VẾT LĂN
Vĩnh Hảo
Ba mươi năm trước, bà Lan yêu một chàng bác sĩ mới ra trường. Chàng bác sĩ đó, theo lời bà kể, cũng yêu bà tha thiết lắm. Tha thiết đến mức nào thì không rõ; chỉ thấy, trong khi kể lại chuyện xưa, cái men tình cổ đại đó hãy còn ngụt cháy đến bây giờ.
Ấy vậy mà bà không lấy chàng bác sĩ đó mà lại lấy một chàng sĩ quan để rồi sinh ra hai chị em Hồng và Kiệt. Tên Hồng có lẽ là do chồng bà đặt, còn tên Kiệt thì hẳn nhiên là do chính bà đặt rồi, vì chàng bác sĩ ngày xưa cũng mang cái tên hào kiệt đó.
Cuộc hôn nhân của bà và chàng sĩ quan không phải là một cuộc hôn nhân hạnh phúc, tuy nhiên, cũng êm thắm. Êm thắm là do bà biết ngậm ngùi chịu đựng và một phần cũng vì có cái gọi là nghĩa keo sơn khi đã sống với nhau một thời gian dài và đẻ ra mấy mụn con. Bà từng nói với Hồng rằng:
"Tao có yêu ba mày đâu! Chỉ vì bà ngoại mày bắt tao lấy ổng thì tao lấy."
Lấy làm lạ, Hồng hỏi:
"Mình có thể chung sống với một người mà mình không yêu sao mẹ? Vậy làm sao có hạnh phúc?"
"Hạnh phúc nỗi gì! Nhưng... rồi cũng quen, còn hơn là cãi lời cha mẹ để mang tiếng bất hiếu với đời."
Hồng im lặng nhưng trong lòng nàng ấm ức lắm. Nếp suy nghĩ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ nàng có một cái gì phi lý, khó chịu, được truyền đi từ đời này sang đời sau bằng vết lăn của một khối vuông có góc cạnh, chỉ tạo nên những niềm đau ê ẩm.
Đó là cảm nghĩ thoáng qua của Hồng hai năm về trước khi nàng còn học trung học. Thuở ấy, Hồng chỉ biết vâng lời cha mẹ, chú tâm học hành và trái tim trong trắng của nàng chưa biết trao nhịp cho ai. Bây giờ thì khác rồi. Không chờ khí xuân ấm áp, hạt mầm yêu thương trong nàng cũng đâm chồi, vào giữa thu, khi những chiếc lá vàng hối hả về cội. Và hạt mầm đó sớm kết thành những nụ hoa rực rỡ khi tiết trời sang đông, giữa lúc vạn vật tắm mình trong mưa tuyết và những cơn mưa, cơn gió lạnh buốt thịt da. Tình yêu đến với nàng vào tuổi hai mươi, có hơi muộn so với chúng bạn, nhưng nó hiện hữu như một kết quả trọn vẹn và hoàn mãn nhất. Nàng đã yêu. Người yêu của nàng là một nhà văn trẻ.
Chàng lớn hơn nàng đến chín tuổi, kiêu ngạo nhưng hiền lành, ít nói. Tâm hồn chàng mở ra trên đôi mắt, trên môi cười một cõi mênh mông khoáng đạt mà Hồng không sao tìm thấy từ những chàng trai cùng lớp, cùng trường.
Không dám thổ lộ với mẹ, nàng chỉ ướm lời hỏi thử:
"Mẹ à, nếu chồng mà lớn hơn vợ chín tuổi hay hơn nữa thì... coi có được không hở mẹ?"
Bà Lan nói ngay:
"Chỉ có con gái khôn mới chọn chồng lớn tuổi vì chồng lớn tuổi thì thường cưng chiều vợ."
Nàng đẹp lòng lắm nhưng vẫn giữ nét mặt thản nhiên. Đúng, mẹ nói đúng, vì chàng cưng chiều nàng hết chỗ nói.
Bỗng bà Lan giật mình hỏi:
"Nè, bộ con có bạn trai rồi sao?"
"Đâu có. Con chỉ hỏi vậy thôi."
Bà Lan có vẻ ngờ ngợ không tin nhưng vì chưa thấy dấu hiệu gì rõ rệt nên không vội kết luận. Dù vậy bà vẫn nhắc nhở con:
"Làm gì thì làm con vẫn phải tuyệt đối lo học, không được dính đến chuyện trai gái, nghe chưa? Khi nào học thành tài rồi hãy tính."
"Thành tài? Ý mẹ nói học xong đại học hả mẹ?"
"Sao? Đại học mà thấm tháp gì! Mẹ nói là học xong bằng bác sĩ kiạ"
"Dạ, bằng bác sĩ. Nhưng... đến lúc đó thì con cũng già sồn rồi đó mẹ!"
"Sợ gì chuyện đó chứ! Đẹp như con, lại có cấp bằng cao, lo chi chẳng có hàng tá thằng xếp hàng hỏi cưới."
"Vậy thì khi thành tài rồi con muốn chọn ai tùy ý con phải không mẹ?"
"Ừ thì tùy ý con. Nhưng dĩ nhiên là con phải lấy chồng bác sĩ rồi. Mình là bác sĩ thì chỉ có bác sĩ mới xứng với mình thôi."
"Nhưng nếu chẳng có ông bác sĩ nào đáng yêu thì sao?"
"Hứ, bác sĩ mà không đáng yêu? Nói vậy mà nói được! Bằng cấp như vậy, danh giá như vậy, tiền bạc sung túc như vậy, sự nghiệp vững chắc như vậy, có chỗ nào chê được mà nói là không đáng yêu?"
