CỞI TRÓI II
tức Phương Trời Cao Rộng 5
truyện dài của Vĩnh Hảo
Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1997
oOo
CHƯƠNG MƯỜI TÁM
Nàng cười khúc khích mãi ở chi tiết đoàn tù bị lùa xuống ao để tắm. Nhìn nàng cười vui, tôi cũng cười theo. Nàng nói: “Như vậy, từ hai năm nay, lần tắm hôm qua ở nhà em là lần thoải mái nhất, sảng khoái nhất cho anh, phải không?” “Hẳn nhiên rồi. Hai năm rồi mới được tắm một cách đàng hoàng như một con người. Mà chuyện ấy chưa thấm gì đâu. Còn nhiều trò man rợ, hãi hùng và buồn cười hơn nữa kia. Trong đó, có chuyện không tiện kể cho em nghe đâu…” “Cứ kể tự nhiên đi mà, không tiện thì nói hé hé một chút, em cũng đoán ra…” Tôi cười nhìn cái vẻ nhí nhảnh trẻ con mà đáng ra không có ở tuýp người nghiêm trang nề nếp như tôi nhận xét về nàng lúc đầu. Tôi nhấp cà phê, cười tủm tỉm với nàng, rồi tiếp…
Ó
Năm phút sau giờ cơm tối, chúng tôi được anh nuôi phát cho mỗi người một nửa ca nước nóng để uống. Cũng như bữa ăn lúc trưa, nước này vừa dùng để rửa cái ca hay cái gà-mên nhận cơm của mình lại vừa lấy chính nước rửa đó làm nước uống. Suốt ngày chúng tôi bị cùm trên sạp gỗ, không được ra ngoài, nên phải tiểu tiện đại tiện tại chỗ (vào cái lon sơn mà anh trực vệ sinh mang đến); tắm rửa thì chỉ kịp hụp đầu xuống nước hồ sen hai lần sao cho kịp hai phút mà cai tù đếm số, không có thì giờ đánh răng súc miệng, không có thì giờ giặt đồ (muốn giặt thì phải nhịn tắm vì phải lấy chính hai phút tắm mà giặt thật nhanh áo quần của mình)… Lo vệ sinh cho chính thân thể còn không được xem là trọng thì chuyện rửa sạch cái ca lãnh cơm, vật ngoại thân, hẳn nhiên là không cần thiết gì cả. Vừa nhấp được vài tợp nước đã nghe loa phóng thanh từ góc rào nào đó the thé cất lên tiếng hô xung phong của một nữ du kích quân chống Mỹ cứu nước. Nghe qua đã thấy rùng mình ớn lạnh trong người. Thực ra đó chẳng phải là tiếng thúc quân đánh trận, mà là tiếng hát đấy! Hát thế nào mà tôi là người Việt vẫn không hiểu gì cả, cứ y như là nghe một bài ca tiếng Tàu vậy. Bài ca Tàu thì còn đỡ. Giống như cô gái Tàu nào đang cãi lộn với hàng xóm hoặc bị người ta rượt đuổi, la lên cầu cứu. Tội nghiệp. Khi đã nghèo, đã mạt thì nghèo mạt đến tận cùng lời ca tiếng hát. Cảm hứng của một nghệ sĩ chân chính có thể sáng tác được một nhạc phẩm bất hủ cho triệu người thưởng thức nhưng lòng hăng hái nhiệt thành của hai triệu người đối với lý tưởng thì chỉ nẻ ra được một thứ tiếng thét vô hồn chẳng ai nghe lọt được lỗ tai. Dốt đẻ ra dốt. Nghèo đẻ ra nghèo. Không phải cái gì do tập thể cùng làm thì cái đó phải tốt đẹp. Chất liệu tồi tàn thì có cố gắng cách mấy cũng chỉ tạo ra những thành quả èo uột, thô kệch. Người ta tưởng rằng con người trong cuộc đời giống như con chuột trong ống cống: hễ chặn đầu này thì ắt nó phải chạy đầu kia. Muốn mọi người ùa về một phía thì cứ việc cấm đoán ngăn chận kỹ lưỡng ở phía này. Cho nên mới tập trung tất cả phương tiện để cổ xúy cho một đầu mối của lưỡng cực. Thế giới và tâm thức con người trở nên “điên đảo mộng tưởng” thêm là từ chỗ đó. Đâu phải cứ bắt buộc mọi người phải hồ hởi và phải tin vào sự vinh quang vĩ đại của chủ nghĩa thì mọi người sẽ hạnh phúc ấm no! Cũng không phải cứ cười lên thì sẽ có hạnh phúc. Có hạnh phúc đi, th́ tự khắc nụ cười sẽ nở trên môi. Không có phương pháp cười, không có hình thức cười, không có nỗ lực cười, không có sự tập luyện cười. Không có cái cười nào thực sự là nguyên nhân của hạnh phúc. Chỉ có hạnh phúc thật sự của tự tâm mới làm nở ra những cụ cười chân thật. Cả cái xã hội múa rối cải lương này thực ra chỉ sống với những nụ cười lừa dối, gượng gạo. Người ta biết vậy nhưng cứ giả đò tin tưởng là có một thứ hạnh phúc nào đó qua những nụ cười vô hồn, rỗng tuếch—vì nếu đánh mất lòng tin tưởng này thì họ có thể bị người cùng hội cùng thuyền cho rằng mình không đủ cao siêu, không đủ trình độ để lãnh hội và thưởng thức cái phương pháp do thần tượng cóp nhặt hoặc phóng tưởng ra. Cuối cùng, có những người máy biết nói, biết viết, biết làm thơ, và biết ca hát… Ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ trong cái ống cống: nói mãi về một chuyện, cười mãi bằng một cách, hạnh phúc sẽ từ đâu đó có mặt. Nhạc vừa dứt, bài học chính trị bắt đầu. Bài học về chính sách cải tạo thương nghiệp và hợp tác hóa nông nghiệp. Những bài học này hình như đă được viết và thi hành từ cuối thập niên trước. Tù nhân chỉ cần nghe thôi, khỏi cần giấy bút để ghi chép, cũng không cần thảo luận góp ý gì, cứ nghe mãi vào đầu rồi để nó tự thấm. Cải tạo là cải tạo ở chỗ đó. Nếu không có loa phóng thanh các bài học chính trị thì hóa ra trại tập trung cải tạo chỉ là trại tù khổ sai thôi sao! Cho nên, phải có chút “văn hoá” gì đó để cho trại giam có chút ý nghĩa “cải tạo.” Thực ra giả đò lắng nghe thì cũng chẳng khó khăn gì, có điều hơi phiền cho chúng tôi là mấy anh cai tù cứ đi tới đi lui, kiểm