng chẳng ai cho đâu, Thôi thì cứ để phần cơm đó, nhịn đói. Những ngày trước đó, tôi tự nghĩ: “ăn cơm không trị được bệnh, không ăn chút nào cũng chẳng trị được bệnh, thôi thì cứ ăn.” Nay thì tôi nghĩ ngược lại: “ăn vào cũng chẳng hết bệnh, không ăn cũng chẳng hết bệnh, thôi thì nhịn ăn mà chết cho nhẹ nhàng!” Vậy là tôi nhịn ăn. Chỉ có cái bản năng tự tồn hay thứ “bản năng thèm khát ăn uống” vẫn cứ giục tôi hãy ăn. Tôi không chiều ý nó nữa. Tôi chỉ uống nước cầm hơi. Và tôi hãy còn sống, còn thở liên tục nhiều ngày kế tiếp. Đã đến ngày thứ mười lăm kể từ ngày tôi bị kiết. Tôi bần thần mệt mỏi lắm, không nhích nổi tay chân. Suốt ngày tôi chỉ muốn nằm. Đến giờ ra chơi, tôi gắng gượng bước ra ngoài, tránh chỗ cho người ta chùi rửa phòng. Tìm một chỗ ngồi tựa lưng vào tường, chờ giờ vào phòng. Về đến chỗ là nằm ì một đống. Tôi có cảm tưởng bây giờ tôi là một bộ xương biết đi. Một ngọn gió nhẹ cũng có thể lay ngã được thân xác khô gầy của tôi. Lúc chưa vào tù, tôi nặng khoảng năm mươi sáu kí lô, bây giờ tôi phỏng chừng còn nặng khoảng ba mươi sáu kí là cùng! Không ăn, chỉ uống nước, vậy mà tôi vẫn bị thúc bách phải vào nhà xí. Dường như tất cả sinh lực gì của tôi nếu còn, cũng theo chất phân nhờn ghê tởm ấy mà ra ngoài. Dù vậy, tinh thần tôi hãy còn tỉnh táo lạ thường! Tất cả thì giờ trong suốt ngày đêm, tôi trì tụng kinh chú, quán tưởng, thiền định dù đang lê thân vào nhà xí hay nằm một chỗ. Đến ngày thứ mười tám, tôi cơ hồ không gượng dậy nổi. Tôi nằm liệt một chỗ. Đôi lúc tôi thử cử động tay chân để xem lại hơi sức của mình. Quả thật là tôi không nhấc nổi đôi chân. Ngay cả cánh tay gầy guộc cũng không rục rịch gì nữa. Toàn thân tôi có vẻ tê cứng. Hay đúng hơn, tôi không còn đủ sức lực để chuyển vận nữa. Phòng giam có hai cửa sổ và nhiều lỗ gió ở sát trần, chạy dọc theo hai chiều dài của phòng; nắng chiều theo những khoảng trống ấy chiếu từng vệt sáng vào phòng giam, rọi ngay mặt tôi. Thường thường cứ đến giờ nắng chiều vào phòng, các tù nhân nằm cùng dãy với tôi đều xê dịch xuống, hoặc tránh qua một bên, Nay tôi không rục rịch nổi, nên cứ để cho nắng rọi ngay vào mặt. Tôi nhắm mắt. Luồng nắng này cũng khó chịu lắm chứ chẳng êm ả gì. Tôi phải quán tưởng ánh nắng ấy như một luồng hào quang ấm áp, êm dịu, từ bên ngoài tỏa vào, từ bên trong phát ra, giao thoa với nhau, quyện vào nhau. Một chập, tôi không còn thấy có cái thân đón nhận luồng nắng, cũng chẳng có cảm giác khó chịu hay dễ chịu đối với luồng nắng. Chỉ có sự tỏa chiếu của ánh sáng… “Thầy Khang, thầy Khang à, sao không dịch qua đây một chút mà tránh nắng? Dịch không nổi hả? Để tôi dịch thầy qua nhé?” tiếng anh Vận kế bên tôi nói. Tôi mở mắt ra, mỉm cười với anh ấy, không nói gì. Anh nhìn tôi một lúc rồi không chờ tôi đồng ý hay không, tự động xích tôi qua phía không nắng. Tôi không phản đối làm gì. Đối với tôi lúc ấy, một cử chỉ xua tay từ chối, một lời nói không hay cám ơn cũng không cất lên nổi. Dường như xác thân tôi đã không còn hiện hữu. Tôi