"Nói như mẹ hóa ra mình yêu cái bằng cấp và sự nghiệp của ông bác sĩ chứ có phải mình yêu ổng đâu?"
"Nhưng kèm theo đó họ cũng là người có học thức, cứu nhân độ thế... Con có thể tìm ra được hạng người nào cao cả hơn không?"
"Con không biết. Nhưng con nghĩ..."
"Nghĩ gì? Mày có bồ rồi phải không? Mà thằng bồ mày không phải là bác sĩ, phải không?"
"Không, con không có ai hết. Nhưng con nói trước với mẹ là con không thể nào sống với một người mà con không yêu."
"Hỗn láo! Mày dám cãi lời tao à!"
"Nếu mọi thứ con đều nghe lời mẹ thì mẹ sẽ vui lòng nhưng chưa chắc là con hạnh phúc. Mẹ nghe lời bà ngoại đó, mẹ có hạnh phúc đâu! Chính mẹ nói với con như vậy mà!"
"Thì bởi..." bà Lan giận run người.
"Thì bởi cái gì, con không hiểu ý mẹ," Hồng lắc đầu.
"Thì bởi tao lầm lỡ nên tao không muốn mày đi theo vết chân của tao."
"Tức là yêu ai thì lấy người đó chứ không bắt buộc phải lấy chồng theo ý cha mẹ, phải không mẹ?"
"Không phải. Ý tao... Trời ơi, con cái gì mà ngu quá vậy trời... ý tao nói nếu tao nhất định lấy chồng bác sĩ thì tao đã hạnh phúc rồi."
"Mẹ hạnh phúc vì mẹ được sống với bác Kiệt là người mẹ yêu chứ đâu phải vì bác Kiệt là bác sĩ."
"Tức quá đi thôi! Bác sĩ Kiệt là bác sĩ Kiệt, không có ông Kiệt ở ngoài ông bác sĩ, cũng không có ông bác sĩ ở ngoài ông Kiệt, hiểu không? Nhưng sao mày cố tình nói ngược lại ý tao vậy, có phải mày có bồ rồi không? Mày có biết cãi lời cha mẹ là mang tội bất hiếu không? Dẹp hết đi nghen. Liệu mà lo học. Tao không chấp nhận bất cứ thằng nào chàng ràng theo mày cho đến khi mày lấy xong bằng bác sĩ."
"Và lấy chồng bác sĩ?"
"Tất nhiên. Bộ mày không muốn làm vui lòng cha mẹ sao?"
Tức quá, Hồng im lặng lui về phòng. Lấy chồng bác sĩ mới có hạnh phúc! Cãi lời cha mẹ là bất hiếu! Những quan niệm đó làm Hồng điên đầu. Nàng thấy rằng thực ra các cô cậu đang theo học Y khoa như nàng cũng đâu có lý tưởng cao cả gì. Khi học, họ đâu có ý niệm rằng lúc trở thành bác sĩ họ sẽ cứu vớt bệnh nhân, giúp người nghèo khổ, làm việc từ thiện, chữa bệnh miễn phí... Họ chỉ có mỗi một khát vọng là tìm được một chân đứng vững chắc trong xã hội bằng cái nghề vừa danh giá vừa hái ra tiền mà không nghề nào sánh nổi. Khởi đi từ một tiền đề như thế, thực chẳng có gì gọi là cao cả. Hẳn nhiên không phải mọi ông bác sĩ đều cùng một khuôn, nhưng hầu hết những sinh viên Y khoa mà nàng quen biết đều như vậy cả. Họ chỉ ham cái bằng bác sĩ chứ không hề ham cứu nhân độ thế như mẹ nàng nói. Chính nàng, nàng muốn học Luật thì cha mẹ nàng lại bắt buộc phải theo đuổi Y khoa. Miễn cưỡng học Y để làm vui lòng cha mẹ, vậy thì lúc thành bác sĩ nàng có cao cả không? Mặt khác, giá trị của một người luôn luôn phải được đánh giá qua bằng cấp và tiền bạc mà người đó gặt hái được hay sao?
Cửa phòng sực mở, Hồng quay lại. Ba Hồng, viên cựu sĩ quan với nét mặt cương nghị, bước vào, đóng cửa đánh rầm một tiếng. Ông vừa đi đâu đó mới về. Có lẽ nghe bà Lan than phiền, ông qua phòng Hồng.
"Có việc gì không bả" Hồng hỏi.
"Ở nhà mày cãi gì mẹ mày làm bả buồn, hả?"
"Có gì đâu ba, tại con thấy mẹ hơi vô lý..."
"Câm miệng! Đất này là đất Mỹ nhưng gia đình này là gia đình Việt Nam. Con cái không được hỗn láo với cha mẹ. Mọi việc đều phải răm rắp nghe theo lời cha mẹ. Không phải là ba mẹ khuyên, mà là ra lệnh. Ra lệnh, biết không? Ra lệnh con phải lo học, ra lệnh con tuyệt đối không cặp bồ cặp bạn trước khi thành tài."
"Và ra lệnh lấy chồng nữa."
"Cái đó còn 8, 10 năm sau, bây giờ vội gì tính đến! Mà tao hỏi thiệt, có phải mày có bạn trai rồi phải không?"
"Con chỉ mới quen thôi."
"Mới quen! Hừm! Mới quen mà mày đã vin vào nó để gân cổ cãi lại mẹ!"
"Con không vin vào ai hết. Con chỉ vin vào hạnh phúc và suy nghĩ của con thôi."
"Hạnh phúc! Suy nghĩ! Cái tuổi của mày biết gì mà suy nghĩ, biết gì về hạnh phúc mà nói! Cha mẹ đã từng trải, đã biết thế nào là hạnh phúc, đã biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Con cái chỉ việc nương theo đó là bảo đảm có hạnh phúc, cần quái gì suy nghĩ. Tao với mẹ mày chỉ vì hạnh phúc mai sau của mày mà tính giùm mày thôi, biết chưa? Có cha mẹ nào muốn con cái đau khổ đâu, mày phải tin tưởng vào điều đó chứ!"
"Nhưng quan niệm về hạnh phúc của con không hẳn là y khuôn ba mẹ."
"Tất nhiên. Trên mặt hiện tượng thì không thể y khuôn nhưng bản chất thì giống nhau thôi."
"Vậy thì ba mưu cầu hạnh phúc cho con dựa theo mặt hiện tượng hay bản chất?"
"Mày chất vấn tao à?"
Hồng làm thinh không nói. Người cha lườm đứa con gái một hồi rồi nói tiếp:
"Đương nhiên là tao chỉ mong mày hạnh phúc, còn cách chọn lựa thì tùy nơi mày thôi."
"Nhưng mẹ thì chỉ căn cứ vào bề ngoài thôi."
"Bả nói sao mà mày nghĩ vậy?"
"Mẹ nói con phải lấy chồng bác sĩ."
Người cha ngập ngừng một chốc:
"Vậy thì tốt quá rồi còn gì!"
Hồng im lặng, ngao ngán thở dài, tay lật lật cuốn sách, không ngước mặt nhìn cha nữa. Quan sát nàng một hồi, người cha xuống giọng:
"Chỉ vì hạnh phúc lâu bền cho con mà thôi. Ba mẹ thấy thằng Lực con ông bác sĩ Hoành được lắm. Nó là bác sĩ mới ra trường, mới mở phòng mạch. Ông Hoành cũng có ý muốn cưới con về cho thằng Lực đó. Nhưng chuyện đó cũng chẫm rãi mà tính. Bây giờ việc trước mắt là con phải lo học để có bằng cấp tương xứng với nó mà thôi."
"Con chưa muốn lấy ai hết. Ba mẹ muốn con học thành tài thì con học, nếu điều đó được ba mẹ xem như là một cách báo hiếu. Nhưng riêng việc hôn nhân, nếu không lấy được người mình yêu, thà con ở vá suốt đời."
"Vậy ra con đã có người yêu rồi à?"
"Ba nghĩ chỉ có mỗi lý do đó mới khiến con thấy quan niệm của ba mẹ là vô lý hay sao?"
"Vô lý? Mày nói ba mẹ vô lý? Con cái mà dám nói như vậy với cha mẹ ư? Khốn nạn! Mày nói đi, đời thuở nào mày dám cãi lại cha mẹ, bây giờ mày nghe ai, học ai, theo thằng nào mà dùng những ngữ ngôn xấc xược đó?"
"Con không nghe ai hết. Con cũng có suy nghĩ của con chớ. Nếu ba mẹ muốn suy nghĩ giùm con, muốn tìm hạnh phúc cho con, muốn lấy chồng cho con, muốn định đoạt mọi thứ cho con, thì con đi học làm gì, vô ích! Còn đã cho con đi học thì cũng phải cho con suy nghĩ, chọn lựa và quyết định cuộc đời con chứ!"
"Hồng, mày nói vậy đó hả? Mày dám lặp lại lần nữa không?" Người cha xấn xổ muốn tát tai nàng.
Hồng không nói, thu xếp sách vở chuẩn bị đi học. Ông Lộc, cha nàng, gằn giọng nói tiếp:
"Mày biết suy nghĩ là điều tốt. Nhưng cái suy nghĩ của mày làm sao chín chắn bằng ba mẹ là những người đã từng trải, kinh nghiệm. Tao đã biết con đường nào dẫn đến hạnh phúc, con đường nào đưa đến đau khổ. Dọ dẫm bước để rồi vấp ngã, lầm lạc, chi bằng đi theo con đường mà ba mẹ vạch sẵn."
Dừng lại ở cửa phòng, Hồng quay lại nói:
"Ba mẹ đã có một cuộc hôn nhân gượng ép, không hạnh phúc, nhưng ba mẹ có rút được kinh nghiệm đau thương đó đâu! Ba mẹ vẫn muốn con dẫm lên bước cũ của ba mẹ mà!"
"Ai nói? Ai nói tao với mẹ mày không có hạnh phúc?"
"Mẹ nói."
* * *
Khi Hồng đi học về, không khí trong nhà có vẻ lạnh lẽo bởi sự im lặng của ông Lộc và bà Lan. Nàng hối hận đã nói ra những điều không nên nói. Cuộc hôn nhân của ba mẹ nàng nếu không thực sự hạnh phúc như mẹ nàng nói thì thật là điều cay đắng cho bà và cho cả ông Lộc nữa. Cha mẹ nàng đều là những nạn nhân. Những nạn nhân của một hoàn cảnh hay một sự kiện nào đó không bao giờ là những kẻ đáng trách.
