TẠP GHI

Trang chínhThơ  |  Văn  |  Tác phẩm  |  Ðọc thơ  Nhạc chọn lọc  |  Trang Phật giáo  |  Liên lạc

horizontal rule

 

 

 

CON DẾ

 

 

Nơi góc tủ lạnh có một con dế. Không biết mỗi ngày đêm nó gáy bao nhiêu lần. Tiếng động cơ của nhiều loại máy móc đã khuất lấp tiếng gáy nhỏ bé của nó. Chỉ đến khi thợ thuyền nghỉ trưa, máy móc ngưng chạy, mới nghe được tiếng của nó, cất lên, cất lên, thật to, nhưng lạc lõng, và buồn buồn thế nào ấy... 

 

Ôi, tiếng dế, nghe qua thì quen thuộc như bao tiếng dế đã từng nghe trong quá khứ, ở quê nhà... Những ngày còn thơ, vào đầu mùa hè, cùng bạn học hoặc bạn hàng xóm, rủ nhau đi bắt dế... cứ theo tiếng gáy mà tìm đến nơi. Chú tâm tìm bắt những con dế, tai mình lúc ấy có vẻ như chẳng nghe tiếng động cơ của xe cộ qua đường, không nghe tiếng của hàng quán xôn xao, người người nói cười. Chỉ có tiếng dế, gáy vang, ở khắp nơi, mọi xó xỉnh, từ vườn hoa, góc chợ, từ phố xá đến khu ven đô, từ đô thị đến những đồng lúa hay những đồng hoang tiêu điều... Người lớn dường như không để ý làm gì tiếng dế gáy. Họ có những bận tâm của họ trong ngày, với cuộc sống. Chỉ có những thằng nhóc tì ham bắt dế, đá dế, hoặc một gã thi sĩ, văn sĩ nào đó, hoài niệm tuổi thơ, hơi thất thường, hoặc thất tình, mới nghe được tiếng dế, thỉnh thoảng cất lên giữa những trưa hè... Tiếng con dế mới trưởng thành, muốn biểu hiện sự có mặt của mình trong cuộc đời. Tiếng con dế sung sức, muốn đấu đá với những kẻ sung sức khác để trắc nghiệm khả năng. Tiếng con dế hả hê đắc thắng sau một trận đấu. Tiếng con dế hục hặc trước khi quay về hang ổ. Tiếng con dế vừa thức dậy. Tiếng con dế gọi bạn. Tiếng con dế bỗng thấy buồn bã cô đơn. Tiếng con dế kêu gọi người yêu chưa thấy mặt. Tiếng con dế buổi trưa nắng gắt khi nỗi buồn chùng xuống mà lại gợi lên giấc mộng giang hồ sơn thủy. Tiếng con dế buổi chiều nắng tàn, cảm thức một cái gì sắp qua đi. Tiếng con dế ban đêm, ngại ngùng gửi vào bóng tối mịt mùng. Vẫn những âm điệu ấy, na ná giống nhau, ở mọi nơi chốn, thỉnh thoảng cất lên chứ không ra rả suốt ngày như tiếng ve sầu, nhưng nỗi sầu kéo theo thì lê thê đến một phương trời mông lung nhạt nhòa nào đó...

 

Con dế, ôi con dế kẹt trong góc tủ lạnh! Sao mi lại chui vào xó xỉnh này? Sao mi đi lạc vào đây? Lúc nào? Nhân duyên nào? Buổi sáng? Buổi trưa? Buổi chiều? Buổi tối? Buổi khuya? Cửa nẻo đóng kín như thế, làm sao có thể từ bụi bờ ngoài kia mà chui vào đây? A, cánh cửa sau này từ nhà ăn mở ra, mỗi đêm đều đóng kín, mùa lạnh thì đóng suốt ngày! Vậy phải là một trưa hè nắng gắt, chính nơi cửa sau này, thợ thuyền mở cửa cho thông gió, và mi đã tình cờ lang thang tìm bạn, hoặc tìm một đối thủ nào đó để chiến đấu, hoặc tìm người yêu không chân dung nào đó (mà có thể một đời mi gặp nhiều cô, cũng có thể suốt đời không gặp cô nào)... rồi mi theo tiếng rè rè của cái tủ lạnh, tưởng ai xì xầm tâm sự thương yêu, tưởng cô nào thiết tha mời gọi, hăm hở tiến vào góc ấy với niềm hy vọng và nỗi xao xuyến ngây thơ... Thế rồi, mi không thấy gì hết. Và cánh cửa đóng sầm lại. Và rồi tiếng chân người qua lại khiến mi không dám mạo hiểm thoát ra. Hoặc mi đã an phận, thích chọn góc xó tủ lạnh để sống nốt quãng đời còn lại với giấc mơ không thành của một gã phiêu bạt lang thang, hoặc của một gã si tình cô đơn...

 

Ôi, từ góc tủ lạnh ra đến cửa sau chẳng là bao; từ cửa sau phóng ra ngoài bờ cỏ, cũng chẳng là bao! Thế mà mi cứ ở trong đó, không biết đường ra, hoặc không chịu ra. Bờ cỏ, ụ đất, từ đây chạy dài đến cuối dãy nhà, rồi từ đó lang thang vào những gia cư có vườn hoa, bồn cỏ... bao nhiêu là thế giới mới lạ, dẫu phiêu lưu hết cả đời mi cũng không đủ thời gian nữa kia! Sao mi không chịu lên đường? Hay là... hay là... mi đã già rồi, đã mệt mỏi rồi, không còn đủ sức phiêu lưu (giang hồ và tình cảm) nữa? Ồ, có lẽ là vậy. 

...

 

Bỗng một ngày, lạc bước, tuổi trẻ chôn vùi nơi góc xó nào đó. Và cứ thế, thời gian trôi đi. Mi nằm đó, ngồi đó, đứng đó, nơi một chốn yên bình không phải là quê hương đồng hoang nội cỏ, trầm tư về thân phận mình, tuổi trẻ, sự phấn đấu, tình yêu, và tuổi già...

 

Và thỉnh thoảng, mi lại cất tiếng gáy vào những trưa hè nắng cháy. Tiếng mi, dế ơi, con dế lạc loài ơi, sao nghe buồn ở tận tủy xương này...

 

Vĩnh Hảo

(2003)

 

 

 

 

horizontal rule

 

Back Up Next