có vẻ như chỉ có mặt bằng cái tâm chứ không phải bằng cái xác thân rã bệu khô kiệt kia nữa. Xê dịch tôi xong, anh cũng nằm xuống kế bên tôi. Anh ấy cũng yếu người lắm, dù rằng chẳng bệnh hoạn gì–chỉ thiếu ăn thôi. “Thầy Khang à, ráng lên nghe. Mệt thì nghỉ nhưng đừng có ngủ nhé,” Vận nói nhỏ giọng bên tai tôi, “ngủ là đi luôn đó. Thầy Khang phải sống để còn tiếp tục đấu tranh cho đất nước nữa, phải không? Ráng lên.” Tôi mỉm cười đáp lời anh ấy. Tiếng nói cười lao xao của bạn tù trong phòng có vẻ như lắng xuống, hoặc âm thanh bên ngoài đang dần dần rời bỏ thính quan của tôi. Ánh nắng, luồng sáng cũng biến mất. Cảm giác trong thân cũng mất. Mùi hôi khai của nhà xí, mùi mồ hôi của tù nhân, cũng không còn. Vị đắng chát hay lạt lẽo trong lưỡi không có. Tất cả đều vắng mặt. Năm căn, năm trần đã vắng mặt. Không, hãy còn ý căn và thức trần. Hãy còn cái dòng ý thức đang tuôn chảy bất tận. Một người chỉ hiện hữu trên thế gian bằng ý thức thì là loại chúng sinh nào nhỉ? Một loài tiên, một loài trời ở cõi Vô Sắc chăng? Ta sắp chết rồi sao? Ông Vương nói vậy mà. Bệnh kiết lỵ mười ngày chuyển sang trống tràng, không thuốc chữa thì chết chắc. Mới hai mươi sáu tuổi, chưa làm được gì cho đời, chưa đạt được những gì mình muốn vói đến… Ớ, tại sao sinh ra ở đời thì phải làm một cái gì đó cho đời chứ hả? Tại sao sinh ra ở đời phải có một lý tưởng gì đó để đạt đến! Trật tự của thế gian, như người nào đó từng nói, vốn là như vậy, cần gì phải hì hục dấn thân điều chỉnh, sửa đổi! Cái rối loạn bất an của thế gian này là như vậy. Rối loạn chính là dấu hiệu của một sự điều chỉnh, để tiến đến ổn định. Cứ để yên nó như vậy. Thế gian tự tạo ra rối loạn và tự ổn định lấy nó. Rối loạn là sự ổn định của nó. Ổn định là sự bất an của nó. Thật buồn cười. Có gì mà phải lo lắng, tân toan. Hãy để nó như vậy. Chỉ có sự rối loạn hay yên bình nơi chính ta mới là điều quan trọng thôi. Ta phải sống để thành tựu con đường giải thoát. Ta chưa giải thoát mà! Ha, ta còn gì để giải thoát nữa chăng? Ta có vướng bận gì nữa đâu mà bảo cần giải thoát? Ta đâu còn vướng bận gì nữa đâu! Quốc gia, dân tộc, giáo hội, chùa chiền, bạn bè, gia đình… và con người… Những thứ ấy có thực sự cần thiết để ta vướng bận chăng? Ồ, tất cả, tất cả những thứ ấy, đều là mộng huyễn cả. Mình nghĩ chúng quan trọng thì chúng quan trọng. Quay lưng với chúng thì chúng chẳng là gì cả. Nhưng làm sao quay lưng được kìa! Chúng đang sờ sờ ra đó. Mà có cần thiết phải quay lưng không? Quay lưng đi có phải là đã giải thoát được chăng? Mà ai là kẻ quay lưng? Ai ở nơi cái xác thân rã rời vô cảm giác? Chỉ có cái dòng ý thức này. Chỉ có cái tâm này. Những hình ảnh, những đối tượng, những suy tưởng… chính là nó, vậy thì làm gì có sự quay lưng của nó đối với cái gì khác! Vả lại, giải thoát đâu phải là một hành động quay lưng giũ bỏ! Giải thoát là không đắm trước, không cột trói mình vào đối tượng chứ có phải là chạy trốn hay quay lưng! Mình hãi sợ, xua đuổi các hình ảnh thì chứng tỏ mình