Nàng thay đồ, ngồi vào bàn ăn mà bỗng dưng nước mắt muốn trào ra. Hiếu thảo. Vâng, đã từ lâu, từ lúc còn bé thơ đến bây giờ, hai chữ ấy đã ăn sâu vào tâm khảm nàng. Hai chữ ấy có ma lực thiêng liêng trấn áp tất cả những lý lẽ nghịch chiều với nó. Nàng chưa bao giờ có ý nghĩ cưỡng chống lại nó và nếu có lầm lỡ đụng chạm đến nó, nàng sẽ cảm thấy xốn xang, bứt rứt không sao yên được. Hồng bị ám ảnh bởi hiếu và bất hiếu cũng như những lời nàng nói cho ông Lộc nghe về cuộc hôn nhân gượng gạo của ông và mẹ. Ông không bao giờ ngờ đến chuyện đó. Hẳn là ông đau khổ lắm. Suốt từ lúc đến trường cho đến khi về đến nhà, nàng thấy đau thốn trong tim. Nhìn nét mặt buồn bã của cha mẹ, Hồng cầm lòng không được, nàng nói mà nước mắt chảy ròng:
"Khi sáng con quá lời với ba mẹ, con không nên như vậy. Ba mẹ tha lỗi cho con."
Ông Lộc, bà Lan cũng xúc động, ngừng ăn. Bà Lan nói:
"Con biết lỗi là quý rồi. Thôi, ăn đi."
Ăn xong, Hồng về phòng riêng. Bà Lan đi theo:
"Hồng à, con nói mẹ nghe đi, có phải con có bạn trai rồi phải không?"
"Dạ, phải."
"Bạn con làm nghề gì? Chắc không phải là bác sĩ?"
"Dạ, không."
"Vậy chứ nghề gì?"
"Ơ... không có nghề gì hết."
"Không nghề nghiệp? Con nói giỡn sao chớ? Người mà không có nghề thì là người gì?"
"Có chớ, ảnh có nghề nhưng cũng không hẳn là nghề."
"Là sao? Con điên rồi à?"
"Dạ, ảnh viết văn làm thơ. Mẹ có nghĩ đó là nghề không?"
"Nhà văn? Ừ, có thể gọi là nghề đi, nhưng cái nghề này đâu có làm ra tiền, con. Chỉ có tiếng thôi."
"Tiếng tăm hay tiền bạc, con nghĩ đó là điều phụ thuộc. Cái quan trọng là anh ấy có yêu con thực tình không và có mang lại hạnh phúc cho đời con không."
"Đúng. Nhưng con phải thực tế một chút chớ. Nếu lấy nhau mà đói dài dài thì hạnh phúc cái nỗi gì! Thời đại này đừng nghĩ đến hình ảnh một túp lều tranh, hai quả tim vàng nữa con ạ!"
"Ảnh và con cùng đi làm thì làm sao mà đói được!"
"Không đói thì cũng chật vật. Làm sao sung túc bằng lấy chồng bác sĩ. Con mà lấy chồng bác sĩ thì chẳng phải lo lắng gì đời sống kinh tế nữa mà cả nhà mình cũng được tiếng thơm."
"Cái đó đâu phải là thước đo hạnh phúc, mẹ."
"Nó không phải là thước đo nhưng ít nhất cũng là nền tảng bảo đảm hạnh phúc."
"Cũng tùy thôi mẹ ạ. Hai vợ chồng bác sĩ Hòe suốt ngày chẳng thấy mặt nhau, bỏ bê con cái muốn làm gì thì làm, tiền của chất đống nhưng tình cảm gia đình lạt như nước lã. Con không thấy chút gì khích lệ khi nhìn vào gia đình họ cả, huống chi chính con lại đâm đầu vào đó."
"Vậy con quyết định đi theo anh nhà văn kia?"
"Không, con chưa quyết định gì hết. Chúng con đang tìm hiểu nhau. Con chỉ trình bày cho mẹ biết quan niệm của con mà thôi."
"Ừ, chưa quyết định là tốt, nhưng đây là ý ba mẹ: thằng Lực đã mở phòng mạch. Nếu con lấy nó con chỉ ở không mà lo học thôi. Năm ngoái, ba má nó có ý hỏi cưới con về cho nó nhưng ba mẹ hoãn lại, nói chờ con học thêm. Bây giờ nếu con muốn lấy chồng thì ba mẹ cũng đồng ý cho con lấy nó, khỏi phải đợi đến khi thành tài. Con nghĩ sao?"
"Sao ba mẹ đổi ý nhanh vậy? Mới hồi sáng..."
"Hồi sáng khác, bây giờ khác. Ba mẹ đã thảo luận với nhau kỹ rồi."
"Không cần phải chờ đến lúc con thành tài?"
"Không cần."
"Vậy cái ý không muốn cho con có bạn trai, không cho con lấy chồng sớm trước đây của ba mẹ là vì ba mẹ chưa muốn chứ không phải là do con chưa thành tài?"
"Ừ."
"Và bây giờ thì ba mẹ muốn, cho phép?"
"Ừ."
"Con có thể tự chọn người con ưng ý?"
"Hứ, sao con khờ quá vậy! Mẹ nói vậy mà con cũng không hiểu nữa. Ý ba mẹ là cho phép con lấy thằng Lực ngay trong năm nay hay hoãn lại vài năm cũng là tùy con thôi."
Hồng thả người xuống ghế. Bà Lan tiếp:
"Vậy chứ ý con là muốn lấy thằng nhà văn kia?"
"Con đâu có gấp gáp như vậy. Con đâu có ham lấy chồng! Con đã nói là chúng con đang tìm hiểu nhau mà."