soát xem có người nào thiếu tích cực trong việc “cải tạo” không. Nằm ngủ hay nằm nghỉ trong lúc bài học chính trị đang phát thanh dĩ nhiên là thiếu tích cực, cần phải trừng phạt rồi. Nhưng ngồi co một giò, đưa đầu gối lên ngang mặt cũng là một hành vi tiêu cực. Ngồi bó gối thì có vẻ tiểu tư sản ăn không ngồi rồi, cũng không được. Vậy là, cai tù bắt chúng tôi ngồi duỗi hai chân ra trước mà lưng phải thẳng—giống như một tư thế du già thể dục vậy đó. Mà thẳng sao được khi một chân chúng tôi “đeo kiếm” thì đặt trên sạp gỗ, cục cựa rất khó khăn, chân còn lại thì bị cùm vào thanh “trường kiếm” và treo hổ̉ng lên! Trong tư thế đó, chỉ có mấy nhà xiếc đại tài dẻo xương dẻo gân mới làm cho lưng muốn thẳng thì thẳng, muốn cong thì cong, chứ lũ người lao động nghiệp dư như chúng tôi thì làm sao biểu diễn chuyện đó được! Cho nên, nói là ngồi dậy để học chính trị mà kỳ thực chỉ là tập làm xiếc sao cho khỏi đau lưng mà thôi. Gần một giờ đồng hồ loay hoay với cái tư thế kỳ cục thốn cả xương sống đó, bài chính trị mới chấm dứt. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, tính ngả lưng nằm xuống cho đỡ mỏi thì một cai tù khá già bước vào, bảo chúng tôi cứ tiếp tục ngồi tự nhiên! Ông tự giới thiệu tên ông là Đại, cũng là tù như chúng tôi, có điều ông là tù cũ, được giao trách nhiệm kiểm soát và hướng dẫn các phòng giam chúng tôi sinh hoạt vào buổi tối sau giờ lao động. Ông Đại ngủ ở đâu chúng tôi không biết. Suốt ngày chúng tôi cũng chẳng thấy ông đâu cả. Có lẽ ông cũng là một cai tù, có chỗ ngủ trên văn phòng hay một phòng đặc biệt nào đó. Phòng chúng tôi là phòng 2, theo ông Đại cho biết là cần quan tâm lưu ý. Ông Đại cho biết sơ về nội qui, kỷ luật và các sinh hoạt hàng ngày theo kẻng báo của trại. Như vậy, thời khoá biểu hàng ngày của chúng tôi được sắp xếp như sau: - 4 giờ sáng thức dậy lãnh phần cơm điểm tâm (chừng một chén rưỡi); lãnh cơm xong, muốn ăn thì ăn luôn lúc đó hoặc cất để dành ăn chung một lần với cơm trưa thì tùy ý (vì không ăn lúc này thì chỉ có thể ăn được vào lúc cơm trưa chứ không có thời gian trống nào để ăn sáng cả); thức dậy khi các anh nuôi mở cửa đem cơm mắm vào phát chứ không có kẻng báo gì cả. - 5 giờ có kẻng báo thức chính thức. - 5 giờ 30 sáng, hăng hái đứng dậy tập thể dục tại chỗ để thực hiện nếp sống văn minh của xã hội chủ nghĩa (tức là chân vẫn cứ bị cùm nhưng ba mươi người trong một xâu “trường kiếm” phải ráng vịn nhau mà đứng dậy—muốn đứng dậy, phải hô “một, hai, ba” rồi đồng loạt nương nhau mà đứng, người nào không đứng dậy thì số người đã đứng sẽ bị mất thăng bằng khiến cả một xâu người loạng choạng hoặc té nhào hết cả. Đứng dậy trong khi hai chân còn bị cùm cũng là một động tác kỳ công của con nhà xiếc: một chân bị khập khiễng vì treo dính vào “trường kiếm”, chân còn lại tuy có thể đặt được vững vàng trên sàng nhưng cũng đeo một “đoản kiếm” khá nặng và kềnh càng nên phải hết sức chú ý kẻo kiếm của mình gác tréo vào kiếm người kế bên, rất dễ té. Chưa hết: đứng được rồi, phải một tay vịn vào vai người kế bên, một tay cử động tập thể dục theo tiếng hô “một, hai, ba, bốn; bốn, ba, hai, một” của anh huấn luyện viên nào đó trong loa phát thanh. Cử động cái tay còn dư đó thôi, khi nào có cai tù bước ngang hoạnh hoẹ la lối thì ráng đưa luôn cái tay còn lại ra, đưa nhè nhẹ, vừa phải, vì càng động mạnh chân càng đau và có thể khiến cả xâu người đổ nhào. Như vậy, nguyên mười phút tập thể dục chỉ làm được một động tác duy nhất là đưa tay lên trời rồi bỏ xuống). - 5 giờ 40 sáng, vừa dứt tập thể dục thì mọi người đã đủ tỉnh táo và lòng nhiệt thành hăng hái để cùng cất tiếng ca lên thật to bài “Như có Bác Hồ…” gì gì đó. Từ trẻ đến già, trong cùm hay ngoài cùm cũng đều phải hát, và theo như một anh cai tù đi ra đi vào nhắc nhở với nụ cười châm biếm và hai bàn tay nâng lên, hất lên như nhạc trưởng điều khiển dàn đại ḥa tấu, ai cũng ngầm hiểu là phải hát cho thật say sưa, thành khẩn, tha thiết theo giọng ca cố ý hùng tráng và dặm vào quyết tâm của chàng ca sĩ nào đó từ loa phóng thanh. Không thuộc bài ca thì cũng phải giả đò nhép nhép miệng để khỏi bị cai tù phạt roi. Tiếng ca của cả ngàn tù nhân ở khắp các dãy phòng giam nghe dập dồn hùng mạnh như bước chân chập chùng của một đoàn quân sắp ra trận tuyến, cơ hồ làm lu mờ cả một bình minh đang rựng sáng ở trời đông, làm tăng thêm lẽ sống và ý chí lao động cho người tù… Vậy mà nhiều anh tù vẫn nghiến răng trèo trẹo, có hát thì cũng chỉ hát “Như có con gì trong quần em nổi chứng…” cho đỡ tức. Sau bài ca hớn hở chào Bác thì tiếp liền nội qui trại. Tất cả đều phải đọc to lên. Dĩ nhiên chúng tôi mới vào đâu có thuộc và có lẽ sẽ chẳng bao giờ thuộc vì không có cán bộ hay cai tù nào đưa bản nội qui bắt học cả: tất cả thì giờ đều dành cho chuyện lao động. Có thể ở một thời gian nào đó trước đây, số tù nhân cũ ở đây đã có một thời gian được nghỉ lao động