còn vướng bận. Không, thực ra giải thoát cũng chẳng phải là không đắm trước, không cột trói vào đối tượng! Có đối tượng để không đắm trước, có hình ảnh để không cột trói, thì làm gì có giải thoát! Có sự giải thoát ra khỏi một đối tượng thì đâu phải là giải thoát! Ôi dào, nhà ngươi chỉ quen lý luận! Phải nhìn tận mặt chúng. Đừng suy luận, đừng nhiều lời. đừng phán đoán. Hãy nhìn, hãy ngắm. Hãy quan sát. Coi nào, còn có cảnh trí hay con người thơ mộng nào trên cõi đời này lảng vảng lưu dấu trong ta? Có chăng một thứ ân tình nào níu kéo ta, ràng rịt ta ở lại với trần gian này? Ôi, có gì đâu, có gì đâu! Ta ra đi cũng đúng rồi, vừa rồi. Có ta, đời vẫn thế. Không có ta, đời vẫn thế. Hai triệu người hiếp đáp sáu mươi ba triệu người. Chủ nghĩa hiếp đáp con người. Danh nghĩa tập thể hiếp đáp cá nhân thực tế. Thế giới đại đồng hủy diệt thế giới riêng tư. Báng súng đánh dập ngòi bút. Biểu ngữ và chính sách đè bẹp lời nói ngay thực. Nụ cười kiêu hãnh phủ lấp giọt lệ hờn căm. Thù hận dìm chết thương yêu. Hoài nghi lấn lướt tin tưởng. Cái ác trêu cười cái thiện… Vâng, đời sẽ như thế, dù có ta hay không có ta. Thực là điên khùng cái xã hội này! Ta nhỏ nhoi, tầm thường quá, chẳng làm sao chuyển vận nổi cái bầu trời đen tối nặng trĩu kia. Thôi thì cứ chết đi, nói như Hiền, ông anh ruột của tôi, tất cả cái thiện hãy chết đi, tự trầm đi, để cho cái ác tự do sinh sôi nẩy nở tràn lan trên mặt đất, và rồi sau đó, chính cái ác sẽ tự hủy diệt nó. Sáu mươi ba triệu người hãy chết đi thì tự khắc hai triệu người nọ không còn đất sống. Có thật thế chăng? Có thật là ta nên chết chăng? Có thể nào ta chết trong lúc này chăng? Chứ không phải là cùng với sự vươn dậy của ta, thế giới sẽ chuyển hóa ngay lập tức? Chứ không phải rằng hai vai của ta đã thề nguyện gánh cả trần gian thống khổ này sao? Tại sao phải chết! Tại sao phải chết chứ!
Ó
Tôi mở bừng mắt dậy. Những bạn tù chung phòng giam đang tụm năm tụ ba dưới mấy ngọn đèn vàng tập trung ở khoảng lồng khung và nhà xí. Tôi nằm sát nhà xí. Không ai biết tôi sắp chết hay sẽ đứng dậy tiếp tục cuộc sinh tồn. Họ đang đánh cờ, chơi domino, ca hát, uống trà, tâm sự, nghe kể chuyện kiếm hiệp Kim Dung… Rõ ràng là không có tôi, đời vẫn thế. Vận thấy tôi mở mắt, lấy tay khoèo, nói: “Này, ráng thêm một đêm nữa đi. Ngày mai là ngày thăm nuôi, thế nào cũng có người có thuốc kiết lỵ hay tiêu chảy. Để tôi hỏi xin người ta cho thầy thuốc nhé. Còn không thì báo cáo với y tá của trại. Không thể để mãi như vầy, chết mất!” Nghe Vận nói vậy, tôi sực nhớ đến Phương, cô công an mang kiếng cận. Hơn nửa tháng trước, cô ấy có dặn tôi khi nào có chuyện cần hoặc bệnh hoạn gì thì cứ xin gặp cô. Hình như cô ấy đoán được rằng một lúc nào đó tôi sẽ ngã bệnh nặng. Phải chăng vì cán bộ trại cố tình giấu nhẹm chuyện tôi bị vào tù, cắt đứt liên lạc giữa tôi với xã hội bên ngoài, nên cô ấy biết ngay trong tình trạng đó, thế nào tôi cũng phải bệnh. Làm y tá nhiều năm cho tù nhân của trại đã cho cô kinh nghiệm ấy thì