Trang chính | Thơ | Văn | Sách VH | Ðọc thơ | Nhạc chọn lọc | Trang Phật giáo
Đọc NỬA ĐỜI THAO THỨC
của nhà thơ Lưu Trọng Tưởng
(thay LỜI GIỚI THIỆU)
Thấm thoát, đã 30 năm trôi qua. Có những điều khó quên, đã được kêu gọi hãy quên; những thống khổ, mất mát và thù hận, đã được kêu gọi xóa bỏ. Nhưng những sai lầm và tội ác vẫn chưa được nhìn nhận. Rồi thì, cái mới chồng lên cái cũ, hoặc cái mới, như là biểu trưng của một thời đại hưởng thụ, đã được cố tình cổ võ để chôn lấp một giai đoạn lịch sử đen tối nhất của dân tộc.
Mọi thứ rồi sẽ trôi qua: chiến tranh và hòa bình, thắng và bại, kiêu hãnh và thù hận, hạnh phúc và khổ đau. Tất cả chỉ là những tiết điệu thăng trầm tất hữu của cuộc đời, của con người, và của một dân tộc. Ai cũng có thể hiểu được điều này. Mà đối với quần chúng, họ chỉ cảm nhận ý nghĩa đó qua kinh nghiệm khổ đau, nước mắt chứ không có khuynh hướng ghi lại bằng văn tự. Còn những người cầm bút trong nước hay ngoài nước, vì lý do này hoặc lý do khác, đặc biệt là trong một hoàn cảnh khắc nghiệt áo cơm và nỗi sợ hãi tù đày, đã không viết về bối cảnh thời đại mình một cách trung thực. Trong khi đó, những kẻ cầm nắm vận mệnh quốc gia thì luôn có được lợi thế để viết lịch sử gọi là "chính thống" (dĩ nhiên là viết theo quan điểm và tư kiến của họ). Những thủ đoạn man trá sẽ được diễn như là trí tuệ; sự tàn độc dã man sẽ được ca tụng như là đức tính cứng rắn, vô tư cần thiết; sự hận thù, tham lam và đố kỵ sẽ được vinh danh như là biểu hiện cao vời của tính 'đấu tranh giai cấp'. May thay, vẫn có những người cầm bút vô tư, không để ngòi bút của mình bị hạn chế bởi quyền lực, hoặc để được an thân. Có những người cố tình viết lại sự thật như là phản ứng chống lại sự ngụy trá của lịch sử được viết bởi người thắng thế. Nhưng cũng có những người không tự gắn cho mình trách nhiệm cao cả nào: họ chỉ sáng tác, ghi lại tâm tình và hoàn cảnh của mình đối với gia đình, xã hội, đất nước và con người. Cả một thời đại u ám tối tăm, cả một lịch sử trầm thống khổ lụy dằng dặc, có khi chỉ được phác vẽ qua một vài nét cọ hoặc đôi câu thơ. Như thế, có thể lạc quan tin rằng, mọi chế độ chính trị rồi sẽ tàn lụn theo thời gian; khi chúng sụp đổ, lịch sử ngụy trá cũng cháy thành tro bụi. Chỉ có sự thực lịch sử là còn ở lại lâu dài với đời qua những tác phẩm hoặc bút tích của những nghệ sĩ chân chính.
Một trong những người cầm bút ấy, có thể kể đến nhà thơ Lưu Trọng Tưởng qua thi phẩm "Nửa Đời Thao Thức."
Thi tập này được chia làm 9 phần: 1) Bài Mở Đầu, 2) Quê Cũ Người Xưa, 3) Mẹ Hiền, Vợ Yêu và Các Con Thương Mến, 4) Huế, Một Chút Để Thương và Rất Nhiều Để Nhớ, 5) Ta và Người, Một Chút Cảm Thông, 6) Trăng, Lý Bạch và Tôi, 7) Dưới Phố Một Mình Ta, 8) Viết Cho Ta, Dòng Tình Vẫn Trôi, và 9) Bài Cuối.
Vào đầu tập, người đọc sẽ cảm nhận thơ ông bàng bạc nỗi chua xót của thân phận đọa đày, lưu xứ. Thân phận ấy, ông không viết cho riêng ông, mà viết chung cho nhiều người khác.
Có khi là những người vượt biển vùi thây trong lòng đại dương:
Có từng đoàn xương người ,
Vẫn còn nôn nao dồn dập ,
Theo nước ngầm
Chao động mãi không thôi .
Phải chăng đây là hải trình ,
Tử lộ của thuyền nhân ?
Nơi nỗi hận chưa tan thành bọt biển !
Phải chăng đây là con đường tuyệt mệnh ,
Của những người lỡ hẹn với Tự do?
(Giọt Lệ Ngàn Năm Sau)
Rồi từ đó,
Nơi môi Em
Cả một vũng thương đau
Hình dáng đó
Sắc hương kia
Còn nguyên hình sầu não
Dấu tim son chằng chịt vết hận thù
Buổi dậy thì vỡ tan trên đầu sóng bạo!