để học nội qui nên mới thuộc mà đọc vang rân khắp trại. - 6 giờ sáng được rút sắt cho ra sân, xếp hàng đi lao động. (Tù nhân mới chúng tôi sắp xếp ngồi thành hai hàng, mỗi hàng có xâu chung một “trường kiếm,” ngồi tại chỗ dùng búa và đục để đá, chẻ đá. Đá tảng do toán tù khác vác trên vai về, chẻ ra thành từng miếng nhỏ, rồi đập nát ra cỡ một đồng xu để trải đường đi, xây cất nhà cửa… Đại tiện, tiểu tiện thì có người trực vệ sinh mang lon đến tận nơi lao động) - Đến 12 giờ trưa thì có người đem cơm đến phát ngay tại chỗ lao động, ngồi trong cùm mà ăn trong vòng 10 phút thì làm việc tiếp. - 6 giờ chiều được nghỉ lao động, xếp hàng xuống ao để nhúng nước cho trôi bụi bặm bám trên người suốt một ngày dải nắng dầm mưa. Nhúng nước trong vòng 2 đến 3 phút. Ngoài 2-3 phút này, không còn cơ hội nào trong ngày để tắm rửa, giặt đồ, đánh răng… - 6 giờ 30 chiều nhận phần cơm tối, ăn trong cùm, trên cái sạp gỗ làm giường ngủ. - 7 giờ tối ngồi dậy trong cùm nghe phát thanh bài học chính trị. - 8 giờ tối nghe “thủ trưởng” —người chịu trách nhiệm phổ biến các tin tức và thông báo chung của trại cho phòng giam—nói chuyện sinh hoạt phòng giam chừng 15 đến 30 phút. Sau giờ này có anh nuôi hậu cần vào ghi tên ai muốn mua thực phẩm hay thuốc lá sẽ được anh nuôi đem đến vào những ngày kế tiếp (tiền và quà thăm nuôi của thân nhân gửi vào đều phải đưa hết nơi kho hậu cần cất giữ giùm—chỉ được nhận một số thức ăn tươi và vài thứ cần thiết để dùng trước, khi nào hết thì báo hậu cần, xin lấy thêm). Rồi sẽ có ban y tế (cũng là tù nhân cải tạo) của bệnh xá vào từng phòng để phát thuốc cho người nào khai bệnh. Bệnh nhẹ thì phát thuốc, bệnh nặng thì y tá ghi tên vào sổ bệnh, 6 giờ sáng hôm sau trong lúc điểm danh đi lao động sẽ được cai tù gọi tên cho vào bệnh xá nghỉ bệnh cho đến khi nào ban y tế xét thấy đương sự hết bệnh thì trả về phòng giam để đi lao động trở lại bình thường. - 10 giờ tối là giờ báo nghiêm, tất cả phải nằm xuống ngủ. Tuy nhiên, ai được cắt phiên trực thì phải thay nhau thức mỗi người nửa giờ đồng hồ để gác. Mỗi pḥng tùy theo nhân số mà chia cắt việc gác đêm. Đây cũng là chuyện rất khôi hài và khá phiền của trại cải tạo K4. Chẳng rõ đây là do ban quản trại nghiên cứu đề ra hay là do đám cai tù muốn lập công với cán bộ trại nên đã dâng lên cái sáng kiến chứng minh khả năng kiểm soát chặt chẽ của mình. Là như vầy: tù nhân cải tạo suốt ngày lao động dưới sự kiểm soát của cai tù và cán bộ, đêm về đã mệt mỏi lại không được ngủ yên giấc mà phải thay nhau canh gác ngay tại chỗ nằm của mình. Người canh gác vẫn bị cùm chân như bao nhiêu bạn tù đồng sàng khác, chỉ khác là phải ngồi dậy trong khi những người còn lại đang ngủ. Trách nhiệm của anh ta là phải thức trong vòng nửa giờ đồng hồ của phiên gác, ngồi dậy giữa bóng đêm (vì đèn phòng đã tắt vào giờ báo nghiêm cho đỡ tốn điện), cứ ngồi im như vậy để lỡ như có ai trong cùng xâu “trường kiếm” của mình làm việc gì nghe rọt rẹt như là tháo cùm, cưa sắt thì la lên. Người gác đêm này phải hết sức tỉnh táo mới được, vì chính anh cũng bị cán bộ và cai tù kiểm soát bằng cách nửa giờ đồng hồ đi ngang phòng giam, lớn tiếng hô “Phòng 2 báo cáo đi!” thì phải lập tức “Báo cáo Phòng 2 nhân số 30 người đầy đủ, bây giờ là phiên trực từ 2 giờ đến 2 giờ rưỡi khuya.” Phải khai đúng nhân số của phòng giam và phải nói đúng được khoảng thời gian mình đang gác để chứng tỏ mình đang tỉnh chứ không ngủ. Anh nào trả lời sai, có cai tù tông cửa xông vào phòng lấy roi hay gậy quất túi bụi: “Ngủ hả, đánh cho mầy tỉnh! Ngủ quên lỡ thằng nào trốn trại thì sao biết được hả!” Mỗi người gác nửa giờ đồng hồ, từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng gồm có 14 phiên gác. Buổi tối vào giờ sinh hoạt phòng giam, thủ trưởng sắp xếp chia phiên gác đên cho 14 người trong đêm đó, đêm sau đến lượt 14 người kế tiếp. Phòng 30 người thì trung bình cứ ngủ yên được một đêm thi một đêm khác có phiên gác của mình. Người không gác đêm thực ra cũng chẳng ngủ yên được vì cứ nửa giờ lại có tiếng đối đáp ồn ào qua lại giữa cai tù và người gác. Ngoài ra, nửa giờ đồng hồ có ba tiếng kẻng nghe rất chói tai ở góc nào đó gióng lên báo cho những người gác đêm biết mà đổi phiên gác (bằng cách gọi anh bạn tù nằm kế bên dậy gác thay mình). Đại khái một ngày của tù nhân tại K4 là như vậy. Khác chăng là ở “hiện trường lao động,” thay đổi tùy theo nhu cầu công việc và nhân sự. Có khi chúng tôi được điều ra khuân vác đá tảng từ bờ hồ vào sân của Khu C; có khi dọn vệ sinh chung quanh nhà cầu… Tù nhân đông mà không bao giờ thiếu việc. Ban quản trại và những cai tù tích cực luôn tìm cách sáng tạo ra nhiều công việc cho tù nhân làm, liên tục từ ngày này sang tháng nọ, năm này tới năm kia, mỗi tuần chỉ được nghỉ ngày chủ nhật—mà cái ngày nghỉ duy nhất trong tuần này cũng thường bị lạm dụng xâm lấn, gọi là ngày để “dâng Bác,” “dâng