phải. Và nếu tôi bệnh nặng, cầu cứu đến cô, tất nhiên cô sẽ có cơ hội thay mặt đảng và nhà nước, ban phát ân huệ chữa và điều trị, hay ban ân cứu tử cho tôi. Có lẽ là vậy. Hay là có một âm mưu gì khác? Một thứ âm mưu tình cảm để khai thác tin tức, hay một âm mưu điều trị để khai thác tình cảm? Ôi, cũng có thể cái tâm này đã quen lề thói nghi kỵ học được từ xã hội, nên đụng chuyện gì cũng nảy nghi vấn! Biết đâu chẳng có âm mưu gì cả ngoài một chút cảm tình thông thường của phụ nữ đối với phái nam, đối với một nhà tu khờ khạo chưa biết gì về đời như tôi? Ha, bận tâm làm gì chuyện đó chứ. Dù có âm mưu hay thực tình chăm sóc thì cũng chẳng lay chuyển gì được cái thân và cái tâm bất động này. Cô ấy không cứu nổi tôi đâu. Cũng không có bất cứ thứ thuốc của tù nhân nào có thể cứu được tôi đâu. Cái bệnh này, đã mười tám ngày không có thuốc rồi, bây giờ đã qua khỏi giai đoạn can thiệp của thầy thuốc và dược liệu. Chỉ có tôi mới vượt qua nổi nó mà thôi. Tôi biết vậy. Tôi chấp nhận chết thì tôi sẽ chết. Tôi quyết định sống thì tôi sẽ sống. Lúc này, trong cái khoảng thời gian vất vưởng la đà của tâm thức trước hai bờ sinh tử, không có cái lực nào có thể khủng bố đe dọa tôi được. “Tôi không sao đâu, anh Vận à. Cám ơn anh nghe, anh đừng xin thuốc làm gì mất công, tôi tự lo được mà,” tôi cố gắng thì thào với Vận. “Đừng nói vậy. Bệnh nước này thì phải trị. Thực ở đây tệ quá! Nằm liệt mấy ngày mà chẳng chịu báo cáo. Thằng trưởng phòng mỗi ngày ra gặp cán bộ quản giáo bộ hắn chẳng biết nói giùm một tiếng là ông thầy bệnh sao chứ! Cái quân giết người.” Tôi muốn nói thêm vài lời với Vận nhưng mệt quá, miệng lưỡi tôi cứng đờ, chẳng buồn nhếch được đôi môi. Tôi lại nhắm mắt. Chẳng cố gắng tập trung tư tưởng hay niệm Phật gì. Tôi chỉ nằm im đó. Cái gì hiện ra trong tâm tưởng thì cứ tha hồ.
Ó
Chùa Long Quang, ngôi chùa tranh vách đất trên kinh tế mới. Đó là ngôi chùa thờ Phật xiêu vẹo nhất của Việt Nam, chắc là vậy. Nhưng dù sao thì đất cũng khá rộng, có dãy nhà kho cùng hai phòng tăng, có dãy trai đường và một phòng nhỏ khác, có nhà bếp riêng, có ba cái am tranh nằm biệt lập. có thư viện xây bằng đất sét đúc… tất cả đều có mái lợp bằng tranh, có nền và vách bằng đất, nằm rải rác trên một khu đất rộng khoảng năm mẫu tây. Cây vườn đã bắt đầu lớn và kết đợt trái lứa đầu. Ngôi chùa ấy bấp bênh, èo uột, tàn xiêu, vì người chủ của nó, hay đúng hơn, người chịu trách nhiệm chăm sóc nó–người ta gọi là thầy trụ trì–lông bông và có khuynh hướng không vụ hình thức. Chỉ có những cây vườn chung quanh là vươn lên, tạo cảnh đẹp mát mẻ và yên tĩnh. Gió thổi qua vườn rì rào suốt ngày đêm. Chạy dọc theo chiều dài phía đông của đất chùa là đồng ruộng bao la với những ngọn lúa xanh mơn mởn chỗ cao chỗ thấp nhấp nhô giạt theo chiều gió. Cây tràm cổ thụ khô trụi sừng sững bên mé ruộng như một cụ già loạn tưởng bi quan, đứng run rẩy ở đầu sông bến nước. Sau lưng và dọc theo chiều dài phía tây của vườn chùa là rừng tre gai và cỏ tranh mọc um