HINH ANH TANG CHAN AM MUA DONG CHO NGUOI NGHEO CHONG RET

 

 

HÌNH ẢNH TẶNG QUÀ TẾT CHO ĐỒNG BÀO THIỂU SỐ

CÁC XÃ KEO LÔM và PÚ NHI

THUỘC HUYỆN ĐIỆN BIÊN ĐÔNG, TỈNH ĐIỆN BIÊN

(22.01.2019)

 

 

Cuộc hành trình của Sư thầy Thích Đàm Gấm và người đệ tử nhỏ là Sa-di-ni Diệu Hằng từ Chùa Phúc Lâm, tỉnh Thái Bình, đi xuyên qua chiều ngang của 3 tỉnh Hà Nam, Hòa Bình và Sơn La để đến tỉnh Điện Biên, qua tin nhắn ngắn gọn từ điện thoại, vẫn mường tượng ra được là chuyến đi nhiều khó nhọc; vì vậy, với niềm cảm kích và tri ân sâu xa nhất, xin ghi nhận nơi đầu bài viết này công đức của Sư thầy và Ni chúng.

Xế trưa ngày 19.01.2019 mới có chuyến xe đò đưa phái đoàn của Chùa Phúc Lâm lên đường, gồm Sư Đàm Gấm, Sa-di-ni Diệu Hằng và 4 phật-tử (trong đó có mẹ của Sa-di-ni Diệu Hằng là cô Trần Thị Yến); trải qua 17 tiếng đồng hồ, vượt qua gần 800 km (với 32 km của Đèo Pha Nin, tỉnh Sơn La) mới đến Điện Biên; tức là ngủ đêm trên xe khi xe đang chạy.

Chiều ngày 20.01, phái đoàn đi mua sắm gạo, mắm, bột ngọt (mì chính), và chăn ấm ở thị trấn Điện Biên, rồi tập trung về nhà phật-tử Hoàng Đình Đoàn; ngủ lại đây một đêm, qua hôm sau, 21.01.2019, tiếp tục đi mua sắm và thuê xe tải chở đồ lên các bản vùng núi.

Sáng sớm ngày 22.01.2019, phái đoàn lên đường, tiến về huyện Điện Biên Đông, phát quà ở các bản thuộc xã Keo Lôm và Pú Nhi. Đường sá gập ghềnh, hầu hết là đường đất không tráng nhựa, nhà ở thưa thớt, từ bản này qua bản kia cách nhau từ 8 đến 10 km, và từ xã Keo Lôm đến xã Pú Nhi là 70 km. Nhiều gia cư rất xa đường và trung tâm thị xã, thế nên việc đi học của trẻ em ở các miền này rất là khó khăn, trở ngại (như chúng ta thường thấy đăng tải trên các báo và trang mạng).

Trước khi xem hình ảnh tặng quà, xin lược qua về tỉnh Điện Biên, theo nguồn của Wikipedia tiếng Việt:

Điện Biên là tên do Vua Thiệu Trị đặt từ năm 1841 (Điện là vững chắc, Biên là biên ải, biên cương). Điện Biên Phủ (Phủ Điện Biên) thời ấy gồm 3 châu: Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu. Đến năm 2003, Lai Châu được tách thành 2 tỉnh là Lai Châu và Điện Biên.

"Tỉnh Điện Biên nằm ở rìa phía Tây khu vực Tây Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây. Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc dài hơn 400 km: đường biên giới tiếp giáp với Lào là 360 km và đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc là 40,86 km. Điện Biên có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200m đến hơn 1800m..."

"Tỉnh Điện Biên có 33 dân tộc sinh sống bao gồm: TháiMôngKinhDaoKhơ MúHà NhìGiáyLa HủLựHoaKhángMảngTàyNùngMường,... Trong đó, dân tộc Thái là dân tộc có dân số đông nhất với 186.270 người, chiếm 38,4% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Mông xếp thứ hai với 170.648 người, chiếm 34,8% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Kinh có dân số đông thứ ba với 90.323 người, chiếm khoảng 20% dân số tỉnh."