Đảng” như thể Bác và Đảng là thứ cô hồn hoạnh tử nào lẩn quẩn lang thang ở đâu trong mấy bụi rậm của trại giam chờ người được cúng quải vậy. Làm việc không lương, ăn uống không đủ chất lượng, sáu ngày một tuần, mười hai giờ một ngày, đám tù mệt mỏi chỉ mong đợi có ngày chủ nhật, vậy mà cứ bị huy động làm việc thêm để dâng Bác, dâng Đảng! Cho nên họ ức lắm. Có người học được ở đâu câu chuyện tiếu lâm, đem kể cho nhau nghe trong giờ giải lao làm cho cả toán tù chính trị cười tủm tỉm với nhau, đỡ mệt nhọc. Chuyện kể rằng có một chiếc ghe vượt biên bị đắm, trên ghe chết hết chỉ còn một người đàn ông và sáu người đàn bà bơi được vào một đảo hoang. Trong hoàn cảnh buồn tẻ của đảo hoang ấy, bất đắc dĩ họ trở thành vợ chồng. Ông chồng duy nhất này được sáu bà vợ chăm sóc mọi thứ chỉ để làm mỗi một việc là “làm chồng.” Có chuyện đó thôi mà ông cũng mệt mỏi, chán ngấy. Cho nên, một hôm trông thấy ngoài khơi một dáng người ôm khúc gỗ đang từ từ trôi tấp vào bờ, cả bảy người trên đảo hoang đều vui mừng. Sáu bà vợ thầm nghĩ rằng: “Ước chi đây là một người đàn ông.” Ông chồng cùng mơ ước như sáu bà vợ: “Ước chi đây là một thằng đồng nghiệp, chia sẻ bớt công việc của mình.” Người bị nạn và khúc gỗ càng lúc càng gần hơn làm tăng niềm hy vọng và nỗi hồi hộp của bảy người. Nhưng đến khi có thể nhìn thấy rõ được người kia, cả bảy người bật ngửa ra, thất vọng: một người đàn bà! Sáu bà vợ chán nản, bỏ đi, không thèm tiếp rước đồng nghiệp mới. Ông chồng thì không kềm được bực tức, la lên: “Mẹ kiếp! Có mỗi một ngày chủ nhật để nghỉ ngơi vậy mà từ nay cũng mất luôn rồi!” Đó là chưa kể những giờ lao động phụ trội, thay vì mỗi ngày làm việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều thì bắt làm thêm 2 giờ đồng hồ sau khi ăn tối, đến 8 giờ hoặc 8 giờ rưỡi mới được về phòng giam. Tận dụng tất cả công sức và khả năng của tù nhân cải tạo từ nhiều năm qua, trưởng trại K4 và tập đoàn thuộc hạ dưới tay đã tạo nên một khu du lịch chiếm mấy trăm mẫu đất, mấy trăm mẫu ruộng, trong đó có một sở thú với nhiều chuồng thú nhập cảng từ nước ngoài, một công viên, nhiều hồ cá cảnh (trong đó có hồ sen mà chúng tôi xuống tắm mỗi chiều), vài khách sạn và vài nhà hàng sang trọng chuyên tiếp đón người nước ngoài… Tất cả khu du lịch ăn chơi nổi tiếng của K4 đều do khối óc và bàn tay của tù nhân tạo dựng nên. Lúa gạo, ngũ cốc, gia súc, thịt, cá, bàn ghế và vật dụng bằng gỗ, đồ gia dụng bằng nhôm, đồ gia dụng bằng thép, đá vụn xây nền móng cho nhà cửa v.v… tất cả những thứ này đều do tù nhân sản xuất ra để tập đoàn quản trại K4 hưởng. Trưởng trại tên là Nhân, tục gọi là Út Nhân, sống đời sống vương giả, quyền uy như một ông hoàng, ông chúa. Cơ nghiệp kếch sù và thế lực vững mạnh của ông này thừa khả năng phả lấp hết mọi nghi vấn và nỗi ganh tị của các cơ quan thanh tra kiểm soát nào đó của Đảng và Nhà nước. Tập đoàn quản trại K4 cũng đủ khôn ngoan đển ngăn chận các phái đoàn nước ngoài đến tham quan trại. Phái đoàn nào đến tìm hiểu sinh hoạt trại giam thì cũng chỉ được trưởng trại khoe khoang các thắng cảnh do bàn tay tù tạo nên chứ chẳng bao giờ được thấy bộ mặt thật của tù nhân. Có gặp chăng là gặp các anh cai tù mập mạnh, được phát quần áo hẳn hoi. Những anh cai tù này vốn là những người được cán bộ tin dùng và ưu đãi, đang sống ở giai cấp chỉ huy của tù nhân, luôn sung túc vì được cán bộ trại ban thưởng mỗi khi tù nhân làm việc đạt chỉ tiêu, được cán bộ cho phép nhận quà thăm nuôi đầy đủ mỗi nửa tháng, đồng thời được nuôi béo bởi có nhiều cơ hội để bóc lột quà cáp thăm nuôi của tù nhân nào muốn được nới tay roi vọt và được sắp xếp công việc lao động nhẹ. Nghe nói mấy anh cai tù cao cấp của trại có người được trả tự do rồi mà còn quay trở lại xin được làm công nhân ăn lương, làm việc cho trại. Từ xưởng trại đến tù nhân thực thụ phải trải qua nhiều giai cấp xã hội: cán bộ cấp chỉ huy, cán bộ cấp thừa hành, công nhân (đã được mãn án hoặc sắp mãn án, cấp này làm trung gian giữa cán bộ và cai tù), cai tù (chức năng) cấp chỉ huy, cai tù cấp thừa hành—tức là đàn em thuộc hạ của cai tù cắt cử ra để thay phiên mình kiểm soát từng đội lao động nhỏ—rồi mới đến tù nhân. Với nhiều tầng lớp bao che nhau trong lừa dối như vậy, phái đoàn nào đến điều tra mức sống của tù nhân ở trại K4 cũng đều dừng lại ở khu vực khách sạn và nhà hàng sang trọng phía bên kia bờ hồ, gần quốc lộ để được trưởng trại tiếp đãi. Thảng hoặc có được đưa vào sâu hơn, sát hơn với khu trại thì cũng chỉ ngồi trong căn “nhà tròn” (chữ dùng của tù nhân), căn nhà gỗ rất đẹp xây trên hồ sen như một thứ thưởng nguyệt lầu hay thưởng hoa lầu nơi ngự uyển của cung vua, để nhâm nha yến tiệc, nhìn đám cai tù hay tù nhân mập mạnh được tuyển lựa bày trò đóng kịch thảnh thơi, dạo bờ hồ ngắm cảnh… Những màn kịch đó chỉ làm vui lòng người xem, còn diễn viên thì dở khóc dở cười, không còn lời nào để bàn nói về sự dối trá mỉa mai làm nặng nề thêm cho thân phận tù đày đói rách. Sự dối trá dù ở mức độ thấp nhất, có tính cách cá nhân và chỉ tác động lên một thiểu số đối tượng nào đó thì đã là chuyện không thể tha thứ được; vậy mà, ở xã hội này, điển hình là ở trại giam này, nó được thực hiện công khai, không chút giấu giếm, không chút xấu hổ. Có khá nhiều lần trại tiếp đón các phái đoàn nào đó đến thăm trong đó có hai lần khá buồn cười làm tôi nhớ mãi. Lần thứ nhất, lúc đó tôi nhập trại đâu chừng hai tuần thì có một phái đoàn không rõ là phái đoàn nước ngoài hay của Bộ Nội vụ, đến tìm hiểu sinh hoạt trại. Ngày đó, tôi còn đeo cùm, ngồi đập đá trong sân của khu C. Cùng chung công việc chẻ đá và đập đá với tôi là khoảng một trăm tù nhân khác. Đang cặm cụi làm việc với sự thúc đẩy của những cai tù cầm roi qua lại, bỗng thấy một viên cán bộ công an từ ngoài chạy xe gắn máy vào văn phòng của Khu C, truyền lệnh mật với Khu trưởng (cũng là tù nhân, “giai cấp” cai tù), Khu trưởng liền ra sân, thông báo lại cho các cai tù khác. Các cai tù lập tức lùa hết những anh tù xác xơ ốm đói vào giấu trong các phòng giam xa nhất, ở cuối dãy. Từ các khu lao động khác, hàng trăm tù nhân bệnh hoạn kiệt sức, áo quần rách nát, cũng bị cai tù lùa về, đem giấu kín. Một số tù nhân mới nhập trại, trông bề ngoài còn khỏe mạnh, áo quần khá tươm tất (trong đó có tôi), thì được cho ngồi lại, tháo cùm, tiếp tục đập đá hay làm những công việc nhẹ nhàng quanh sân. Quang cảnh trại giam thường ngày ồn ào, rộn rịp tiếng bào, đục, cưa, xẻ, đập đá, cuốc đất, xúc đất, la hét, đánh đập… chỉ trong chớp mắt đã biến thành một cảnh yên bình thanh tịnh như cảnh chùa. Một cai tù kín đáo đốc thúc việc làm của chúng tôi, rồi tránh ra, ngồi ở dưới bóng cây mát, nói nhỏ nhẹ: “Làm lâm râm thôi, lâm râm thôi, không hiểu hả? Làm từ từ, nhẹ nhàng, không cần gấp, làm như chơi vậy thôi!” Nói rồi anh cười. Chúng tôi cũng cười. Vâng, thì làm lâm râm, nhẹ nhàng. Nhưng vác đá tảng và nhấc cái búa tạ để chẻ đá nặng quá mấy anh ơi! Giả đò nhẹ nhàng còn mệt ứ hơi hơn là cứ làm việc bình thường như mọi ngày! Đâu chừng một giờ đồng hồ sau, có lẽ phái đoàn vô hình vô ảnh nào đó đã rút đi rồi, anh cai tù đến sát sau lưng chúng tôi, hét lớn: “Siết cáp, siết cáp!” Bọn tù chúng tôi chưng hửng ngưng tay nhìn anh, ý chừng muốn hỏi siết cáp là cái gì vậy. Thấy chúng tôi còn nghi ngại thắc mắc, anh lại hét rồi vừa giải thích: “Siết cáp! Là làm lẹ, làm rút, làm nhanh lên đó! Siết cáp, siết cáp!” Rồi anh cười. Chúng tôi cũng cười. Màn kịch đã qua. Đám tù xơ xác bị giấu kín cũng được thả ra, ùn ùn trở về chỗ lao động của mình, tiếp tục “siết cáp.” Lần thứ hai, vào một ngày chủ nhật không bị cưỡng bức làm việc thêm để “cúng cô hồn,” chúng tôi đang nằm rồi, ngồi rồi nằm trong cùm, thì ông Đại, thủ trưởng của phòng giam chúng tôi, bước vào ra lệnh tất cả phải ngồi dậy để học bài. Tưởng lại là bài học chính trị về đường lối chính sách gì mới của Đảng và nhà nước, nhưng không phải! Học đường lối chính sách thì mỗi tối vào giờ học chính trị đã có loa phát thanh lo hết rồi. Còn đây là chuyện nội bộ của trại giam K4. Ông Đại dặn dò với vẻ hăm dọa: “Học thuộc lòng, không được lộn trước lộn sau. Từ nay về sau, bất cứ lúc nào chúng tôi hỏi đến thì các anh phải trả lời vanh vách theo bài học, không được thiếu một chữ, không được sai một con số! Anh nào không thuộc sẽ bị biệt giam kỷ luật, bỏ đói một tuần!” Bài học gì mà quan trọng dữ vậy! Đám tù xầm xì to nhỏ. Và được ông Đại giải thích ngay: “Đây là bài học về chính sách lao động và tiêu chuẩn ăn mặc của cải tạo viên trại tập trung lao động cải tạo K4.” Ông Đại thuộc loại có học, có biết chữ, nên thuộc lòng và nói chuyện vanh vách, có lớp lang lắm. Xưa kia ông nhảy núi theo cách mạng rồi hối hận sao đó lại quay về thành, chiêu hồi. Sau 30-4-1975, ông trốn đi mấy lần không được, cuối cùng bị cách mạng bắt, kết hai tội: “chính trị xu hướng” (tức là tội vượt biên) và một tội dài dòng khó hiểu “phản bội cách mạng nguyên thủy” (tức là chiêu hồi). Ở tù lâu lại am hiểu đường lối và cách làm việc của trại giam, ông được cất nhắc làm cai tù. Ông Đại bắt đầu đọc từng câu, từng chi tiết cho chúng tôi. Ông đọc câu nào chúng tôi đồng loạt nhắc lại câu đó. Cứ như vậy, từ câu đầu đến câu cuối. Đọc qua một lần rồi đọc lại, đọc tới, đọc lui, cho đến khi nào thuộc. Đó là phòng giam chúng tôi. Các phòng giam khác cũng vậy, mỗi phòng có một cai tù cầm giấy ghi bài học, hướng dẫn học thuộc lòng, “để lỡ như có ai đến hỏi thì biết đường trả lời.” Trước khi nói rõ nội dung bài học đó như thế nào, tưởng cũng nên nhắc lại ở đây chính sách lao động và tiêu chuẩn ăn mặc thực sự của tù nhân chúng tôi ra sao cái đã: - Mỗi ngày làm việc 12 giờ đồng hồ (nếu có làm thêm giờ phụ trội thì là 14 giờ); - Mỗi tuần làm việc sáu ngày (nếu bị cưỡng bức làm thêm ngày chủ nhật thì là 7 ngày