"Thì sớm hay muộn gì mày cũng một ý đó thôi chớ gì! Mày nói tao nghe đi, vậy chứ thằng nhà văn kia có cái gì hay?"
"Học rộng, hiểu nhiều, hiền lành, biết thương người, lịch sự..."
"Bác sĩ nào cũng có thừa những cái đó."
"Sách ảnh viết, mẹ đọc mẹ khóc, mẹ khen hay đó."
"Hay thì được cái gì, có đẻ ra tiền không?"
"Nếu viết văn không kiếm ra tiền thì ảnh có thể kiếm tiền ở một công việc khác. Nhưng thực ra, tiền bạc chẳng là cái gì cả, mẹ ạ."
"Trời đất, nói nghe được chưa! Thôi, tao không nhiều lời với mày. Nói ngon ngọt không nghe thì tao để ba mày xử."
"Mẹ à, mẹ ngồi lại đi, sao mẹ không chịu tìm hiểu gì về bạn con hết vậy?"
"Tìm hiểu? Nó có cái gì mà tìm hiểu? Nó chỉ là một thằng nhà văn quèn, thế thôi."
"Người thợ cũng có giá trị của họ, huống chi là một nhà văn. Mẹ không thấy rằng mỗi năm các trường đại học trên thế giới có thể đào tạo ra mười ngàn bác sĩ, nhưng để đào tạo ra một nghệ sĩ tài hoa thì chỉ có trời mới làm nổi hay sao?"
"Mày không thấy một bác sĩ đẻ ra hàng chục ngàn đô la mỗi tháng, còn nhà văn thì đẻ ra cái gì? Chữ nghĩa ư? Ôm chữ nghĩa mà chết đói sao?"
"Tóm lại là mẹ vẫn xoay quanh vấn đề tiền bạc chứ có phải vì hạnh phúc cho con đâu!"
"Ừ, cãi đi, cãi nữa đi! Con cái gì mà ưa cãi lời cha mẹ. Mày muốn cãi hả, để tao kêu ba mày vô đây cho mày cãi."
"Thôi mà mẹ, đừng giận con. Mẹ ngồi đi. Vậy con hỏi mẹ chứ nhà văn có gì xấu nào?"
"Không phải là xấu, nhưng thường thường thì họ đa tình, lãng mạn lắm."
"Nhưng anh ấy thương con thật tình đó mẹ."
"Thì đàn ông nào lại chẳng có vẻ thật tình khi đeo đuổi mình. Con có biết rằng khi yêu thì tình cảm che mất lý trí khiến mình thiếu khả năng phán đoán một cách đúng đắn không?"
"Con biết vậy nên mới cần thời gian tìm hiểu anh ấy. Con có nói là con lấy ảnh liền đâu. Ngay cả với Lực cũng vậy, phải có thời gian cho con tìm hiểu. Không lý ba mẹ nói được là con ưng thuận liền sao?"
"Với con mắt tinh đời, ba mẹ nói được là được, khỏi tốn thời gian tìm hiểu. Người ta tuổi trẻ tài cao, có bằng cấp sự nghiệp, con nhà danh giá, không chịu lại chạy theo một tên nhà văn già không có chi hết trơn."
"Ảnh mới hai mươi chín tuổi thôi mẹ à."
"Hơn mày chín tuổi lận?"
"Hồi sáng mẹ mới nói chồng lớn tuổi thì cưng chiều vợ mà!"
"Đó là trường hợp những ông già giàu xụ đi kiếm vợ trẻ kia!"
"Chung qui cũng là giàu, có tiền, có bạc."
"Thì đã sao? Bây giờ mày muốn gì?"
"Con không muốn gì nữa hết. Con không lấy ai hết. Con lo đi học để ba mẹ vui lòng. Vậy thôi."
Bà Lan nguýt con một cái rồi hậm hực bước ra. Hồng gục đầu xuống bàn, chán nản. "Mình lại làm mẹ buồn nữa rồi! Sao mình bất hiếu vậy kìa!"
Năm phút sau, cửa phòng bật tung ra, ông Lộc xông vào, xăn tay áo:
"Con kia, mới xin lỗi khi nãy mà giờ đã tái phạm rồi. Tao cảnh cáo mày: từ nay cấm tuyệt giao du với thằng nhà văn kia. Tao mà bắt gặp mày nói chuyện với nó là tao từ mày luôn. Còn thằng nào quấy rầy con gái tao, cản trở đường học của con tao, tao bắn bỏ. Tao sẵn sàng ở tù. Nhắc cho mày nhớ, mày liệu hồn."
* * *
Liên tiếp hai ngày cuối tuần sau đó, khi Thiện, chàng nhà văn bạn của Hồng gọi tới, ông Lộc đều gầm gừ bảo Hồng phải gác ống nghe. Hồng làm theo nhưng cũng tức bực nói:
"Ba có cấm thì cũng để con nói cho người ta biết lý do vì sao con không thể tiếp chuyện với người ta chứ!"
"Không cần phải nói gì hết. Nó gọi tới là cúp. Cúp hoài là tự khắc nó biết không còn gì nữa."
Bà Lan ngồi gần đó xen vào:
"Ông à, nó nói cũng phải. Làm như vậy mất lịch sự lắm. Để hai đứa nó nói chuyện với nhau lần chót chứ. Hồng, nó có gọi tới con nói con không có thì giờ, con phải lo học, nghe chưa?"