Toàn tỉnh Điện Biên với dân số 567,000 người (năm 2017) mà chỉ có 2 ngôi chùa là Chùa Linh Ứng và Chùa Linh Quang; và theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê năm 2009 thì "trên toàn tỉnh Điện Biên có 73 người theo Phật giáo; 1.174 người theo Công giáo; 36,702 người theo đạo Tin Lành; còn lại đa số thì không theo tôn giáo nào cả." (Theo trang nhà Phật Giáo đăng tin thì mùa Vu Lan năm 2014 có hơn 2,000 người quy y Tam Bảo tại Chùa Linh Quang, tỉnh Điện Biên. Chùa Linh Quang nằm ở huyện Điện Biên, là ngôi chùa lớn, địa điểm du lịch của tỉnh. Bản tin không nói 2000 người quy y thuộc người Kinh hay các dân tộc thiểu số) 

Về Y tế, "vì Điện Biên là tỉnh miền núi, 90% dân số là đồng bào các dân tộc ít người, sinh sống chủ yếu ở các bản vùng cao nên điều kiện khám, chữa bệnh vẫn còn nhiều hạn chế về chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh."

Về Giáo dục, "hoạt động giáo dục ở Điện Biên vẫn còn rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đến trường gặp trở ngại, đó là cả thách thức cho các thầy cô giáo cõng chữ lên non cho các em vùng cao."

***

Điểm qua để biết địa hình, dân số, hoàn cảnh khó khăn của đồng bào thiểu số của một tỉnh miền núi xa xôi, cách trở. Nay đi vào phần công tác từ thiện của phái đoàn.

Theo tường thuật ngắn gọn, phái đoàn đã chở gạo và chăn lên núi, phát tặng 230 phần quà, mỗi phần quà trị giá 260 ngàn đồng VN (gồm 10 kg gạo, 1 chai nước mắm, và 1 gói bột ngọt); gia đình nào quá nghèo hoặc có người già neo đơn, người tật nguyền thì được tặng thêm một tấm chăn (trị giá 280 ngàn đồng VN - tổng số chăn mang lên các bản là 80 chiếc, trong đó có 50 chăn trích từ quỹ tặng gạo và 30 chăn từ Chùa Phúc Lâm); một số gia đình được biếu thêm tiền mặt từ 100 ngàn, đến 200 ngàn; các em bé lam lũ quanh xã được tặng 10 ngàn, 20 ngàn.

Việc tặng quà Tết năm nay do Hội Thân Hữu Già Lam hải ngoại (bảo trợ $500), Chùa Pháp Vân Canada ($1,000), Phật-tử Lệ Ngọc - Chùa Pháp Vân Canada - và thân hữu  ($500); Phật-tử Diệu Tịnh, Texas ($300); Phật-tử Phạm Thanh Mai, California ($100); Phật-tử Lê Thị Chiêu Hoàng, Virginia ($200); Phật-tử Lê Thị Chiêu Hà & Bảo Tạng, California ($100); và Phật-tử Nguyễn Duy Huy, Thái Bình (400 ngàn đồng VN). Ngoài ra còn có một số quần áo do Phật-tử Trần Thị Yến (Nam Định) mang theo để tặng đồng bào nghèo; cô cũng tặng thêm 30 bao gạo (mỗi bao 10 kg) vào trong quỹ tặng gạo của phái đoàn.

Khí hậu của tỉnh miền núi khá lạnh. "Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 °C đến 23 °C, nhiệt độ trung bình thấp nhất thường vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau (từ 14 °C đến 18 °C)" (theo Wikipedia tiếng Việt). Dân nghèo thường đốt củi ở giữa nhà để sưởi ấm; vì vậy, nhận được chăn của phái đoàn trao tặng, đồng bào rất vui mừng. Chính quyền xã cho biết hiếm khi có phái đoàn từ thiện nào lên đến tận bản để ủy lạo đồng bào, vì đường sá xa xôi cách trở, dân cư thưa thớt.