tùm, từ xa nhìn chỉ thấy như một dãy liên sơn trùng trùng điệp điệp. Vườn chùa yên tĩnh, hiu quạnh kinh khiếp. Đôi khi tôi có cảm giác bùng lỗ tai vì cái vắng lặng không một tiếng động đó. Nhất là vào mỗi trưa, khi trời đứng bóng, thế giới này trở thành một thế giới không có âm thanh; có chăng một thứ tiếng động nhỏ nào thì đó là tiếng gió lùa qua cây nghe xào xạc, xào xạc thật nhẹ, thật nhỏ, như thể được vọng đến từ một cõi trời xa lăng lắc nơi đâu. Ban đêm thì rộn ràng hơn, ngoài tiếng lá xao xác, có thể nghe tiếng ếch nhái kêu oàm oạp, tiếng côn trùng rúc rích, tiếng chim đêm chíu chít và thỉnh thoảng, một tiếng chó hay chồn tru lên u ú, tưởng chừng rừng đêm lúc ấy là một sân khấu rộng cho dàn nhạc đại hòa tấu của muông thú. Nhưng vào những đêm mà ánh trăng dịu dàng choàng lớp áo sáng mỏng của nó xuống khắp ruộng đồng và rừng sâu, vạn vật bỗng dưng trở thành tĩnh vật. Chim muông như thành khẩn ngước cổ lên mà lắng nghe tấu khúc vô thanh của trăng vàng. Không có tiếng kêu tầm thường bé mọn nào thấy cần thiết cất lên vào những đêm trăng ấy. Và tôi, khi đứng lặng một mình dưới rừng trăng, thường cảm thấy rằng mọi thứ khát dục như gội rửa bới những giọt trăng thuần khiết sáng trong vô ngần. Và nếu sau đó có trở lại với thực tế rằng đất nước cần sự góp mặt của mình, tôi vẫn thường tự hẹn rằng, mai sau thái bình tôi sẽ trở lại ẩn cư nơi thảo am và vui vầy với thế giới hoang sơ cô tịch nơi đây… Tôi sẽ trở lại. Đất nước yên bình, tôi sẽ trở lại...
Ó
Tôi lại mở mắt. Tiếng kẻng báo nghiêm vừa dứt. Mọi người trong phòng giam lục tục thay nhau vào nhà xí. Tiếng những vòi nước thiếu oai nghi, tồ tồ rót xuống lỗ cầu giống như ai đang châm nước sôi vào bình thủy. Có tiếng ai suỵt suỵt bảo ngồi xuống mà rót cho khỏi văng và khỏi kêu. Tiếng dội nước nhè nhẹ. Tiếng những bước chân trần lăng xăng trở về chỗ nằm. Mọi người phải im lặng vào mùng dù chưa muốn ngủ. Tôi và một số người khác vì chưa có thăm nuôi nên chẳng có mùng mà treo. Cũng may phòng giam bít bùng, ít muỗi. Vận cũng không có mùng, nhưng có tấm chăn mỏng để đắp. Anh ngần ngừ hỏi tôi: “Đắp chăn không? Đắp chung với tôi nhé?” “Thôi, cám ơn. Anh đắp một mình đi,” tôi xua tay nói với giọng hơi, chỉ từ chối chứ không đủ sức giải thích lý do. Tôi không quen đắp chung chăn với người khác đâu. Nếu giải thích, tôi sẽ giải thích như thế. Từ ngày đi tu, tôi chưa đắp chăn chung với ai, ngoại trừ Mộng Huyền. “Nhớ nghe ông thầy. Ráng thêm một đêm, ngày mai là ngày thăm nuôi rồi,” Vận nhắc tôi. Tôi gật nhẹ. Nhắc vậy là sao, nghĩa là muốn tôi đừng ngủ đấy à? Ngủ thì sẽ không thức dậy nữa? Sao vậy? Tại bệnh nặng, nhịn đói, kiệt sức, nằm chơ chỏng dưới nền đất lạnh không mùng màn? Tù nhân chỉ có một cách chống lại cái chết là đừng ngủ mê thôi à? Cám ơn anh bạn tù tốt bụng. Tôi không dễ chết đâu anh ạ. Tâm ý tôi hãy còn tỉnh táo, sáng suốt lắm. Những ảnh tượng trôi trong dòng ý thức của tôi cũng còn rõ ràng, thứ lớp lắm. Tôi có hôn mê tán loạn gì đâu mà bảo tôi chết!