(Đôi Môi Hoàng Hôn)
Có khi là tâm tình của những người tù lao động khổ sai, đói rách nhục nhằn, bệnh tật hoặc chết mất xác trong rừng thẳm:
Hăm chín tuổi: hai năm đi đánh giặc
Bảy năm tù cải tạo, phá núi trồng khoai
Thân xác con, khí huyết vẫn tràn đầy
Nợ cơm áo đến nay chưa trả được...
Hình ảnh cha gục đầu,
Mỗi chiều theo con về trại
Oai phong nhạt nhòa,
Theo cơn lạnh đêm mưa
Bên rào kẽm gai, con âm thầm cào đất
Mười ngón tay rướm máu, buốt tê cuồng.
(Miếng Khoai Cốt Nhục)
Có khi là chàng bộ đội và người tình lạc lõng ê chề giữa lề phố:
Trong chiếc mùng vải thô
Ta cùng em làm tình trên lề đại lộ
Mình nhìn nhau,
Mắt vàng vọt đèn buồn góc phố
Mình hôn nhau,
Môi nứt nẻ đất cằn khô
Trong chiếc mùng vải thô
Đôi ta chỉ còn là hai mảnh da khô
Vừa tàn khúc khải hoàn kinh tế mới.
(Xơ Xác)
Mỗi phận người, từ những vị trí khác nhau của mình, dàn trải tất cả nỗi băn khoăn, cay đắng và niềm thao thức khôn nguôi đối với con người và vận nước, chiến cuộc và sự hy sinh, lý tưởng và những hoài vọng, ảo vọng...
Có anh đã cùng tôi bên này trận mạc
Có anh ở bên kia chiến tuyến đối đầu
Máu chúng mình đã rơi trên cùng mảnh đất
Thịt đã khô trong hố cạn bên nhau.
Chúng ta,
Đã để lại một phần thân xác
Nay đã thành bụi cát
Trên lòng đất ấm của quê hương.
Hoa quả đầy vườn
Ruộng đồng thơm ngát...
(Cựu Chiến Binh Việt Nam)
Giữa tập, ông trải lòng đến những người thân yêu gần gũi nhất: mẹ, vợ con và những người bạn thiết. Tình cảm gia đình và bằng hữu gắn bó với quê hương, hòa quyện với những gì thơ mộng và thiêng liêng nhất của quê cha đất tổ.
Còn gì cho em?
Chỉ một trái tim nồng
Và đôi môi hạn khô lời tình tự.
Còn gì cho con?
Hai bàn tay chai đá
Với tấm thân sức lực đã hao mòn.
Còn gì cho mẹ?
Những đêm dài nhớ thương quay quắt
Chờ một ngày đoàn tụ chẳng hạn kỳ.
Còn gì cho cha?
Một nén nhang tàn
Và đôi lời nguyện ước...
(Còn Gì?)
Có những dòng tóc mây trôi
Có những đôi môi gió thổi
Có chiếc răng khểnh duyên trời
Đồng tiền in trên má lúm
Có chiếc áo dài mỏng, xinh
Mềm màu trời khuê các...
(Huề, Dáng Xưa)
Và những phần cuối tập là thế giới của riêng ông, dù không tách khỏi con người và xã hội. Nơi đây, người đọc có thể nghe được tiếng lòng sâu thẳm và thần trí mẫn tiệp nhất của ông.
Nửa đời trời bắt vong du
Hồn trơ sông núi, mong chờ cạn khô
Chiều sâu ánh mắt mơ hồ
Tiếng cười chợt xẻ hai bờ chiêm bao...
(Trời Sâu)
Một mình trong vườn nhỏ,
Ngày nồng như người yêu
Chiều buồn hơn tình phụ
Đêm lạnh cùng cô liêu.
Gối đầu lên cỏ ấm
Cơn mộng vừa tách xa
Sao trên trời càng đếm
Tuổi tác càng chất cao...
(Khắc Khoải)
Ngôn ngữ thơ dạt dào, mãnh liệt hơn; ý thơ lung linh huyền ảo và sung mãn hơn, vươn lên khỏi những hệ lụy của thực tế cuộc đời, chạm đến bờ mé kỳ ảo mông lung của nghệ thuật, và của tình yêu.
Nửa đêm sực tỉnh trên giường lạnh .
Tiếng quạ tìm nhau rợn góc vườn .
Ngỡ là trăng lạc bên trời vắng .
Ngọn đèn khuya lẻ khóc trong sương .
(Nửa Đêm Thức Giấc)
Nghĩa địa nhỏ âm u mầu trăng dại
Dòng mây che trăng thiêm thiếp u hoài
Là máu là xương hay tình yêu ủy mị
Trăng đi rồi hồn để lại cho ai?