một tuần); - Mỗi ngày ba bữa cơm: điểm tâm một chén, trưa một chén rưỡi, chiều một chén rưỡi, vị chi 4 chén cơm sét (tức là chén cơm gạt bằng, không vun lên—theo một anh bạn đã từng buôn gạo cho biết 4 chén cơm sét bằng một lon gạo vun; 4 lon vun thì bằng một ký, vậy cứ 4 ngày thì được một kí, 30 ngày thì được 7 kí rưỡi, cứ tính rộng rãi bao dung một chút là 8 kí hay 10 kí gạo mỗi đầu người—trong khi nhu cầu trung bình của một người bình thường ở ngoài thì phải từ 20 đến 30 kí lô/ tháng); - Hoàn toàn không có thức ăn, suốt từ năm này đến năm kia; chỉ có nước muối pha màu giả làm nước mắm mà thôi (vào dịp lễ tết thì trại làm thịt hai con heo nái để chia cho hơn 1500 người, vị chi mỗi người được một miếng thịt heo bằng ngón chân cái); tù nhân nào không được gia đình thăm nuôi chì chắc chắn là bị lao lực, thiếu dinh dưỡng, kiệt sức dần mòn mà chết (nhiều người đã chết trong trại với da bọc xương); - Trại hoàn toàn không phát áo quần cho tù nhân. Áo quần đồng phục màu lam sẫm của trại may rất giới hạn, chỉ dành cho các cai tù và các tù nhân đi lao động gần khu vực của cán bộ trại hoặc gần quốc lộ. Tù nhân nào không có gia đình gởi áo quần vào thì chỉ một thời gian lao động sẽ trở thành người ăn lông ở lỗ, tìm vải rách hay bao cát may quấn quanh hạ bộ; nếu quần rách mà áo hãy còn thì chịu cởi trần, lấy áo làm quần để khỏi bị cai tù đánh đập vì tội cởi truồng trước mặt mọi người. - Áo quần và thực phẩm là những thứ quan trọng cấp thiết, còn không được cấp phát đầy đủ thì không làm gì có chuyện cung cấp mùng màn, mền gối, đồ dùng cá nhân v.v… Nhiều tù nhân bị kẻ khác ăn cắp ca hay muỗng đã lấy áo để lãnh cơm rồi bốc ăn bằng tay. Trời lạnh muỗi mòng, tù nhân đành nằm run trong cùm mà ngủ. Đó là đời sống thực tế. Và đây, chúng tôi phải học thuộc lòng và đọc to như trẻ em mẫu giáo học vần, bài học về các tiêu chuẩn lao động và ăn mặc của những tù nhân no đủ sung sướng nhất thế giới: - Mỗi ngày lao động 6 giờ đồng hồ, một tuần năm ngày, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật; - Mỗi tháng, cải tạo viên được hưởng 20 kí gạo, 5 kí rau tươi, 2 kí thịt heo, 2 kí thịt bò, 2 kí cá, 2 kí thịt gà, 2 kí thịt thỏ (trại tù các nước tư bản chắc chắn là không có loại thịt đặc biệt này vì chỉ có trại K4 là có trại nuôi thỏ để bán), 2 lon sữa hộp, 2 kí trái cây, 1 kí đường, 1 kí kẹo bánh… - Mỗi tháng, cải tạo viên được phát 1 bàn chải đánh răng, 1 ống kem đánh răng, 1 thỏi xà phòng tắm, 1 kí xà phòng giặt, 1 khăn lau mặt, 1 khăn tắm, 1 khăn hỉ mũi (không phải khăn tay đâu nghe!), 1 đôi găng tay, 1 cái mũ, 1 quần lót và 1 bộ đồ lao động. - Mỗi năm, cải tạo viên được phát 1 cái mùng, 1 cái mền, 1 cái gối, 1 cái chiếu, 1 đôi dép mang trong phòng, 1 đôi giày lao động. Vậy đó, bài học đã được ban biên soạn nào đó sắp xếp thứ tự và cho những con số rất dễ nhớ. “Mỗi ngày” trước rồi đến “mỗi tháng,” rồi đến “mỗi năm.” 20 kí rồi đến 5 kí, rồi đến 2 kí, 2 kí rồi đến 1 kí và 1 cái… Bài học thuộc lòng được đọc lên rang rảng suốt ngày chủ nhật hôm đó. Những ngày kế tiếp, cứ vào buổi tối là có cai tù nhắc nhở đọc lại, đọc tới đọc lui những lời cầu nguyện linh thiêng hướng về Bác và Đảng.
Ó
Chuyện nơi trại cải tạo kể ra thì có vẻ thứ lớp, đơn giản, có đầu có đuôi, dễ hiểu, êm đềm, vui… Nhưng kỳ thực, cuộc sống nơi đây trôi đi một cách tàn nhẫn, khốc liệt, cơ hồ như một cơn trốt khổng lồ xoáy tít qua đồng hoang, nhấc bổng những cát bụi mà tung lên thinh không. Chúng tôi là những hạt bụi nhỏ li ti không giò không cẳng, không chỗ bám víu, không phương tự vệ, bị thổi thốc lên, quay cuồng theo vũ điệu của bão lốc. Nơi đây có tiếng kẻng báo giờ, có những đêm đen lặng câm hoặc sấm dội ì ầm chuyển rung nền trời đậm đặc và những bình minh sương mù sa ướt tóc; có những buổi trưa nắng đổ hừng hực trên vai và những chiều mưa dầm dề tranh thủ làm nốt công việc trong ngày… Tất cả những thứ ấy là thời khóa, là thời điểm, là chặng mốc để cai tù căn cứ mà đẩy xô hoặc lôi kéo chúng tôi vào ra những cơn giông bão tàn bạo. Chúng tôi không còn ý thức được thời gian là gì. Chúng tôi không có thời gian. Chúng tôi mất hết, mất hết mọi thứ, ngay cả niềm hoài vọng về một tương lai sáng sủa hơn hay nỗi khát khao được tự do, cởi trói vào một ngày đẹp trời nào đó. Trước mắt chúng tôi chỉ có đá lớn, đá nhỏ, búa, lưỡi đục, cuốc xẻng, cỏ, lúa, roi vọt, cơm, nước muối, nước uống, hồ cá, sình lầy, ghẻ, phân, máu… Chúng tôi luôn luôn gắng sức để làm cho kịp chỉ tiêu công việc mà ban quản trại đề ra trong ngày hay trong tuần, trong tháng. Mệt mỏi cũng gắng sức, bệnh hoạn cũng gắng sức, gắng sức cho đến khi nào ngã quị. Đôi khi nước mắt và mồ hôi chúng tôi khô nhanh dưới trời nắng hạ, hoặc rơi theo dòng nước mưa vô tình chảy phăng dưới đôi chân đeo cùm. Đôi khi tôi thấy mình bé nhỏ, vụng dại, bất lực, hèn kém như một con kiến mọn. Con kiến thèm ngọt. Con kiến thèm được