Ó
Tôi ngồi ngả lưng nơi chiếc xa lông. Mộng Huyền đánh đàn dương cầm, một bản nhạc quen thuộc của Schubert hay Beethoven, tôi không dám chắc lắm. Mặc dù thích nghe nhạc cổ điển Tây phương, tôi chưa có cơ hội học cho biết tên các nhạc phẩm, chỉ biết ngồi thưởng thức. Thực ra cũng chẳng phải là thưởng thức nữa. Tâm tôi lúc ấy không được thanh thản. Tôi ngồi đó không phải để nghe nhạc mà để nhìn, để ngắm Mộng Huyền, hay để trắc nghiệm tình cảm của tôi. Ngưng bản nhạc, Mộng Huyền tiến đến ngồi sát bên tôi, gạn hỏi thêm về chuyện đời tư của tôi. Té ra trước lúc chúng tôi ngồi nơi xa-lông ấy nàng đã được mẹ nàng cho biết rằng tôi là tu sĩ, tôi chính là ông thầy tu đi trong chuyến vượt biên của nàng. Nhưng nàng lại nghịch ngợm giả lơ cái thực tế đó. Tôi không tự nói mình là tu sĩ thì nàng cứ tiếp xử với tôi như một chàng trai thế tục, hay như một tình nhân trong mắt nàng. “Anh có tin rằng tụi mình có cái duyên gì đó với nhau không? Em thấy lạ lắm. Tại sao hôm ấy mình nằm chung với nhau ngoài trời, rồi lại đắp chung chăn trên giường của chị Thu…” “Thôi, nói chuyện đó làm chi nữa. Tại vì có một cái chăn thì phải đắp chung chứ có chi đâu. Với lại… vượt biên đổ bể phải nương nhau mà trốn tránh công an thôi.” “Sao không chứ! Nam nữ thọ thọ bất thân. Anh với em đắp chung chăn, nằm ngủ chung một giường suốt một đêm thì không phải có duyên gì với nhau sao! Hì hì.” “Có duyên anh em với nhau đó. Anh thấy em giống như đứa em gái của anh vậy.” “Không. Em nghĩ không phải vậy đâu,” nàng vừa nói vừa đưa tay vân vê cánh tay áo sơ mi ngắn tay của tôi. “Anh chỉ tự dối lòng mà thôi. Em biết anh sẽ không chịu nói ra sự thực của lòng anh đâu. Ừ thì lý do nào đó, em chẳng biết, nhưng em biết là nếu yêu, anh sẽ biểu lộ tình yêu của anh một cách thụ động, thụ động hơn cả con gái nữa.” Tôi giật mình nhìn thẳng vào mắt nàng. Mẹ nàng nói nàng dại khờ, nhút nhát, vô tư như con nít. Tôi không nghĩ vậy. Nàng đã hai mươi bốn tuổi, không thể còn con nít được. Thấy tôi im lặng không nói gì, nàng đan hai bàn tay tì lên vai tôi, đặt cái cằm nhỏ của nàng lên ấy, nhỏ nhẹ nói: “Nếu anh không nói gì, hoặc nếu anh là một người tình câm em cũng vui nữa. Em sẽ nói thay cho anh tất cả những gì anh muốn nói mà không nói ra được.” Tôi cúi mặt, bẻ nắn mấy ngón tay của mình. Hai bàn tay tôi run run. Tim tôi đập mạnh từng hồi. Nàng đưa một bàn tay lên ngực trái của tôi: “Đây nè, trái tim của anh, nó đang nói gì đó. Để em xem… à nghe rồi, hiểu rồi, em biết tim anh nói gì rồi. Anh muốn em dịch lại cho anh nghe không?” Tôi bật cười không đáp. Nàng cười theo. Đôi mắt nàng long lanh như ướt lệ. Nàng ngả đầu vào vai tôi, hai tay ôm choàng lấy tôi, một tay vòng qua vai, một tay ngang ngực. Chúng tôi im lặng một lúc. Một phía ngực của nàng áp vào cánh tay tôi nóng ran. Và nàng hôn nhẹ vai tôi: “Anh sẽ nói em lãng mạn. Anh sẽ đánh giá rằng em vội vàng quá, mới quen nhau chưa đầy nửa tháng, hay đúng hơn, mới quen nhau, gần nhau qua một đêm vượt biên… nhưng em mặc kệ anh nghĩ gì. Em biết đôi mắt anh, trái tim anh, không bao giờ từ chối em cả. Chỉ có