CỞI TRÓI II
tức Phương Trời Cao Rộng 5
truyện dài của Vĩnh Hảo
Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1997
oOo
(tiếp theo chương 13 của Cởi Trói II)
CHƯƠNG MƯỜI BỐN
Nàng thở ra một hơi thật dài, mặt sáng lên, vui mừng nói: “Bây giờ em mới thực sự hết lo về chuyện cô cán bộ ấy. Nhưng không biết cô ấy và ông thầy kia có thoát được thật không hay là cuối cùng lại bị bắt? Em lo cho họ quá.” “Hy vọng họ thoát, vì từ đó về sau, không nghe cán bộ hay tù nhân trong trại đá động gì tới họ nữa.” “Anh đói bụng chưa, hay mình đi ra ngoài kiếm cái gì ăn điểm tâm há? Anh là khách của em, để em đãi anh. Đi, mình đi ăn hủ tíu chay ở Tịnh Tâm Trai; hay là ăn phở Hiền Vương gần đó? Anh bây giờ đâu cần phải giữ gìn chuyện ăn chay nữa, phải không?” “Ừ, không bị bắt buộc phải giữ, nhưng… đi ăn hủ tíu chỗ đó xa quá, hay mình đi điểm tâm sơ sơ bằng bánh ngọt với cà phê, được không? Có một tiệm trên đường Nguyễn Huệ… cứ lái đến chỗ bùng-binh rồi anh chỉ cho.” Nàng lên lầu. Có lẽ là thay đồ hoặc trang điểm. Nàng có trang điểm phấn son không nhỉ? Hình như chỉ phớt nhẹ trên mắt, trên môi, trên hai gò má, vào đêm hôm qua khi chúng tôi mới gặp và quen nhau. Từ khi về đến nhà và ngồi nói chuyện suốt đêm đến giờ, lớp son phấn trang điểm đã phai nhạt đi rồi. Nhưng cái đẹp thì còn lại. Trong khoảng chờ đợi ngắn ngủi ấy, hình ảnh những người thân của tôi hiện ra trước mắt. Đặc biệt là khuôn mặt và dáng điệu hiền ḥa của ba tôi… Tôi muốn nhắm mắt, xua đuổi. Cố nghĩ đến những chuyện khác để khoả lấp. Lại nghĩ đến chuyện tù, vì đó là những gì còn lưu lại một cách bền bỉ, sâu đậm và có thể lôi kéo tôi bất cứ lúc nào…
Ó
Mặc dù trại giam không cho tiết lộ gì về vụ trốn trại cũng như vụ cháy ở văn phòng trại, dần dần, đám tù trong phòng giam cũng biết hết, chẳng làm sao che giấu được. Thế rồi, kẻ án nặng thì mừng, hy vọng hồ sơ án tịch của mình bị hủy hết thì có thể khai lại, khai gian để giảm án xuống, hoặc nhà nước sẽ cho phạm nhân lãnh chung đồng đều một cái án là 3 năm lao động cải tạo; người án nhẹ thì lo, sợ rằng không may lại bị nhầm lẫn cái án của một tên tử tù nào thì khốn! Thực ra thì không cần phải lo lắng đến như vậy. Chỉ sau Tết dương lịch 1986 ba ngày, tức là mười ngày sau vụ cháy và trốn trại, mấy chục tù nhân thuộc Lực Lượng Phục Quốc Nội Biên ở khắp các phòng giam–bao gồm Nghĩa quân Phục quốc, một lực lượng võ trang do Trần Cao Hùng cầm đầu–đồng loạt nhận bản cáo trạng do Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai gởi vào. (Bản cáo trạng là bản luận tội của ṭa án gởi cho phạm nhân đọc trước khi ra ṭa xử. Tùy theo sự đơn giản hay phức tạp của vụ án mà bản cáo trạng được gởi sớm hay muộn. Sớm thì từ một tuần đến mười ngày, muộn thì ba đến năm ngày trước khi ra ṭa). Có điều, ở phòng giam số 7 có tất cả 12 người dính líu vào vụ án Phục quốc này, nhưng chỉ riêng mình tôi là không nhận được bản cáo trạng. Có nghĩa rằng, 10 ngày sau, tôi sẽ không được đưa ra ṭa xử cùng với những người Phục quốc kia… Theo lời dặn của cán bộ quản giáo thì bản cáo trạng của ai thì chỉ người đó được đọc, không được cho người khác xem. Nhưng 11 bản cáo trạng đưa vào phòng một lúc làm cho cả phòng xôn xao, bàn tán om sòm, và cuối cùng, các bản cáo trạng mặc nhiên trở thành như là truyện, là báo để đọc chung vậy. Trong phòng giam lâu ngày, ngay cả người lười biếng đọc sách nhất cũng thèm được đọc một vài chữ gì đó từ bên ngoài lọt vào (chẳng hạn một mẩu giấy báo dùng để gói quà thăm nuôi) huống chi bản cáo trạng Phục quốc là bản cáo trạng dài khoảng mười trang giấy đánh máy! Vậy là tha hồ đọc. Tôi cũng dự tính đọc ké một bản để biết nhà nước đánh giá thế nào về lực lượng Phục quốc, đồng thời để tìm xem có chi tiết nào về trường hợp của tôi và Hiền, anh tôi không. Nhưng đã có Dần, anh chiến sĩ Nghĩa quân Phục quốc gốc Tàu Nùng không rành tiếng Việt, công khai đem đến nhờ tôi đọc và giải thích dùm bản cáo trạng của anh. Bản cáo trạng của nhân sự Phục quốc, vì cùng một án, nên giống nhau ở phần giới thiệu nguyên nhân và hành động chung của lực lượng cũng như ở vài chi tiết về các nhân vật lãnh đạo lực lượng đó, có khác là ở phần danh tính và hành vi phạm tội riêng của mỗi người mà thôi. Bản ghi tội của Dần khá đơn giản: tham gia lực lượng võ trang phản động chống lại nhà nước nhân dân. Nhưng ở phần cuối của bản cáo trạng, có một đoạn ghi rằng ông Trần Văn Lương, anh tôi và cả tôi, là những tên đầu não còn lẩn tránh chính quyền nhân dân, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Đoạn này chứng tỏ có một điều gì đó bí ẩn trong vụ bắt tôi mà không đưa ra ṭa. Tôi đã bị bắt từ hơn tám tháng trước, còn anh tôi thì bị bắt từ bốn tháng trước, vậy sao lại nói là “còn lẩn tránh chính quyền nhân dân, khi nào bắt được sẽ xử lý sau”? Họ âm mưu gì đây? Mà suy từ điểm này, có thể nói rằng ông Lương, lãnh tụ của lực lượng Phục quốc, cũng đã bị bắt như tôi và anh tôi vậy. Chúng tôi đều bị bắt nhưng nhà nước nói rằng