ăn uống thỏa thích trái cây trên Phật điện. Con kiến thèm được chạy rông. Con kiến muốn được làm chú tiểu ngồi học kinh ê a. Con kiến thèm được ngủ vùi trong tủ thờ. Con kiến muốn được đạp xe dọc bờ biển Nha Trang vi vu dừa chen bóng. Con kiến muốn được đứng trên đỉnh đồi Trại Thủy nhìn cánh chim bay vút giữa mây ngàn. Con kiếm thèm được vuốt tóc ai mơ màng dáng kiều nga. Con kiến thèm ôm lấy Như Như yểu điệu mắt đa tình. Con kiến nuối tiếc một đêm giữa trời ru giấc ngủ liêu trai Mộng Huyền. Con kiến nhớ bạn bè những buổi lang thang tìm chỗ ngủ đêm, sớm mai thức dậy ôm đàn ca, buồn ơi giấc mộng giang hồ… Con kiến nhớ cha, con kiến nhớ mẹ. Con kiến muốn khóc. Con kiến không khóc được. Nước mắt con kiến đã khô. Con kiến chỉ còn tiếng nấc, tiếng nấc đau nghẹn trong lòng. Nửa khuya vùng dậy sực nhớ chân mình còn treo trên cùm sắt. Con kiến muốn thét to giữa đêm trường. Rơi nước mắt đi, rơi nước mắt đi, cho vơi nỗi buồn. Vậy mà nước mắt không rơi, cứ ḥa theo dòng máu nóng, chảy ngược vào trong tim… Ngày tháng cứ thế mà trôi. Tưởng chừng đã vài chục năm, nào ngờ chỉ mới non một tháng kể từ khi tôi nhập trại này. Ở trại tạm giam B5 ăn không ngồi rồi, suốt ngày chuyện trò, giải trí với bạn đồng tù, tôi thấy thời giờ trôi qua thật nhanh. Bây giờ vào K4, thời gian ngưng đọng lại, cơ hồ không trôi nữa. Tôi thực sự là không nhớ ngày tháng trong suốt thời gian nằm trong phòng giam và đi lao động. Mãi đến khi vào bệnh xá, nhìn thấy cuốn lịch treo trên tường, tôi mới sực biết rằng tôi chỉ mới ở K4 hai mươi lăm ngày. Ông già y tá người Huế, tên là Nguyên, trông hiền từ, nhân hậu. Một số tù nhân gọi ông là bác sĩ, nhưng có lẽ ông chỉ là một y tá xoàng, vì ông chỉ biết chữa trị sơ sơ các bệnh thông thường bằng cách chích thuốc và cho thuốc uống. Thuốc uống của bệnh xá thì chủ yếu là các lọ thuốc dân tộc mà viên nào viên nấy to bự, bề thế và nhám xàm như mấy viên mực bán cho học sinh nghèo tiểu học, nuốt vào không khéo là bị nghẹn hoặc trầy cả cuống họng. Loại thuốc này có ghi cách dùng ở bên ngoài lọ thuốc, ai cũng có thể phát cho bệnh nhân được. Ông Nguyên cùng một anh thư ký cao dong dỏng xách cái thùng gỗ đựng đủ loại thuốc dân tộc (thuốc Nam) và một số lọ thuốc Tây thông thường, bước vào phòng 2 chúng tôi. Lâu nay ông Nguyên vẫn thường vào thăm bệnh mỗi tối, nhưng tôi mệt quá nằm ngủ hoặc vì không bệnh nên tôi chẳng để ý gì ông cho lắm. Đêm nay tự dưng tôi cảm thấy bồi hồi nhớ nhà thì nhằm lúc ông bước vào phòng. Thấy ông, tôi giật mình, như thể được gặp lại ba tôi vậy. Ông thấp người hơn ba tôi, nhưng khuôn mặt có nét gì hao hao, có lẽ là ở đôi mắt buồn, an phận và miệng cười hé cái răng vàng bên khóe trái vừa đôn hậu vừa có duyên. Ông vừa bước ngang từng người vừa cất tiếng hỏi bằng cái giọng Huế giả không-Huế quen thuộc mà ba tôi thường dùng để nói chuyện với những người Nha Trang, những người không nghe quen tiếng Huế: “Có ai khai bệnh gì không?” Một vài người khai bệnh, ông khám sơ rồi lấy thuốc đưa họ uống. Bệnh nhẹ như cảm, cúm, đau bụng… vẫn còn lao động được nên không ghi vào sổ bệnh—đó là chỉ thị về việc cho nghỉ bệnh của ban quản trại và cai tù đưa ra mà ban y tế phải theo. Đến ngang chỗ tôi, thấy tôi chỉ ngước nhìn mà chẳng nói năng chi, ông dừng lại nhìn sâu vào mắt tôi. Có lẽ ông đọc thấy nỗi u uẩn buồn đau nào đó trong tôi và điều này dường như đã khiến ông rung động, đưa một bàn tay lên sờ lên trán tôi, nói nhỏ: “Có đau chi không con? Ôi trời, nóng quá, nóng quá! Bị sốt phải không? Tội nghiệp chưa, mệt trong người lắm hở? Ngày mai lên bệnh xá dưỡng nghe chưa.” Thực ra tôi không thấy nóng sốt gì cả nên ấp úng chẳng biết trả lời sao. Nhưng cử chỉ và lời thăm hỏi của ông ngay lúc ấy quả thực là liều thuốc êm dịu trong lành mà tôi đón nhận được từ khi vào tù. Nó đến với tôi đúng vào lúc tôi đang nhớ nghĩ đến người cha già của tôi ở nhà. Ông gọi mấy anh tù kia trông trổng, có khi gọi là “mầy” xưng “tao,” vậy mà ông sử dụng tiếng “con” để gọi tôi, thật ngọt ngào và tình cảm. (Cái ngôn ngữ gia đ́nh thân mật đó hình như không mấy thích hợp để sử dụng trong trại giam này. Ở đây, người ta chỉ xưng hô lạnh lùng, cộc lốc, không cần lịch sự hay lễ phép gì cả. Mười chín tuổi như cai tù Lộc cũng gọi cỡ ông Nguyên bằng mày, xưng tao). Có thể ông dùng ngôn ngữ đó để nói với tôi vì ông cảm nhận được rằng có một thứ tình cảm gia đình, hay tình cảm thiêng liêng lạ lùng nào đó hãy còn nguyên vẹn đầy ắp trong tôi, chưa bị hoặc không bị biến mất trong cơn xoáy khủng khiếp điên cuồng của trại tù. Tôi đang cố gắng tìm một lời nào đó để nói mà chưa nói được thì ông cứ một mực nói rằng tôi đã bị sốt và bảo anh thư ký (tên là Tính) ghi tên tôi vào sổ bệnh. Sau đó ông đưa tôi vài viên thuốc Aspirin, bảo uống trước mặt ông hai viên, sáng sớm dậy uống hai viên rồi ra xếp hàng ở sân trại chờ cai tù kêu tên cho vào bệnh xá dưỡng bệnh.