Hồng bặm môi vào phòng. Đau khổ của nàng vỡ ra, trào ra, ướt trên gối. Đối với luật pháp Mỹ, nàng có đủ quyền để tự vệ nhưng đối với cha mẹ, nàng luôn luôn là một đứa trẻ không có bất cứ lý lẽ nào để tự biện hộ cho mình. Cha mẹ Việt Nam luôn luôn có quyền làm cha mẹ nhưng con cái Việt Nam không bao giờ có quyền làm con. Nếu có, thì cái quyền duy nhất của đứa con là vâng lời mà thôi. Không nói được lời nào với Thiện trong mấy ngày cuối tuần, Hồng sốt ruột, sợ Thiện buồn, lo. Nàng nôn nóng đến ngày đi học lại để có thể gặp lại chàng, nói rõ sự tình.
Thiện ngồi trong xe của chàng, đợi nàng ở bãi đậu xe của trường.
"Có chuyện gì vậy em?" Thiện hỏi khi Hồng ngồi vào xe của mình.
"Đâu có gì. Anh khỏe không?"
"Bình thường. Em sao buồn vậy?"
"Nhà em có chuyện không vui. Anh có gọi tới hai ba lần phải không?"
"Ừ."
Hồng bật ghế hơi ngửa ra sau, nhìn ra ngoài đường. Sau gọng kiếng mát của nàng, Thiện thấy đôi mắt nàng long lanh như chực khóc. Chàng không biết nói gì. Lâu nay chàng vẫn vậy: vụng về, lúng túng mỗi khi Hồng giận dỗi, buồn bực. Phải một lúc lâu chàng mới dám nắm lấy bàn tay Hồng, nắn nắn, rồi hôn nhẹ lên đó. Hồng quay lại:
"Anh Thiện, anh quan niệm thế nào về chữ hiếu, về sự hiếu thảo?"
Câu hỏi của Hồng thật bất ngờ làm Thiện hơi sửng một lúc, nhưng rồi chàng cũng nhận biết ngay đó là một đề tài liên quan đến Hồng và có thể là cả chàng nữa. Chàng im lặng suy nghĩ một lúc rồi nói:
"Theo anh, hiếu là tình cảm thiêng liêng của người con hướng về cha mẹ để tỏ lòng biết ơn. Tình cảm đó không phải là bổn phận mà là một cái gì rất tự nhiên, bắt nguồn từ niềm thương kính và tri ân. Vì vậy nó được biểu lộ và tồn tại mãi trong lòng người con cho đến khi chết dù cha mẹ còn sống hay đã qua đời. Hiếu là tình cảm của người con chứ không phải là luật lệ hay điều kiện hay quyền hạn của cha mẹ đặt ra để kềm chế con cái. Tình yêu của cha mẹ khi chan rưới một cách vô điều kiện xuống con cái sẽ được đáp lại bằng tình thương kính—hay là sự hiếu thảo—của con cái. Không thể bắt buộc con cái hiếu thảo nếu cha mẹ không thương yêu con cái một cách tuyệt đối và chân thật."
"Đâu có cha mẹ nào không thương con tuyệt đối và chân thật, anh."
"Có chứ. Người đời thường ca tụng cái cao cả, thiêng liêng của người mẹ, người cha mà quên khuấy đi rằng trong những đứa con cũng có những cái cao đẹp vô cùng. Khi một tệ trạng hay một sự việc không may xảy ra trong gia đình, người ta qui trách cái lỗi nơi những đứa con. Còn cha mẹ, hầu như có cái quyền tuyệt đối là không lầm lỗi trong mọi vấn đề liên hệ đến gia đình. Thực ra, cha mẹ nào cũng đã từng trải qua thời kỳ làm con, nghĩa là cũng có thể đã từng lầm lỗi hoặc hư hỏng từ ấu thời; trong khi đó, đứa con nào cũng mang cái mầm cha mẹ trong người, nghĩa là chúng cũng có khả năng để trở thành những người cha người mẹ cao cả, thiêng liêng như tất cả những cha mẹ được xưng tụng trên đời. Ở xóm anh hồi đó có bà mẹ bóp mũi đứa con ngoại hôn sơ sinh khi chồng mình ngoài tiền tuyến sắp về. Em nghĩ là bà mẹ đó vì thương đứa con mà giết nó sao? Một người mẹ thương con tuyệt đối và chân thật thì dù có bị ô danh với thiên hạ vì lý do gì cũng chấp nhận, miễn là nuôi được con và đem lại hạnh phúc cho đứa con đó. Và khi nhận được tình cảm hy sinh vô bến bờ đó từ mẹ, đứa con chẳng có lý do nào mà lại làm việc bất hiếu. Tình thương vô điều kiện sẽ được đáp lại bằng tình thương vô điều kiện. Đó là sự giao cảm tự nhiên chứ không phải là bổn phận hay luật lệ."
"Vậy khi đứa con chống lại một sự ép buộc nào đó của cha mẹ thì nó có bất hiếu không?"