chưa bắt được và không đưa chúng tôi ra ṭa xử. Là ý gì đây? Các anh em tù chính trị chung phòng giam với tôi, ai nấy đều vui mừng khi nhận được bản cáo trạng của phần họ, mặc dù chưa biết sẽ bị kết án thế nào. Và khi đọc thấy đoạn nói về tôi, họ đều lắc đầu, tỏ ý lo ngại. Có người còn rùng mình cho rằng, không chừng một đêm nào đó, công an sẽ gọi tên tôi ra, nói là chuyển phòng, chuyển trại, hoặc đi khai cung… rồi từ đó tôi sẽ đi luôn, không trở lại cõi đời này nữa. Tôi thì không tin sự thể sẽ diễn tiến một cách tệ hại đến mức đó. Từ lúc bị bệnh kiết lỵ nặng kéo dài mà không chết trong thời gian mới vào trại giam này, cái bản ngã của tôi dường như đã xây đắp tận trong tâm thức sâu kín của tôi một thứ tường thành kiên cố để bảo vệ niềm tin mãnh liệt mà cũng rất vô lý rằng, sinh mạng của tôi sẽ không thể bị tiêu diệt một cách sớm sủa dễ dàng bởi người khác, thế lực khác; tôi chỉ có thể chết bởi sự tàn hoại của thể xác đúng theo cái chu kỳ sinh, thành, hoại, diệt muôn đời của con người và vũ trụ mà thôi. Không thể có chuyện chết sớm, chết yểu. Đó, cái bản ngã ngoan bướng và lì lợm của tôi nó minh xác với chính tôi như vậy. Cho nên, theo cách hiểu của riêng tôi, tôi chỉ thấy có một trong hai lý do dẫn đến sự kiện nhà nước không đưa tôi ra ṭa hoặc chưa thể đưa tôi ra ṭa vào dịp này: một là nhà nước chỉ muốn xử riêng tôi bằng hình thức đặc biệt nào đó, không cần thủ tục tư pháp thông thường–vì họ sợ đưa một tu sĩ Phật giáo như tôi ra ṭa xử công khai thì dễ gây lòng căm phẫn đối với quần chúng (nhất là phải xử tại rạp hát Long Thành, như bản cáo trạng nêu trước, thì hậu quả có thể còn gây tác hại nguy hiểm hơn, vì ở huyện Long Thành tôi có khá nhiều Phật tử theo quy y làm đệ tử); hai là, có thể hồ sơ của tôi đã bị thiêu hủy cùng với một số hồ sơ nào đó trong vụ cháy văn phòng trại vừa qua, hoặc biết đâu Phương đã cố tình thiêu hủy một số hồ sơ của các phạm nhân chính trị trước khi bỏ đi, trong đó có hồ sơ của tôi và của ông thầy già kia… “Thôi thì đàng nào cũng vậy,” tôi tự nhủ, “dù đưa ra ṭa xử kín đi nữa, mức án của mình có lẽ cũng chẳng thay đổi gì. Thắc mắc chi cho bận rộn tâm trí.”
Ó
Sáng sớm ngày 13 tháng Giêng năm 1986, toàn bộ những người nhận bản cáo trạng được gọi tên, tập trung lên xe đi Long Thành. Nhiều, anh trưởng phòng, hình như là người hí hửng nhất trong chuyện ra ṭa này. Anh cười nói huyên thuyên suốt những ngày trước khi ra ṭa, khác với bộ mặt âu sầu nghiêm nghị của anh lâu nay, khiến đôi lúc tôi có cảm tưởng như anh là chàng trai mới lớn sắp sửa đến ngày tân hôn. Anh nói riêng với tôi vào những ngày trước: “Thầy Khang nghĩ có phải không, ít nhất chúng nó cũng phải đưa mình ra ṭa xử công khai đàng hoàng chứ đâu có thể giam hoài giam mãi mà chẳng nói năng hay đá động gì đến! Thầy Khang biết tôi bị bắt tính đến nay là bao nhiêu ngày ăn cơm tù không? Nói xin lỗi thầy, mấy anh chàng mới vào đây có vài tháng hay một năm mà đã khoe là ở tù lâu; thầy biết tôi nói với mấy chàng đó làm sao không, nói rằng ‘xì, những ngày ở tù của mấy ông còn ít hơn những ngày bị kiết lỵ của tôi nữa kìa!’ Thực đó, tôi ở đã gần năm năm rồi. Năm năm chưa ra ṭa xử, cũng chẳng đưa đi tập trung cải tạo. Vậy thì chán quá đi, biết bao giờ mới về với vợ con!” Biết trước sẽ lên xe đi Long Thành vào ngày hôm nay, một vài người đến nói nhỏ với tôi, nhờ tôi cầu nguyện cho họ được án nhẹ. Đến khoảng bốn giờ chiều, họ mới được trở về phòng giam. Người thì hí hửng, người thì eo xèo. Bạn tù vây quanh hỏi han. Tôi biết thế nào họ cũng tìm đến tôi để kể tôi nghe nên ngồi im, chờ đợi. Quả nhiên, anh trưởng phòng sau khi thay quần áo xong, lấy lon thuốc rê chạy đến chỗ tôi, ngồi xuống nói ngay: “Tôi bị án có mười năm thôi.” “Mười năm! Vậy mà anh vui quá hả!” “Chứ sao! Thầy Khang nghĩ coi, tôi ở năm năm rồi, chỉ còn năm năm nữa thôi. Nếu không phạm kỷ luật gì trầm trọng thì án có thể giảm xuống bớt một hai năm. Như vậy chẳng phải là còn khoảng ba năm nữa tôi được về hay sao. Phải mừng chứ. Biết rõ như vậy thấy nhẹ trong người chứ không như trước đây mờ mờ mịt mịt…” Tôi chỉ biết cười và chúc mừng anh. Rồi tôi hỏi thăm về những người khác. Nhiều cho biết Trần Cao Hùng (biệt giam) và Lê Văn Của (phòng giam số 9), hai người cầm đầu của Nghĩa quân Phục quốc, đều bị kết án tử hình. Phan Văn Bàng (phòng giam số 6), cánh tay phải của lãnh tụ Trần Văn Lương và là một phật-tử của chùa tôi trên kinh tế mới, bị kết án chung thân khổ sai. Một vài người bị án 20 năm. Những người còn lại đa phần đều bị án từ 7 đến 15 năm. Nhẹ nhất là án 5 năm. Nhiều còn cho biết rằng Trần Cao Hùng và Lê Văn Của đã tỏ ra xứng đáng là hai người cầm đầu chí khí của Nghĩa quân Phục quốc. Trước ṭa, họ khẳng khái tuyên bố lập trường đấu tranh của họ và thách thức bất cứ bản án nào. Trên đường từ trại giam đến ṭa án, họ đã kêu gọi anh em trong cùng vụ án đừng phát biểu bất cứ điều gì chứng tỏ sự tùng phục hay sợ hãi trước quyền lực và tốt hơn hết