thứ lý tưởng nào đó mà anh hằng ôm ấp mới từ chối em mà thôi. Nhưng anh nghĩ xem có đúng không, dù anh đeo đuổi thứ lý tưởng nào đi nữa thì bên cạnh em, anh vẫn cứ là một chàng trai độc thân… đâu có gì ngăn cản em yêu anh…” Nói đến đó, nàng ngước mặt lên nhìn vào mắt tôi để xem phản ứng của tôi. Tôi nhắm mắt, chẳng nói gì. Tôi bỗng nhớ lời dạy của Thượng tọa Đức Nhân qua lời nhắn của Tửu, bạn thân tôi: “Nói chú Khang rằng chuyện chú bị công an ruồng bắt phải bỏ chùa đi cũng là cái duyên mới, cứ vui vẻ chấp nhận. Lâu nay chú ấy đã có tâm nguyện dấn thân thì nay đã đến lúc cho chú thực sự dấn thân rồi đấy. Nếu chú Khang cần xả giới tỳ kheo để thuận lợi vào đời thì bảo chú cứ đứng trước bàn Phật, tự xả bỏ, rồi đem pháp y đến đây thầy cất cho, sau này muốn phục giới, sẽ có thầy chứng minh.” Sau đó, nơi bàn thờ Phật nhà bà Bàng, tôi đã tự xả giới, phát nguyện dấn thân hành đạo bằng con đường nhập thế. Trên hình thức cũng như trên mặt giới luật, tôi không còn là tăng sĩ nữa. Nhưng trên thực tế, tâm tư và hành động của tôi kể từ ngày ấy vẫn chẳng có vẻ gì thay đổi. Tôi không thấy có sự khác biệt nào trong tôi giữa hai giai đoạn giữ giới và xả giới. Hình như tôi vẫn cứ như vậy, chẳng thêm chẳng bớt gì cả. Cho nên, đáng ra lúc gần gũi Mộng Huyền, rung động trước sắc đẹp và tình yêu chân tình của nàng, tôi có quyền tự do yêu đương và biểu lộ khát dục của tôi; nhưng tôi vẫn không làm được. Không phải vì giới luật. Cũng không phải vì lý tưởng đấu tranh đòi hỏi đời sống độc thân để dốc toàn thời gian vào. Có lẽ chỉ vì một thứ linh cảm mơ hồ nào đó chen vào ngăn trở. Cái linh cảm bật ra từ duyên nợ bẽ bàng ngắn ngủi giữa hai chúng tôi. Cũng có thể vì một thứ nghiệp dĩ hay nguyện lực của chính tôi đã đẩy tôi tách khỏi nàng ngay từ lúc này. Nàng ngã đầu nằm xuống hai bắp vế tôi, ngửa mặt nhìn lên, mỉm cười. Một lúc sau, nàng đưa hai tay bá lấy cổ tôi, vừa kéo tôi xuống vừa kéo người nàng lên. Nàng hôn môi tôi. Rồi hôn tới tấp trên mặt, trên cổ tôi. “Khang ơi, em yêu anh. Em biết anh cũng yêu em mà. Nói đi, nói anh yêu em đi. Khang ơi, yêu em, yêu em đi anh!” Tôi run người bần bật. Hai chân tôi giật bắn lên từng hồi. Cả người tôi rùng lên từng cơn. Tôi sắp sa ngã. Tôi gần như không tự kềm chế được nữa. Nhưng tại sao phải kềm chế kìa! Lý do gì? Không có lý do gì cả. Vậy mà bỗng dưng tôi lại kềm chế. Tôi đỡ nàng dậy, và tôi đứng lên, bước đến bên khung cửa sổ lộng kính. Nàng bước theo, đến phía sau tôi. Tì bàn tay nhỏ trên vai tôi. “Anh sợ hả?” Tôi không nói. Chỉ quay lại, đưa một tay vuốt nhẹ trên má nàng. Tôi gỡ mấy sợi tóc mai của nàng trong im lặng. “Anh phải về,” tôi nói. Nàng xụ mặt xuống, giọng buồn bã: “Thôi cũng được. Hẹn gặp anh trong chuyến tới.” “Ừ, chỉ vài ngày nữa thôi, phải không?” “Dạ, anh nhớ đi, chuyến này tốt lắm, chắc thành công.” Chúng tôi chia tay. Và mãi mãi chia tay. Khi biết nàng bỏ thân trên biển, tôi luôn nhớ đến nàng ở hình ảnh cuối cùng trên chiếc xa-lông ấy. Nàng bá lấy cổ tôi, níu kéo, biểu lộ khát khao chinh phục và được chinh phục. Người nàng như oằn lên. Giống như kẻ bị đắm, nhoài lên để cầu cứu. Tôi đã không cứu nàng. Chuyến đi ấy không tốt, không thành công. Nếu hôm ấy tôi ôm nàng và sẵn sàng nhập cuộc yêu đương với nàng, có thể tôi sẽ không bị bắt vào tù. Nếu tôi và nàng yêu nhau, tôi đã có mặt trên cùng một chuyến tàu của nàng, và tôi sẽ chìm sâu theo nàng trong lòng biển rộng. Những trường hợp giả sử ở trên đều không xảy ra. Thực tế là tôi đang ở tù, và sắp chết vì bệnh kiết lỵ tiêu chảy, một cái bệnh có tên gọi và nội dung không mấy đẹp đẽ. Tại sao tôi phải chọn một cái chết ít thơ mộng như vậy nhỉ? Chí sĩ thì chết trong ngục tù. Ừ, cũng xứng đáng lắm, nhưng tôi đâu cần cái xứng đáng ấy. Tôi không phải chỉ là một chí sĩ có mặt trong tù để bảo vệ lý tưởng và sự liêm sỉ. Tôi còn là một đạo sĩ–dù giữ giới hay đã xả giới–có mặt nơi đây để vun trồng và khai mở hạt giống bồ đề, biến địa ngục thành tịnh độ niết bàn. Tôi chưa kịp làm gì cả, lý đâu lại nằm ì ra rồi chết một cách đơn giản. Tôi phải phấn đấu. Không thể gục ngã dễ dàng như vậy! Một căn bệnh thì nghĩa lý gì! Muôn triệu ma chướng, muôn triệu ác nghiệp, muôn triệu nỗi thống khổ đớn đau của trần gian có chụp phủ lên đầu cũng phải đứng thẳng mà chống đỡ, mà chịu đựng, không thể quỵ ngã. Tôi phải sống.
Ó
Tôi gượng ngồi dậy. Đêm đã khuya lắm rồi. Cứ nhìn cảnh bạn tù nằm im, ngáy pho pho là biết. Tôi gắng lần dò vào nhà xí rồi trở ra, ngồi xếp bằng thế hoa sen. Từ ngày vào trại giam này, tôi đã tránh không ngồi thiền hay niệm Phật một cách lộ liễu trước mặt mọi người–các bạn tù chính trị vào trước đã nhắc tôi biết điều đó. Nhưng hôm nay, trong khi mọi người đang ngon giấc, và trong trường hợp thật cần thiết đối với tôi, tôi muốn ngồi thiền trong suốt đêm nay. Bằng tất cả sự dũng mãnh quyết tâm, bằng sức tập trung tư tưởng thuần thục sẵn có, tôi lại lần nữa, đạt đến trạng thái nhất tâm bất loạn, vắng bặt tất cả mọi động dụng vận chuyển của bản ngã và khát dục. Buổi khuya, khi có người lục tục trở dậy, tôi xả thiền, rồi nằm xuống ngủ. Sáng ra, người tôi thấy khỏe lắm. Tôi biết tôi không thể nào chết. Tôi có thể đi lại chầm chậm trong phòng. Nhưng một lúc thì cũng thấm mệt, bèn trở về chỗ nằm. Ông Vương thấy tôi lại nằm ì như mọi hôm thì trờ tới, vỗ vai tôi, hỏi nhỏ: “Hỏi thật, có khi nào ông thấy cần rửa tội không nhỉ?” Tôi ngạc nhiên và cũng thật buồn cười ngước nhìn ông: “Tại sao bác hỏi vậy?” “Thì… ở đời ai lại chẳng có lúc thấy cần nương tựa, cần được ơn trên cứu rỗi. Khi nào ông muốn rửa tội, cứ nói tôi biết, tôi sẽ có cách, nhé.” Tôi cười. Định nói với ông vài câu, nhưng thấy không cần thiết lắm, bèn lẩm bẩm với chính mình: “Nếu thật là tôi có cái tội gì đối với thế gian này, cũng chẳng con người nào hay bất cứ thần linh nào đủ thẩm quyền cứu rỗi tôi được, ngay cả đức Phật mà tôi hằng kính ngưỡng. Còn nếu cần phải nương tựa ai, nương tựa cái gì để đứng lên, để tồn tại, tôi nghĩ chỉ có mảnh đất đầy đau thương và máu lệ của trần gian mới đủ sức chịu đựng nổi cái chống tay gượng dậy của tôi!” Nói theo cách người xưa, tôi đã té xuống đất này thì tôi phải chống tay nơi đất này mà gượng dậy.
|
oOo