"Điều đó không đủ để kết luận là hiếu hay không hiếu mà cần tìm hiểu nhau trong tình thương yêu. Đứa con phải tìm hiểu vì sao cha mẹ ép buộc nó làm việc này và ngược lại, cha mẹ cũng phải tìm hiểu tại sao đứa con chống lại sự ép buộc đó. Cả hai phía đều có trách nhiệm và quyền hạn để nói lên quan điểm của mình hầu tìm ra một giải pháp chung cho vấn đề. Không thể nói cha mẹ có quyền sắp đặt và con cái chỉ có bổn phận lắng nghe. Khi cha mẹ đòi hỏi cái quyền làm cha mẹ cho mình hoặc yêu cầu cái bổn phận làm con từ đứa con thì tình thương của cha mẹ đã có điều kiện rồi. Và cái gì có điều kiện, cái đó mất đi tính chất thiêng liêng cao cả. Tình thương cao cả của cha mẹ là cái tình thương có thể trao được một cách bình đẳng cho cả đứa con ngoan đẹp lẫn đứa con hư xấu. Tình thương thiêng liêng của cha mẹ là tình thương có thể trao đi một cách trọn vẹn cho con mà không đòi hỏi về mình một phần thưởng nào, ngay cả sự đền đáp mà người ta coi như là sự báo hiếu. Trên thực tế, sự ép buộc của cha mẹ có khi bắt nguồn từ lòng thương yêu, nhưng cũng có khi phát xuất từ những ước muốn vị kỷ."
"Anh nói cho em nghe thế nào là từ lòng thương yêu và thế nào là từ ước muốn vị kỷ?"
"Bắt nguồn từ lòng thương yêu khi nào cha mẹ nhắm vào lợi ích và hạnh phúc chân thật của chính đứa con. Ngược lại, nếu vì lợi ích và hạnh phúc cho cha mẹ thì đó là bắt nguồn từ sự vị kỷ. Ủa, mà sao hôm nay em lại quan tâm đến chuyện đó vậy? Nói anh nghe đi, có phải em gặp chuyện rắc rối trong gia đình không?"
"Không, không có gì," Hồng chối nhưng một phần cũng muốn nói tất cả cho Thiện nghe để chàng hiểu và chia xẻ với mình.
"Đừng giấu anh. Để anh đoán coi nào. Này nhé, có phải em bị cha mẹ ép hôn không?"
Hồng ngập ngừng một lúc rồi cũng đành nói ra:
"Chuyện đó không quan trọng vì em có thể từ chối được. Điều làm em quan tâm là ba mẹ bắt em phải tuyệt giao với anh, nếu em cãi lời ba mẹ sẽ từ em luôn."
"Trầm trọng vậy sao? Thôi để anh đích thân đến nói chuyện với ba mẹ em. Anh muốn cho ba mẹ thấy là sự kết giao của chúng ta là lành mạnh, đứng đắn để ông bà yên tâm."
"Không, không được đâu anh!"
"Chưa làm sao biết không được?"
"Ba em nói không cần tìm hiểu gì về anh hết. Hơn nữa, ba không cho em gặp anh dù là gặp chỉ để nói chuyện cấm đoán này. Còn như anh bước vào nhà là ổng đánh và xua đuổi anh ngay, sau đó ổng sẽ từ em luôn."
"Ba em nói vậy sao?"
"Dạ, ba có nói trước và ông nói là ông làm chứ không hăm dọa suông đâu."
"Anh không sợ. Ba mẹ em sẽ không đối xử với anh như vậy đâu."
"Đừng, em van anh, anh đừng đến. Em hiểu ba em hơn anh mà. Em không muốn... anh bị bất cứ ai lăng nhục. Thà rằng anh đừng bao giờ gặp ba mẹ em."
Hồng khóc rưng rức, tựa đầu vào vai Thiện. Thiện an ủi, vuốt tóc nàng, nhưng trong lòng, chàng thấy bị tổn thương như đã bị lăng nhục. Thực ra có cần gì phải chửi mắng, đánh đập, xua đuổi mới là lăng nhục. Coi một người nào đó không xứng đáng làm thành viên của gia đình mình đã là một hành vi lăng nhục rõ rệt rồi. Tuy vậy, niềm tự ái đó đối với Thiện không phải là vấn đề. Bản tính kiêu ngạo, chàng cười khinh vào sự việc và dẹp bỏ nó sang một bên để chia xẻ niềm đau khổ của người yêu.
"Nín đi em. Chúng ta phải tìm hiểu cặn kẽ vấn đề thì mới giải quyết được. Anh hỏi em điều này: theo em nghĩ, tại sao ba mẹ cấm em kết giao với anh?"
"Chỉ vì ba mẹ không muốn em lấy ai khác ngoài bác sĩ Lực là con bác sĩ Hoành, bạn của ba mẹ em. Hình như ba mẹ và ông Hoành đã hứa gả con cho nhau rồi."
Thiện che giấu một nụ cười, rồi nắm tay Hồng nói:
"Nửa thế kỷ trước, ở Việt Nam, chuyện ép hôn đã bị coi là lạc hậu, nay ba mẹ em còn giữ quan niệm đó ngay trên đất Mỹ này sao? Em nghĩ còn vì lý do nào khác không? Hay vì ba mẹ em không tin tưởng anh?"
"Ba mẹ em đã biết gì về anh mà tin tưởng hay không tin tưởng! Nếu ba mẹ thương và tôn trọng hạnh phúc của em thì ba mẹ phải tạo điều kiện và bỏ thời gian để tìm hiểu anh chứ. Đàng này ba mẹ nói trước một cách dứt khoát là không cần tìm hiểu anh, không thể chấp nhận anh. Hoặc là chọn ba mẹ hoặc là chọn anh, không thể có ba mẹ mà có luôn cả anh. Ba mẹ nói vậy và em nghĩ mười năm sau, ba mẹ cũng không thay đổi đâu. Anh ạ, anh có hiểu em không? Thực tình em không muốn xa anh... Tụi bạn em đứa nào cũng xúi em bỏ nhà đi theo anh. Có lúc em cũng muốn vậy nhưng em sợ mang tội bất hiếu quá anh à..."