là giữ thái độ im lặng. Toàn thể nhân sự Phục quốc đồng lòng nghe theo, giữ im lặng trước ṭa và giao phó cho Hùng, Của và Bàng cất tiếng nói chung cho lực lượng. Ông Bàng sở dĩ được nhẹ án hơn Hùng và Của là vì cánh Nghĩa quân Phục quốc của hai người kia là một lực lượng võ trang từng chiến đấu chạm mặt với quân đội của nhà nước đương quyền; trong khi đó thành phần chủ lực của bên ông Lương và Bàng, trên thực tế vẫn còn là một lực lượng chính trị đấu tranh trong hình thức dân sự. Điều mà anh trưởng phòng sung sướng kể đi kể lại nhiều nhất là thái độ thương yêu cảm mến của quần chúng đối với lực lượng Phục quốc. Lúc xe chở tù sắp sửa rời rạp hát Long Thành (nơi được sử dụng làm ṭa án) để trở về trại giam, đồng bào bất kể sự ngăn cản la lối của công an và lực lượng bộ đội bảo vệ tù nhân, xúm tới biếu xén đủ loại thức ăn, thức uống, thực phẩm khô… Có người còn dúi tiền cho tù nhân. Cảm động nhất là một bà già lụm khụm ráng cặp nách nguyên một thúng xôi đã gói sẵn từng gói nhỏ, đến dúi cho mỗi người tù. Vừa dúi xôi, bà vừa nói: “Mấy con của má, ăn xôi đi cho đỡ đói. Mấy con thương nước thương dân mà phải bị tù tội, má đây có bán hết nhà cửa để mua xôi cho mấy con, má cũng vui nữa.” Nhiều kể lại với giọng vui lắm, nhưng một lúc thì anh xúc động, rưng rưng nước mắt, nói: “Thực ra biết được là lòng dân nghiêng về phía mình, tin tưởng mình, thì có bị tử hình cũng thấy mãn nguyện, chẳng ân hận gì.” Tôi gật gù tán đồng. Phần thưởng cho những chiến sĩ cách mạng là như thế: niềm tin yêu của quần chúng. Có được phần thưởng đó rồi, họ trở nên dũng cảm, chẳng biết sợ thứ quyền lực nào nữa. Bốn ngày sau vụ án xử, vào tối thứ Sáu, nhằm ngày kỷ niệm đức Phật Thích Ca thành đạo, tôi đang ngồi trò chuyện với nhóm tù chính trị thì có cán bộ đến mở cửa sắt, đưa vào phòng 7 một tù nhân mới. Tôi không để ý rõ mặt, chỉ biết người này có dáng cao, ốm dong dỏng, trắng trẻo. Theo hướng dẫn của người trong phòng, anh ấy đến gặp trưởng phòng để ghi tên vào sổ. Một lúc bỗng thấy Ken chạy tới, kéo tay tôi, nói: “Thầy Khang ơi, thầy Khang, thầy lại đây mau đi!” Tôi cưỡng lại, không đi. Ken tiếp, giọng nhỏ xuống: “Thầy lại đón đồng nghiệp của thầy kìa.” “Ai?” “Thì tân binh đó, ổng nói ổng không phải thầy chùa, nhưng lại có đem theo cả xâu chuỗi với cái cà sa màu vàng y hệt của thầy tu vậy đó. Ngon lành hơn thầy Khang nữa nghen. À, tui hỏi ổng có biết thầy Khang không, ổng nói ổng không biết tên tục của thầy Khang, nhưng biết Thích Tâm Quang đó.” Tôi hơi giật mình, nhướng mắt nhìn về phía người tù mới. Người đó cũng quay nhìn về hướng tôi, thấy tôi thì khẽ gật đầu chào. Anh Nhiều trưởng phòng hướng dẫn người tù mới đến chỗ tôi, nói: “Thầy Khang à, người này biết thầy đó. Tôi để hai người nói chuyện há!” Nói rồi Nhiều để cho anh tù mới kia ngồi xuống nói chuyện với tôi rồi tránh đi chỗ khác để chúng tôi được nói chuyện tự nhiên. Nhiều biết rằng đây là lần đầu tiên tôi có người bạn thực sự là “đồng nghiệp.” Người bạn mới có vẻ dạn dĩ, hoạt bát hơn tôi ở phút đầu. Vừa ngồi xuống, anh hỏi ngay: “Thầy là Tâm Quang đó phải không?” Tôi gật đầu nói: “Pháp danh của tôi là như vậy, nhưng mọi người quen gọi tôi là thầy Khang. Còn thầy?” “Tôi tên Võ Phương Thanh, pháp danh Thiện Chí. Tôi có nghe tiếng thầy Khang từ lâu, do Tâm Huy, Tửu, Thiện Lạc, Nguyên Hỷ, Quảng Lộc… và nhiều người khác giới thiệu, thường nhắc đến Khang. Tôi cũng có học ở Già Lam, nhưng học khóá sau nên không có cơ hội gặp Khang vì Khang đã bỏ Già Lam từ hai năm trước đó. Có nhiều lúc muốn gặp Khang một lần cho biết mà chẳng làm sao đi được vì có một thời, ban giám học và quản chúng Già Lam có lệnh cấm ngầm là tăng sinh viên không được lên Long Thành để thăm Khang… mà chỉ nên lo học thôi. Nhưng rồi nghe đâu cũng có một số người lén lên đó tìm thăm Khang, phải không? Sau này, nghe tin Khang bị bắt… nghĩ là không còn cách gì gặp được nữa. Vậy mà nay xui xẻo bị bắt nhưng lại hân hạnh được biết Khang, được giam chung phòng với Khang nữa, thật lý thú làm sao. Kỳ ngộ quá hả?” Tôi cười, hỏi: “Cán bộ trại có biết anh là thầy tu không?” “Không, tôi khai tôi là cư sĩ tại gia, ăn chay trường, thường đi chùa, vậy thôi.” “Anh bị bắt vì tội gì vậy? Liên hệ đến vụ Già Lam, vụ thầy Tuệ Sỹ hả?” “Không, tôi vượt biên ở Bà Rịa, bị đổ bể, rồi bị du kích xã bắt. Nhưng tôi không khai là vượt biên, chỉ khai là đi tụng kinh cho người ta rồi bị lạc đường. Cũng may mà mấy người bị bắt chung không ai biết tôi cả nên cũng dễ. Tôi cứ một mực chối, không nhận, và họ ghi vào biên bản là: tình nghi vượt biên.” “Anh nghĩ là họ sẽ không tìm được chứng cứ?” “Lúc đó người ta chạy tán loạn, công an du kích bao vây bắt hết những người đang lảng vảng trên đường cái. Còn tôi… tôi đâu có chạy, tôi đang đi từ từ mà. Nhưng họ thấy tôi lạ mặt, lại có vẻ lúng túng như chưa biết đi đâu nên mới bắt. Tuy nhiên, tôi tin là chẳng có chứng cứ gì để kết tội được. Cho nên… chắc là trong vòng thời gian