(Vầng Trăng Hấp Hối)
Đây là những dòng thơ cực kỳ diễm lệ và cực kỳ lãng mạn.
Trăng khuya như gái lên giường muộn
Sợ động người yêu vỡ giấc tình .
Lõa lồ trăng ướt tràn con mộng .
Lỡ giấc chiêm bao, ngại trở mình .
(Trăng Muộn)
Cà phê từng giọt nhỏ
Nghe tác buồn đơn côi
Sương Thu nhòa hơi thở
Tình lạnh tràn mắt môi.
Khói cà phê lãng đãng
Dáng em tan cuối trời
Sợi nắng mềm ảm đạm
Tình em vàng trong ta...
(Ly Cà Phê Đầu Phố)
Tình yêu và nghệ thuật, cùng lúc chắp cánh để nâng cao tính dục lên vòm trời bát ngát mênh mang. Từ nơi chốn cao vời ấy, tính dục không còn là điều cấm kỵ, không còn là điều dung tục, mà chính là biểu hiện của tình yêu, của nghệ thuật.
Ta gặp Em
Tội lỗi vừa nhen
Ánh sáng tràn lan rửa sạch.
Đây là tình yêu trinh bạch
Tinh túy buổi khai thiên
Rơi vào bờ nhục thể
Đây là tình yêu chênh vênh
Trên đỉnh sóng thánh thần
Rồi tình yêu
Rồi tội lỗi...
Ta là người cứu rỗi
Cho con tim trần truồng
Trước tiên nhan sầu động.
(Giờ Thứ Hai Mươi Sáu)
Tình yêu và nghệ thuật ấy, vượt khỏi giới hạn tuổi tác, văn hóa, quốc gia...
Nét môi son thiếu nữ
Trong mắt ta vẫn nồng
Vòng lưng ong thiếu phụ
Lòng tay bừng lửa nóng.
Con tim, nào có tuổi!
Dậy thì mới bảy mươi.
(Dậy Thì)
Nhìn cô đi qua phố
Quần jean bó lửng lơ
Đong đưa con bướm nhỏ
Cali nắng mượt mà.
Đôi giày xanh gót nhẹ
Nhún nhảy. Mắt long lanh
Lòng ta dù bóng xế
Ngắm cô cũng động tình.
(Gái Xanh)
Vòng tay em mười sáu
Tim ta ngoài sáu mươi
Tóc son còn vương dấu
Ánh mắt vờn khóe môi.
Đá xưa còn hơi ấm
Bước chân qua một ngày.
Bờ xa tìm vực thẳm
Tình xa tìm chân mây.
(Vòng Tay Thượng Hải)
Ðôi khi vượt cả thời gian lẫn không gian, với sức tưởng tượng phong phú một cách cuồng ngông, lãng mạn:
Những ngày xưa Ta có là Phạm-Lãi
Cùng Tây-Thi lướt sóng dạt buồm xanh?
Có lẽ nào Ta đã là Khắc-Chung phá ải
Cứu Huyền-Trân công chúa khỏi Chiêm Thành?
Cũng có thể Ta đã là kẻ cuồng ngông Phạm-Thái
Yêu Quỳnh-Như trên sóng rượu ngang tàng
(Tiền Kiếp)
Nhưng cuối cùng, trong mọi hoàn cảnh, với ông quê hương vẫn là Việt Nam.
Xin cho nước Việt-Nam tôi còn đó
Ðể kiếp sau về trở lại làm dân.
Tôi sẽ gọi lại quê tôi
Bằng âm thanh sắc, huyền, hỏi, ngã.
Bắc Trung Nam yêu dấu. Việt Nam ơi !
(Xin lại làm Người Việt)
Tình yêu trong thơ ông, nuôi dưỡng và thăng hoa con người qua vạn nẻo nhọc nhằn của quê hương, trùm lấp ba phần tư thế kỷ chiến tranh, chết chóc, tù đày... Bao nhiêu thống khổ, oan khiên cũng được rửa sạch. Và chỉ tình yêu ấy, mới cất được tiếng nói trung thực của con người trong vạn đại. Tất cả những dối gian, ngụy trá; tất cả những hận thù, kiêu hãnh, sẽ rạp mình dưới sức nặng dị thường của tình yêu.
Bởi thế, thi nhân và tác phẩm của họ, không cần phải lên án vạch tội ai, không cần phải truy tầm những nguyên do và đầu mối của thống khổ. Tiếng thơ chỉ cất lên để vinh danh tình yêu, vinh danh sự khổ lụy như là những hạt ngọc trai trân quý của thời đại, và của đất nước. Sự thực nhờ đó mà tồn tại. Lịch sử nhờ đó mà sống mãi.
Với cảm nhận và niềm tin đơn giản như thế, xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc thi phẩm này.
California, 19 tháng 11 năm 2005.
Vĩnh Hảo