"Em còn sợ như vậy chứng tỏ em vẫn còn giữ được cái tính chất của người Việt Nam. Tốt lắm. Đừng nghĩ đến chuyện bỏ nhà đi, nghe em. Em đi theo anh, anh sung sướng lắm nhưng chúng ta sẽ tạo nên một thảm cảnh cho gia đình em. Ba mẹ em sẽ buồn bã và chúng ta cũng sẽ ray rứt suốt đời. Làm sao chúng ta có thể vui riêng khi biết ba mẹ em đau khổ!"
"Nhưng ba mẹ làm vậy thì ba mẹ cũng đâu có thương em. Em cưỡng chống lại cũng không hẳn là bất hiếu, khi nãy anh nói vậy, phải không?"
"Chúng ta lý luận để cho rằng mình đúng, nhưng liệu em có thoát khỏi nỗi ám ảnh của sự bất hiếu không nếu em không vâng lời cha mẹ?"
"Hóa ra đó là một thứ định mệnh truyền kiếp mà cả ông bà, cha mẹ, cho đến chúng ta cũng không đủ sức thoát khỏi nó sao? Nó là định mệnh hay chỉ là sự tác động phi lý của xã hội quanh ta?"
"Định mệnh chui vào xã hội, xã hội đẻ ra định mệnh. Chúng ta có thể thoát khỏi nó nếu chúng ta không phải là những người dẫm chân trên mảnh đất xã hội này."
"Nhưng xã hội Mỹ khác với xã hội Việt Nam chứ. Sao ta sống ở đây mà vẫn chịu ảnh hưởng?"
"Vì chúng ta đã lỡ mang theo cái định mệnh Việt Nam cho suốt cuộc đời ta."
"Vậy anh và em không thể gần nhau... chúng ta sẽ xa nhau vĩnh viễn sao?"
"Khi nào cả em lẫn anh có thể hoàn toàn thoát khỏi sự bủa vây của nỗi sợ hãi làm đồi bại gia phong, sự ám ảnh của ý niệm hiếu thảo, sự kinh khiếp những bình phẩm gièm pha của xã hội... lúc đó, chúng ta mới có thể chung sống với nhau hạnh phúc. Định mệnh! Ha ha, nó có vẻ như chỉ thích những điều nghịch ý. Nhưng không sao đâu em ạ. Nó có thể trấn áp và hủy diệt mọi thứ mà không hủy diệt được tình yêu."
* * *
Sau lúc gặp Thiện lần cuối cùng, Hồng vẫn sợ cha mẹ đến nỗi không dám điện thoại cho chàng, và mỗi khi thấy chàng đâu đó trên đường, nàng phải tìm cách tránh né vì sợ ba mẹ bắt gặp. Ông Lộc nói ông sẽ theo dõi nàng hàng ngày, kiểm soát nàng từng bước.
Phần Thiện, chàng trai hiền lành nhưng ngạo đời kia, đã từng ra mặt, lên tiếng chống lại những phi lý bất công của chính quyền cộng sản ngay khi còn ở trong nước thì nay, đối với kỷ cương của một gia đình, chàng có vẻ như một kẻ ù lì chịu tuân phục, không có ý xâm phạm đến. Và như để cho Hồng được dễ dàng hơn trong việc phục tùng cha mẹ, Thiện cũng không cố gắng tìm gặp nàng. Chàng bỏ đi xa, không ai biết chàng đi đâu.
Ba năm sau, ông Lộc tổ chức đám cưới cho Hồng và Lực. Lễ cưới rất linh đình nhưng riêng Hồng, nàng chỉ thấy nghẹn đắng trong lòng. Dường như khi kết hôn với nàng, Lực cũng biết điều đó. Lực biết chàng không thể chiếm được tình yêu của vợ, và họ đã chung sống trong sự chịu đựng câm lặng.
Hồng được biết bà ngoại nàng xưa kia có yêu một võ quan triều đình nhưng bị gia đình bắt ép phải lấy một thương gia. Có lẽ vì vậy mà bà ngoại nàng đã gả mẹ nàng cho ba nàng, một sĩ quan trong quân đội, thay vì cho phép mẹ nàng lấy bác sĩ Kiệt. Và ước mơ của mẹ nàng thì lại do chính nàng thực hiện: lấy chồng bác sĩ. Hồng bỗng thấy nực cười. Định mệnh khắt khe, đời người ngắn ngủi, chúng không cho phép người ta thực hiện ước vọng khôn nguôi của mỗi người. Con người vốn nhỏ nhoi và bất lực, thay vì ra mặt chống lại định mệnh thì lại lẩn núp, trả thù nó bằng cách sử dụng uy quyền làm cha mẹ của mình để buộc con cái gánh lấy sứ mệnh đạt đến khát vọng chưa thành ngày xưa.
Cuối cùng, Hồng và Lực cũng có được đứa con gái đầu lòng. Ôm con, Hồng tự nhủ: "Anh Thiện ơi, anh nói đúng, định mệnh có thể hủy diệt mọi thứ trừ tình yêu. Nó không thể cản được tình em yêu anh!" Rồi nàng lại nói với con gái mình:
"Con ạ, mai sau khi con khôn lớn, mẹ sẽ không để con đi theo vết chân của ông bà, cha mẹ con đâu! Mẹ sẽ để con tự quyền chọn lựa hạnh phúc đích thực của đời mình, con sẽ được kết hôn với người con yêu. Tuy nhiên, nếu con lấy được một người chồng văn sĩ tài hoa thì hẳn là mẹ sẽ sung sướng lắm."
Virginia 1990