ngắn tôi sẽ được về thôi.” Câu chuyện kể ngắn gọn của Thiện Chí gợi tôi nhớ lại một đêm cùng chạy với Mộng Huyền băng vườn điều Bà Rịa rồi nằm bên nhau dưới ánh nhợt nhạt của ngàn sao. Thấm thoát đã gần một năm kể từ đêm hôm ấy. Tôi hầu như đã quên đi, không muốn nhớ lại chuyện ngày cũ, nhưng vừa khi nghe được cảnh đổ bể vượt biên của Thiện Chí ở Bà Rịa thì lập tức tim tôi như bị một lưỡi dao sắc lẻm, cứa ngang một đường, đau rát tưởng chừng không sao chịu nổi. Tôi tựa lưng vào tường, một lúc lâu mới nuốt được cục nghẹn chận cứng ngang cổ họng, nói: “Tôi cầu mong anh được về sớm. À, anh ở ngoài có tin tức gì lạ về giáo hội, về quý thầy, bạn bè, các chùa…?” “Khang muốn biết tình hình Phật giáo bên ngoài từ khoảng thời gian nào?” “Từ khoảng tháng 5 năm ngoái.” Thiện Chí suy ngẫm một lúc rồi nói: “Lớp của tôi thì chắc Khang không biết ai đâu, còn lớp của Khang thì có Quảng Thanh, Tâm Huy, Giác Như, Hạnh Tuấn… mới đi lọt trong năm 1985 hay cuối 1984. Đó là tin vui, còn tin buồn thì… Thượng Tọa Đức Nhân bị bắt. Khang đã biết chưa?” “Có, tôi mới biết mấy tháng trước, do ở ngoài nhắn tin vào. Còn ai bị bắt nữa không?” “Nguyên Thể ở chùa Hải Quang cũng bị bắt. Khang biết không?” “Biết, tôi cũng mới biết.” “Vậy thì Khang biết hết rồi, bên ngoài là vậy.” “Tôi biết nhưng đó là biết từ cái thư viết theo lối bóng gió từ bên ngoài nhắn vào cho nên cũng không dám chắc lắm. Bây giờ nghe chính miệng anh nói thì mới xác định thực hư thế nào. Vậy anh có biết chuyện Thượng Tọa Đức Nhân bị bắt như thế nào không? Ý tôi muốn hỏi… có phải là Thượng Tọa bị người nào đó chỉ điểm hay báo cáo gì đó không?” “Hình như là vậy. Hồi đầu tháng 8 hay tháng 9 năm ngoái, Thượng Tọa bị công an bắt, kết tội là cố vấn chính trị cho lực lượng của thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát. Tiếng đồn anh chàng Huân hay Hân gì đó phản bội, báo cáo tùm lum… Khang biết anh chàng đó mà, Thiện Lạc nói với tôi như vậy, nói rằng chỉ tại Khang tin anh chàng đó quá sức nên hại đến biết bao nhiêu người.” “Ừ, biết chứ. Anh ta tên Hân,” tôi thở dài nói. “Không, Khang đừng buồn. Đó là tôi lặp lại lời của Thiện Lạc nói thôi chứ không phải ai cũng đổ lỗi cho Khang đâu.” “Lỗi tại tôi hết, tôi đâu có từ chối.” “Nhưng tôi có nói với Thiện Lạc rồi: tuy rằng đầu tiên là Hân quen với Khang trước rồi từ Khang, Hân mới quen với mấy anh em khác, nhưng khi mấy anh em đã quyết định cùng lập Hội Lạc Long thì điều đó có nghĩa là cả nhóm đã suy nghĩ kỹ để quyết định, không thể đổ lỗi cho ai khác được nữa.” Tôi khoát tay, nói: “Không sao đâu, lâu nay tôi từng nghĩ đó là lỗi tôi thì chuyện mọi người đổ lỗi này nọ cũng chẳng có thêm bớt gì. Vậy từ 6 tháng trở lại đây, tình hình có gì lạ không? Có gì khá hơn không?” “Khoảng thời gian nửa năm đầu của năm ngoái, 1985, có mấy vụ nổi loạn, rải truyền đơn chống chế độ, nhiều người bị bắt. Tuy rằng những vụ ấy không liên quan đến Phật giáo nhưng nghe nói là có liên quan đến Khang, mà có liên quan đến Khang thì công an nghi là có một số bạn bè tu sĩ của Khang nhúng tay… Vậy nên, chuyện lục xét chùa chiền xảy ra như cơm bữa. Cũng khá căng thẳng chứ chẳng yên gì. Nhưng từ mấy tháng qua, nghe nói là từ lúc Hân bị bắt vào tù, thì có hơi yên ổn được một chút.” “Hân bị bắt thực hả? Tin đó có chính xác không?” “Bị bắt rồi, hình như giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, vào khoảng tháng 9 hay 10 năm ngoái.” Tôi nhẩm tính xem thời gian Hân bị bắt có trùng hợp với lúc tôi nhờ Phương tìm gặp Hân không. Tôi nhờ Phương đầu tháng 12, Hân thì bị bắt khoảng tháng 9 và 10. Vậy là Hân bị bắt trước đúng như Phương đã nói. Không phải tại tôi, cũng không phải tại Phương. Thấy tôi im, Thiện Chí cũng im. Một lúc, anh tiếp: “Thiện Lạc nói thì tôi nghe vậy chứ tôi có biết Hân là ai đâu. Thiện Lạc cho biết đại khái Hân và Thiện Lạc đều có hoạt động chung với Khang trước đây, sau Hân phản, dẫn đường cho công an đi lùng bắt Khang và các bạn bè vây cánh của Khang… Thiện Lạc và Tâm Huy phải trốn kỹ lắm mới thoát được. May mà Tâm Huy đi lọt; còn Thiện Lạc, hà, anh chàng này được bạn bè phật-tử giúp cho vượt biên nhiều lần nhưng lần nào cũng đòi phải đem theo cô bạn gái mới chịu đi nên cuối cùng… kẹt lại, có lẽ sẽ làm đám cưới nay mai.” “Cái gì? Có chuyện đó nữa sao? Đang lẩn trốn mà làm đám cưới?” “Tức là sẽ lấy vợ đó mà, chứ không phải làm đám cưới rình rang.” “Hơ, quyết chí đi thì đi hết, ở lại thì ở lại hết. Chung tình quá hả. Vậy cũng hay. À, quên nữa, thầy bị bắt rồi đưa thẳng vào đây hả? Chắc là chưa dùng tối? Để tôi khuấy bột mời thầy dùng thay cơm há?” “Không cần đâu, đã ăn chiều từ bên trại kia rồi. Ngồi nói chuyện đi, gặp Khang là tôi vui rồi, bày trò ăn uống làm gì mất thì giờ.” Sau câu nói của Thiện Chí, chúng tôi ngồi im lặng, chẳng biết nói gì nữa. Phòng giam vẫn rộn ràng tiếng nói cười, chơi cờ, đánh domino… và bạn tù đang thay phiên nhau lấy nước tắm. Tôi nói: “Nước trong bồn của nhà vệ sinh chỉ dành riêng cho việc dội rửa; còn muốn tắm thì mỗi tối phải thay phiên nhau hút nước từ trong cái vòi ra mà tắm.” “Sao phải hút?” Thiện Chí ngạc nhiên hỏi. “Vì cái vòi đó chỉ có nước vào lúc 12 giờ đêm. Mà 10 giờ đêm thì đã báo nghiêm rồi, làm sao tắm được. Cho nên phải tranh thủ hút nước từ trong cái vòi nước không chịu chảy kia thì mới tắm trước giờ ngủ. Thiệt là buồn cười, phải không? Anh biết hút nước làm sao không? Trước tiên phải có mồi rồi mới có thể hút được. Mà người mồi nước phải là người mạnh hơi, hoặc phải biết cách mới kéo được nước vào ống. Khi kéo được nước vào ống rồi thì cứ việc hút nước vào miệng rồi nhà ra xô, hết lớp nước này đến lớp nước khác, cho đến khi nào đầy một xô thì lấy tay giữ kín miệng ống lại, giao ngay cho người khác kê miệng vào vì mồi lại rất mất công, có khi gần một tiếng đồng hồ mới lấy được nước vào ống. Vậy đó, mình sẽ tắm bằng cái nước ngậm trong miệng rồi nhả ra xô… có lẽ mỗi xô nước tắm có chừng một phần ba nước miếng của người hút đó chẳng phải chơi!” “Dữ vậy! Ghê quá à!” Thiện Chí nói rồi cười. “Chứ sao, hồi mới vào đây tôi chưa biết hút nước cũng được anh Vận hút nước dùm cho, tôi ớn quá đâu muốn tắm, nhưng một phần nghĩ cái công anh ấy hút, phần khác trời nóng nực, mình mẩy rít rắm quá, phải tắm thôi. Bây giờ thì quen rồi, tôi hút cho tôi tắm. Có khi có anh bạn nào quý mình, hút tặng cho một xô thì tôi cũng nhận chứ không chối từ. Chút nữa đến lượt tôi, tôi sẽ hút cho anh một xô tắm cho mát mẻ há.” Thiện Chí chỉ cười. Và anh không từ chối xô nước đầu tiên tôi hút giùm. Tôi kêu anh tới ngồi một bên để bày anh cách hút nước. Tắm xong thì cũng vừa đến giờ báo nghiêm. Chúng tôi lục tục vào chỗ ngủ. Chỉ còn tiếng nói chuyện xì xầm. Thiện Chí được sắp đặt nằm cạnh tôi, gần cửa sổ. Thiện Chí may mắn hơn tôi, không bị bắt buộc phải nằm gần cầu tiêu như thông lệ của phòng giam đối với tù mới, vì trưởng phòng biết Thiện Chí là bạn tôi và ngầm hiểu Thiện Chí là một tu sĩ cải trang. Nằm một lúc, tôi lại nhớ đến đêm băng rừng với Mộng Huyền. Tôi vẫn chưa hoàn toàn quên được dấu ấn kỷ niệm của đêm ấy. Mộng Huyền vô tư, dễ thương chi lạ. Tôi không dám tưởng tượng rằng nàng đã chết như thế nào trong những đêm bão mịt mùng ngoài khơi Thái Bình. Tim tôi đau và có vẻ như tươm máu ra ngoài lồng ngực. Tôi niệm Phật để trấn áp mọi cảm xúc lao xao trong lòng. Một lúc, tôi khoèo Thiện Chí, hỏi nhỏ: “Lúc chạy trốn, anh có lạc vào một căn nhà ngói đỏ quét vôi trắng, nằm một mình giữa đồng ruộng không?” “Không.” “Anh có chạy chung với một người con gái nào không?” “Không.” “Anh có nằm dưới gốc mít, quạt muỗi cho ai không?” “Không, hỏi gì lạ vậy?” “Anh có thấy một ông già đầu quấn khăn rằn, vác rựa đi qua đi lại không?” “Không, đừng giỡn nghe, không có chuyện đó đâu.” “Anh có nằm chung với người con gái nào trên chiếc xe bò có phủ rơm lên trên không?” “Không, làm gì có chuyện kỳ cục đó!” “Vậy là anh may mắn lắm rồi.” “Nãy giờ Khang hỏi lung tung, chẳng hiểu gì hết.” Tôi không nói, im lặng ngước nhìn ra cửa sổ. Qua lớp vải mùng thưa, chỉ thấy đêm mù mịt bên ngoài, không một vì sao nào cả. Mộng Huyền là tên của một dòng sông đêm, một giấc mộng huyền ảo, trôi từ trí nhớ ngược vào tim tôi, cuộn xoáy tàn bạo như những cơn bão loạn. Ừ, đã có những cơn bão vô tình, man rợ trên biển Thái Bình vào những ngày Mộng Huyền ra khơi. Bao ước vọng tự do cũng bị đánh vỡ thành bọt sóng lăn tăn trên cái mênh mông vô cùng của lòng biển rộng ấy…
Ó
Cán bộ chấp pháp chỉ gọi Thiện Chí ra làm việc trong một buổi sáng, rồi từ đó chẳng thấy gọi ra nữa. Thiện Chí cho biết rõ ràng là tội anh được ghi vào biên bản khai cung: “Tình nghi vượt biên.” Tình nghi thì đâu phải là tội, vậy mà cứ bị giam một tháng, hai tháng, ba tháng, bốn tháng… chẳng nghe nói là hồ sơ điều tra cứu xét đến đâu, cũng chẳng cho người nhà biết để thăm nuôi. Đến tháng thứ năm thì anh bị đưa đi biệt giam một tuần lễ. Biệt giam là chỗ dành cho những tù nhân vi phạm kỷ luật và cũng là chỗ để hành hạ tra tấn những người không chịu khai sự thực. Sau một tuần biệt giam, Thiện Chí được đưa trở về phòng tập thể, ra gặp cán bộ chấp pháp một hai lần nữa, rồi im luôn, không thấy gọi tên nữa, cũng chẳng thấy được tha về. Nhưng anh cứ tin tưởng: “Tôi sẽ được về sớm mà. Họ không nắm được chứng cớ gì để kết tội. Vẫn còn ghi là tình nghi vượt biên.” Và tiếp tục “sống chung” với tôi. Ở phòng giam, khi người ta ăn uống, chia sẻ thức ăn thăm nuôi với nhau hàng ngày thì gọi là “sống chung.” Từ ngày bị bắt, Thiện Chí chưa được thăm nuôi lần nào nên anh “sống chung” với tôi. Hai anh em có gì ăn nấy. Người nhà thăm nuôi tôi qua nhiều tháng đã kinh nghiệm, biết gởi thức ăn nào có thể để lâu được. Dù vậy, đã có nhiều ngày chúng tôi chỉ ăn cơm với muối đậu, muối mè và đôi lúc cũng cảm thấy cần chất ngọt, cần rau tươi–vì lượng thức ăn không đủ cung cấp cho hai thanh niên đói, dù rằng hai thanh niên này từng được huấn luyện trong môi