Sau đây là hình ảnh được ghi lại trong chuyến tặng quà Tết đồng bào thiểu số huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, do Sư thầy Thích Đàm Gấm cùng phái đoàn Chùa Phúc Lâm, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thực hiện:

 

Đầu tiên là tặng quà cho đồng bào ở đầu xã Keo Lôm 3:

Sư thầy Thích Đàm Gấm, trụ trì Chùa Phúc Lâm, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Nhận áo quần của Phật-tử Trần Thị Yến (thân mẫu Sa-di-ni Diệu Hằng) mang từ Nam Định lên:

 

Tập trung nhận quà trước cổng vào bản Tìa Ghếnh, thuộc xã Keo Lôm:

Một vài điểm tập trung khác của xã Keo Lôm:

 

Tập trung ở bản Chung Xua, thuộc xã Keo Lôm. Có ông Vàng A Bông làm thông dịch chứ đồng bào không hiểu tiếng Việt, mà phái đoàn cũng không ai hiểu được tiếng địa phương.

Sa-di-ni Diệu Hằng, 16 tuổi, rất hoan hỷ, xăng xái được sư phụ kêu theo làm việc từ thiện

Dân ở đây rất mắc cỡ việc chụp hình, phải năn nỉ lắm mới chịu đứng chụp chung một tấm:

 

Tiếp đến, phái đoàn rời bản Chung Xua, xã Keo Lôm, qua xã Pú Nhi cách 70 km. Đây là trụ sở của xã Pú Nhi. Các thanh niên, đàn ông khoẻ mạnh đến nhận quà để mang lên cho đồng bào trên bản, vì đường đi rất xa, phải trèo đèo, lội suối, các cụ già không xuống nhận quà được:

Phật-tử Trần Thị Yến (Nam Định)

Ông Bình là một Phật-tử ở Điện Biên, tình nguyện lái xe nhà đưa phái đoàn đi tặng quà

 

Mời xem thêm một số hình ảnh phái đoàn theo dân đi vào sâu trong bản Keo Lôm 3 để thăm viếng các gia đình nghèo, có người già neo đơn và bệnh tật:

 

Sau khi tặng quà, chiều ngày 22.01.2019, phái đoàn về lại Điện Biên, đón xe đò đi 17 tiếng đồng hồ nữa mới về đến tỉnh Thái Bình. Nghĩa là phải thêm một đêm ngủ trên xe, nhọc mệt, nhưng lòng ai nấy cũng hoan hỷ là đã mang lại niềm vui cho một số gia đình vào dịp năm hết Tết đến.

 

Tương lai các em về đâu?

 

 

DANH SÁCH BẢO TRỢ CHĂN ẤM CHO NGƯỜI NGHÈO

TẶNG CHĂN ẤM MÙA ĐÔNG CHO NGƯỜI NGHÈO CHỐNG RÉT

HÌNH ẢNH TẶNG CHĂN ẤM TẠI CHI LĂNG, THÁI BÌNH (11.01.2019)

HÌNH ẢNH TẶNG CHĂN ẤM TẠI ĐIỆP NÔNG, THÁI BÌNH (16.01.2019)

HÌNH ẢNH TẶNG QUÀ TẾT CHO ĐỒNG BÀO THIỂU SỐ TỈNH ĐIỆN BIÊN (22.01.2019)

 

Trở lại trang TỪ THIỆN

 

---oOo---

 

Ủng hộ chương trình tặng chăn nầy, xin gửi chi phiếu về:

VINH HAO

P. O. BOX 849

MIDWAY CITY, CA 92655 - U.S.A.

 

Chi phiếu xin ghi ở phần Memo: "ủng hộ chăn"

---oOo---