Ó
Bệnh xá nằm phía bên trái của văn phòng khu C, chiếm một diện tích bằng bốn phòng giam nhập lại. Một góc tám của diện tích này được ngăn để làm phòng cách ly dành cho những người bị bệnh lao (có lối đi riêng ở phía ngoài). Bảy phần còn lại được chia làm ba gian: gian trước là văn phòng bệnh xá gồm hai cái bàn trực đặt ở giữa, hai bên là hai dãy giường bệnh có thể dung chứa được từ 12 đến 14 bệnh nhân; từ hai bên bàn trực của bệnh xá trổ hai lối đi, một lối dẫn xuống dãy phòng bệnh có diện tích bằng một phòng giam bình thường, chứa khoảng 30 người trên một sạp gỗ dài, một lối khác dẫn xuống một phòng bệnh tối tăm chứa được khoảng 6 bệnh nhân (cái phòng tối tăm này nguyên là một nửa của phòng cách ly được ngăn ra bởi một vách ván, vì vậy mà thiếu ánh sáng). Tất cả bệnh nhân đang nằm điều trị ở bệnh xá đều bị cùm một chân vào thanh sắt dài xỏ xuyên qua vách và có khóa bên ngoài y hệt các tù nhân khoẻ mạnh ở các phòng giam khác. Ban y tế trực bệnh xá có ba “y sĩ” gồm hai Tây y và một Đông y—và cả ba cùng là “Nam y” vì đều biết sử dụng thuốc dân tộc (thuốc Nam) để bù đắp vào sự khan hiếm và đắt đỏ của thuốc Tây và thuốc Bắc… Ngoài ra còn có hai thư ký trông coi sổ sách và hai anh nuôi chịu trách nhiệm đi nhận thực phẩm về phân phát cho toàn bệnh xá. Ba vị y sĩ không phải là bệnh nhân, còn ngoài ra, từ thư ký đến anh nuôi đều là bệnh nhân được tuyển dụng để phục vụ tại bệnh xá. Tây y có ông Trợ và ông Nguyên, cả hai bị bắt vì tội vượt biên. Đông y là ông Mậu, bị bắt vì tội hoạt động chính trị chống lại Nhà nước. Ba vị này đều xấp xỉ sáu mươi tuổi. Trưởng bệnh xá là ông Trợ. Ông Nguyên và ông Mậu chỉ là phụ tá. Thư ký thì có ông Cảnh và Tính (anh chàng xách thuốc theo ông Nguyên thăm bệnh hôm qua). Ông Cảnh là cán bộ Nhà nước, trước làm việc trong Uỷ Ban Nhân Dân xã Long Phước, cùng một xã với ngôi chùa Long Quang do tôi trụ trì trước đây thuộc huyện Long Thành. Ông Cảnh bị bắt vì tội đồng lơa với công an du kích trong xã tổ chức bán bãi vượt biên theo đường dây của giám đốc công an tỉnh Đồng Nai (vụ này bị đổ bể vài năm trước khi tôi vào tù). Tính là công nhân viên ở Biên Ḥa, ăn cắp hàng trong kho vật tư của cơ quan Nhà nước. Hai anh nuôi ở bệnh xá đều là dân nghiện xì ke ma túy bị bắt vào trại cải tạo. Tôi bước vào bệnh xá thì ông Nguyên nhớ mặt ngay, bảo tôi ngồi xếp hàng chờ được khám bệnh cho thuốc. Đến lượt tôi vào khám, ông Nguyên đứng một bên nói nhỏ một câu gì đó. Ông Trợ ngẩng đầu nhìn tôi một lúc rồi gật đầu gọi tôi đến khám. Bắt mạch rồi đặt ống nghe bệnh, ông ghi xuống sổ là tôi bị sốt và có dấu hiệu hở van tim. Ông sắp đặt tôi nằm ở dãy giường bệnh gần đó, thuộc gian trước của bệnh xá. Từ chỗ nằm nhìn qua dãy giường đối diện, tôi bắt gặp thầy Quảng Bình đang ngồi trên một giường bệnh; thấy tôi nhìn và gật đầu chào, thầy tủm tỉm cười đáp lại nhưng có vẻ không nhớ tôi là ai. Thực ra nếu không có Thiện Hiền nói trước, có lẽ tôi cũng không thể nào nhận ra thầy, vì tôi và thầy chỉ gặp nhau một hai lần ở Phật học viện Hải Đức Nha Trang trước năm 1975. Thầy bị biệt giam thế nào đó mà hai chân bị liệt phải nằm điều dưỡng ở bệnh xá một thời gian. Khi tôi vào bệnh xá th́ thầy đă chuẩn bị rời bệnh xá để về pḥng giam lao động, tôi chỉ đến hỏi thăm thầy được một vài câu rồi từ đó chia tay, không có cơ hội nào để tṛ chuyện nữa. Sau này thỉnh thoảng tôi và thầy có gặp nhau hoặc nh́n thấy nhau và chỉ chào nhau bằng nụ cười. H́nh như chân thầy hăy c̣n yếu, c̣n bước chuệnh choạng nhưng nụ cười của thầy là một nụ cười rất lạ, không thể t́m thấy trong rừng người cải tạo: vừa an lạc, vừa nhẫn nhục, vừa hàm cái vẻ thách thức diễu cợt khổ đau. Tôi thầm cám ơn nụ cười ấy làm phấn khích ư chí phấn đấu và kham nhẫn của tôi trước nghịch cảnh và khổ nạn Nằm ở bệnh xá vài ngày, tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân với nhiều căn bệnh rất lạ mà tôi chưa hề bắt gặp lúc c̣n ở ngoài xă hội. Nh́n lại ḿnh, tôi thấy ḿnh hăy c̣n may mắn lắm. Tôi có bệnh hoạn ǵ đâu, tôi thấy trong người rất khỏe, v́ vậy, tôi thưa với ban y tế cho tôi trở về pḥng giam để nhường chỗ cho những người bệnh nặng hơn. Ông Trợ nghe tôi nói vậy th́ cũng hơi lạ, ông nói: “Anh bị bệnh tim, thật đó. Nghỉ dưỡng được lúc nào hay lúc đó, vậy tốt hơn. Cái bệnh của anh, trông mặt ngoài thì khỏe lắm, nhưng có thể chết bất đắc kỳ tử chứ chẳng phải chơi đâu! Tôi nói thật đó.” “Vậy sao? Nhưng … tạm thời bác sĩ cứ cho tôi về phòng giam đi lao động, khi nào có bệnh nặng, tôi xin bác sĩ cho được nằm nghỉ dưỡng.” “Cái đó tùy anh, tôi không ép”, ông nhỏ giọng xuống. “Ai cũng muốn vào nằm bệnh xá, dù bệnh hay không bệnh. Anh đâu phải là dân lao động ở ngoài trời, hay là cứ nằm đây một thời gian, chúng tôi có việc cho anh làm trong bệnh xá?” “Dạ… vậy thì tốt quá, nhưng… chuyện đó để tính sau. Hiện giờ tôi thấy trong người rất khỏe, không có lý do…” “Thôi được, anh thấy áy náy thì anh cứ về, nhưng nhớ nghe, chúng tôi sẵn sàng dành chỗ cho anh ở đây. Anh có bệnh trong người đó, tin tôi đi.” Trở về phòng giam vào buổi chiều sau giờ lao động, tôi ngồi trong cùm suy nghĩ về lời ông Trợ. Hình như cả ông Nguyên và ông Trợ đều dành cho tôi một tình cảm và sự ưu đãi đặc biệt nào đó. Không biết họ đoán biết tôi là tu sĩ? Khi tôi khai vào sổ bệnh, họ chỉ biết tên thật của tôi thôi. Có lẽ có tin đồn về tôi từ lúc nhóm tù chính trị ở B5 chuyển đến mà tôi không biết? Trước khi nhắm mắt ngủ, với nghi vấn về ban y tế còn lẩn quẩn trong đầu, tự dưng tôi lại thêm một lần nữa, chợt nhận ra rằng hình như ở nơi chốn và hoàn cảnh nào cũng có một thứ may mắn bất ngờ cho tôi. Không biết cái may mắn nẩy ra từ bệnh xá này sẽ đưa dẫn thân phận tôi đến đâu, nhưng tôi linh cảm là có một cái gì đang chờ đợi tôi ở hướng ấy.
|
oOo