trường chay tịnh đạm bạc. Cũng may là Nhiều, Danh, Quái, Dưỡng… nhóm anh em Nghĩa quân Phục quốc ở Tân Phú, thỉnh thoảng lại đem món này món nọ biếu xén tôi. Vào một sáng, để tù nhân nhớ ơn ông Hồ Chí Minh nhân dịp sinh nhật của ông, đúng vào ngày thứ Hai 19-5-1986, cán bộ vào gọi tên trả tự do cho một số người. Vẫn chưa có tên Thiện Chí. Nhưng có tên ông Bảy tài xế. Ông này là một Phật tử ăn chay trường, bị bắt trước tôi hai năm vì tội chở người vượt biên. Ông chưa bao giờ ngồi nói chuyện đàng hoàng với tôi. Ông có vẻ tránh né tôi, và đứng nhìn tôi từ xa với đôi mắt khó chịu. Trong mắt ông ấy, dường như tôi là một thầy tu hư hỏng. Có lẽ vì ngày đầu tiên tôi vào phòng giam, ông thấy tôi đã chào phòng bằng ba bài t́nh ca của Trịnh Công Sơn và sau đó, ông lại biết tôi bị kết tội “phản cách mạng.” Một người phật-tử ở nhà quê, coi chuyện ăn chay và pháp môn tu của mình là trên hết, cục bộ bảo thủ như ông, dĩ nhiên không thể nào chấp nhận và không thể nào hiểu được một thầy tu kiểu như tôi. Cho nên, đã nhiều lần ông nói mỉa mai, châm chọc tôi. Bạn tù càng xúm xít bao quanh tôi thì ông càng có vẻ ghét tôi thêm–có lẽ ông sợ rằng con người dễ dãi tiếp giao với mọi thành phần như tôi sẽ làm mất thể diện lây cho cả ông. Người tu, theo ông thì phải ngồi lim dim một chỗ, lo niệm Phật hay ngồi thiền thôi, chứ không có “tiếp khách” suốt ngày như tôi; người tu khi ăn cơm phải tay chắp tay xá một cái rồi ngồi niệm Phật hay đọc thầm một bài kinh ngắn gì đó rồi mới được ăn chứ không phải chỉ cầm ca cơm lên, xúc ba muỗng cơm đưa vào miệng (đọc thầm 3 đại nguyện) rồi ăn tự nhiên như tôi thường làm; người tu cũng không được chơi các trò giải trí (cờ tướng và domino), không được hút thuốc, không được dính dáng đến chính trị… Có lần, không kềm được tức tối khi thấy tôi ngồi uống trà hút thuốc với đám tù chính trị, ông đến gần tôi, bụm tay kề miệng vào tai tôi, nói đay nghiến: “Ông thầy mất tư cách quá!” Tôi cười nói: “Thực vậy hả chú Bảy, cám ơn chú nghe.” Ông trợn mắt đứng trân một lúc. Mấy anh bạn tù hỏi tôi: “Có chuyện gì vậy thầy Khang?” Tôi nói: “Đâu có gì, chú Bảy… niệm Phật vào tai tôi đó mà.” Tôi nói vậy, ông chẳng thương mà càng giận tôi thêm. Thiện Chí vào “sống chung” với tôi, dĩ nhiên là ông ghét lây cả Thiện Chí–dù rằng con người khép nép ngồi đâu ngồi yên một chỗ, vô tư không hề dính dáng đến chính trị và không chơi một trò chơi nào trong phòng giam như Thiện Chí đúng là mẫu thầy tu đàng hoàng tư cách trong mắt ông. Hôm nay cán bộ gọi tên ông về, ông hí hửng xách giỏ đồ chạy ra ngoài lồng khung. Bạn tù xúm xít xin đồ ông chẳng cho, ông muốn xách về hết–ông quên rằng những món đồ linh tinh của trại tù thực chẳng có giá trị gì ngoài xã hội cả. Ông đang đứng mặc áo quần ngoài cửa sắt thì một anh tù hỏi: “Ông Bảy, vậy chứ vườn rau của ông để lại cho ai? Cho tui nghen.” Ông nghe hỏi đến vườn rau thì giật mình quay ngó cái khoảnh đất nhỏ xíu ở góc sân chơi. Khoảnh đất nằm sát mương nước, có bề ngang một thước, bề dài một thước rưỡi, trồng rau muống và ba thứ rau thơm linh linh tinh. “Vườn rau” của ông Bảy được coi là tươi tốt, phì nhiêu nhất trong những luống rau nhỏ của đám tù phòng 7. Ông đứng suy nghĩ một lúc. Đám tù la eo éo, ai cũng xin được thừa kế làm chủ cái vườn rau nhỏ xíu ấy. Nghĩ một lúc, bất chợt ông bật ra tiếng: “Thầy Khang, tôi để lại cho thầy Khang. Thầy Khang ổng ăn chay mà, ổng cần rau. Thầy Khang đâu, tôi muốn gặp thầy Khang!” Đám tù nghe ông để sự sản lại cho tôi thì im lặng, chẳng còn ai muốn tranh giành nữa. Họ thúc tôi đến bên cạnh cửa sắt để gặp ông Bảy lần cuối. Tôi bước đến, cười chào ông. Ông cũng bước đến gần tôi, nói nhỏ: “Đám rau của tôi, tôi để lại thầy Khang dùng… Xin lỗi thầy Khang nghe.” “Có gì đâu mà xin lỗi, chú Bảy. Chú về bình an, vui vẻ nghe. Siêng niệm Phật há. Mai này gặp nhau ở nước Cực Lạc.” Ông nghe tôi nói vậy thì rơm rớm nước mắt, đứng như trời trồng một lúc. Sau đó, đưa tay lên vẫy, rồi bước đi. Ra đến cửa sân, ông xách giỏ chạy lui, nói: “Giỏ đồ này tôi để cho thầy Khang luôn.” “Chia cho mấy người thiếu thốn không có thăm nuôi thì nhiều công đức hơn, chú Bảy ạ.” Ông nói vội vã: “Dạ, dạ, thì thầy Khang chia dùm, cám ơn thầy, tôi về nghen. Chúc thầy cũng được về sớm…” Rồi ông đi luôn. Giỏ đồ của ông tôi đưa anh trưởng phòng chia cho mấy anh em “mồ côi” không có thăm nuôi. Vườn rau thì tôi nhận, giao cho Thiện Chí chăm sóc. Từ đó, mỗi tuần tôi và Thiện Chí đều có rau tươi để dặm thêm vào những bữa ăn khô khan với tương và muối trong những ngày cạn thức ăn–vì quà thăm nuôi tôi, một tháng mới có một lần, nên thức ăn tươi cho hai người chỉ cầm cự được mười ngày đầu, hai mươi ngày còn lại thì dùng cơm với thức ăn khô như muối đậu, muối mè… Thỉnh thoảng tôi cũng dùng tiền để gởi mua dưa leo hay chao có bán ở căn-tin của trại. Nhưng lỡ mà đồ ăn hết, tiền cũng hết thì có chút rau xanh của vườn rau ông Bảy vào thời gian cạn lương thực kể ra cũng đỡ “tủi.”
Ó
Cùng thời gian Thiện Chí vào phòng giam này, có một anh kỹ sư hóa học ngang tuổi tôi, tên Nguyễn Ngọc Trai, cũng bị bắt vì tội vượt biên. Trai là một người bạn khá thú vị của tôi trong phòng. Anh gốc người Đà Nẵng, sinh sống ở Đà Lạt. Cha anh theo đạo Chúa, mẹ anh theo đạo Phật. Gia đình có mấy anh chị em đều lấy đạo của cha làm chính, nhưng thỉnh thoảng cũng theo mẹ đi chùa. Trong phòng, anh không chơi thân được với ai ngoài tôi. Mỗi lần muốn nói chuyện sách, nhạc, thơ, anh tìm tôi, hoặc tôi tìm anh. Tôi nhớ gì thì kể anh nghe, anh nhớ gì thì kể tôi nghe. Chúng tôi trao đổi với nhau như vậy thì cũng biết được thêm kha khá những điều mình chưa biết. Một hôm, nhân đề cập đến ngành hóa học của anh, tôi bỗ̉ng nẩy ý dùng át–xít phá song cửa sắt để vượt trại, bèn hỏi nhỏ: “Loại acid nào có thể… làm chảy sắt?” “Loại nào cũng có thể ăn mòn sắt được cả. Nhưng ăn mòn cực mạnh thì có sulfuric và hydrochloric acids; nhạy nổ thì có carbonic và nitric acids. Còn nếu pha trộn cả 3, 4 thứ lại rồi phết lên mấy cái song sắt kia thì trong vòng nửa tiếng đồng hồ, mình có thể kéo sắt ra, dẻo như kẹo kéo. Mấy loại acid này đều không màu sắc mà lại có thể ḥa tan được với nước nên mình bỏ chút phẩm đỏ vào, đựng trong chai thuốc đỏ trị ghẻ… thì ai mà biết. Còn nếu muốn nổ cái vách tường này đó hả, lấy silver nitrate trộn với sulfuric và carbonic acids, đựng trong một cái lọ nhỏ cỡ ngón tay cái này cũng đủ rồi. Đậy nắp thật kín, khui một cái lỗ nhỏ để đưa vào một cái tim dẫn hỏa. Khoét vách tường sâu vào, nhét cái lọ vô, đốt lửa. Đùng! Vách sẽ bung.” “Đơn giản vậy sao?” “Chỉ vậy thôi. Nhưng mà… anh Khang đừng cho ai biết tôi bày anh cách chế biến đó nghe.” “Đừng có lo. Nếu vách này mà bung thì anh cũng chạy theo tôi chứ, phải không?” “Hì hì, không dám đâu, chắc giả đò ngủ cho yên chuyện.” Tôi vốn dốt về hóa học nên nghe Trai nói thế nào thì nghe thế đấy, tin tưởng hoàn toàn vào ông kỹ sư hóa chất. Vậy là tôi bắt đầu phác họa một cuộc vượt trại. Trước tiên, tôi bàn với Quái và Dưỡng, hai chàng Nghĩa quân Phục quốc gan lì. Cả hai đều phấn khởi, đồng ý cùng nghiên cứu kế hoạch kỹ lưỡng. Họ dặn tôi đừng cho anh Nhiều trưởng phòng biết, dù rằng cả nhóm tù chính trị đều thân với Nhiều–có lẽ vì họ sợ Nhiều có tính cẩn thận và nghiêm chỉnh chấp hành nội qui sẽ ngăn cản; hơn nữa, trước kia Nhiều cũng từng là dân cách mạng. Tôi thì tin tưởng Nhiều chứ không ngờ vực gì, nhưng họ yêu cầu vậy thì cứ theo ý họ. Tôi nói, nếu đến lúc hành động mà Nhiều muốn đi theo thì cứ để anh ta theo. Họ đồng ý. Họ yêu cầu tôi hết sức giới hạn số người tham gia trong nhóm tổ chức thảo luận kế hoạch, chỉ đến phút chót mới chọn cho theo những người nào muốn theo và đáng tin cậy. Trong nhóm tổ chức, Quái và Dưỡng đề nghị rủ thêm Sang. Vậy là chúng tôi, bốn người, mỗi ngày bàn bạc một chút, nghiên cứu thăm dò sân trước, sân sau, trong rào, ngoài rào, trên nóc trại giam, giờ trực trên bót gác… Quái còn tính rủ thêm Tân, một anh tù hình sự bị án nặng, vốn là dân địa phương Biên Ḥa, để nhờ anh dẫn đường khi thoát ra khỏi trại giam. Nhưng Sang đề nghị đến phút chót mới gọi Tân đi theo. Sang còn cho biết là hàng rào kẽm gai phía sau lưng phòng giam không có câu điện. Có lần anh được phân công dọn cỏ phía sau, đã đưa lưỡi cuốc chạm thử vào dây kẽm rồi. Để vượt qua hàng rào kẽm gai, Quái bày là đem theo hai cái quần jean của Quái và Dưỡng, vắt lên hàng rào mà leo qua. Đối với bạn tù trong phòng thì Dưỡng nói có thể đãi họ ăn chè hoặc nước chanh có pha thuốc ngủ, người nào không ngủ thì hoặc là rủ họ đi theo, hoặc là khống chế họ bằng cách cột trói, nhét nùi giẻ vào họng v.v… Mà để đãi chè hay nước chanh cho thật tự nhiên, hợp lý thì phải lựa ngày thăm nuôi. Thăm nuôi mỗi tháng hai lần thì phải lựa lần nào nhằm lúc không trăng. Nếu gặp đêm mưa thì càng tốt, vì các anh lính bảo vệ trên bót gác và nóc trại giam sẽ chạy xuống chứ không ở trên đó được. Từ cửa sổ phòng giam ngay chỗ tôi ngủ leo ra ngoài, rất dễ bị phát hiện. Phòng giam có hai cửa sổ mà tôi hiện là người đang nằm ngủ ngay ở một cửa sổ phía đội 1. Từ trong cái mùng vải trắng tôi có thể chui đầu ra, sử dụng át-xít để quẹt vào chân mấy chấn song sắt… Đại khái chúng tôi bàn tới bàn lui kế hoạch vượt trại như vậy trong nhiều ngày. Nhưng trước mắt là phải có trong tay cái lọ át-xít cái đã. Tôi chưa biết nhắn ai, nhờ ai. Xoay tới xoay lui, chỉ còn có Trai và Thiện Chí là hai người bạn tin cậy nhất mà tôi có thể nhờ vả được. Cả hai người đều biết tôi có ý định vượt trại. Dĩ nhiên tôi không rủ họ tham gia vì biết họ là tù vượt biên, cao lắm là 3 năm cũng sẽ được thả (riêng Thiện Chí bị tình nghi thì có thể chỉ vài tháng là được tự do), không cần phải liều lĩnh vượt trại nguy hiểm như thế. Trai còn hy vọng sẽ được gia đình lo đút lót thế nào đó để anh được thả sớm chứ không tới 3 năm như những tù vượt biên khác. Do hai người này đều hy vọng sẽ được về sớm, nên tôi đã nhờ họ, nếu ra được thì giúp tôi bằng cách gởi vào một lọ át-xít ngụy trang như là lọ thuốc xức ghẻ, cùng với thuốc ngủ, gởi vào nhiều đợt, đựng trong bịch ni-lông nhỏ, nhét vào thức ăn… Dặn dò nhờ vả lâu rồi, vậy mà hai chàng thư sinh này chẳng chàng nào được về sớm như dự đoán. Mãi đến trưa thứ hai ngày 9 tháng 6, tôi đang ngủ ngon giấc thì Thiện Chí đánh thức tôi dậy, nói: “Khang ơi, tôi vừa nằm mộng thấy tôi được về.” “Xì, mộng thì ăn thua gì chứ.” “Ừ, mộng, nhưng mà rõ ràng lắm, tôi nói thiệt đó, không tin thì thôi.” “Thì thôi chứ sao.” “Không, Khang à, nghe tôi đi, tôi ít khi nào nằm mộng kiểu này lắm. Tôi tin là chuyện này sẽ xảy ra mà. Tôi từng có kinh nghiệm về những giấc mộng hay điềm báo của tôi. Này nhé, tôi kể Khang nghe: tôi thấy Hoà Thượng Trí Thủ bước đến chỗ song sắt kia, để thăm hai anh em mình. Tôi mừng quá chạy đến lạy Hoà Thượng, xin Hoà Thượng giúp cho hai đứa được ra. Ḥa Thượng nói: con thì được. Tôi hỏi, vậy Khang thì sao? Ḥa thượng chỉ lắc đầu, mặt rất buồn.” “Ồ, vậy thì tốt rồi, mừng cho anh,” tôi nói cho có chuyện rồi ngồi dậy thu dọn mùng chiếu, xếp lại cho vào giỏ. Thiện Chí ngồi im một lúc, nói tiếp: “Nếu tôi về nay mai, điều Khang cần nhất là gì Khang cứ nói đi, biết đâu giấc mộng đó lại chẳng thành sự thực.” “Thì tôi nhắn gởi anh biết bao nhiêu lần rồi đó mà anh cứ nằm ì ở đây, đã về đâu.” “Bây giờ về thiệt đó, Khang nhắn lại cái gì thì nhắn đi,” Thiện Chí cố gắng thuyết phục. Chẳng cần suy nghĩ lâu, tôi nói: “Gặp bất cứ người bạn nào có quen biết hay chơi thân với tôi trước đây, anh cũng dặn họ tránh xa hai người này: Hân và ông thầy Tư. Hiện giờ thì Hân bị bắt, nhưng biết đâu một ngày nào đó công an lại thả anh ta ra cho làm việc tiếp. Còn ông thầy Tư là một ông già khoảng sáu mươi tuổi, xưng là thầy Tư của đạo Thiên Chúa, người Quảng Nam, da ngăm đen, có một vết nám lớn ở gần gò má bên trái. Ông Tư gặp các thầy mình sẽ khoe là quên biết, thân cận Thượng Tọa Đức Nhân và tôi nghĩ có thể Thượng Toạ bị bắt là vì ông ấy hoặc Hân chứ chẳng do ai khác.” “Cần nhắn gia đình hay bạn bè điều gì không?” “Nói tôi bình an. À, nhờ anh lo chuyện lọ át-xít và thuốc ngủ, rồi đưa cho gia đình tôi, nói bằng mọi cách cũng phải tìm cách gởi vào.” Thiện Chí nghe rồi, gật gù, mặt có vẻ buồn buồn. Một lúc anh nói: “Khang à, đó chỉ là những chuyện nhỏ. Tôi biết Khang còn bao nhiêu giấc mộng to lớn hơn, sao Khang không nói tôi nghe, xem tôi giúp gì được không. Nói thiệt Khang nghe, từ những ngày đầu sống chung với Khang trong phòng giam này, tôi đã tự dặn lòng rằng chuyến này ra được tôi sẽ hết sức làm bất cứ điều gì Khang gởi gắm. Khang đã vì đại nghĩa mà sa vào vòng tù tội, sống ở đâu cũng hết mình với bạn bè anh em… không lý tôi đây cũng xuất thân từ cửa chùa, biết cái đau của dân tộc, biết cái khổ của chúng sinh, lại chẳng góp được chút gì để đáp tạ tấm lòng của Khang hay sao?” Thấy Thiện Chí rưng rưng muốn khóc, tôi cảm động, ngó lảng ra khoảnh sân vàng cháy. Một lúc, tôi hỏi: “Anh về chuyến này sẽ ở đâu?” “Có thể tôi về Long An, tạm sống với gia đình một thời gian… nhưng nếu Khang muốn tôi đến đâu, đi đâu, sống ở đâu, làm việc gì… tôi sẽ làm theo yêu cầu của Khang, thiệt đó. Rồi khi Khang ra được, Khang sẽ gặp tôi ở chỗ mà Khang muốn tôi đến.” Tôi nhìn thẳng vào mắt Thiện Chí, ngạc nhiên, không ngờ anh ta sốt sắng với tôi như vậy. Tôi nói: “Nếu thực anh muốn giúp tôi, xin đến số nhà… đường Bà Lê Chân, Phú Nhuận, tìm gặp ông Nguyễn Đức Trọng xem thử ông đã được tự do chưa. Nếu gặp ông, anh cho biết tình hình của tôi. Hẹn ông là khi tôi ra tù được tôi sẽ tìm đến ông ngay để cùng xuống Long Xuyên vào chiến khu Bảy Núi của Bảo An Đoàn, Ḥa Hảo. Nếu ông ấy phải đi trước thì xin cho biết cách nào rõ ràng và dễ dàng để tôi tìm vào. Còn trường hợp ông ấy chưa được trả tự do…” Thiện Chí nói ngay: “Tôi sẽ đi xuống Châu Đốc, Long Xuyên, dọ đường trước để tìm vào chiến khu Bảy Núi, bắt liên lạc với lực lượng Hoà Hảo để chờ Khang ra, tôi đưa Khang vào.” Tôi cảm động chẳng nói nên lời, chỉ biết gật đầu nhẹ. Thiện Chí nói: “Tôi hứa sẽ làm điều đó. Khang ra được thì nói Tửu hay Thiện Lạc đưa đường xuống Long An, tìm nhà tôi ngay nhé. Tôi có đi Châu Đốc hay Long Xuyên thì cũng giữ liên lạc với gia đình,” ngưng một lúc, Thiện Chí tiếp. “Khang nghĩ là có thể về sớm được không… với cái án, cái tội như vậy?” “Tôi sẽ về. Ở tù tôi có thể tu tập được cho cá nhân tôi, tôi có thể làm lợi được cho một số bạn tù nào đó chung quanh, nhưng không thể nào an lòng được với nỗi đau chung quá to lớn, quá nặng nề bên ngoài. Cho nên, dù gì đi nữa, tôi cũng phải về. Tôi muốn tự do.” Kẻng báo thức hai giờ trưa đã đổ. Ba mươi phút sau, có cán bộ cầm giấy tờ tiến đến phòng giam, gọi tên Thiện Chí, bảo lấy đồ đạc cá nhân ra về. Chúng tôi không còn lời nào để nói với nhau nữa. Chỉ siết chặt tay nhau một lần cuối qua song sắt.
Ó
Nàng từ trên lầu bước xuống. Áo thun ngắn tay, cổ hơi cao, màu xanh da trời. Quần jean màu xanh dương. Áo quần đều bó sát vào người cho nàng một dáng vẻ trẻ trung, tươi vui, sinh động khác hẳn với con người của nàng trước đó. Đứng trước tôi, khuôn mặt nàng ngây thơ e ấp như thiếu nữ mới lớn, còn thân hình nàng thì hiển lộ tất cả sức sống, tất cả những đường cong gợi cảm của phái đẹp. Tôi ngước nhìn nàng, không nói nên lời. “Đi được chưa anh?” nàng nói. “Đi,” tôi tỉnh người đáp. Nàng mở cửa, tôi dắt xe gắn máy ra ngoài, chờ nàng khóa cửa rồi để nàng lái. Tôi ngồi phía sau, vịn tay nơi thành yên. Nắng mai đã ngập đường phố. Người xe tấp nập. Sài Gòn bao giờ vẫn vậy. Nó tạo ra những cuộc sống xô bồ, những con người đua chen hình thức. Và đôi khi nó tạo ra những con người mang vẻ đẹp trong sáng hiền hoà bên trong mà vẫn không bao giờ chối bỏ việc tô điểm cái đẹp quyến rũ bên ngoài. Như vậy, liên tục từ hôm qua đến giờ, không phải tôi chỉ nỗ lực né tránh sự xung động giữa niềm vui tự do và nỗi đau mất mát, mà còn phấn đấu để không buông xuôi thả mình theo dòng cuốn của ái tình. Tôi lại muốn trốn chạy, muốn từ chối thực tại trước mắt. Và trên xe, sau lưng nàng, tôi một mình ôn lại chuyện quá khứ.
|
oOo